Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Tất cả chỉ là phù vân

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

  TẤT CẢ CHỈ LÀ PHÙ VÂN (CN XVIII/TN-C)

 

Bài đọc 1 hôm nay (CN XVIII/TN-C – Gv 1, 2; 2, 21-23) trich Lời tựa của sách Giảng Viên: “Đây là lời ông Cô-he-lét, làm vua ngự tại Giê-ru-sa-lem. Ông là con vua Đa-vít.”. Ông Cô-hê-let nói: “Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân.” (Gv 1, 1-2). Mọi sự ở trần gian sẽ qua đi. Mọi người, dù giầu hay nghèo, bình dân hay quyền quý, cũng qua đi và khi chết phải bỏ lại tất cả không mang theo được gì. Tất cả chỉ là phù vân, ngoại trừ những điều tốt lành người ta đã làm khi còn sống ở trần gian này. Bài đọc 2 là thư gửi tín hữu Cô-lô-sê (Cl 3, 1-5.9-11): Thánh Phao-lô khuyên mọi người khi còn sống hãy làm việc lành và xa lánh mọi quyến rũ của thế gian (do lòng hám danh, hám lợi gây ra); hãy luôn hướng tâm trí về cuộc sống đời sau, về quê hương thật là Nước Trời; hãy “mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hóa để được ơn thông hiểu.” (Cl 3, 10).

 

Trong bài Tin Mừng CN XVIII/TN-C (Lc 12, 13-21), Thánh sử Lu-ca trình thuật câu chuyện có một người trong đám đông đi theo Đức Ki-tô, nói với Người: "Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi." Người đáp: "Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?" Và Người nói với họ: "Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu." (Lc 12, 13-15). Sau đó, Người kể một dụ ngôn về người phú hộ lo thu tích của cải. Chàng phú hộ này có lòng tham vô cùng; nhưng may mắn được Thiên Chúa nhắc nhở: "Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó." (Lc 12, 20-21). Đây chính là dịp cho anh chàng phú hộ mở mắt.

 

Anh chàng phú hộ trong dụ ngôn có được dịp mở mắt, “bừng con mắt dậy” để “thấy mình tay không” (Nguyễn Gia Thiều – “Cung Oán Ngâm Khúc”), ngộ ra được cuộc sống trăm năm với biết bao của cải vật chất cũng chỉ là "Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân.” (Gv 1, 2). Giàu có đến như vua Ngô mà khi trở về bụi đất cũng chẳng mang được gì, huống hồ! (“Vua Ngô ba mươi sáu cái tàn vàng, Chết xuống âm phủ chẳng mang được gì.” – ca dao VN). Quả thật con người trên đời nếu có dịp “bừng con mắt dậy” mới thấy của cải cũng chỉ là “phù phiếm”, “phù vân”, nhan sắc cũng chỉ là “phù dung” sớm nở tối tàn, danh tiếng cũng chỉ là “phù danh” (danh hờ, danh hão). Và cuộc đời rốt lại cũng chỉ là “phù sinh” mà thôi. Vâng, cuộc “phù thế nhân sinh” ba vạn sáu ngàn ngày chẳng qua cũng chỉ như một “giấc mộng kê vàng” (1). Vậy đó! “Trăm năm nào nghĩa gì đâu, Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì!” (Nguyễn Gia Thiều – “Cung Oán Ngâm Khúc”) cũng là phải thôi!

 

Người tín hữu hàng ngày cầu nguyện “Xin cho chúng con lương thực hàng ngày” với mục đích “ăn để mà sống chớ không sống để mà ăn” (tục ngữ Việt Nam), thì chẳng có gì đáng nói, bởi “anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ thì sẽ mở ra cho”. Nhưng khổ một nỗi, tâm lý chung của con người có 1 lại đòi 2, có 2 lại đòi 3, đòi 4; chưa có ăn thì chỉ cầu cho có bữa ăn, đến lúc có bữa ăn rồi thì lại muốn có “bữa ăn, bữa để” (tục ngữ VN), rồi thì thu tích đầy hết kho lẫm vẫn chưa thoả mãn, lại muốn xây thêm kho lẫm thật hoành tráng, nguy nga, để chứa cho vừa lòng tham.

 

Lòng tham con người vốn dĩ không có đáy, biết thế nào cho vừa, biết làm sao cho đủ, cho đầy. Như vậy thì phải chăng con người đã mờ mắt vì cái bả vinh hoa, mà quên mất cuộc đời như “bóng câu cửa sổ”, “cuộc đời ngắn chẳng tày gang”? “Phải, đối với con người ấy, trọn cuộc đời chỉ là đau khổ, bao công khó chỉ đem lại ưu phiền! Ngay cả ban đêm, nó cũng không được yên lòng yên trí. Điều ấy cũng chỉ là phù vân!” (Gv 1, 23). Vì thế, cần phải có một khoảnh khắc nào đó “bừng con mắt dậy”, mà lắng nghe trong thẳm sâu tiềm thức Lời nhắc nhở: "Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được." (Lc 16, 13).

 

Muốn có được khoảnh khắc “bừng con mắt dậy” ấy, thì cần phải biết sử dụng cái vũ khí sắc bén nhất, đắc lực nhất, đó là “cầu nguyện”. Cầu nguyện xin ơn soi sáng để ý thức được “Nguyên lý của đời sống mới: kết hợp với Đức Ki-tô phục sinh” như lời Thánh Phao-lô gửi tín hữu Cô-lô-sê: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa Cha. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Ki-tô nơi Thiên Chúa. Khi Đức Ki-tô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang.” (Cl 3, 1-4).

 

Chỉ tới khi ấy, chỉ tới khi thấm thía được tất cả chỉ là “phù vân”, “phù dung”, “phù thế”, “phù sinh”, người tín hữu mới không còn lo sợ “thấy mình tay không” nữa, vì đã chiếm hữu được kho tàng không bao giờ hư nát, kho tàng vĩnh cửu: Nước Trời. Được coi là bạn của Người nghèo đến độ “không có chỗ tựa đầu” (Mt 8, 20), người Ki-tô hữu đừng bao giờ “tham phú phụ bần” (ham giàu chê nghèo), mà cần phải tỉnh thức mở mắt ra “nhìn linh thị” (Ds 24, 16) trong cầu nguyện, lắng nghe Lời Thầy Chí Thánh, hy vọng có dịp “bừng con mắt dậy” trước khi bước tới “một nấm cỏ khâu xanh rì”. Còn nếu có tham giàu, thì hãy lo thu tích của cải Nước Trời mà “làm giàu trước mặt Thiên Chúa” (Lc 12, 21). Ước được như vậy.

 

Ôi! “Lạy Chúa, chúng con tự hào vì được Chúa dựng nên và hướng dẫn; xin Chúa hằng dủ thương nâng đỡ chúng con, cùng ban ơn đổi mới và gìn giữ mọi loài Chúa dựng nên cho chúng con được hưởng nhờ. Chúng con cầu xin nhò Đức Ki-tô Chúa chùng con. Amen. (Lời nguyện nhập lễ CN XVIII/TN-C).

 

JM. Lam Thy ĐVD.

 

Chú thích: (1)- Truyện cổ “Giấc mộng kê vàng” trình thuật: Có một chàng trai đặt một nồi cháo kê trên bếp, rồi ngủ thiếp đi và chìm trong một giấc mộng trải qua một đời lên xe xuống ngựa, công hầu khanh tướng, giàu sang phú quý; đến lúc giật mình tỉnh giấc, nồi kê vẫn chưa chín. Cuộc sống rốt cuộc cũng chỉ là “Trăm năm một giấc kê vàng” mà thôi!