Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Tâm phục khẩu phục

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

TÂM PHỤC KHẨU PHỤC (CN III PS-C)

 

Khi đặt tiêu đề cho bài viết (TÂM PHỤC KHẨU PHỤC), kẻ viết bài này liên tưởng tới câu nói của thánh Phao-lô trong thư gửi tín hữu Rô-ma: “Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giê-su là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ. Quả thế, có tin thật trong lòng, mới được nên công chính; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ.” (Rm 10, 9-10). Đúng vậy, khi người ta mới chỉ nói “tin” ngoài miệng thì “lời nói theo gió bay đi mất”, mà sự tIn phục ấy cần phải xuất phát tự trong lòng, đó mới thực sự là “Tâm phục khẩu phục” (       : phục tự đáy lòng, chứ không phải chỉ nói ngoài miệng – Từ nguyên). Chính Đức Giê-su cũng dạy: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.” (Mt 7, 21)

 

Có hai lần Đức Giê-su làm phép lạ lưới cá vào 2 dịp đặc biệt: lần thứ nhất Người làm vào thời điểm khai mạc sứ vụ, khi thu nhận 4 môn đệ đầu tiên (ông Phê-rô và người anh là ông An-rê, ông Gia-cô-bê và người em là ông Gio-an). Vì cả 4 người đều là dân chài lưới, nên Người muốn dùng chính những dụng cụ và việc làm quen thuộc hàng ngày của các môn đệ, để các ngài được chứng kiến tận mắt Người Thầy mà mình sắp đi theo chính là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật. Đó là một cách thu phục nhân tâm cụ thể nhất, hữu hiệu nhất.

 

Sau bài giảng ở bờ hồ Ghen-nê-xa-rét, Đức Giê-su Ki-tô bảo ông Si-môn: "Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá". Ông Si-môn đáp: "Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới." Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm" (Lc 5, 4-7). Cả 4 môn đệ và đám đông được chứng kiến tận mắt phép lạ, đều kinh ngạc và thán phục. Người bộc trực Phê-rô đã thể hiện sự tín phục như vậy khi “sấp mặt dưới chân Đức Giê-su và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” (Lc 5, 8). Và vì thế, Đức Ki-tô trấn an và chính thức thu nhận các ông: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta” (trở thành những kẻ “lưới người như lưới cá” – Mt 4, 20). Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người (Lc 5, 10-11). Quả thật là “có tin thật trong lòng mới được nên công chính; có xưng ra ngoài miệng mới được ơn cứu độ” (Rm 10, 10).

 

Lần thứ hai sau Phục Sinh, Đức Giê-su Ki-tô lại làm phép lạ lưới cá (Bài Tin Mừng hôm nay – CN III.PS-C – Ga 21, 1-19). Lần này cũng giống như lần ở bờ hồ Ghen-nê-xa-rét, “Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá” (Ga 21, 6). Cả 2 lần, các tông đồ đều có được mẻ cá lớn đến không thể tưởng tượng. Hai lần làm phép lạ với 2 mẻ cá lớn (là những con cá thực sự), Đức Giê-su Ki-tô đã làm cho các môn đệ – kể cả đám đông chứng kiến phép lạ – tâm phục khẩu phục. Và một lần nữa, thánh Phê-rô biểu lộ lòng tin phục bằng hành động (“ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển” – Ga 21, 7). Cũng chính hành động dũng cảm khi nhảy xuống biển để bơi vào bờ mong gặp Thầy ngay lập tức (chớ không chờ “Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá” – Ga 21, 8), đã biểu hiện đức tín phục của Phê-rô là “Đức tin và hành động luôn đi đôi với nhau”. Thật vậy, “Nhờ hành động mà con người được nên công chính, chứ không phải chỉ nhờ đức tin mà thôi… Một thân xác không hơi thở là một xác chết, cũng vậy, đức tin không có hành động là đức tin chết.” (Gc 2, 24-26)

 

Khách quan mà nói, với phép lạ ở biển hồ Ti-bê-ri-a, Đức Ki-tô đã củng cố đức tin cho các Tông đồ một cách chắc chắn. Tuy nhiên, hơn ai hết, Đức Giê-su Thiên Chúa vẫn còn nghi ngại các Tông đồ với bản chất loài người cũng rất có thể không chu toàn được sứ vụ mà Người đã trao (“lưới người như lưới cá”). Vì thế, sau phép lạ, Người hỏi thánh Phê-rô ba lần liền: "Si-môn, con ông Gio-an, con có yêu mến Thầy không?" Ba lần chỉ với một câu hỏi, khiến người môn đệ bản tính bộc trực tỏ ra buồn rầu, vì nghĩ là Thầy vẫn chưa thực sự tin tưởng vào tấm lòng chân thực của mình. Để ý kỹ một chút, sẽ thấy có lẽ tại khi bước vào cuộc khổ nạn, Phê-rô đã chối Thầy ba lần trong một buổi tối, nên lần này Đức Ki-tô cũng gặng hỏi Phê-rô tới 3 lần chỉ với một câu hỏi.

 

Cũng lại là con số 3. Ba lần Phê-rô chối Chúa chứng tỏ đức tin của Phê-rô chưa kiên định. Vậy tại sao Đức Ki-tô không hỏi lại ba lần "Si-mon, con ông Gio-an, con có tin Thầy không?" mà lại là "Si-mon, con ông Gio-an, con có yêu mến Thầy không?" Vấn đề mấu chốt chính ở điểm này: Để củng cố đức tin thì cần – rất cần – phải có đức ái, vì “chỉ có đức tin hành động nhờ đức ái” (Gl 5, 6). Các môn đệ đã củng cố đức tin vững mạnh chính là nhờ các ngài đã yêu mến Thầy hết lòng hết sức. Vâng, tất cả mọi sự, mọi hành động “phải nhằm đưa tới đức mến phát xuất từ tâm hồn trong sạch, lương tâm ngay thẳng và đức tin không giả hình.” (1Tm 1, 5). Cũng bởi vì “Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3, 14).

 

Với 2 lần làm phép lạ, Đức Giê-su đã ban cho các môn đệ hai mẻ cá lớn không chỉ là những con cá thực sự nằm trong lưới, mà còn là những con cá đức tin và đức mến, khiến cho các ngài tâm phục khẩu phục; để từ đó “Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su.” (Cv 1, 14). Chính vì thế, kết quả tất yếu là mẻ cá lớn thứ ba (là những con-cá-tín-hữu) các tông đồ thu lượm được tới con số 3.000, đáp ứng được sự mong mỏi của Đức Ki-tô Phục Sinh ("Ông Phê-rô còn dùng nhiều lời khác để long trọng làm chứng và khuyên nhủ họ. Ông nói: "Anh em hãy tránh xa thế hệ gian tà này để được cứu độ." Vậy những ai đã đón nhận lời ông, đều chịu phép rửa. Và hôm ấy đã có thêm khoảng ba ngàn người theo đạo." – Cv 2, 40-41).

 

Riêng con người bộc trực Phê-rô đã chính thức trở thành người đứng đầu cộng-đồng-lưới-người là Giáo Hội tiên khởi, đúng như Lời hứa của Thầy Chí Thánh (“Còn Thầy, Thầy bảo cho anh  biết: anh là Phê-rô, nghĩa là tảng đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.” – Mt 16, 18). Với vô vàn vô số những mẻ cá lớn thu lượm được trong quá trình hơn 2.000 năm “lưới người”, Giáo Hội Công Giáo ngày hôm nay đã chứng minh một cách hùng hồn rằng: Tất cả những môn đệ thừa kế sự nghiệp của các môn đệ tiên khởi đã biết sống đức tin trong đức mến và triệt để áp dụng – áp dụng rất hiệu quả – công cuộc mà các tông đồ thủa xưa đã thể hiện trong ngày lễ Ngũ Tuần: Đó chính là “ĐỨC TIN + ĐỨC MẾN => CẦU NGUYỆN => HÀNH ĐỘNG”. Và phải chăng đó chính là châm ngôn sống cho tôi, cho anh, cho tất cả chúng  ta – những dân chài trong làng chài lưới Giáo Hội hiện đại?

 

Tóm lại, Thiên Chúa là Tình Yêu, nên người Ki-tô hữu cần phải “yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình”. Và khi đã yêu như thế, thì còn chờ đợi gì mà không đến với Lời Phục Sinh. Ấy cũng bởi vì “Lời này cũng được gửi đến chúng ta, như đã được nói với các phụ nữ chạy đến mộ Chúa: ”Tại sao các bà tìm người sống nơi những người chết? Người không ở đây, Người đã sống lại rồi!” (Lc 24, 5-6). Sự chết, cô đơn và sợ hãi không còn là tiếng nói cuối cùng nữa. Có một lời đi xa hơn và chỉ có Thiên Chúa mới có thể nói lên: đó là Lời Phục Sinh.

 

Xin hiệp ý với Đức Thánh Cha Phan-xi-cô dâng lời cầu nguyện lên Đấng Phục Sinh: "Xin Đấng Phục Sinh, Đấng đã mở toang cánh cửa của những ngôi mộ, cũng mở con tim của chúng ta trước những nhu cầu của những người thiếu thốn, người không được bảo vệ, người nghèo đói, người thất nghiệp, người vô gia cư, những người gõ cửa ngôi nhà chúng ta để xin đồ ăn, xin một nơi ẩn náu, và xin được nhìn nhận phẩm giá của mình.” (Sứ điệp Phục Sinh 2019). Ước được như vậy. Amen.

 

JM. Lam Thy ĐVD.