Chiến đấu để được qua cửa hẹp
CHIẾN ĐẤU ĐỂ QUA ĐƯỢC CỬA HẸP (CN XXI/TN-C)
Bài đọc 1 hôm nay (CN.XXI/TN-C – Is 66, 18-21) trình thuật Lời Đức Chúa hứa ban ơn cứu độ xuống cho Dân Người (“Ta sẽ đến tập họp mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ; họ sẽ đến và được thấy vinh quang của Ta. Ðức Chúa phán: giống như con cái Ít-ra-en mang lễ phẩm trên chén dĩa thanh sạch đến Nhà Ðức Chúa, người ta cũng sẽ đưa tất cả những anh em các ngươi thuộc mọi dân tộc về làm lễ phẩm tiến dâng Ðức Chúa - đưa bằng ngựa, xe, võng cáng, lừa và lạc đà - về trên núi thánh của Ta là Giê-ru-sa-lem. Và cả trong bọn họ, Ta sẽ chọn lấy một số làm tư tế, làm thầy Lê-vi - Ðức Chúa phán như vậy.”). Suy niệm bài đọc 1 sẽ thấy con đường cứu độ tưởng chừng như rộng thênh thang; số đông người được đón tiếp và đưa bằng “ngựa, xe, võng cáng, lừa và lạc đà”.
Đến bài Tin Mừng (Lc 13, 22-30) thì sự thể khác hẳn. Mở đầu bài Tin Mừng, Thánh sử Lu-ca viết: “Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy. Có kẻ hỏi Người: "Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?" Người bảo họ: "Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.” (Lc 13, 22-24). Tâm trạng chung của con người khi đi theo một nhân vật quan trọng – thứ nhất đây lại là nhân vật tầm cỡ Đấng Cứu Độ – có thể cứu giúp mình thoát khỏi cảnh khổ cực; thường hay thắc mắc không hiểu có đông người được Đấng ấy cứu thoát hay không? Nếu là số đông được cứu thoát, thì người thắc mắc sẽ vui mừng vì cho là mình đã làm đúng, còn nếu là số ít thì người ấy sẽ thất vọng và có thể quay ngược 180 độ, bỏ đi một nước.
Thay vì trả lời thẳng vào thắc mắc của kẻ đặt câu hỏi, Đức Giê-su lại trả lời: "Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.” (Lc 13, 24). Như vậy thì Đức Giê-su đã gián tiếp cho biết số người được cứu thì ít mà số đông lại là những kẻ không được cứu (vì không qua được cửa hẹp). Chủ ý của Lời dạy là muốn cho mọi người hiểu rằng: Được cứu hay không là do chính bản thân người xin cứu, chớ không phải ở nơi Đấng Cứu Độ. Đúng vậy, "Để dựng nên ta, Thiên Chúa không cần đến ta, nhưng để cứu rỗi ta, Thiên Chúa không thể làm được nếu ta không cộng tác với Ngài." (Thánh Au-gus-ti-nô). Biết bao nhiêu lần Đức Giê-su Thiên Chúa đã chữa lành cho những kẻ đui mù, câm điếc, phong hủi, què quặt, nhưng lần nào Người cũng nói: “Đức tin của anh em đã chữa lành anh em”.
Còn một điểm nữa là: Muốn được cứu thì phải chiến đấu. Một cách cụ thể, nếu biết toàn tâm toàn ý dốc hết sức mình để chiến thắng cái tôi vị kỷ, tội lỗi với những dục vọng thấp hèn bất chính, thì sẽ được cứu. Còn nếu cứ tìm cách dùng những âm mưu bất chính với tấm lòng bất trung thì chắc chắn sẽ bị “đuổi ra ngoài”. Cũng bởi vì con đường cứu chuộc là con đường gian nan khó nhọc, phải chấp nhận mọi thử thách nghiệt ngã, mọi hy sinh mất mát kể cả mạng sống mình – như chính Đấng Cứu Độ đã kinh qua – thì mới mong gặt hái chiến thắng. Vì thế, cánh cửa hạnh phúc đích thực luôn luôn là “cửa hẹp và đường chật”, còn “cửa rộng và đường xá thênh thang” chỉ đưa đến diệt vong mà thôi. Cái hình ảnh cửa hẹp khiến người nghe khó hình dung được, vì nói về Nước Thiên Chúa ai cũng nghĩ rằng đó là một Nước, một Vương Quốc mênh mông không biên giới, vô hạn định. Đã không có giới hạn rõ rệt thì tại sao lại có cửa hẹp?
Một lần nữa, Đức Giê-su lại dùng dụ ngôn với những Lời dạy “ý tại ngôn ngoại” (ý ở ngoài lời) trái ngược nhau nhằm gây ấn tượng sâu sắc trong lòng người nghe. Trong Tin Mừng theo Thánh Mat-thêu, Lời dạy trên được diễn tả rõ hơn: "Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy.” (Mt 7, 13-14). Cùng một ý như vậy, có lần Đức Giê-su còn dạy các môn đệ: "Thầy bảo thật anh em, người giàu có khó vào Nước Trời. Thầy còn nói cho anh em biết: con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa." (Mt 19, 23-26). Con lạc đà chui qua lỗ kim là một chuyện không tưởng, vậy mà còn dễ hơn người giàu có vào được Nước Thiên Chúa. Phải chăng cái lỗ kim ấy chính là cửa hẹp?
Cửa hẹp là cửa khó vào. Muốn vượt qua được cửa hẹp phải biết thu nhỏ mình lại, mà thu nhỏ mình lại thì tức là phải ăn kiêng để giảm béo, bớt cân, còn phải trui rèn ý chí, tập luyện thể lực. Nói cách cụ thể là phải hãm mình ép xác, khiêm tốn, hy sinh. Thu nhỏ mình là khiêm nhường chịu lụy, là “ai muốn đoạt áo trong của mình thì hãy cho họ luôn cả áo ngoài”, là “ai vả má bên trái thì hãy đưa cả má phải cho họ vả tiếp” (Mt 5, 38-44); nhưng đồng thời còn phải biết xoay cái nhìn ra khỏi cái tôi hẹp hòi, ích kỷ, phải biết mở rộng trái tim, thực hành bác ái. Chính vì thế, nên cửa hẹp chẳng ai muốn vào dù đã được mách bảo qua được cửa hẹp là vào được cõi phúc. Người ta chỉ thích đi tìm những cửa rộng, bởi đó là lối đi có những mời gọi ngọt ngào, những cuốn hút mê đắm.
Quả thật số người vào được cửa hẹp chỉ là thiểu số, còn đa số vẫn là những kẻ không vào được. Họ là ai? Đó là những người ở trước mặt Chúa và đã thấy Người đi lại giảng dạy nơi phố xá của họ, nhưng vẫn làm điều phi nhân bạc nghĩa. Ðó là những người Na-da-ret đồng hương, những người Do Thái đồng thời với Ðức Giê-su – nhất là những kinh sư, luật sĩ, tư tế chỉ thích “ngồi trên toà ông Mô-sê” mà giảng dạy – đã không tin thì chớ, mà còn âm mưu giết hại cả Đấng Cứu Độ. Họ sẽ bị xua đuổi ra khỏi nơi đang có các tổ phụ và các tiên tri vui hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa. Họ sẽ bị tống vào nơi sẽ có khóc lóc và nghiến răng; trong khi có nhiều người từ khắp nơi Ðông, Tây, Nam, Bắc (tức là dân ngoại) lại được vào dự tiệc Nước Trời. Tiêu đề bài Tin Mừng hôm nay đã nói lên tất cả: “Cửa hẹp. Thiên Chúa ruồng bỏ người Do Thái bất trung và kêu mời dân ngoại” (Lc 13, 22-30).
Dân chính hiệu (được tuyển chọn) là những người đứng hàng đầu thì bị tống ra ngoài, để dân ngoại là những kẻ tới sau đứng ở hàng cuối lại được vào dự tiệc Nước Trời. Chuyện khó tin nhưng có thật 100% ("Và kìa có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót." – Lc 13, 30). Vậy đó! Cũng cần nói rõ Đức Giê-su chỉ nói “Có những kẻ…”, chớ không phải tất cả. Vậy thì không phải tất cả những kẻ “đứng hàng đầu” đều xuống cuối và tất cả những kẻ “đứng hàng cuối” sẽ được lên hàng đầu. Chung quy thì chỉ có những ai tin nghe và sốt sắng hành động theo Lời dạy của Đấng Cứu Thế, thì dù có tới sau, đứng cuối, cũng sẽ được lên hàng đầu. Và chỉ những kẻ bất lương mới bị tống ra ngoài mà thôi.
Như vậy là đã rõ: Để qua được cửa hẹp, vào được Nước Thiên Chúa, để chiếm hữu được Nước Trời, không phải chuyện dễ dàng. Nó đòi hỏi quyết tâm đã đành, nhưng còn phải có được đức khiêm nhường, đức nhẫn nại, vượt khó, dám hy sinh, chấp nhận gian khổ thử thách, và nhất là phải bền lòng với Đức ÁI, kiên trung với Đức TIN, dốc lòng trông CẬY vảo Thần Khí của Đấng Cứu Độ đến sửa dạy cho nên người môn đệ đích thực. Tục ngữ Việt Nam có câu “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, người Ki-tô hữu hôm nay hãy coi lời khuyên gửi tín hữu Do Thái như một liều thuốc chữa căn bệnh bất trị của mình: “Anh em đã quên lời khuyên nhủ được nói với anh em như với những người con: Con ơi, đừng coi nhẹ lời Chúa sửa dạy, chớ nản lòng khi Người khiển trách. Vì Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt. Anh em hãy kiên trì để cho Thiên Chúa sửa dạy. Người đối xử với anh em như với những người con.” (Dt 12, 5-7). Ước được như vậy.
Ôi! “Lạy Chúa, chỉ có Chúa mới làm cho chúng con nên một lòng một ý; xin cho tất cả chúng con biết yêu luật Chúa truyền và mong điều Chúa hứa, để dầu sống giữa cảnh thế sự thăng trầm, chúng con vẫn một lòng thiết tha với cõi phúc chân thật. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.” (Lời nguyện nhập lễ CN XXI.TN-C).
JM. Lam Thy ĐVD....
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: