Chân dung Chúa Ba Ngôi
CHÂN DUNG CHÚA BA NGÔI
(CN XI.TN-C)
Chúa nhật XI thường niên rơi vào trung tuần tháng Sáu, tháng kính Trái Tim Cực Thánh Chúa Giê-su. Lời Chúa Giê-su sai môn đệ đi loan báo Tin Mừng đã minh nhiên về Chúa Ba Ngôi. Đó là Lời dạy: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, làm phép rửa cho họ, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.” (Mt 28, 18-20; Mc 16, 15-18; Lc 24, 46-48). Tuy nhiên, hình ảnh đặc trưng nhất về Chúa Ba Ngôi là hình ảnh khi Chúa Giê-su chịu phép rửa tại sông Gio-đan. Lúc đó, Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu ngự xuống trên Đức Ki-tô, rồi từ trời có tiếng nói của Chúa Cha: “Đây là con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng” (Mt 3,16-17, Lc 3, 21-22; Mc 1, 9-11). Tiếng nói, chim bồ câu và Chúa Giê-su, ba hình ảnh này tạo nên một chân dung sống động về Chúa Ba Ngôi.
Sứ vụ của Ngôi Lời nhập thể chính là đem Thiên Chúa Tình Yêu đến cho con người và đem con người về với Thiên Chúa. Tất cả những giáo lý và mạc khải Thiên Chúa muốn truyền dạy loài người đã được Đức Giê-su thực hiện qua lời giảng dạy và lối sống của Người. Chỉ riêng những lời cáo biệt các môn đệ trước khi bước vào cuộc khổ nạn để cứu chuộc nhân loại, Đức Giê-su đã nói rất rõ về trọng trách của Người (xc cả 4 chương 13, 14, 15, 16 trong Tin Mừng theo Thánh Gio-an). Đồng thời Người còn dạy các môn đệ “hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 12), cùng với những tiên báo các môn đệ sẽ phải chịu thế gian ghét bỏ, lên án (“Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước” – Ga 15, 18; “Họ sẽ khai trừ anh em khỏi hội đường. Hơn nữa, sẽ đế giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình pohu5ng thờ Thiên Chúa. Họ sẽ làm như thế, bởi vì họ không biết Chúa Cha, cũng chẳng biết Thầy.” – Ga 16, 2-3).
Bài Tin Mừng ngày Lễ Chúa Ba Ngôi (Ga 16, 12-15) tiếp tục trinh thuật việc Đức Giê-su nói lời cáo biệt các môn đệ trước khi bước vào cuộc Thương Khó. Ðây là một đoạn có thể coi như một chúc thư gồm những lời thắm thiết nhất, an ủi nhất Người để lại cho họ. Nhưng vì sao khi bắt đầu nói những lời thắm thiết ấy, Đức Giê-su lại nói: ”Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi.” (Ga 16, 12)? Người còn nhiều điều phải nói với môn đệ, vậy “nhiều điều” ấy là gì? Đó phải chăng là tất cả những gì sẽ xảy ra trong cuộc Thương Khó (quân dữ bắt trói, nhạo báng, khạc nhổ, đánh đòn, đóng đinh treo Người trên thập giá cho đến chết)?
Ngay đến thời buổi hiện tại, các tín hữu chiêm niệm những biến cố đã thực sự xảy ra đó mà còn kinh sợ, huống hồ là các Tông đồ tiên khởi; và vì thế, nên “bây giờ anh em không có sức chịu nổi.” Cũng vì lý do đó, nên Đức Giê-su chuyển sang loan báo Tin Mừng khi Thần Khí Sự Thật đến, sẽ giúp các môn đệ thấu hiểu và có đủ dũng khi tiến bước theo Thầy. Chỉ với 3 câu văn ngắn gọn, Đức Giê-su đã cho biết công trình cứu độ nhân loại mà Người thực hiện luôn có sự hợp tác mật thiết của Ba Ngôi Thiên Chúa. Chính vì thế, nên Phụng vụ Giáo Hội đã trích đoạn Tin Mùng này vào Lễ Chúa Ba Ngôi.
Mầu nhiệm Ba Ngôi cho biết Thiên Chúa có Ba Ngôi riêng biệt: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, nhưng lại là một Thiên Chúa duy nhất, cùng một bản thể, cùng tự hữu (tự có chứ không do ai hay bởi đâu sinh ra), cùng toàn năng (“Đức Chúa là Thiên Chúa phán: Ta là An-pha và Ô-mê-ga [khởi nguyên và tận cùng], là Đấng hiện có đã có và đang đến, là Đấng Toàn Năng.” – Kh 1, 8), cùng là chân thiện mỹ, là sự sống, là tình yêu. Ba Ngôi riêng biệt mà lại cùng tồn tại, cùng hiện hữu trong một bản thể duy nhất, đó là Mầu Nhiệm khó hiểu nhất, vượt khỏi trí khôn loài người. Con người với sự bất toàn cố hữu thì quả thực là khó mà hiểu được mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Khó nhưng không phải là không hiểu được nếu biết cầu nguyện cậy nhờ Thần Khí Thánh Linh soi sáng và dạy dỗ.
Hiến chế Tín Lý về Mạc Khải “Dei Verbum” (số 6) đã giải thích rõ ràng: “Thiên Chúa đã muốn dùng mạc khải để bày tỏ và thông ban chính mình Ngài cùng những ý định muôn đời của Ngài liên quan đến phần rỗi nhân loại, “nghĩa là cho họ được tham dự vào các ân thiêng hoàn toàn vượt khỏi trí khôn loài người”. Chính nhờ Thiên Chúa mạc khải mà “tất cả những gì thuộc về Thiên Chúa tự nó vốn không vượt quá khả năng lý trí con người, trong hoàn cảnh hiện tại của nhân loại, đều có thể biết được cách dễ dàng, chắc chắn mà không lẫn lộn sai lầm.” Người Ki-tô hữu tuy không dám nói “biết được cách dễ dàng”, nhưng nếu chuyên chăm cầu nguyện và chiêm niệm những điều “mắt thấy tai nghe” qua những dấu chỉ mạc khải, thì vẫn có thể hiểu được “mầu nhiệm khó hiểu” đó.
Trước hết, loài người – thông qua các thánh Tông đồ và dân tộc Ít-ra-en cách đây 2000 năm – đã được thực mục sở thị (trông thấy nhãn tiền), được gặp gỡ trò chuyện, ăn cùng mâm, ngồi chung chỗ với một trong Ba Ngôi là Ngôi Hai Thiên Chúa, một con người bằng xương bằng thịt với bản tính người 100% (không kể bản tính Thiên Chúa). Chính Con Người ấy trong mọi sinh hoạt trên đời này đều luôn minh chứng cả Ba Ngôi Thiên Chúa đều tồn tại trong Người: Khi chịu Phép Rửa tại sông Gio-đan (“và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con” – Luca 3, 22); khi ăn uống thì dâng lời chúc tụng Cha trên trời; cả những khi cầu nguyện (“Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha”(Ga 12, 28)…
Đặc biệt hơn cả là khi dạy dỗ, trò chuyện với các môn đệ, giao tiếp với mọi người, Ngôi Hai Thiên Chúa đã chứng tỏ Ngôi Cha và Ngôi Ba luôn tồn tại trong Người: “Người lại nói với các ông: "Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em." Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ." (Ga 20, 21-23) ; “Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?" (Lc 11, 13); “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14, 9); "Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em."(Mt 28, 18-20)…
Nhiều lắm những dẫn chứng rất sinh động và thật cụ thể do chính các Thánh sử, các Thánh Tông đồ (là những con người “sống liền bên, ăn cùng mâm, ngồi chung chỗ, cùng trò chuyện, được dạy bảo” bởi chính Ngôi Hai Thiên Chúa), đã ghi lại trong Thánh Kinh lưu truyền cho hậu thế. Rõ ràng là cả Ba Ngôi Thiên Chúa đều cùng tồn tại trong Ngôi Hai, một con người như tất cả những con người hiện diện trên trái đất này cách đây 2000 năm. Từ đó suy ra trong Ngôi Cha cũng có Ngôi Hai và Ngôi Ba, trong Ngôi Ba cũng tồn tại Ngôi Cha và Ngôi Con. Cả 3 Ngôi đều có ở trong nhau, tồn tại trong nhau, vì thế Ba Ngôi vẫn chỉ là một Thiên Chúa duy nhất. Nói 3 Ngôi ở trong nhau như một thân thể duy nhất, phải chăng là nói đến sự thông hiệp giữa Thiên Chúa Ba Ngôi, và từ cội nguồn mầu nhiệm đó, dòng suối hiệp thông tuôn trào trên Giáo Hội phổ quát?
Quả đúng như Tông huấn Ki-tô hữu giáo dân “Christi Fideles Laici” (số 18) đã khẳng định: “Sự thông hiệp này, chính là mầu nhiệm của Giáo hội như Công Đồng Va-ti-ca-nô II đã dùng những lời của Thánh Cy-pri-a-nô để nhắc lại: "Giáo hội phố quát xuất hiện như một dân tộc được hợp nhất nhờ sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánk Thần". Mầu nhiệm Giáo hội hiệp thông này được nhắc nhở ở mỗi đầu Thánh Lễ khi vị chủ tế đón mời chúng ta bằng lời chào của Thánh Phao-lô Tông Đồ: ‘Nguyện xin ân sủng Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta, và tình yêu của Chúa Cha và ơn Thông Hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em’ (2Cr. 13, 13).” Và chính sự sống hiệp thông của Giáo hội đã trở nên như một dấu chỉ về Ba Ngôi Thiên Chúa cho thế giới, đồng thời là một hấp lực thu hút mọi người tới niềm tin vào Chúa Giê-su Ki-tô qua Lời Người cầu nguỵên cùng Ngôi Cha: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta.” (Ga 17, 20-21).
Dấu chỉ ấy, sự thu hút ấy chính là công cuộc truyền giáo, là sứ vụ loan báo Tin Mừng, như lời khẳng định của Thánh GH Gio-an Phao-lô II: “Như thế sự hiệp thông hướng về truyền giáo và chính sự hiệp thông là truyền giáo” (Tông huấn “Christi Fideles Laici”, số 18). Người Ki-tô hữu khi được tham dự vào 3 chức vụ của Đức Giê-su (ngôn sứ, tư tế, vương giả) là đã được ân thưởng sống trong mầu nhiệm hiệp thông Ba Ngôi Thiên Chúa. Vậy thì trách nhiệm của mọi người, của mỗi người, tất yếu phải là thực thi Lời dạy của Ngôi Hai Thiên Chúa: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.” (Mt 28, 10).
Xin cầu chúc tất cả được luôn luôn và mãi mãi sống trong ơn thông hiệp mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm Giáo hội hiệp thông, để tất cả nên một trong sứ vụ truyền giáo, như chính Ngôi Lời đã truyền dạy: “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất.” (Cv 1, 7-8).
Ôi! “Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, Chúa đã sai Con Một là Lời Chân Lý và sai Thánh Thần, Đấng thánh hóa muôn loài đến trần gian mạc khải cho chúng con biết mầu nhiệm cao vời của Chúa. Xin cho chúng con hằng tuyên xưng đức tin chân thật là nhận biết và tôn thờ một Thiên Chúa Ba Ngôi uy quyền vinh hiển. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Con Cha, Chúa chúng con, Người hằng sống và hiển trị cùng Chá, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thủa muôn đời. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ lễ Chúa Ba Ngôi).
TAM VỊ NHẤT THỂ
I
“Tam vị nhất thể Thiên Chúa giả” (1)
Vốn từ nguyên thủy đến ngàn sau,
Cùng chung bản thể, cùng hằng hữu,
Mà rất cao siêu, rất nhiệm mầu.
Nguồn suối Tình Yêu không giới hạn,
Hồng ân Cứu Độ toả muôn màu,
Ba Ngôi trong Một tình thương mến,
Giải thoát loài người hết khổ đau.
II
Nói đến Tinh Yêu là nói đến:
Vừa “cho” vừa “nhận” giữa đôi nơi,
Mỗi khi nhận lại từ ai đó,
Phải biết cho đi tới mọi người.
Vị kỷ (2) ươn hèn nên khép lại,
Vị tha (3) quảng đại sẽ lên ngôi,
Nhận về tất cả từ Thiên Chúa,
Sao chẳng cho đi với cuộc đời ?
III
Dù “nhận” hay “cho” cũng vậy thôi,
Niềm tin hệ tại Chúa Ba Ngôi,
Xin đừng ích kỷ vì mình hết,
Mà hãy vị tha với mọi người.
Động lực Tình Yêu nên khắc cốt,
Mục tiêu Nước Chúa sẽ dành nơi,
Châm ngôn sống: “Thực thi Lời Chúa”,
Loan báo Tin Vui Đức Chúa Trời.
JM. Lam Thy ĐVD.
Chú thích: *(1) Kinh cầu cổ (thường gọi là “kinh cầu chữ”), sau 3 câu: “Tại thiên Thiên Chúa Phụ giả: 在 天 天 主 父者” (Đức Chúa Cha ngự trên trời là Đức Chúa Trời thật), “Cứu thế Thiên Chúa Tử giả: 救 世 天 主 子 者 ” (Đức Chúa Con chuộc tội cứu thế là Đức Chúa Trời thật), “Thánh Thần Thiên Chúa giả: 聖 神 天 主 者 ” (Đức Chúa Thánh Thần là Đức Chúa Trời thật); thì có câu tổng hợp: “Tam vị nhất thể Thiên Chúa giả”: 三 位 一 體 天 主 者 ” (Ba Ngôi cũng là một Đức Chúa Trời).
*(2 và 3) - Xc Thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu “Deus Caritas Est” (số 3-6):
- Tình yêu vị kỷ (vì mình) là “Tình ái” (“Eros”) – còn gọi là tinh yêu chiếm hữu, tình yêu “nhận về” (“amor concupiscentiæ”).
- Tình yêu vị tha (vì người) là “Tình bác ái” (“agape”) – còn gọi là tinh yêu “cho đi” (amor benevolentiæ).
- Loại bài viết: