Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Đức Bà bảy sự

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

 

 

ĐỨC BÀ BẢY SỰ – MATER SEPTEM DOLORUM (Lễ Đức Mẹ Sầu Bi)

 

Khi tưởng nhớ cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su (Thứ sáu Tuần Thánh) thì Giáo hội không thể không nghĩ đến Đức Mẹ Sầu Bi. Nói đến Đức Mẹ Sầu Bi thì lại nhớ tới vào thế kỷ 15, Michelangelo (*) đã khắc một pho tượng rất nổi tiếng về Đức Mẹ Sầu Bi gọi là Pietà. Cũng có một lễ dành cho tước hiệu này vào ngày 15/9, sau lễ Suy Tôn Thánh Giá (14/9). Lễ Đức Mẹ Sầu Bi (“Mater Dolorosa”) còn gọi là lễ Đức Bà Bảy Sự, hay lễ kính Bảy Sự Thương Khó của Đức Bà (“Mater Dolorosa” hay “Mater Septem Dolorum”).

 

Sơ lược về nguồn gốc ngày lễ Đức Mẹ Sầu Bi: Trước cuộc cải tổ phụng vụ của Công Đồng Va-ti-ca-nô II vào năm 1969, trong phụng vụ có hai thánh lễ kính Đức Mẹ Sầu Bi. Việc tôn kính Đức Mẹ Sầu Bi do Dòng Citercian và Dòng Phan-xi-cô khởi xướng từ thế kỷ XII và thế kỷ XIII. Đến năm 1423, Công Đồng Cologne đã quy định thành lập lễ kính Đức Mẹ Sầu Bi. Ý niệm khởi đầu chỉ hướng về mối đau khổ tổng thể, cụ thể hơn là tôn kính Đức Mẹ đau khổ đứng dưới chân thập tự giá. Thánh lễ được cử hành vào ngày thứ Sáu của tuần III Phục Sinh.

 

Năm 1482, bảy sự thương khó của Đức Mẹ mới được khai triển và truyền giảng ở Âu Châu. Năm 1725 Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đic-tô XIV đưa lễ Đức Mẹ Sầu Bi qua ngày thứ Sáu trong tuần Khổ Nạn, trước Lễ Lá, đó là lễ thứ nhất. Năm 1668, Dòng Tôi Tớ Đức Mẹ được Toà Thánh cho phép mừng lễ Đức Mẹ Sầu Bi ngày Chúa Nhật III tháng Chín. Năm 1912, Đức Giáo Hoàng Pi-ô X quyết định toàn thể Giáo Hội cử hành lễ này một lần nữa vào ngày 15/9 hàng năm, sau lễ kính Thánh Giá, đó là lễ thứ hai. Năm 1969, lễ Đức Mẹ Sầu Bi là ngày thứ Sáu trong tuần Khổ Nạn bị bãi bỏ do việc cải tổ phụng vụ sau Công Đồng Va-ti-ca-nô II. Lý do việc bãi bỏ là vì Giáo hội không muốn mừng một biến cố hay một mầu nhiệm hai lần trong một năm (nguồn: Vatican.net).

 

Đức Mẹ Sầu Bi có nghĩa là Đức Mẹ đau thương, buồn khổ, thương khó. Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, ai cũng nghĩ rằng Mẹ sung sướng, vui mừng và hạnh phúc chứa chan; nhưng thực chất vấn đề Đức Mẹ là Mẹ Chúa Giê-su Thiên Chúa, trong cuộc đời 33 năm của Người Con, Mẹ đã cảm nhận và gánh chịu nhiều nỗi đau thương. Có thể quy kết vào 7 sự đau đớn mà Mẹ phải gánh chịu:

 

1. Lời tiên báo của ông Si-mê-on (Lc 2, 34-35);

2. Cuộc chạy trốn sang Ai-cập (Mt 2, 13-21);

3. Lạc mất Con ba ngày (Lc 41, 50);

4. Con vác thập giá lên đỉnh Can-vê (Ga 19, 17);

5. Con bị đóng đinh và tử nạn trên thập giá (Ga 19, 18-30);

6. Tháo xác Con (Ga 19, 39-40);

7. Táng xác Con (Ga 19,40-42).

 

Cứ tưởng khi Đức Mẹ được hưởng phúc trên trời cả hồn xác, thì Mẹ không còn phải đau buồn nữa; nhưng từ ngày Mẹ về trời cho đến hiện nay, Mẹ vẫn còn tiếp tục phải chịu bao đau khổ khi chứng kiến biết bao ích kỷ, hận thù, chia rẽ, chiến tranh, khủng bố… giữa đoàn con cái của Mẹ nơi trần gian. Một minh chứng hùng hồn là các phép lạ Đức Mẹ hiện ra, đa phần chỉ thấy Đức Mẹ Khóc. Nỗi thống khổ lớn nhất của Mẹ chính là việc trầm luân của biết bao linh hồn đang sống trong tội lỗi và sẽ sa xuống hỏa ngục nếu không biết ăn năn hối cải. Lời tiên tri của cụ già Si-mê-on khi xưa quả rất hiện thực, vì con tim của Mẹ vẫn không ngừng bị bao lưỡi đòng đâm thâu, và người đâm thấu tâm hồn Mẹ lại chính là những đứa con mà Mẹ đã một lần sinh ra trong ân sủng.

 

Giáo hội đã đặt lễ Đức Mẹ Sầu Bi ngay sau lễ Suy Tôn Thánh Giá là có ngụ ý: “Khi Đức Ki-tô chịu treo trên thập giá, Chúa đã muốn cho Thánh Mẫu của Người đứng kề bên mà thông phần đau khổ”. Cuộc đời Mẹ luôn kết hiệp với những nỗi khổ đau của Con. Quả thật không đau khổ nào lớn hơn đau khổ của chính Mẹ Thiên Chúa, Đấng mà theo lời của thánh Gio-an “đã đứng kề bên thập giá Đức Giê-su” (Ga 19, 25) trên đồi Can-vê. Không ai hiểu con cho bằng người mẹ, và cũng không ai đau khổ hơn người mẹ khi phải chứng kiến sự đau khổ và cái chết của con mình, đó là lẽ tất nhiên.

 

Như Đức Giê-su Con Thiên Chúa và cũng là Con của Mẹ, Mẹ Maria cũng tự đồng hóa chính mình với mầu nhiệm đau thương của thập giá. Bởi thế, Mẹ rất xứng đáng với ân sủng là Đấng Đồng Công Cứu Chuộc. Qua việc cử hành lễ Đức Mẹ Sầu Bi, Giáo hội mời gọi con cái mình hãy chiêm ngắm hình ảnh của một người Mẹ đau thương vì Con và vì tất cả loài người:

 

MẸ SẦU BI

Con quỳ trước ngai tòa chiêm ngắm Mẹ,

Thấy vô vàn nỗi thống khổ truân chuyên,

Luôn vò xé trong trái tim Mẹ hiền,

Suốt hành trình Mẹ Đồng Công Cứu Thế.

 

Ngay từ ngày Con Chúa Trời nhập thể,

Si-mê-on ẵm kính nói tiên tri,

Con trẻ này bị người thế khinh khi,

Như dao sắc đâm thâu lòng Đức Mẹ. (Lc 2, 33-35)

 

Và tiếp liền ngày Chúa Con giáng thế,

Bị hung thần sát thủ Hê-rô-đê,

Lên án tử cùng biết bao hài nhi,

Mẹ phải bồng Con trốn sang Ai-cập. (Mt 2, 43-45)

 

Con mười hai tuổi, Mẹ lại hấp tấp,

Đi tìm Con bị lạc giữa Đền Thờ,

Suốt ba ngày đêm thao thức, thẫn thờ,

Ruột quặn thắt như dao đâm, gươm xả. (Lc 2, 41-46)

 

Rồi một ngày, Con ba lần quỵ ngã,

Vác thập tự như một kẻ tội đồ,

Lên Can-vê với nhục nhã vô bờ,

Chịu đóng đinh cùng hai người tội lỗi. (Ga 19, 16-18)

 

Trên thập giá, Con trong cơn hấp hối,

Trối bảy lời làm Mẹ đứt ruột gan,

Hai dòng lệ như dòng suối chứa chan,

Bao đau đớn tủi hờn và tan nát. (Ga 19, 25-27)

 

Mẹ đau đớn ôm Con khi hạ xác,
Đắng cay lòng áp mặt xuống đầu Con,

Máu Con đầy mặt Mẹ đỏ như son,

Và mặt Con chan hòa nước mắt Mẹ.

 

Liệm xác Con, Mẹ càng tuôn suối lệ,

Chẳng khác nào Mẹ đã chết cùng Con,

Cùng được chôn trong mộ đá vô hồn,

Để cứu chuộc loài người đầy tội lỗi. (Mt 27, 57-61)

 

Ôi! Lạy Mẹ! Trong tâm tình sám hối,

Được “Ngắm Bảy Sự Đau Đớn Đức Bà”,

Con mở lòng và cảm nghiệm sâu xa,

Để thấu hiểu “Mẹ Sầu Bi” là thế.

 

Chính nhờ Mẹ, với Mẹ, và trong Mẹ,

Con xin vâng theo bước Đức Giê-su,

Vác thập giá mình như Chúa năm xưa,

Lên Núi Sọ đón hồng ân Cứu Rỗi.

 

Ôi! Lạy Chúa! Vì loài người tội lỗi,

Chúa chịu treo trên thập giá oan khiên,

Chúa muốn cho Thánh Mẫu đứng kề bên,

Được cùng Người Con thông phần đau khổ.

 

Rồi từ đó khai sinh Hội Thánh Chúa,

Từ nơi cung lòng Đức Mẹ Sầu Bi,

Đã trở nên xứng đáng một hiền thê,

Của Đức Hôn Phu Ki-tô khả kính.

 

Ôi! Lạy Chúa! Trong vinh quang tột đỉnh,

Xin cho Hội Thánh noi gương Mẹ hiền,

Cùng hợp hoan trong ân sủng vô biên

Để mai ngày được phục sinh vinh phúc!

 

Ôi! Lạy Mẹ! Con tin đà tới lúc,

Con được gọi về bên ngai Chúa uy linh,

Mẹ thương con bào chữa bao tội tình,

Cứu chữa con thoát khỏi tay thần dữ!

 

Con xin tạ ơn Đức Bà Bảy Sự,

Trái tim Mẹ hiền gai nhọn đâm thâu,

Tội lỗi đàn con khiến Mẹ sầu đau,

Vẫn cứu vớt con khỏi tay ma quỷ.

------------------------------------

Sau khi suy niệm mầu nhiệm Đức Mẹ Sầu Bi, xin cùng hiệp ý “Ngắm bảy sự đau đớn Đức Bà” (xc. SÁCH KINH – Địa phận Thái Bình – Hải Phòng – Bùi Chu – ấn bản 1970 của “Mẫu Tâm Thư Quán” – trang 173):

 

NGẮM BẢY SỰ ĐAU ĐỚN ĐỨC BÀ

 

+ Lời nguyện mở đầu: Lạy Đức Mẹ, xin Đức Mẹ lấy lòng thương xót mà cầu nguyện cho chúng con được nhờ công nghiệp Đức Chúa Giê-su, cùng nhờ công nghiệp Đức Mẹ, cho được khỏi tội lỗi chúng con đã phạm, cùng những hình phạt chúng con đã đáng chịu. Lại xin Đức Mẹ phù hộ cho chúng con làm việc này cho nên, ngõ hầu được hưởng những ơn phúc Hội Thánh ban cho kẻ làm việc kính những sự thương khó Đức Mẹ.

 

1. Ông Si-mê-on nói tiên tri (Lc 2, 33-35). * Thứ nhất thì ngắm: Khi ông thánh Si-mê-on ẵm kính Đức Chúa Giê-su thì nói cùng Đức Mẹ rằng: "Con Đức Mẹ ngày sau nên như bia bắn, cùng như dao sắc thâu qua lòng Đức Mẹ." Đức Mẹ nghe lời làm vậy thì trọn đời những nhớ liên, và lo buồn đau đớn như phải dao sắc thâu qua lòng vậy. Khi ngắm sự ấy, thì nguyện một kinh Kính Mừng. Xin Đức Mẹ cầu cho chúng con được nhớ những sự thương khó Đức Chúa Giê-su như Đức Mẹ thuở xưa. Amen. (Đọc 01 kinh Kính Mừng). 

 

2. Đức Giê-su trốn sang Ai-cập và các anh hài bị giết (Mt 2, 13-21) * Thứ hai thì ngắm: Khi thánh Thiên thần báo tin cho Đức Mẹ rằng: Vua Hê-rô-đê đi tìm Đức Chúa Giê-su mà giết, thì Đức Mẹ đem Con sang nước Ai Cập, mà Người thương Con còn non nớt mới sinh, và lo buồn đau đớn như phải dao sắc thâu qua lòng vậy. Khi ngắm sự ấy, thì nguyện một kinh Kính Mừng. Xin Đức Mẹ cầu cho chúng con chớ làm sự gì trái nghịch cùng mất lòng Đức Chúa Giê-su nữa. Amen. (Đọc 01 kinh Kính Mừng).

 

3. Lạc mất Con ba ngày trong khi Đức Giê-su ngồi giữa các bậc thầy Do Thái (Lc 2, 41-46) * Thứ ba thì ngắm: Khi Đức Mẹ đem Con đi lễ đền thờ thành Giê-ru-sa-lem, mà khi về lạc mất Con, thì Đức Mẹ những thức thâu đêm than thở khóc lóc, và lo buồn đau đớn như phải dao sắc thâu qua lòng vậy. Khi ngắm sự ấy, thì nguyện một kinh Kính Mừng. Xin Đức Mẹ cầu cho chúng con chớ còn đi đàng tội lỗi, mà bỏ mất nghĩa cùng Đức Chúa Giê-su nữa. Amen. (Đọc 01 kinh Kính Mừng).

 

4. Đức Giê-su vác thập giá  (Ga 19, 16-18) * Thứ tư thì ngắm: Khi Đức Mẹ theo Con khi đi chịu chết, thì thấy Con vác Thánh Giá lên núi Cal-va-ri-ô nhiều lần ngã xuống đất, mà quân dữ đạp dậy giục đi cho chóng, thì hai con mắt Đức Mẹ nên như hai suối nước chảy xuống, đau đớn trong lòng như dao sắc thâu qua lòng vậy. Khi ngắm sự ấy, thì nguyện một kinh Kính Mừng. Xin Đức Mẹ cầu cho chúng con được vác Thánh giá theo Đức Chúa Giê-su, ấy là chớ theo ý mình, một theo ý Đức Chúa Giê-su liên. Amen. (Đọc 01 kinh Kính Mừng).

 

5. Bảy lời trăng trối: “Thưa Bà, đây là con của Bà” (Ga 19, 26) * Thứ năm thì ngắm: Khi Đức Mẹ thấy Con treo trên cây Thánh giá phán ra bảy lời, như trối của trọng để cho Mẹ, đoạn thì gục đầu xuống giã Đức Mẹ mà sinh thì, thì lòng Đức Mẹ đau đớn như dao sắc thâu qua lòng vậy. Khi ngắm sự ấy, thì nguyện một kinh Kính Mừng. Xin Đức Mẹ cầu cho chúng con được nhớ bảy lời trọng ấy, như của châu báu Cha trối cho con, và giữ trong lòng chúng con cho đến trọn đời. Amen. (Đọc 01 kinh Kính Mừng).

 

6.  Liệm xác Đức Giê-su (Ga 19, 38-40) * Thứ sáu thì ngắm: Khi ông thánh Giu-se cùng ông thánh Ni-cô-đê-mô tháo đanh mà đem xác Đức Chúa Giê-su xuống mà phó ở tay Đức Mẹ, khi ấy Đức Mẹ giơ hai tay lên toan đỡ lấy xác Con, đến khi đã được thì ẵm vào lòng, đoạn áp mặt xuống trên đầu Con, chẳng quản những gai nhọn ở đầu Con thâu vào mặt Mẹ, mà mặt Mẹ thì chan chứa những máu Con dính vào, mặt Con thì dầm dìa những nước mắt Mẹ chảy xuống. Ai suy cho được tâm sự trong lòng Đức Mẹ bấy giờ, thương xót khóc lóc thảm thiết đau đớn khốn cực là thể nào! Đoạn lấy khăn trắng mà liệm xác Con, thì lòng Đức Mẹ đau đớn như dao sắc thâu qua lòng đứt ruột ra vậy. Khi ngắm sự ấy, thì nguyện một kinh Kính Mừng. Xin Đức Mẹ cầu cho chúng con được ăn năn lo buồn ghét tội, vì làm cho Đức Chúa Giê-su chịu chết làm vậy. Amen. (Đọc 01 kinh Kính Mừng).

 

7. Mai táng Đức Giê-su (Mt 27, 57-61) * Thứ bảy thì ngắm: Khi tắm xác Đức Chúa Giê-su mà táng trong hang đá, đoạn lấy hòn đá lớn mà che ngoài cửa hang, thì lòng Đức Mẹ đau đớn như đã chết mà chôn một mồ cùng Con vậy, vì khi trước còn xem thấy xác Con mà còn đau đớn khốn cực dường ấy, song le bây giờ chẳng còn xem thấy xác Con nữa, thì biết đau đớn khốn cực là thế nào! Như dao sắc thâu qua lòng vậy. Khi ngắm sự ấy, thì nguyện một kinh Kính Mừng. Xin Đức Mẹ cầu cho chúng con được ăn năn lo buồn mọi tội, vì làm cho mất nghĩa cùng Đức Chúa Giê-su, cùng xin in những sự thương khó Đức Chúa Giê-su vào lòng chúng con cho đến trọn đời. Amen. (Đọc 01 kinh Kính Mừng).

 

+ Lời nguyện kết thúc: Chúng con cám ơn Đức Chúa Giê-su, xưa đã chịu nạn chịu chết vì chúng con, thì đã hợp như lời ông thánh Si-mê-on nói, mà Đức Mẹ nhớ liên. Vậy chúng con dốc lòng kính nhớ bảy sự đau đớn Đức Mẹ cho liên, và xin Đức Mẹ hằng cứu giúp chúng con cho khỏi phạm tội mất lòng Đức Chúa Giê-su cùng Đức Mẹ, nhất là khi mong sinh thì cho được chịu các phép Bí Tích và khỏi chết tươi, cùng những sự khốn khó hiểm nghèo về phần xác, và được trông ơn Đức Mẹ hằng cứu giúp chúng con cho khỏi. Vậy chúng con chỉ một lòng cậy Rất Thánh Đức Mẹ là Quan Thầy, là Chúa Bầu, là Sao Mai dẫn đàng cho chúng con đang còn vượt biển thế gian này cho khỏi lạc, cho ngày sau được vào nước thiên đàng, chầu chực Đức Chúa Giê-su cùng Rất Thánh Đức Mẹ đời đời chẳng cùng. Amen.

 

JM. Lam Thy ĐVD.

------------------------------

Chú thích: (*) Michelangelo di Lodovico Buonarroti Simoni thường được gọi là Michelangelo (sinh ngày 6/3/1475, mất ngày 18/2/1564 tại nước Ý), là một họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, nhà thơ và kỹ sư thời kỳ Phục hưng Ý quốc. Dù ít có những đột phá bên ngoài nghệ thuật, sự uyên bác của ông trong các lĩnh vực đạt tới tầm mức khiến ông được coi là một người xứng đáng với danh hiệu “nhân vật thời Phục hưng”, cùng với đối thủ cũng là người bạn của ông, đó là Leonardo da Vinci.

 

Khả năng sáng tạo phi thường của Michelangelo trong mọi lĩnh vực ông tham gia; khi tính cả các thư từ, phác thảo, ký sự còn lại, ông là nghệ sĩ được ghi chép đầy đủ nhất về cuộc đời ở thế kỷ 16. Hai trong số các tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là “Đức Mẹ Sầu Bi” và “Vua David”, được thực hiện trước khi ông tới tuổi 30. Dù không được đánh giá nhiều trong hội họa, Michelangelo cũng đã tạo ra hai trong các tác phẩm có ảnh hưởng lớn nhất thuộc thể loại bích họa trong lịch sử Nghệ thuật phương Tây: Cảnh Thiên Chúa “Sáng thế” trên trần Nhà nguyện Sistine và “Sự phán xét cuối cùng” trên bức tường Nhà nguyện Sistine ở Roma. Là một kiến trúc sư, Michelangelo là người tiên phong trong phong cách Mannerist tại Thư viện Laurentian. Ở tuổi 74, ông kế tục Antonio da Sangallo trở thành kiến trúc sư của Vương cung thánh đường Thánh Phê-rô. Michelangelo đã thay đổi đồ án, góc phía tây được hoàn thiện theo thiết kế của Michelangelo, mái vòm được hoàn thành sau khi ông mất với một số sửa đổi (nguồn: “Wikipedia”).