Những thách đố trong sứ vụ truyền giáo
NHỮNG THÁCH ĐỐ TRONG SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO
Chủ đề mục vụ tháng 9/2019 là: “Chăm sóc những thương tích cản trở ta tham dự trọn vẹn”. Nói cách cụ thể thì đó là công tác “Khắc phục những khó khăn, trở ngại trên lộ trình thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng”. Những khó khăn, trở ngại đó chính là “những thách đố trong sứ vụ Truyền giáo”.
I- NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG ĐỜI TRUYỀN GIÁO CỦA ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ:
Trước hết cần tìm hiểu xem Đức Giê-su Ki-tô đã gặp phải những trở ngại, thách đố như thế nào, ngõ hầu học hỏi, rút đúc kinh nghiệm khi tìm hiểu những khó khăn trong sứ vụ Loan báo Tin Mừng của người Ki-tô hữu. Khi Đức Ki-tô rao giảng Tin Mừng, Người đã gặp những thách đố sau đây:
1) Những người đồng hương với Đức Giê-su: Dân chúng vùng Na-da-rét ban đầu đã rất phấn khởi khi nghe Đức Giê-su giảng dạy; nhưng dần dần họ thay lòng đổi dạ. Họ thắc mắc về Người, rồi tỏ vẻ khinh dể Người. Sau cùng họ giận dữ, lôi Người ra khỏi thành, dẫn Người lên đỉnh núi, định xô Người xuống vực thẳm cho chết đi (Lc 4, 16-29).
2) Nhóm Kinh sư Pha-ri-sêu: Khi nghe Chúa Giê-su giảng và thấy Người làm nhiều phép lạ, nhóm người này bực tức. Họ tìm đủ mọi cách để thử và gài bẫy Người. Họ bắt bẻ, tranh luận, khích bác, rồi đặt cho Người nhiều tên xấu xa như: người bị quỷ ám, tên tội lỗi. Họ kết án Người và sau cùng họ tìm cách giết Người. Chính Đức Giê-su đã phải ngao ngán thốt lên: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình mà thôi.” (Mt 13, 57).
3) Dân chúng Ít-ra-en: Những người theo Chúa phải kể là rất đông; nhưng Chúa Giê-su có lần đã nói thẳng, nói thật: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (Mc 7, 6). Chúa Giê-su còn nói tới việc chính dân của Người đã loại trừ Người (“Họ tìm cách bắt Đức Giê-su, nhưng lại sợ dân chúng; quả vậy, họ thừa hiểu Người đã nhắm vào họ mà kể dụ ngôn ấy. Thế là họ để Người lại đó mà đi. Họ cử mấy người Pha-ri-sêu và mấy người thuộc phe Hê-rô-đê đến cùng Người để Người phải lỡ lời mà mắc bẫy…” – Mc 12, 12-13). Và thực sự một số đông dân chúng đã loại trừ Người một cách tàn nhẫn, khi họ đồng thanh hô to trước dinh quan Phi-la-tô: "Đóng đinh nó vào thập giá" (Mc 15, 13-14). Không những thế, khi nghe Tổng trấn Phi-la-tô không kết án Người, họ còn hét lên: “Máu hắn cứ đổ xuống đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi.” (Mt 27, 25).
4) 12 môn đệ thân tín: Môn đệ là những người được Chúa Giê-su đào tạo cách riêng, cũng đã có những lời nói, việc làm và thái độ làm cho Chúa buồn, khiến Người phải trách họ là chậm hiểu, chưa hiểu, không chịu hiểu (Mc 8, 17-21). Thậm chí Người còn gọi môn đệ (Phê-rô) là: “Xa-tan! Lui lại đằng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.” (Mc 8, 33).
Đức Ki-tô đã vượt qua tất cả những thách đố nêu trên, kể cả sự chết, bằng sự sống lại hiển vinh.
II- NHỮNG KHÓ KHĂN, THÁCH ĐỐ TRONG SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO:
1- Những khó khăn về văn hoá và phong tục tập quán: Thách đố đầu tiên là những trở ngại về văn hoá và phong tục tập quán. Mỗi dân tộc, mỗi vùng, mỗi miền đều có những nét văn hoá và những phong tục riêng. Để tránh được thách đố này, cần phải biết hội nhập để dung hòa giữa cái cũ và cái mới. Không thể áp đặt cái mới, cũng như ngay lập tức có thể thay đổi được những thói quen đã có từ bao đời của một dân tộc. Muốn cho người ta đón nhận cái mới, người Ki-tô hữu phải đi từng bước một; phải biết nương theo những giá trị cũ để lồng vào những giá trị mới. Có như vậy, người ta mới dễ dàng đón nhận cái mới.
Các dân tộc nhờ sự hội nhập mà ngày càng đến gần nhau hơn. Cũng vậy, Tin Mừng muốn đến được với mọi người và mau chóng sinh sôi nảy nở thì cũng cần thiết phải hội nhập. Chúa Giê-su là một tấm gương của sự hội nhập văn hoá. Trước khi bắt đầu cuộc đời rao giảng, Chúa đã sống theo những phong tục, tập quán của người Do Thái (“Người vào Hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát và đứng lên đọc Sách Thánh” – Lc 4, 16). Ngoài ra, Người đã sống theo lề luật và tuân thủ những quy định của giáo quyền cũng như chính quyền. Để cho giống như dân chúng, Người cũng chịu phép rửa của Gio-an Tẩy giả trên sông Gio-đan (Mt 3, 13-17). Người cũng đóng thuế thập phân cho nhà cầm quyền như những công dân khác (Mt 17, 22-27).
2- Những khó khăn trong sự đối lập với những tôn giáo bản địa: Cản trở tiếp theo là sự đối lập với những tôn giáo bản địa. Đây thực sự là một vấn đề nhạy cảm, không thể ngày một ngày hai mà thay đổi được niềm tin tôn giáo của một con người. Tin Mừng không thể áp đặt, mà để cho mọi người tự khám phá và tin theo. Đối với Ki-tô giáo, “Tin Mừng của Đức Ki-tô không ngừng đổi mới cuộc sống và văn hoá của con người đã sa ngã, chống lại và khử trừ những sai lầm và tai họa do sức quyến rũ thường xuyên của tội lỗi luôn luôn đe dọa. Tin Mừng không ngừng thanh luyện và nâng cao phong hóa các dân tộc. Những đức tính của mọi thời như được Tin Mừng làm cho phong phú từ bên trong, được củng cố, bổ túc và tái tạo trong Đức Ki-tô nhờ những ân huệ bởi Trời (GS 58, 4)." (Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 2527).
Bất cứ một tôn giáo nào cũng dạy người ta phải ăn ngay ở lành. Vì vậy, nếu người loan báo Tin Mừng là những người đến sau, thì phải tôn trọng vấn đề tự do tín ngưỡng của người dân bản địa. Trong những trường hợp này, muốn ánh sáng Tin Mừng hiện diện, nên kiên nhẫn từ từ mà tiến (“tuần tự nhi tiến”) theo trình tự thời gian. Công việc truyền giáo nhắm tới không phải ngày một ngày hai có thể có kết quả, mà phải là một quá trình lâu dài.
Truyền giáo thực sự không phải chỉ gieo hạt giống Tin Mừng xuống rồi bỏ đó, vì như vậy thì đức tin của những người mới đón nhận Tin Mừng không thể bén rễ sâu được. Chỉ cần một biến cố nào đó xảy đến với họ trong cuộc sống, họ sẽ bỏ đạo. Vì vậy, để đức tin được vững chắc trong vùng đạo mới, ngoài gieo vãi, người truyền giáo còn phải chăm bón và săn sóc. Chăm bón có thể bằng những sinh hoạt về đạo, chẳng hạn như: Tổ chức các hội đoàn, các nhóm sống đạo, hay các lớp Giáo lý. Một điều rất tốt để giữ được niềm tin cho những người mới đón nhận Tin Mừng chính là sự hiện diện của chính người loan báo Tin Mừng. Không có gì sống động và thu hút người khác cho bằng chính đời sống của người Ki-tô hữu. Qua đời sống của người truyền giáo, người khác có thể nhận ra ánh sáng Tin Mừng. Đời sống chứng tá là phương cách truyền giáo hữu hiệu nhất. Thật vậy, “Người thời nay sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn là thầy dạy và người ta có nghe theo thầy dạy là vì thầy dạy cũng là chứng nhân” (Thông điệp Loan báo Tin Mừng “Evangelii Nuntiandi”, số 41).
3- Những khó khăn về vấn đề ngôn ngữ: Thế giới ngày nay như xích lại gần nhau hơn. Con người đang sống trong quá trình toàn cầu hóa. Công việc truyền giáo của Giáo hội ngày càng được mở rộng không chỉ gói gọn trong một quốc gia, mà còn mở rộng ra phạm vi thế giới. Chính vì vậy, vấn đề về ngôn ngữ đóng một vai trò hết sức quan trọng. Không thể nói cho người khác hiểu được nếu như người loan báo Tin Mừng không biết ngôn ngữ của họ. Cũng bởi vì việc truyền giáo thường nhắm tới đối tượng là số đông chứ không phải là một tầng lớp nào mà thôi. Để việc truyền giáo ngoài biên giới quốc gia được thành công, người loan báo Tin Mừng cần phải biết ngôn ngữ của đất nước đón nhận Tin Mừng. Đó chính là việc hội nhập văn hóa.
Truyền giáo ra nước ngoài thì gặp những thách đố như vậy; nhưng còn việc truyền giáo trong nước thì sao? Đây cũng là một vấn đề cần được quan tâm. Đất nước Việt Nam là một đất nước đa sắc tộc với con số 54 dân tộc cùng sinh sống. Hiện nay, theo số liệu thống kê, trong cả nước mới có chưa tới 10% người nhận biết Tin Mừng. Vì vậy, đây vẫn là một cánh đồng trù phú cho việc truyền giáo. Để đến được với những người lương dân thuộc dân tộc thiểu số, cũng cần phải biết ngôn ngữ giao tiếp của họ. Có như thế, người loan báo Tin Mừng mới dễ dàng tiếp cận và gần gũi với họ. Đa số người dân tộc thiểu số sống trong hoàn cảnh khó khăn. Đời sống kinh tế của họ còn hạn chế về nhiều mặt. Đến với họ, cần phải trang bị một số kiến thức cơ bản, để có thể giúp cho họ phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, nâng cao sự hiểu biết. Thực hiện được điều này, sẽ mau chóng được họ đặt niềm tin tưởng; từ đó họ sẽ dễ dàng đón nhận ánh sáng Tin Mừng.
III- NHỮNG KHÓ KHĂN THÁCH ĐỐ TỪ BẢN THÂN NGƯỜI KI-TÔ HỮU:
Trên đây là phân tích những khó khăn thách đố đối với những giáo sĩ (Giám mục, Linh mục, Phó tế) là những người trực tiếp làm công việc loan báo Tin Mừng. Còn đại đa số những giáo dân tất nhiên không trưc tiếp rao giảng Phúc Âm, nhưng vẫn là những người truyền giáo. Họ không truyền giáo bằng lý thuyết, nhưng là bằng đời sống chứng tá. Hiến chế Tín lý về Giáo Hội “Lumen Gentium” (số 35) đã giải thích: “Như những bí tích của luật mới, là của ăn nuôi dưỡng đời sống và hoạt động tông đồ của tín hữu, tiên báo trời mới và đất mới thế nào (x. Kh 21, 1), thì giáo dân cũng mạnh mẽ loan báo lòng tin vào điều mình trông đợi như thế (x. Dt 11, 1), nếu họ không ngần ngại nối kết đời sống đức tin với việc tuyên xưng đức tin làm một. Công cuộc rao giảng Phúc Âm đó, nghĩa là sự loan báo Chúa Ki-tô bằng đời sống, chứng tá và lời nói, mang một sắc thái và hiệu quả đặc biệt vì được thể hiện trong những hoàn cảnh chung của trần gian. Có một bậc sống rất giá trị để thể hiện nhiệm vụ đó, bậc sống được một bí tích đặc biệt thánh hóa, đó là đời sống hôn nhân và gia đình.”
Tuy không phải đối đầu với những khó khăn thách đố như những nhà chuyên môn, nhưng bản thân người Ki-tô hữu cũng gặp phải những thách đố tự bản thân, đó là: nhiều tín hữu hầu như không được học hỏi nên chưa có một nhận thức đầy đủ về việc loan báo Tin Mừng. Ðến ngày Khánh nhật Truyền giáo (tháng 10 hằng năm), nhiều người chỉ nhắc đi nhắc lại điệp khúc "Truyền giáo là bản chất của Hội Thánh" chứ không biết thể hiện bản chất ấy thành những hành động cụ thể như thế nào trong đời sống. Nhiều tín hữu còn cho rằng loan báo Tin Mừng là công việc chuyên môn của linh mục, tu sĩ hay một số giáo dân chuyên nghiệp đã được học về thần học, chứ không phải là bổn phận của chính mình. Không những thế, phần lớn những Ki-tô hữu có tinh thần ngại khó, ngại khổ; họ cho rằng thuộc nhiều kinh, siêng năng đi lễ là được rồi, còn những công việc khác chỉ dành riêng cho những tu sĩ, giáo sĩ. Họ quên mất một điều căn bản: “Đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2, 17). Người Ki-tô hữu cần phải hiểu chinh bản thân mình đang ở vùng “tiền đồn truyền giáo” (Hội Thánh tại gia) thì công việc truyền giáo chinh là sứ vụ chủ yếu của bản thân. Từ đó, khắc phục những hạn chế của bản thân để đóng góp sức mình vào sứ vụ chung của Giáo hội.
IV- KHẮC PHỤC NHỮNG KHÓ KHĂN, THÁCH ĐỐ TRONG SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO:
Đời sống người Ki-tô hữu hiện nay có một khoảng cách khá lớn giữa điều người ta hiểu và điều người ta sống. Ðời sống đạo tập trung vào các nghi lễ, các hoạt động bên ngoài hơn là vào niềm xác tín và cảm nghiệm bên trong. Hơn nữa, những người trẻ cũng đang có xu hướng chạy theo cái đẹp qua sự say mê cuồng nhiệt đối với các thần tượng như cầu thủ, diễn viên, người mẫu và ham chuộng thời trang, âm nhạc, thể thao như biểu hiện của cái đẹp. Trong khi đó, người Ki-tô hữu hô hào những người trẻ hãy xoá bỏ thần tượng, sống đơn giản, nghèo khó, nhưng lại chưa giới thiệu cho họ một Thiên Chúa là chủ của cái đẹp và chưa giúp họ hiểu tinh thần nghèo khó của Ðức Giê-su thật sự là gì.
Vì thế, xét về bản thân, nhà truyền giáo cần xác tín về sứ mạng cứu độ Chúa Cha trao cho mình, hội nhập cùng với Ðức Ki-tô, gắn bó mật thiết với Chúa Thánh Thần và hiệp thông sâu xa với Giáo hội. Khi hội đủ những yếu tố này, bản thân nhà truyền giáo trở thành hình ảnh sống động của Chúa Ba Ngôi, trở thành hiện thân của Chúa Giê-su Ki-tô ở trần gian và trở nên Tin Mừng sống động là nội dung của việc truyền giáo (Gl 2, 20). Việc truyền giáo ngày nay không phải chỉ tìm đến một dân tộc xa lạ, đến với những người khác mình về tôn giáo và văn hoá, cũng không phải chỉ là việc dạy giáo lý hoặc thăng tiến con người và phát triển cộng đồng; nhưng là tiếp xúc với mọi người trong đời sống thường ngày để chia sẻ niềm tin của bản thân mình cho họ như chính Ðức Ki-tô đã làm.
Cũng vì tấm bánh Ðức Ki-tô cần phải được bẻ ra để nuôi sống thế giới; nhà truyền giáo cần phải trở lại với Ðức Ki-tô và hoà nhập thành một với Người qua đời sống cầu nguyện và phụng vụ để Người chuyển thông quyền năng làm chứng cho Tin Mừng qua các dấu lạ như chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ, nói được thứ ngôn ngữ mới lạ của tình thương mà Thánh Thần thúc đẩy trong lòng (Mc 16, 16-20). Nhà truyền giáo có thể chữa lành bệnh tật không phải như một bác sĩ hay xua trừ ma quỷ không phải như một thầy pháp, nhưng với tư cách là chứng nhân của Ðức Ki-tô vì họ có thể làm được mọi sự với Ðấng ban sức mạnh cho họ (“Trong mọi hoàn cảnh, no hay đói, dư dật hay túng bấn, tôi đã tập quen cả. Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết.” – Pl 4, 12-13). Như thế, việc rao giảng Lời Chúa, cử hành bí tích và bác ái từ thiện đều gắn bó mật thiết với nhau, hình thành nên bản chất của Giáo hội mà người tín hữu nào cũng cần thể hiện trong đời sống.
KẾT LUẬN:
Thánh Phao-lô đã nghiêm khắc với chính bản thân trong sứ vụ truyền giáo: “Thật vậy, đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng.” (1Cr 9,16). Thánh nhân cũng khuyên nhủ môn đệ Ti-mô-thê: “Trước mặt Thiên Chúa và Đức Ki-tô Giê-su, Đấng sẽ phán xét kẻ sống và kẻ chết, Đấng sẽ xuất hiện và nắm vương quyền, tôi tha thiết khuyên anh: Hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ,” (2Tm 4, 1-2).
Tóm lại, công việc truyền giáo luôn là vấn đề được Giáo hội quan tâm hàng đầu. Bất kỳ thời nào, người Ki-tô hữu cũng phải lên đường để thi hành sứ vụ đem Lời Thiên Chúa đến với muôn dân. Là những người đang bước theo Chúa Ki-tô trên con đường dâng hiến, chắc chắn trong mỗi người tín hữu luôn có những thao thức, trăn trở và băn khoăn đối với sứ vụ truyền giáo. Hy vọng rằng, mỗi Ki-tô hữu đã có sự chuẩn bị cho sứ vụ thiêng liêng và cao cả này, để cho Tin Mừng Nước Thiên Chúa ngày càng được nhiều người biết và tin theo. Dấn thân trong bước đường truyền giáo chắc hẳn sẽ không tránh khỏi những khó khăn và vất vả, nhưng người Ki-tô hữu cũng đừng quá lo lắng, vì Thiên Chúa luôn đồng hành cùng chúng ta. Cứ an tâm vững bước lên đường. Ước được như vậy. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: