Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Nữ Vương Hòa Bình

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

NỮ VƯƠNG HOÀ BÌNH

 

 

Ngày đầu năm (dương lịch, âm lịch, và nói chung là tất cả các loại lịch hiện hữu) là ngày sum họp gia đính, để cầu nguyện, cầu chúc cho nhau những điều tốt lành, an vui. Theo lịch Phụng Vụ thì ngày đầu năm dương lịch là lễ kính Thánh Maria Mẹ Thiên Chúa, Giáo Hội chọn là NGÀY THẾ GIỚI HOÀ BÌNH. Thật vô cùng ý nghĩa khi ngày cầu nguyện cho thế giới hoà bình là ngày đầu tiên của một Năm Mới (ngày gia đình sum họp), là ngày Lễ kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, vì  chính Đức Mẹ là Nữ Vương Gia đình, Nữ Vương Hoá Bình vậy. Ngày Thế giới hoà bình năm nay có một không khí khác hơn mọi năm, vì trước đó 2 tháng (ngày 27/10), thị trấn hành hương Assisi, Italia (gần Giáo đô La Mã), nhộn nhịp cuộc gặp gỡ liên tôn “cầu nguyện cho hòa bình thế giới” lần thứ ba, đánh dấu kỷ niệm 25 năm cuộc gặp gỡ lần đầu tiên tại Assisi. Cũng như hồi năm 1986, cuộc gặp gỡ lần này đã thu hút đại diện của nhiều giáo phái Ki-tô giáo và hơn mười tôn giáo khác. Không những thế, lần này còn được coi là “dấu ấn của ĐGH Biên Đức XVI” vì có một số thay đổi so với lần thứ nhất (1986) dưới triều đại ĐGH Gioan-Phaolô II:

 

1- Những người tham gia sẽ không cầu nguyện chung với nhau – ít nhất, không theo một cách chính thức. Cuối ngày, họ sẽ quy tụ với nhau để thinh lặng và làm chứng cho hòa bình.

 

 

2- Sẽ không lặp lại công thức của năm 1986, khi đại diện của mỗi tôn giáo lớn dâng lời cầu nguyện trong một buổi gặp gỡ chung lúc kết thúc. Ngoài những lúc cầu nguyện sẽ có những giây phút riêng tư trong một tu viện, chứ không có những cử hành chung trên khắp thị trấn Assisi (như trước đây, đã khiến một số nhà phê bình có ấn tượng rằng những yếu tố Ki-tô giáo và không Ki-tô giáo được pha trộn với nhau một cách không thích hợp).

 

 

3- Yếu tố thứ ba và có lẽ nổi bật nhất trong cuộc gặp gỡ Assisi của ĐGH Biển Đức XVI là Vatican đã mời 5 người không tín ngưỡng nổi tiếng tham gia.

 

 

4- Sự khác biệt thứ tư giữa Assisi 1986 và Assisi 2011 liên quan đến sứ điệp gửi cho toàn thế giới. Tiêu điểm Assisi 1986 là hòa bình thế giới (ĐGH Gioan-Phaolô II đã kêu gọi một thỏa thuận ngừng bắn toàn cầu ngày hôm đó, và nhiều chính phủ trong các khu vực xung đột đã công khai ủng hộ hội nghị thượng đỉnh cầu nguyện này). Còn Tiêu điểm Assisi 2011 có vẻ mở rộng hơn. Chủ đề của Ngày này là “Hành hương vì Chân lý, Hành hương vì hòa bình”, và ĐGH Biển Đức XVI nói rằng chủ đề ấy (bao gồm việc bảo vệ gia đình dựa trên hôn nhân, tôn trọng sự sống ở mọi giai đoạn trong quá trình tự nhiên của nó và thúc đẩy công bằng xã hội rộng lớn hơn) làm nổi bật trách nhiệm chung của các tín hữu – kể cả vô tín – nhằm xây dựng một xã hội hoà bình dựa trên chân lý.

 

 

Mục đích ngày thế giới hoà bình không những chỉ là hoà đồng tôn giáo, mà còn là hoà đồng nhân loại. Thế giới này còn quá nhiều những chiến tranh khủng bố bằng bom đạn, bằng những vũ khí tối tân nhất. Khốc liệt hơn là những cuộc chiến tranh khủng bố bằng tinh thần, bằng tư tưởng vẫn đầy rẫy. Vì thế, nên vấn đề đặt ra là cả thế giới phải ngồi lại với nhau để tim kiếm một giải pháp chung xây dựng hoà bình. Một cách cụ thể là ngồi lại với nhau để trực diện đối thoại. Kể ra cũng khó khăn lắm để có thể thực hiện được mục tiêu đó. Thế giới đã chẳng có một Liên Hiệp Quốc từ trên nửa thế kỷ rồi đó sao? Vậy mà ngay trong nội bộ tổ chức này cũng vẫn còn không ít những bất đồng. Tuy nhiên “Thà thắp lên một ngọn đèn còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối”, nếu cứ ngồi nguyền rủa bóng tối thì liệu có sáng lên được không? Hoá cho nên dù khó khăn cách mấy cũng phải làm, kiên trì làm. Các tôn giáo phải là những người đi tiên phong. Có lẽ cũng chính vì thế nên Giáo Hội Công Giáo cách đây 25 năm đã khởi xướng “Tinh thần Assisi: Đối thoại liên tôn” để cầu nguyện cho hoà bình thế giới. Ngày gặp gỡ được xây dựng trên ba trục tương quan chính yếu: 1– Đối thoại giữa các thành phần Dân Chúa trong Giáo hội Công giáo. 2– Đối thoại giữa Ki-tô hữu với tín đồ các tôn giáo khác, kể cả những anh em không có niềm tin tôn giáo. 3– Đối thoại với Thiên Chúa hay Thực tại Siêu Việt (Ông Trời, Thượng đế) để cầu nguyện cho hòa bình.

 

 

Những người có niềm tin tôn giáo thường được gọi là “tín đồ” (tín: niềm tin; đồ: học trò, môn đệ) hay “tín hữu” (hữu: bạn bè). Những người tin vào Ki-tô Giáo thì gọi là Ki-tô hữu (“bạn bè cùng tin vào Đức Ki-tô”, hay cụ thể hơn là “bạn của Đức Ki-tô” vì chính Người đã dạy “Thầy không gọi anh em là tôi tớ, mà là bạn hữu”). Đã là bạn bè thì tại sao lại không thể ngồi lại để nói chuyện (đối thoại) với nhau, hoặc cùng nhau đối thoại với Đâng Siêu Việt mà mình đã tin? Rộng ra hơn nữa thí người năm châu bốn biển vẫn là anh em với nhau (tứ hải giai huynh đệ). Đã là anh em bè bạn với nhau, thì khi có những mâu thuẫn, bất đồng, đối kháng; vẫn có thể ngồi lại với nhau để đối thoại, tìm ra những điểm tương đồng, những điểm chung; chớ không thể biến đối kháng thành đối nghịch và từ bạn bè trở thành thù địch.

 

 

Trong một gia đình đông con, mỗi người con là một cá tính, không ai giống ai. Có người con hiền lành thì cũng có người con hung dữ, có người con ngoan ngoãn cũng có người con ngỗ nghịch. Đó là lý do giải thích những mối bất hoà trong gia đình, nhẹ thì chỉ là lục đục cãi nhau, nhưng nặng thì có thể đi đến cảnh gia đình tan vỡ, ly tán. Ở một đơn vị nhỏ nhất trong xã hội cùng chung một núm ruột, một dòng máu, mà còn như vậy, huống chi ở cả tổng thể xã hội loài người. Xã hội loài người vốn chưa phải là Thiên đáng, là Niết bàn, là Bồng lai tiên cảnh; thì cũng vẫn cần, rất cần những hành trình, những hướng lộ dẫn tới hoà giải dân tộc, dẫn tới hoà bình thế giới. Trong gia đình thì người Mẹ chính là mối dây thân ái liên kết tất cả các thành viên, không ai thay thế được. Có thể coi người Mẹ là biểu tượng tình yêu, hoà giải trong gia đình. Quả thực không có gì bằng Mẹ, không có gì đẹp hơn Mẹ. Người Mẹ trần gian còn thế, huống hồ người Mẹ trên hết mọi người Mẹ thế trần: Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa. Vì thế, cầu cho hoà bình thế giới, tất yếu điểm cậy trông duy nhất chỉ có thể là Nữ Vương Hoà Bình vậy.

 

 

ĐGH Biên Đức XVI  đã viết trong ““Diễn văn nhân Ngày Thế giới cầu nguyện cho Hòa bình” tại Assisi (27-10-2011): “Người Ki-tô hữu chúng tôi tin Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa và là Cha của mọi người, do đó mọi người đều là anh chị em với nhau và làm nên một gia đình duy nhất. Thập giá của Đức Ki-tô, đối với chúng tôi, không phải dấu chỉ của bạo lực, mà là sự biểu hiện Thiên Chúa hiệp với con người cùng chịu đau khổ và yêu thương. Danh xưng của Ngài là “Thiên Chúa của tình yêu và an bình” (2Cr 13, 11). Nhiệm vụ của tất cả những ai chịu trách nhiệm về niềm tin Ki-tô giáo là, không ngừng thanh tẩy tôn giáo của người Kitô hữu, khởi đi từ nội tâm, để – dù mang phận người yếu đuối – tôn giáo ấy phải thực sự là khí cụ bình an của Thiên Chúa nơi trần gian”. Như vậy thì ngày đầu năm phải là ngày dâng hiến mỗi gia đình, mọi gia đình cho Trái Tim vẹn sạch Đức Maria Mẹ Thiên Chúa – Nữ Vương Gia Đình – Nữ Vương Hoà Bình – để cầu nguyện cho thế giời hoà bình.

 

 

Ôi, lạy Mẹ! Chúng con cảm tạ Mẹ bởi vì hôm nay, ngày đầu Năm Mới 2012, chúng con nhìn lên Mẹ: Mẹ là Nữ Vương của mỗi gia đình chúng con, Mẹ còn là Nữ Vương Hoà Bình của toàn thế giới, Mẹ chính là Mùa Xuân vĩnh cửu của nhân loại. Với tình mẫu tử chan hoà Tình Yêu Thiên Chúa bao la, Mẹ luôn yêu thương ấp ủ mọi người chúng con trong trái tim vẹn tuyền của Mẹ, như xưa Mẹ đã yêu thương ấp ủ Chúa Giê-su Con Thiên Chúa cũng là con của Mẹ. Cúi xin Mẹ giúp chúng con luôn biết sống ý nghĩa của Mùa Xuân vĩnh cửu để như Mẹ, chúng con biết “xin vâng” đón nhận Ngôi Hai Thiên Chúa vào trong lòng chúng con. Từ đó, Mẹ sẽ bầu cử cùng Chúa cho chúng con biết sám hối và đổi mới tâm hồn, biết tự hoà giải bản thân để đi đến hoà giải với anh am hầu đóng góp một chút nào đó cho nền hoà bình thế giới.

 

 

Ôi! “Lạy Mẹ Maria Mẹ Thiên Chúa, Mẹ đồng trinh. Đoàn con chung tiếng hát, chung tấm lòng dâng đời sống. Lạy Mẹ Maria, Mẹ nhân ái, Mẹ hiển vinh. Mẹ chính là Nữ Vương, là Trạng Sư, là Mẹ con…” Trong tâm tình đó, để cầu nguyện cho an bình trong mỗi gia đình chúng con, cầu nguyện cho hoà bình trên đất nước chúng con cũng như trên toàn thế giới, chúng con xin dâng lên Chúa Hài Đồng – nhờ lời chuyển cầu của Mẹ – lời kinh tiếng hát từ trong tâm khảm chúng con: “Lạy Chúa Từ nhân! Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Lạy Chúa! Xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Để con đem yêu thương vào nơi oán thù; đem thứ tha vào nơi lăng nhục; đem an hoà vào nơi tranh chấp; đem chân lý vào chốn lỗi lầm …” (Kinh Hoà bình - TCCĐ). Amen.

 

 

JM. Lam Thy ĐVD.

 

***************************************************