Anh ngâm nga, để mở rộng cửa lòng
Suy tư Tin Mừng Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Chay năm C 10//2019
(Lc 4: 1-13)
Sau khi chịu phép rửa, Đức Giêsu được đầy Thánh Thần, từ sông Giođan trở về. Suốt bốn mươi ngày, Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả, và khi hết thời gian đó, thì Người thấy đói. Bấy giờ, quỷ nói với Người: "Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hoá bánh đi!" Nhưng Đức Giêsu đáp lại: "Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh."
Sau đó, quỷ đem Đức Giêsu lên cao, và trong giây lát, chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ. Rồi nó nói với Người: "Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tuỳ ý. Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông." Đức Giêsu đáp lại: "Đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi."
Quỷ lại đem Đức Giêsu đến Giêrusalem và đặt Người trên nóc Đền Thờ, rồi nói với Người: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn. Lại còn chép rằng: Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá."
Bấy giờ Đức Giêsu đáp lại: "Đã có lời rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi."
Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ.
“Anh ngâm nga, để mở rộng cửa lòng,”
“Cho trăng xuân tràn trề, say chới với.”
(Dẫn từ thơ Hàn Mặc Tử)
Lời anh ngâm, chẳng là thi ca tràn trề, say chới với. Để mở rộng cửa lòng, của ai đây? Điều em học, vẫn là Lời Vàng Chúa nói ở trình thuật, để cửa lòng mở rộng đón Chúa hôm nay. Lời vàng trình thuật, là Lời Kinh Sách được thánh sử dẫn giải về việc Chúa chịu thử thách những 3 lần. Thử thách Ngài chịu nơi sa mạc 40 đêm ngày, tưởng chừng dài. Nhưng thật ra, số 40 chỉ là biểu tượng rất đặc trưng thôi. Nói đúng hơn, thử thách ấy công khai kéo dài cả một đời Ngài sinh hoạt, vì con người. Thử thách suốt một đời, vào mọi lúc, mãi đến ngày Ngài đầm mình những mồ hôi và máu trên thập giá ở Calvariô. Thử thách Ngài chịu, mang hình thức “mê - hoặc” về những gì mình sống, hoặc như một khuyến dụ hãy làm những chuyện rất “rối” mà tự bản chất chuyện ấy cũng không tệ.
Thử thách lớn Chúa chịu, là: tỏ cho mọi người biết Ngài là Đấng Mêsia. Điều không chắc, là thử thách đề ra cho Ngài, có như chọn lựa thực tiễn không? Hay, vẫn chỉ là cung cách thánh sử kể với người đọc về những gì nói thay cho Đấng Mêsia thời buổi đó và như thế, sẽ đánh bóng cả một diễn biến hoàn toàn khác việc Chúa đã đảm nhiệm.
Là Đấng Mêsia, có ba thử thách để thực hiện. Thứ nhất, tham gia cuộc chiến đấu giành quyền lực với đế quốc La Mã; tức: thử thách chính với chúng dân thời buổi đó, do quyền uy thế lực rày trải rộng khắp dân gian, loài người. Thử thách, là thách thức Đấng Mêsia thi đua với La Mã để rồi chính mình sẽ trở thành Hoàng đế, toàn thế giới.
Thử thách tiếp, là giải quyết khó khăn của người nghèo cùng những người vẫn cứ đói do đế quốc tạo ra. Thử thách này, còn là sức cám dỗ/khuyến dụ người chịu đựng phải giải quyết kinh tế, tạo cuộc sống lành mạnh cho mọi người. Và, thử thách cuối, là khuyến dụ bản thân mỗi người và mọi người hãy cứ “mũ ni che tai” với mọi chuyện; chỉ nên lo việc thiêng liêng, đọc kinh lần chuỗi để rồi Chúa sẽ giải quyết hết mọi sự từ trên xuống dưới, trong ra ngoài. Đó là “thử thách” gặp ở Tin Mừng thánh Mátthêu.
Thử thách thứ ba ở Tin Mừng Mátthêu và nơi đây là thức thách rất rõ về quyền lực. Rất rõ, là vì đế quốc La Mã ngày đó đã có đủ quyền và lực sẵn trong tay. Rất rõ, là: đế quốc La Mã từng sử dụng nó cách mạnh bạo khiến người dưới trướng bị khuynh loát đến độ khó sống và không thể sống. Thử thách, là hạ gục những người có quyền hành ở La Mã, bằng chính trò chơi họ đề ra hầu có quyền sử dụng mà dựng xây dựng cuộc sống có chất lượng cho mọi người, cả thế giới có văn hoá. Nói cách khác, đế quốc La Mã sử dụng quyền lực theo cung cách quá tệ bạc nên ta phải giành quyền và làm thay cho tốt hơn.
Người người đều muốn thế. Quyền và lực, tự bản chất không dẫn đến sử dụng cho tốt vì lợi ích của mọi người. Đức Giêsu từng từ chối coi Ngài như luật trừ, không tham ô/nhũng lạm như quyền và lực ở đời thường vẫn cứ làm. Chúa khước từ đường lối Quyền lực từng sử dụng. Ngài chỉ trích, không chỉ mỗi đế quốc La Mã đã sử dụng quyền hành rất tệ lậu mà Ngài còn chỉ trích đích danh quyền lực của trần gian. Ngài chọn tư cách không có quyền để ở với người chẳng có quyền gì, nơi thế giới.
Thử thách khác ở Tin Mừng Mátthêu, là thách thức giải quyết chuyện đói kém và người đói nghèo ở xã hội. Không còn nghi ngờ gì, là: người nghèo như thế đã có từ thời Chúa sống. Họ không đủ bánh ăn, vẫn bị bệnh tật hành hạ, lại chết sớm khi còn trẻ. Các vấn đề như thế, do Hêrôđê tạo ra. Ông từng có chương trình rất lớn quyết hoàn thành bằng dựng xây nhanh chóng, qua việc đổ thuế lên đầu thường dân có đời sống yên hàn, rất tử tế. Bởi dân chúng cứ phải đẽo đá xây dựng đền đài nên nào có được bánh ăn.
Thử thách, là thách thức tiêu diệt người chống lại Hêrôđê. Những ngưòi dám nổi lên phá vỡ các đá tảng ông lo chuyện dựng xây, để có được bánh ăn. Là thử thách, bởi ta vẫn cứ nói: thế thì sao? Phải chăng con người chỉ cần đủ bánh ăn là được? Phải chăng ta cũng muốn trở nên giống những người mà mình chống đối, và tệ hơn nữa? Chúa từ chối không coi chính Ngài là Đấng cung cấp chất liệu cho mọi người. Ngài tin rằng để được hạnh phúc cần có nhiều hơn thế nữa. Và, Ngài chọn cung cách khác để trở thành Đấng Mêsia, theo nghĩa đích thực.
Thành thử, hãy cứ xem thử thách cuối gồm những gì, ở Tin Mừng thánh Mátthêu, tức thử thách thứ ba trong ba thử thách, ta vừa bàn. Thử thách đây, không là quyền lực lấy được từ nhóm tuyển chọn. Cũng không phải là chuyện đáp ứng nhu cầu cho người bị bỏ rơi. Thế, còn chuyện linh thiêng, linh đạo, phụng vụ thì sao?
Thế thì chuyện viện cớ làm điều thiện để rồi bắt buộc và thử thách Chúa phải can thiệp giải quyết các khó khăn của thế giới, thì sao? Và, phải ngay tức khắc. Hoặc, cứ dùng đền thờ, hội đường, nhà nguyện nhà thờ Hồi giáo hoặc sống đời đạo đức rồi bắt Chúa phải chỉnh sửa mọi thứ, sao? Những người sống vào thời của Chúa như người ở Qumran và các vị theo thánh Gioan Tẩy Giả cũng đều sử dụng phương án này.
Với họ, thử thách là dám khống chế quyền lực linh thiêng của Thiên Chúa và kiểm soát cả lòng xót thương của Ngài nữa. Thử thách họ gặp, là dám thách thức coi lòng đạo linh thiêng của mình còn hơn cả Chúa. Đức Giêsu lại bảo: nếu thế thì, Chúa đâu còn là Chúa nữa. Tức: nếu Ngài làm thế, thì đâu còn là Thiên Chúa đích thực. Nên, Chúa không chọn con đường thực hiện những chuyện đạo đức thêm vào niềm tin mà Ngài lại chọn đồng hành với Thiên Chúa đích thực, theo cung cách của Thiên Chúa-là Cha, chứ không theo ý riêng của Ngài. Chính đó là chọn lựa cũng rất khác.
Không hạ gục đối phương trong trò chơi quyền lực. Không đáp ứng mọi nhu cầu trong hỗ trợ trò chơi. Không tìm lợi nơi Thiên Chúa trong trò chơi đạo đức, thánh thiện. Như vậy là gì?
Là, sống trong tình trạng không quyền bính. Sống hạn chế với những gì là căn bản để sống và sống có tương quan mật thiết với nhau… chỉ mỗi thế mà thôi. Thế nhưng, phải bao gồm hết mọi người, để không ai bị bỏ rơi hết, kể cả Thiên Chúa, để Thiên Chúa cũng ở trong nhóm/hội của mình. Sống như thế, tức có mang theo niềm hy vọng. Có cả tình thương yêu con người cùng với nhau, những người vẫn có tất cả mọi khó khăn, nhưng vẫn có thể giải quyết xuyên suốt. Đó mới là đường lối Chúa thực hiện.
Chúa không bị thử thách bởi đường lối nào khác. Ngài nhìn thấu tất cả, ngang qua cuộc sống của Ngài, nên Ngài vẫn trở về với các điều căn bản ấy. Những điều ấy là những gì Chúa từng sống và từng làm. Thật sự thì đó là lý do tại sao người nghèo đã quay lưng chống lại Ngài. Tại sao đế quốc La Mã lại tìm cách giết hại Ngài. Và, cũng là lý do Thiên-Chúa-là-Cha đã có thể can thiệp để đáp lại lời cầu nhưng lại chưa từng nghe Ngài cầu nguyện.
Trình thuật hôm nay lại cũng mang đến cho Hội thánh một thông điệp. Thông điệp ở đây, là: Hội thánh lâu nay vẫn cứ ganh đua với việc trần tục hoá nên cứ tìm cách lấy lại quyền hành về chính trị mình để mất và muốn có lại ảnh hưởng trên dân chúng.
Thường thì, Hội thánh vẫn cứ bon chen với các Hiệp hội trợ giúp. Cứ muốn chúng dân kính tôn mình vì mình từng ban phát bố thí tiền bạc cho nhiều người. Hội thánh còn tìm đường thiêng liêng linh đạo rồi bắt Chúa phải đồng hành men theo con đường mình đang đi. Thật sự, thì Hội thánh đang gặp thử thách giống như Đức Giêsu vào thời trước.
Chúng ta cũng thế. Ta vẫn muốn trở thành những người tốt lành giải quyết được tất cả mọi sự và lôi kéo Chúa về phe để Ngài thực hiện những gì mình muốn Ngài làm. Cũng dễ cho ta để vứt bỏ những thử thách ấy. Có những lúc, ta biết mình chỉ là những con người bé nhỏ. Biết rằng mình vẫn phải sống với những khó khăn mình gặp mà không thể phế bỏ chúng. Và, ta cũng biết mình không là nhà tư vấn của Chúa. Còn gì tuyệt vời bằng ta đã nhận ra được chuyện ấy. Bởi, tuyệt vời một điểm là ta đã có Đức Giêsu và Thiên Chúa đích thực.
Ta vẫn thuộc về quần chúng không tên tuổi, nhưng được Chúa đoái hoài, thương yêu. Ta được Chúa phú ban cho những gì để nhờ đó có thể sống hùng, sống mạnh và sống tốt lành. Dù, những thứ ấy không là cơm, là bánh. Ta được dạy bảo: hãy cứ để Chúa sống đích thực là Thiên Chúa. Rồi ra, ta sẽ khám phá ra rằng ta vẫn được Chúa thương yêu.
Hãy cứ cảm tạ Chúa vì Đức Giêsu đã lướt thắng các thử thách Ngài từng gặp. Hãy cứ nguyện cầu cho Hội thánh cũng được như thế. Và, hãy nguyện chúc cho nhau điều may mắn/tốt đẹp để mình có thể lướt thắng được chính mình. Nguyện chúc rồi, ta cứ hiên ngang bước vào mùa Chay, cũng rất thánh.
Trong nguyện cầu như thế, ta lại sẽ ngâm nga câu thơ còn bỏ dở ở trên rằng:
“Anh ngâm nga để mở rộng cửa lòng,
Cho trăng xuân tràn trề say chới với.
Cho nắng hường vấn vương muôn ngàn sợi;
Cho em buồn trời đất ứa sương khuya.”
(Hàn Mặc Tử - Trường Tương Tư)
Trời đất ứa sương khuya, nhưng đừng buồn. Bởi, Chúa cũng từng gặp thử thách như thế giống mọi người. Và, Ngài lướt thắng tất cả, để mọi người sẽ thắng lướt như Ngài. Và khi đó, “nắng vườn (sẽ) vấn vương muôn ngàn sợi”, rất chới với, nhưng vẫn “mở rộng cửa lòng”. Cho Chúa. Cho mọi người.
Lm Kevin O’Shea, CSsR
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: