Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Lời Phục Sinh

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

LỜI PHỤC SINH (CN PHỤC SINH)

 

Hồi còn nhỏ ở quê (Bắc Ninh), khi đọc kinh cầu nguyện hoặc trao đổi với nhau, chúng tôi thường nói: Đức Chúa Trời hoặc Đức Chúa Giời. Lớn lên, có dịp xuống Bùi Chu, Phát Diệm, nghe thấy Giáo dân đọc kinh cầu nguyện lại đọc là Đức Chúa Lời. Thắc mắc nhưng không dám hỏi ai. Về nhà tra từ điển (Từ điển Paulus Huỳnh Tịnh Của: “ĐẠI NAM QUỐC ÂM TỰ VỊ”), thấy có giải thích chữ “Blời”: Lời nói. Lại càng thắc mắc: “Chẳng lẽ lại hiểu là Đức Chúa của Lời nói hay sao?”. Về sau có dịp đi giảng huấn trong Dòng Đa Minh, suy niệm Lời Chúa mới thấy gọi là Đức Chúa Lời mới thật sự chinh xác. Ấy cũng bởi vì Ngôi Hai Thiên Chúa khi nhập thể đã được tuyên xưng là Ngôi Lời giáng trần. Xin dẫn chứng bằng Sứ điệp Phục Sinh 2018 sau đây:

 

Trong Sứ điệp Phục Sinh “Urbi et Orbi” 2018, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô viết: “Lời mà các phụ nữ đã nghe ở mộ cũng được gửi đến cho chúng ta: “Sao các bà lại tìm người sống nơi người chết? Người không có ở đây, Người đã sống lại rồi.” (Lc 24, 5-6). Cái chết, nỗi cô đơn và sợ hãi không phải là tiếng nói cuối cùng. Có một lời vượt trên những điều ấy, lời mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể nói lên: đó là Lời Phục Sinh (x. Gio-an Phao-lô II – “Huấn từ kết thúc Chặng đàng Thánh giá” – 18/4/2003). Nhờ quyền năng của tình yêu Thiên Chúa, lời ấy “xua đuổi điều xấu xa, rửa sạch lỗi lầm, trả lại sự trong trắng cho người có tội và niềm vui cho người sầu khổ, phá tan hận thù, mang lại hoà thuận và khuất phục kẻ quyền uy” (Lời công bố Phục sinh).”

 

Bài Tin Mừng hôm nay (Lc 24, 1-12) trình thuật về hiện tượng Phục Sinh. Các bà (bà Ma-ri-a Mác-đa-la, bà Gio-an-na, bà Ma-ri-a, mẹ ông Gia-cô-bê và các bà khác) đi ra mộ thấy tảng đá chắn cửa mộ đã lăn ra một bên, vào trong mộ thì không thấy xác Đức Giê-su. Các bà lo lắng hoảng sợ thì Thiên thần hiện ra và báo cho các bà biết Đức Giê-su đã sống lại. Nhưng khi về thuật lại cho các Tông đồ nghe thì các ông không tin. 2 môn đệ là Phê-rô cùng với “người được Chúa yêu” (Gio-an) chạy vội ra mộ thì thấy đúng như lời các bà đã nói. Tông đồ Phê-rô thì “rất đỗi ngạc nhiên về sự việc đã xảy ra” (Lc 24, 12), còn thánh Gio-an thì “Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20, 8). Trước những hiện tượng và dấu chỉ ngày Chúa Phục Sinh, có ba nhân vật nổi bật với ba nhãn quan khác nhau, đó là: bà Ma-ri-a Mac-đa-la, ông Phê-rô và “người môn đệ Chúa yêu”.

 

Bà Ma-ri-a Mac-đa-la thì cứ đinh ninh xác Chúa đã bị người ta đánh cắp nên hoảng sợ, ngay tức thì bà được thiên thần trấn an: "Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết? Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi. Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Ga-li-lê, là Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại." (Lc 24,  5-7). Sau đó, Chúa đã hiện ra với bà Maria Mac-đa-la (“sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giê-su hiện ra trước tiên với bà Maria Mac-đa-la, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ.” – Mc 16, 9). Khi từ mộ trở về, Maria Mac-đa-la hết hoảng sợ vì đã tin, liền cùng với các bà khác kể cho Nhóm Mười Một và mọi người khác biết tất cả những sự việc ấy, “Nhưng các ông cho là chuyện vớ vẩn, nên chẳng tin” (Lc 24, 11).

 

Con người bộc trực Phê-rô thì vẫn với nhãn quan bán tín bán nghi (nửa tin nửa ngờ), liền cùng với “người môn đệ được Chúa yêu” chạy đến mộ xem sự việc ra sao. Ông đã thấy đúng như lời các bà đã nói (tảng đá lấp cửa mộ đã lăn ra một bên, ngôi mộ trống trơn, không thấy xác Đức Giê-su đâu, các băng vải và khăn che đầu của Chúa được xếp gọn gàng), nên “rất đỗi ngạc nhiên về sự việc đã xảy ra”. Rất đỗi ngạc nhiên thì chứng tỏ ông vẫn chưa tin, cũng chẳng hơn gì những kẻ “cho là chuỵên vớ vẩn, nên chẳng tin”. Thậm chí, đến lúc Đức Giê-su hiện ra với các ông và chúc “bình an cho anh em” thì các ông lại "kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma” (Lc 24, 37).

 

Với trường hợp Ma-ri-a Mac-đa-la thì có thể hiểu được, vì bà không ở liền bên với Đức Giê-su như các môn đệ thân tín của Người. Vả lại, với lòng kính mến thương yêu Người đã chữa lành cho bà căn bệnh bị quỷ ám, bà và các bà khác khi không thấy xác Đức Giê-su thì chỉ nghĩ là người ta đã đánh cắp, và đến khi được thiên thần báo cho biết Người đã sống lại, nhất là khi được Người hiện ra với các bà thì các bà đã yên tâm và mừng rỡ tin rằng đó là chuỵên hiển nhiên. Nhưng đến như Phê-rô và các môn đệ khác ở liền bên, ăn cùng mâm, ngồi chung chỗ, ngày ngày được nghe lời dạy bảo, được chứng kiến biết bao nhiêu phép lạ Thầy Chí Thánh đã làm, mà vẫn còn bán tín bán nghi (khi thì coi Thầy mình đúng là Con Thiên Chúa, khi thì lại coi đó là ma), thì quả thật… hết biết!

 

Còn “người môn đệ Chúa yêu” Gio-an thì “Ông đã thấy và đã tin”. Ông đã thấy cái gì và tin cái gì? Ông đã thấy mọi sự như Phê-rô; nhưng ông tin Đức Giê-su đã từ cõi chết trỗi dậy, vì ông là môn đệ đã nghe Lời Chúa giảng dạy bằng cả con tim và khối óc, nhất là khi đứng dưới chân thập tự còn được Người trao cho Đức Mẹ Thiên Chúa nhận làm con. Chỉ có con tim mới đọc được ý nghĩa của những bằng chứng tình yêu; nhưng chỉ với con tim thì cũng rất có thể có những nhận định, những phán đoán sai lầm, nếu thiếu một khối óc biết phân biệt thiện ác, đúng sai. Thực thế, nếu chỉ với con tim, thì bà Ma-ri-a Mac-đa-la và thánh Phê-rô không thua gì thánh Gio-an, nhưng vì chưa được Thần Khí soi sáng cho khối óc thì vẫn có những sai lầm đáng tiếc.

 

Chỉ đến sau ngày Lễ Ngũ Tuần, được Thánh Thần gột rửa tận căn con người phàm tục (như lời tiên báo của thánh Gio-an Tẩy giả: “Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa” – Mt 3, 11), các môn đệ mới thực sự trở nên sáng suốt và dũng cảm đi rao giảng Tin Mừng Cứu Độ bằng cả con tim và khối óc, thậm chí bằng cả mạng sống của mình. Như vậy là đã rõ, yêu Chúa nhưng trong óc vẫn còn phân vân, vẫn còn để ngoại cảnh chi phối, để rồi thì nhìn sự việc với nhãn quan bán tín bán nghi, thì chưa thể gọi là “yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực” được. Nếu chỉ là “yêu Chúa hết lòng hết sức” thì vẫn chưa đủ; mà còn cần phải “yêu Chúa hết linh hồn, hết trí khôn” nữa. Nói đến trí khôn tức là nói đến khối óc biết nhận định, suy tư để nhìn ra được chân giá trị của vấn đề.

 

Trước những hiện tượng của biến cố Phục Sinh, Đức Giê-su muốn dạy bảo các môn đệ, và nói chung là con người trần thế, hiểu rằng Thiên Chúa luôn muốn và sẵn sàng đến với con người bằng con đường mạc khải qua những dấu chỉ và hiện tượng thiên nhiên và bằng chính Con Một Người là Đức Giê-su Ki-tô. Và để đến với Thiên Chúa, đáp trả ân tình Người rộng ban, thì con người cần phải có một đức tin – một đức tin vững mạnh được xây dựng trong đức mến – và chỉ có như thế mới có hy vọng được cứu rỗi. Ấy cũng bời vì “Đưc tin ‘hành động qua đức ái’ (Gl 5, 6) trở thành một chuẩn mực mới giúp thông hiểu và hành động, làm thay đổi toàn thể cuộc sống con người.” (Tông thư “Porta Fidei”, số 6).

 

Tuy nhiên, là con người với thân phận mỏng giòn yếu đuối, thì cũng không thể ỷ vào sức mình để có thể có được những phán đoán chính xác trước muôn hình ngàn trạng của thế giới tự nhiên cũng như thế giới siêu hình. Vì thế, rất cần sự soi sáng và trợ giúp đắc lực của Chúa Thánh Thần, mà muốn có được cứu cánh ấy thì phải biết cầu nguyện. Vâng, “Hãy xây dựng đời mình trên nền tảng đức tin rất thánh của anh em, hãy cầu nguyện nhờ Thánh Thần” (Gđ 1, 20). Sẽ có một câu hỏi mà Người Thầy Chí Thánh sẽ hỏi chúng ta khi chúng ta cầu nguyện: “Anh em xin gì?”, chúng ta hãy mở hết tâm hồn, hết trí khôn ra và khẩn thiết thưa: “Thưa, chúng con xin ĐỨC TIN”. Đó là điều tiên quyết, đừng hoài nghi nữa, đừng bán tín bán nghi nữa, nhất là đừng ỷ tài cậy sức của mình, mà hãy dốc lòng tin và cầu nguyện, nhiên hậu chúng ta sẽ được toại nguyện, bởi "Tất cả những gì anh em lấy lòng tin mà xin khi cầu nguyện, thì anh em sẽ được" (Mt 21, 22), và “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho” (Mt 7, 7).

 

Tóm lại, Đức Giê-su Ki-tô – hiện thân của Tình Yêu Thiên Chúa – Người đã vì Tình yêu mà vâng lệnh Chúa Cha xuống thế làm người, rồi cũng vì tình yêu mà Người chấp nhận chịu khổ hình thập giá cho đến chết. Quả thật “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15, 13). Và cũng vì thế, Người đã chiến thắng sự chết và phục sinh vinh hiển. Từ mầu nhiệm Phục Sinh, một chân lý bất biến được khắc họa: “Tình Yêu phục hồi sự sống => Lời Phục Sinh”. Ấy cũng bởi vì “Chính Chúa Giê-su đã báo trước cái chết và sự sống lại của Ngài qua hình ảnh ”hạt lúa”. Ngài nói: ”Nếu hạt lúa rơi xuống đất mà không chết đi, thì nó trơ trọi một mình; trái lại nếu chết đi, thì nó sinh nhiều bông hạt” (Ga 12, 24). Và đó là điều đã xảy ra: Chúa Giê-su, hạt lúa được Thiên Chúa gieo vào lòng đất, đã bị tội lỗi thế gian giết chết, Ngài ở trong mộ hai ngày; nhưng trong cái chết của Ngài có chứa đựng tất cả quyền năng tình thương của Thiên Chúa, quyền năng ấy đã bùng lên và biểu lộ trong ngày thứ ba, ngày mà chúng ta đang cử hành hôm nay: ngày Phục Sinh của Chúa Ki-tô.”  (Sứ điệp Phục Sinh “Urbi et Orbi” 2018).

 

Ôi! “Lạy Chúa từ ái, ngày hôm nay, Ðức Giê-su đã đánh bại thần chết, khai đường mở lối cho chúng con vào cuộc sống muôn đời. Nay chúng con đang hoan hỷ mừng Người sống lại, xin Chúa ban Thánh Thần làm cho chúng con trở nên người mới để sống một cuộc đời tràn ngập ánh sáng Ðấng Phục Sinh. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen” (Lời nguyện nhập lễ lễ Phục Sinh).

 

JM. Lam Thy ĐVD.