Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Xin đừng chính trị hóa việc thuyên chuyển

Tác giả: 
Lm Hương Quất

 

 

XIN ĐỪNG CHÍNH TRỊ HÓA VIỆC THUYÊN CHUYỂN TÔN GIÁO

 

1. Hiện Tượng… Suy Diễn… Coi Chừng ‘Hồ Đồ’ (Khổng tử)

 

i. Gần đây việc thuyên chuyển nhân sự của một Hội dòng đáng kính, hay việc thuyên chuyển một vị Linh mục đáng kính ở Giáo phận nọ gây xôn xáo, kể cả xáo trộn trên mặt trận thông tin, tầm mức quốc tế (báo đài quốc tế phản ảnh).

 

Việc các ngài thuyên chuyển mục vụ nơi khác mang tính nội bộ, rất bình thường vì nhu cầu mục vụ cần các ngài hiện diện sau khi Bề trên đã xem xét- Cầu nguyện và bàn hỏi kỹ càng…

 

Tiếc là có nhiều bài viết xem ra lại không bình thường. Không bình thường ở chỗ này: Chính trị hóa việc thuyên chuyển. Có cả những bài bài viết dường như có tính suy diễn, rồi ‘chụp mũ’... gây hoang mang, chia rẽ.

 

Việc thuyên chuyển của Hội Dòng đã được cha Giám tỉnh, cha Giuse Nguyễn Ngọc Bích lên tiếng mặc dù ngài rất ít lên tiếng trên truyền thông[1]. Ngài đã minh định rõ ràng, ấy thế vẫn có người suy diễn, lèo lách, có những suy nghĩ, lời nói thiếu trân trọng, nếu không muốn nói có cả sự xúc phạm.

 

Ở bài ‘vụn vặt…’ này, tớ chỉ 'suy tư' về trường hợp vị Linh mục trẻ đáng kính, cùng Giáo phận.

 

Ngài là vị Linh mục trẻ đáng kính.

 

Cá nhân tớ rất trân quý ngài và những việc Ngài làm cho Chân lý- Hòa Bình- Yêu Thương, cho những thân phận chủ Dân oan khốn khổ do thể chế gây ra…

 

Trong Linh mục đoàn Giáo phận, ngài thuộc Linh mục đàn anh. Tớ vẫn gọi Ngài là ‘cha Bác’ hay ‘Cha sư huynh’. Nghĩa là tương quan ngài với tớ rất ‘hữu hảo’. Ngài sống hài hòa, chuyện trò vui vẻ với anh em Linh mục khác.

 

Việc Cha bác thuyên chuyển… đã có những bài viết có tính suy diễn chủ quan từ hiện tượng

 

(Tớ nhớ chuyện Khổng tử thấy hiện tượng suy diễn xấu học trò  tài cao đức trọng- Nhan Hồi. Khi hiểu ra, khổng tử tự than trách:  để rồi tự than: “Chao ôi! Thế ra trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật! Chao ôi! Suýt tí nữa là Khổng Tử này trở thành kẻ hồ đồ!”)[2]

 

Đơn cử như bài viết này đăng trên Dân Làm Báo, thấy nhiều trang khác đăng lại[3], rồi ‘nhắc khéo’ đầy ẩn ý các ‘chủ trại’…

 

Bài viết hình như cố tình tránh né Sự Thật: Ngài là một Kiến trúc sư, Trung Tâm Đức Mẹ Núi Cúi đang xây dựng rất cần tài năng của Ngài.

 

Dường như bài viết cố tình chính trị hóa việc thuyên chuyển rất bình thường (với Ngài rất đúng với chuyên môn),

 

Nên biết: Giáo Hội không phải tổ chức chính trị, Giáo luật cấm Linh mục, tu sĩ làm chính trị...

 

Do đó xin đừng lôi kéo chính trị trong việc thuyên chuyển, nội bộ mang tính tôn giáo... để phục vụ ý đồ chính trị của mình...

 

Trong bài viết, câu này hoàn toàn sai: 'Từ nay Ngài không còn được cử hành các Bí tích, giảng dạy đức tin, luân lý, Kinh Thánh, dẫn đưa con người gia nhập vào Dân Thiên Chúa' (hết trích).

 

Cảm tưởng tác giá không phải người trong Đạo, hoặc tán diễn chủ quan, thiếu hiều biết về Đạo.

 

Xin khẳng định: Ngài không có bị kỷ luật nào hết nên Ngài vẫn (và buộc) thực thi các Sứ vụ trên một cách bình thường, công khai.

 

Với lại Linh mục thi hành Sứ vụ, ở đâu cũng thi hành được, thậm chí ở trong tù biệt giam đầy khắc nghiệt như Đức Hồng y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận vẫn thực thi và thực thi rất tốt sứ vụ Yêu Thương- Công lý...

 

(Đức Hồng y Phanxico Xavie trên hành trình Phong Thánh, đang ở bậc Đấng Đáng Kính, trong tương lai gần sẽ là vị Hiển Thánh đầu tiên của Giáo hội Việt Nam (VN có nhiều Thánh Tử Đạo, chua có vị nào Hiển Thánh)

 

Là Linh mục của Chúa Giêsu Kitô, như Đức Hồng Y đáng kính nói: ‘Chọn Chúa chứ không chọn công việc của Chúa’.

 

Chọn Chúa thì chọn sống theo ý Chúa. Chúa muốn hiện diện ở đâu, thì người Môn đệ ‘xin vâng’ trong an vui, tín thác. ‘Anh em hãy bỏ mình và vác Thập giá mình mà theo Ta’ (Lời Chúa Giêsu).

 

Bỏ mình là bỏ đi ý mình để sống theo ý Chúa. Theo Chúa mà cứ sống theo ý mình thì sao gặp được Chúa ?    

 

Trong Giáo hội Tông Truyền, chúng tôi tin Ý Chúa qua Ý tốt đẹp của Bè trên, vâng lời Bề trên trong đối thoại là vâng ý Chúa, là có Bình an.

 

Kinh Thánh nói: Vâng Lời trọng hơn của lễ...

 

(Nói ‘ý Chúa qua Bề trên’ chắc nhiều người ‘khó chịu’; nếu Bạn không cùng Đạo, chưa biết khiêm tốn, hay thiếu Đức tin, nhất là những ai có ‘vết thương lòng’ nào đó với ‘Bề trên’… thì cho việc trên là điên rồ… Chả sao. Thầy Giêsu tử nạn đối với đồng hương Do Thái là điều nhục nhã, đối với dân ngoại cho là sự điên rồ… (x. 1Cr 1,23))

 

Nói (theo bài viết) TT Núi Cúi không phải giáo xứ thì đúng, nhưng nói không có Giáo dân thì chưa hẳn. Lẽ thường hàng ngàn- hàng chục ngàn Giáo Dân về đây hành hương mỗi tháng, và như thế càng thuận lợi cho Cha bác phục vụ sứ vụ hơn; nhiều người có cơ hội tiếp xúc hơn; có cơ hội thuận lợi thêm rộng mối tương quan… và như thế sứ Vụ Công Lý- Yêu Thương của Ngài càng dễ lan tỏa hơn.

 

Cũng cần phải nói: Linh mục nên như Chúa Giêsu là để cho người khác, cho mọi người chứ không phải chỉ cho riêng một Giáo xứ. Người ta nghe theo Linh mục vì Linh mục ấy là hiện thân của Mục tử Giêsu, chứ không hẳn do cơ cấu tổ chức. 

 

Nghĩa là, nói theo kiểu dân dã, việc Cha bác mục vụ tại TT Đức Mẹ Núi Cúi trong khả năng Kiến trúc của ngài vô tình ‘thả hổ về rừng’…. Cha bác càng có thêm không gian để cho Công Lý- Yêu Thương thắp sáng, lan rộng hơn.

 

(Suy tư đến đấy… tớ làm sếp cộng sản, sẽ ‘trói’ chặt Cha bác một nơi cho dễ quản lý, tránh lan tỏa ảnh hưởng).

 

ii. Đấng Phục sinh tuyên bố: ‘Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em’… Sứ vụ mà Giáo hội nhận cùng Sứ vụ của người Kitô hữu chính là Sứ vụ của Đấng Giêsu-Cứu Thế, tiếp nối Sứ vụ đem Tin Mừng Cứu độ đến nơi mình hiện diện.

 

Cụ thể, đấy là Sứ vụ dấn thân Phục vụ cho Công Lý- Hòa Bình- Yêu Thương, cho thăng tiến phẩm giá con người.

 

Thực thi Sứ vụ có nhiều cách. Trực diện phản kháng như cha bác cũng là một trong những cách đáng trân trọng. (nói thật, tớ cũng ‘hợp’ hướng trực diện, dẫu so với Cha bác chỉ bằng cái móng tay…).

 

Đơn cử Mẹ Têrêxa Calcutta, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II gọi Mẹ là ‘Nhà truyền giáo vĩ đại nhất trong thế kỷ XX”. Cuộc đời Mẹ ta thấy dường như chẳng nên án chế độ, phê phán nhà cầm quyền… khiến đời sống người Dân đói khổ, đây bất công… Cả thế giới trân gọi ‘Mẹ’, người Ấn Độ tự hào có Mẹ; Nhà cầm quyền trân trọng việc làm đầy Bác ái hy sinh của Mẹ và dành nghi thức quốc tang trang trọng nhất khi Mẹ từ trần.

 

(Tớ nghĩ, giả như Mẹ đến Ấn độ, thấy bất công, đói khổ, hơi tý là nên án, phê bình nhà cầm quyền; nhất là khi Mẹ kiến nghị những gì tốt đẹp cho Dân không được chính quyền đồng ý… thì chắc chắn đã không có ‘Nữ Thánh vĩ đại’).

 

Như đã nói, có nhiều cách sống và đem Tin Mừng, dù bất cứ cách Phục vụ nào, điểm chung và là ‘điểm son’- điểm nổi bật khi thực thi Sứ vụ cao trọng thiêng liêng này, người môn đệ Chúa Giêsu không được dùng bạo lực, kích động hận thù, chia rẽ giai cấp.

 

Việc phục vụ ‘trực diện’ xem ra hợp thời, đáp ứng và dễ thu hút được nhiều người quan tâm, nhất là trong đất nước độc tài chuyên chế, bất công ngang nhiên’ Dân oan ngày càng nhiều thêm…

 

Nhưng tại sao, về phía Giáo hội Công giáo ta lại thấy ít vị Mục tử dấn thân trực diện?

 

2. Tại Sao ít Mục Tử lên tiếng tố cáo nhà cầm quyền dù rất thức thời?

 

i. Chiêm ngắm Thầy Giêsu, tớ thấy một điểm lạ, ngược đời…

 

Thầy sinh ra giữa lúc Dân tộc Do Thái mình đang bị đế quốc Roma ngoại bang thống trị, đầy hà khắc, bất công.

 

Dân Do Thái trong ách đô hộ, trong tiềm thức của mình mong Đấng Lời hứa- Đấng Messia xuất hiện như nhà chính trị kiệt xuất. Đấng ấy sẽ lãnh đạo quần chúng nhân dân nổi dậy chống và lật đổ chế độ, thiết lập một vương triều mới, đến thiên thu.

 

Ấy thế mà Thầy Giêsu, trong thực thi Sứ vụ Cứu Thế của mình không thấy Thầy nên án chế độ cai trị, kích động hận thù ghét chế độ… mặc dù Thầy không sợ hãi nhà cầm quyền, thậm chí còn gọi Nhà cầm quyền đế quốc Rôma, vua Herode là ‘con cáo già’.

 

Không những thế, Thầy Giêsu còn cấm Môn đệ theo mình trả thù, không được coi ai là kẻ thù; Trái lại cần phải được yêu thương, tha thứ ngay cả kẻ bắt hại mình.

 

Trong lúc nguy kịch đến tính mang, lúc bị bắt bớ tại vườn Cây Dầu, Tông đồ Phêrô rút gươm chống trả, Thầy ra lệnh cất gươm đi rồi tuyên bố như ‘định luận’: ‘Tất cả những ai cầm gương sẽ chết vì gươm’.

 

Nhà lãnh đạo Do Thái, để tìm tội kết án Người, có lần họ đã gài bẫy: Có phải đóng thuế cho Ceasar- nhà cầm quyền không? (Người nói ‘có’ thì bị kết tội Người tội phản quốc, hợp tác theo ngoại bang, kẻ thù; Người trả lời ‘không’ thì tố Người chống nhà cầm quyền). Sau hi xem đồng tiền có in hình Ceasae, Thầy Giêsu  nói: ‘Của Cearar trả cho Caesar; của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa’

 

 (‘Của Cearar trả cho Caesar; của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa’, Thầy Giêsu  đưa ra nguyên tắc biện phân thế quyền- tôn giáo khác nhau, nhưng không loại trừ nhau. Người môn đệ biết mình ở trong thế gian, phải có trách nhiệm xây dựng trần gian nhằm thăng tiến nhân phẩm, nhưng đồng thời biết mình không thuộc về thế gian. ‘Quê hương chúng ta là ở Trên Trời’, Thánh Phaolô)

 

Cái chết của Thầy Giêsu  hoàn toàn mang tính nội bộ Do Thái giáo nhưng khi đến Tổng trấn Philato đã bị chính trị hóa.

 

Lạ khác, khi thấy nhà cầm quyền tôn giáo có ý định bắt mình, biết ‘Giờ’ chưa đến, Chúa Giêsu đã lánh đi nơi khác, tránh đối đầu không cần thiết (Mt 12, 14-15). Điều này cho thấy sự Khôn ngoan khi căn xét tình thế….

Chúa Giêsu là Gương Mẫu cho mọi Kitô hữu…

 

Trong việc dấn thân cho Chân lý – Hòa bình, theo gương Thầy Giêsu, cũng chẳng lạ khi thấy nhiều vị lãnh đạo Công giáo  (Giám mục, Linh mục…) không phục vụ theo cách ‘trực diện’ phản kháng: Phê phán, tố cáo lên án chế độ… (việc này làm cho không ít người ‘khó chịu’ rồi suy diễn, chụp mũ).

 

Điều này không có nghĩa các vị ‘Đấng nhân danh Chúa mà đến’ thờ ơ, vô cảm với thời cuộc.

 

Nếu cần lên tiếng, dấn thân các ngài không quản nề, thẳng thắn, chính đáng.

 

Chẳng hạn Hội Đồng Giám mục Việt Nam (HĐGM.VN) đã có những bản góp ý chân tình, thẳng thắn đối với nhà cầm quyền: Bản nhận định và góp ý sửa đổi hiến pháp 1992[4]; Nhận định và góp ý Dự Thỏa 4 luật Tín ngưỡng- Tôn giáo[5]…

 

(với Nhận định- góp ý Hiến Pháp; HDGM VN đã cho thấy rõ sự phi lý, tự mâu thuẫn của Hiến Pháp, không e ngại ‘đánh’ thẳng vào tử huyệt của chế độ- điều 4. ‘Hội đồng Giám mục Việt Nam nói phải 'xóa bỏ đặc quyền của bất kỳ đảng phái chính trị nào'. Trong Bản nhận định và góp ý gửi tới Ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 hôm 01/03, Hội đồng Giám mục Việt Nam không chỉ bày tỏ bất đồng với Điều 4 mà còn mạnh dạn nêu lên những mâu thuẫn, bất hợp lý trong cơ cấu chính trị tại Việt Nam và những hậu quả mà những mâu thuẫn, phi lý ấy mang đến cho người dân và đất nước (Đoàn Xuân Lộc, BBC)[6]

 

(với Góp ý Luật Tín ngưỡng Tôn giáo: Sau khi nhận định phân tích chí lý, HĐ.GM.VN đề nghị thẳng: ‘Không đồng ý dự thảo 4 Luật tín ngưỡng, Tôn giáo’).

 

Rất tiếc, những ý kiến chí lý chí tình ấy hầu như nhà cầm quyền bỏ ngoài tai…

 

ii. Cụ thể hơn, trong Giáo hội hiệp thông và Sứ vụ, qúy Đức Giám mục còn thiết lập Ủy ban Công Lý- Hòa Bình trực thuộc HĐGM.VN, hoạt động chuyên trách về Công Lý- Hòa Bình- Nhân Quyền

 

‘Trách vụ hàng đầu của Ủy ban Công Lý & Hòa Bình là nghiên cứu để hành động, bắt đầu từ giáo huấn của Đức Thánh Cha và các Giám mục nhằm góp phần xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, phát triển nhân ái và hòa Bình’ (trích Hoạt Động của UB,CL&HB)[7]

 

Có thể nói, việc Phục vụ cho Công Lý- Hòa Bình, cho thăng tiến quyền con người, Công giáo làm có tổ chức chặt chẽ, hợp nhất và có thể nói ‘cầm ngọn cờ đầu’, ngay cả trong việc không quản ngại lên tiếng trực diện… 

 

Theo gương Thầy Giêsu, dẫu ‘cầm ngọn cờ đầu’ trong việc phục vụ Công Lý- hòa Bình- Nhân quyền ở mọi chiều kích điều này không phải làm chính trị. Không có chuyện lợi dụng uy tín mình có để kêu gọi quần chúng nổi dậy, lật đổ chế độ, dù chế độ đó tà quyền, bạo trị.

 

Và xin đừng chính trị hóa việc làm thuần túy Tôn giáo, nhất là trong các việc thuyên chuyển.

 

Thay lời kết: Xin kết bằng lời Cha Giuse , Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thể trả lời BBC:

 

'Tôi nghĩ rằng truyền thông cần có đạo đức. Phải tìm kiếm sự thật. Chỉ nói điều gì mình biết đúng sự thật. Không phổ biến những điều gian dối. Chúng ta biết rằng mình không thể chuộc lại những tai hại đã gây ra khi nói sai, nói xấu, khi suy diễn bừa bãi và tệ hơn nữa vu khống và bịa đặt. Nếu có một lương tâm ngay chính, biết yêu chuộng chân lý, chúng ta có thể đem lại những điều tốt đẹp khi sử dụng truyền thông.

 

Chúa Giêsu đã dậy rằng: “Có thì nói có, không thì nói không.Thêm thắt điều gì là do ác quỷ”( Mt 5, 37). Khi tôn trong sự thật chúng ta giúp làm sáng tỏ chân lý hơn là tiếp tay cho những điều xấu thuộc về thế giới tối tăm’

 

Lm. Đaminh Hương Quất

 

[1]x.http://nhathothaiha.net/cha-giuse-nguyen-ngoc-bich-giam-tinh-dcct-viet-nam-tra-loi-phong-van-dai-bbc/?fbclid=IwAR2GK-dP4dR2xXxwsclRBt7vXA1Gis7KGYhiiLytSW0AytcQON-DDgtzd2E

[2] x. https://hoavouu.com/a21102/chuyen-noi-com-cua-khong-tu

[3]x.https://danlambaovn.blogspot.com/2019/05/the-luc-nao-muon-bung-lm-nguyen-duy-tan.html?fbclid=IwAR33PKCgOCX7EaNLZDHoDqOt5oPULk7yBOsWGi-d4TlgFKagcLhttMIHVpg

[4] x.http://www.gpvinh.net/modules.php?name=News&op=viewst&sid=9100

[5] http://www.simonhoadalat.com/hochoi/giaohoivn/ThongBao/18GopYDuThao4LuatTinNguong.htm

[6]

[7] http://hdgmvietnam.com/chi-tiet/ub-cong-ly-va-hoa-binh-31549