Sức mạnh dời non lấp biển của lòng tin
SỨC MẠNH “DỜI NON LẤP BỂ” CỦA LÒNG TIN (CN XXVII/TN-C)
Đức Giê-su đã có lần dạy về lòng tin có thể “dời non lấp bể” (“Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: “rời khỏi đây, qua bên kia” nó cũng sẽ qua.” – Mt 17, 20). Các tông đồ đã được mạc khải nhiều lần về Đức Giê-su qua những lời giảng dạy cùng với những dấu lạ, điềm thiêng. Nhằm củng cố niềm tin cho họ, Người lại còn ban quyền năng để dẹp trừ những thần ô uế và chữa lành bệnh tật (Mt 10, 1-2). Tuy nhiên, vì mang trong mình thân phận con người, các tông đồ thấy có những lúc còn quá yếu đuối, nên các ông mới cất tiếng xin với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con” (Lc 17, 5). Lời cầu xin này toát lên nỗi trăn trở trước sứ mạng và sự lo sợ trước những thách đố lớn lao của sứ vụ mà các tông đồ sẽ đón nhận.
Suy niệm Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay (CN XXVII/TN-C – Lc 17, 5-10) trình thuật lời cầu xin của các tông đồ (-nt-), tự nhiên nảy sinh thắc mắc: Lòng tin xuất phát từ chủ thể khi nhìn nhận một vấn đề, một sự kiện hay một nhân vật. Theo từ nguyên thì lòng tin có nghĩa là: 1- Có ý nghĩ cho là đúng sự thật, là có thật; 2- Cho là thành thật; 3- Đặt hoàn toàn hi vọng vào người nào hay sự việc gì đó; 4- Nghĩ là rất có thể sẽ như vậy (Wikipedia). Như thế, tin hay không là tự chủ ý của bản thân, vậy thì làm sao lại có chuyện xin người khác ban thêm lòng tin cho mình được? Thắc mắc này chỉ có lý khi lòng tin đó xảy ra giữa con người với nhau, nhưng ở đây là lòng tin mà các Tông đồ xin Đức Giê-su Thiên Chúa, thì vấn đề lại khác.
Trước hết, phải hiểu lòng tin là một ân huệ Chúa ban. Một cách cụ thể thì phải hiểu ở đây là lòng tin của con người đặt vào thần linh, nghĩa là chính Thiên Chúa là đối tượng của lòng tin. Không có đức tin, không cậy dựa vào Thiên Chúa, con người không thể làm được gì, đúng như Đức Giê-su đã dạy: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15, 5). Nhưng nếu tin vào Thiên Chúa, người tín hữu sẽ có năng lực để làm được tất cả mọi sự, như thánh Phao-lô đã từng cảm nghiệm: “Tôi có thể làm được tất cả nhờ Đấng ban sức mạnh cho tôi” (Pl 4, 13). Ầy cũng bởi vì lúc đó, năng lực mà thánh Phao-lô sử dụng không phải đến từ bản thân bất toàn của mình; nhưng đến từ Thiên Chúa, cội nguồn của mọi sức mạnh trong vũ trụ, là Đấng Toàn Năng không có gì là không thể làm được (“đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” – Lc 1, 37).
Rõ ràng là nếu con người không có đủ năng lực, chính là vì họ chưa có đức tin đích thực. Vấn đề căn bản vẫn là ở chủ thể người tin, chớ không phải ở nơi đối tượng của lòng tin. Thật vậy, nếu con người thật sự tin nhau và hy vọng đối tượng sẽ đem đến cho mình những điều tốt đẹp, họ sẽ sẵn sàng đến với đối tượng để cầu mong được giúp đỡ. Nói cách khác, khi đã hoàn toàn tin tưởng vào nhau, người tín hữu sẽ sẵn sàng hợp tác với đối tượng để biến những điều tốt đẹp mà họ cầu mong sẽ trở thành hiện thực. Đối với Thiên Chúa thì cũng vậy, bởi “Để dựng nên ta, Thiên Chúa không cần đến ta, nhưng để cứu rỗi ta, Thiên Chúa không thể làm được nếu ta không cộng tác với Người.” (Thánh Au-gus-ti-nô). Có lẽ cũng vì thế nên Đức Giê-su đã không trả lời thẳng vào lời cầu xin của các môn đệ, mà Người chỉ nêu bật sức mạnh của lòng tin, để các môn đệ tự trang bị và củng cố đức tin của mình.
Đức Giê-su đã lấy đức tin so sánh với hình ảnh một hạt cải nhỏ bé, để có thể ra lệnh cho một cây dâu to lớn di chuyển. Mới nghe qua thì thấy có vẻ vô lý, vì cái lòng tin nhỏ bé như vậy thì làm sao có thể đứng vững được, chớ đừng nói là có thể ra lệnh cho cây dâu di chuyển. Tuy nhiên, suy cho kỹ Lời dạy bởi một Người Thầy chuyên dùng dụ ngôn, sẽ thấy là Người muốn củng cố lòng tin cho các môn đệ, cho nên Người mới dùng một hình ảnh cụ thể là hạt cải nhỏ bé mà có thể ra lệnh cho một cây dâu to lớn, cốt ý để nói lên sức mạnh của lòng tin, của đức tin. Câu này có thể diễn nôm: “Nếu anh em thực sự tin vào Thầy, tin vào quyền năng tối thượng của Thiên Chúa, thì bất cứ việc gì dù to lớn tới đâu chăng nữa (“di sơn đảo hải” – dời non lấp biển, chẳng hạn), anh em vẫn có thể làm được.”
Mấu chốt vấn đề vẫn chỉ là điểm nhấn: Đức tin. Mà nói về đức tin là phải nghĩ đến mạc khải vì “Nếu mạc khải là con đường Thiên Chúa đến với con người, thì đức tin là con đường con người đến với Thiên Chúa, là sự đáp trả của con người trước tiếng nói của Thiên Chúa.” (Thánh Au-gus-ti-nô). Thật vậy, “Kẻ chú tâm vào Lời Chúa dạy sẽ gặp chuyện tốt lành, người đặt niềm tin vào ĐỨC CHÚA thật hạnh phúc dường bao.” (Cn 16, 20); “Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào ĐỨC CHÚA và có ĐỨC CHÚA làm chỗ nương thân.” (Gr 17, 7). Khi về Na-da-rét, Đức Giê-su không làm được phép lạ nào, chỉ vì dân đồng hương không tin (Mt 13, 58). Khi chữa lành bệnh cho ai, Đức Giê-su không nói rằng Người đã chữa lành bệnh cho họ, mà là “Đức tin của con đã chữa lành con” (Mt 9, 22; Mc 5,34; Lc 8,48; Lc 17,19). Đức Maria được bà Ê-li-da-bet khen: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1,45), và chính Mẹ cũng được tôn xưng là “Mẹ đức tin”.
Thánh Phê-rô là mẫu gương nổi bật về vấn đề đức tin. Cùng với các môn đệ khác, khi Phê-rô đi theo Đức Ki-tô, vì đã tin Người có thể giúp thánh nhân “lưới người như lưới cá”. Được sống liền bên với Người Thầy mà mình tin tưởng, được nghe dạy và nhất là được chứng kiến biết bao nhiêu phép lạ Người đã làm, vậy mà khi thì tuyên xưng “Thầy là Đấng Mê-si-a, Con Thiên Chúa hằng sống”, khi lại tưởng Thầy là ma khi thấy Thầy đi trên mặt biển, nhất là khi Thầy đã Phục Sinh hiện ra với các Tông đồ (Lc 24, 37). Vừa mới khẳng định chắc nịch: “Dù có phải chết, con cũng không chối Thầy”, ấy vậy mà chỉ một đứa tớ gái nhà Cai-pha gạn hỏi, đã chối Thầy không chỉ một lần mà tới 3 lần trong một đêm: “Tôi thề là không biết Người ấy” (Mt 26, 72). Nếu đức tin của Phê-rô đã kiên định thì có thể xảy ra trường hợp tréo cẳng ngỗng như vậy không?
Câu chuỵên đi trên mặt biển đã minh hoạ về đức tin của con người bộc trực Phê-rô: Khi thấy Đức Giê-su đi trên mặt biển, ông tin rằng ông cũng có thể đi trên mặt biển đến với Người, và với niềm tin ấy, ông đã đi trên mặt nước không khác gì đi trên mặt đất. Nhưng khi thấy gió thổi mạnh thì ông đâm ra nghi ngờ, đức tin của ông bị chao đảo, vì thế ông bị chìm xuống và la lên cầu cứu: “Thưa Ngài, xin cứu con với!” (Mt 14, 22-33). Rõ ràng việc Phê-rô đi được trên mặt nước hay bị chìm xuống là do đức tin của ông có mạnh mẽ hay không. Trường hợp này có thể nói: ông đi trên đức tin của ông, hay đức tin của ông chính là nền tảng nâng đỡ bước chân ông đi, cũng như nâng đỡ toàn bộ cuộc đời ông. Quả thật, khi có một đức tin vững vàng, thì đời sống nội tâm luôn luôn an bình hạnh phúc, bất chấp nghịch cảnh; nhưng khi đức tin bị chao đảo, thì đời sống cũng bị chao đảo theo.
Phân tích những sự kiện Kinh Thánh nêu trên, thấy nổi bật một chân lý: Để thành tựu được một phép lạ, phải có hai yếu tố quan trọng: Quyền năng của Thiên Chúa và lòng tin của con người. Thiếu một trong hai thì phép lạ không thể thành tựu được (một minh hoạ sống động là câu chuyện “Đức Giê-su về thăm Na-da-ret”, nhưng những người đồng hương và cả thân nhân của Người vì không tin nên “Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó” (Mc 6, 5). Tuy nhiên, quyền năng của Thiên Chúa thì bao giờ cũng có, lúc nào cũng sẵn sàng tác động, không bao giờ thay đổi hay mất đi, nên yếu tố hiển nhiên ấy không cần bàn cãi. Vấn đề còn lại chỉ là lòng tin của con người. Phép lạ hay điều con người cầu xin Thiên Chúa có xảy ra hay không, hoàn toàn do con người có thật sự tin vào quyền năng vô biên của Thiên Chúa hay không.
Người Ki-tô hữu nhiều khi hoang mang lo sợ trước viễn cảnh tương lai vĩnh cửu và không ý thức mình đang trên con đường được Thiên Chúa cứu độ. Từ chỗ mất niềm tin ấy, người tín hữu có thể dần dần đi tới tình trạng buông xuôi, phó mặc cho số phận đẩy đưa, không còn sống theo những điều Chúa và Giáo hội dẫn dắt nữa. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay thắp lại ánh sáng đức tin và niềm hy vọng vào ơn cứu độ Đức Ki-tô đem đến. Mà cũng “Vì chúng ta tin, nên Đức Giê-su đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang được hiện nay; chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa.” (Rm 5, 2). Quả thật “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy” (Dt 11, 1). Hãy nhìn vào đích điểm của hành trình đức tin là niềm vui được cứu độ và sống “kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su” như thánh Phao-lô dạy. Đó chính là điều giúp ta nhận chân được ý nghĩa đích thực của cuộc sống trần gian và vững lòng tiến bước trong tinh thần hoan hỷ vì ngày Chúa quang lâm đã gần kề.
Tiếp theo lời dạy về niềm tin, Đức Giê-su lại đưa ra hình ảnh một người đầy tớ trung tín. Người đầy tớ làm xong việc ông chủ trao phó đã không hợm hĩnh như kiểu anh chàng Pha-ri-sêu cầu nguỵên trong Đền Thờ ("Dụ ngôn người Pha-ri-sêu và người thu thuế" – Lc 18, 11-12), mà biết thưa với chủ “chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi". Quả thật, đừng khoe khoang, chớ hợm hĩnh, mà hãy khiêm tốn phục vụ, bởi "Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên ." (Mt 23, 11-12). Tốt hơn cả là hãy làm, đừng nói suông kiểu những ông kinh sư thích ngồi trên toà ông Mô-sê (Mt 23, 1-6) và nhất là đừng bao giờ “làm láo báo cáo hay”. Cũng bởi vì "Với đức tin và đức mến của một người được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su, anh hãy lấy làm mẫu mực những lời lành mạnh anh đã nghe tôi dạy. Giáo lý tốt đẹp đã giao phó cho anh, anh hãy bảo toàn, nhờ có Thánh Thần ngự trong chúng ta." (2Tm 1, 13-14).
Tóm lại, bài học rút ra được khi suy niệm bài Tin Mừng hôm nay phải là: Đừng hãnh diện cho rằng mình đã có một đức tin vững mạnh, mà hãy nhìn lại mình để thấy được sự bất toàn của bản thân mà cầu xin: "Lạy Chúa! Xin thêm lòng tin cho chúng con." Ôi! Lạy Chúa! Chúng con chỉ biết hãnh diện khoe thành tích này, việc tốt nọ, mà không biết rằng những thành tích ấy, những việc làm ấy, nếu không được Thần Khí Chúa soi sáng và thúc đẩy, thì rốt lại cũng chỉ là con số không. Chúng con biết rằng chúng con luôn hão huyền tự đắc cho rằng mình được làm con cái Thiên Chúa, được làm bạn hữu của Con Thiên Chúa, thì chắc chắn lòng tin sẽ vững mạnh. Đó quả thực là điều không tưởng! Vâng, lạy Chúa, xin ban Thần Khí cho chúng con, "xin thêm lòng tin cho chúng con", để chúng con biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa dạy. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: