Ai có lòng khó khan, ấy là phúc thật
Ai có lòng khó khan, ấy là phúc thật
Lại Thế Lãng dịch
Những gì đến trong tâm trí khi chúng ta nghĩ về một vương quốc?
Có lẽ là các hiệp sỹ trong bộ áo giáp sáng loáng, một phụ nữ kiều diễm trong trang phục lụa là hay là một lâu đài kiên cố bao quanh bởi một con hào. Hoặc chúng ta cũng có thể nghĩ đến một cái gì đó hiện đại hơn như cung điện của nữ hoàng Elizabeth chẳng hạn. Nhưng cho dù đó là những hiệp sỹ thời Trung cổ hay những quốc vương thời hiện đại, hình ảnh của chúng ta về một vương quốc nói chung đều liên quan tới sự lộng lẫy, giàu có và đầy mưu mô.
Bây giờ hãy thử thay vào đó hình ảnh của một loại vương quốc khác, một vương quốc mà dân cư là những người lao động, nông dân qui tụ chung quanh vị vua của họ là một người thợ mộc bình thường. Thay vì nghe âm nhạc từ những người hát rong, họ lắng nghe một người đàn ông nói về chuyện gieo giống, hạt giống, nói về con và cha.
Đây là vương quốc Chúa Giêsu đã thiết lập. Vương quốc này hầu như khác hẳn với những vương quốc trần thế. Như chúa Giêsu đã mô tả trong bài Giảng trên Núi của Ngài: Vương quốc của Thiên Chúa là một cuộc sống cầu nguyện, ăn chay, bố thí và đưa má kia cho người ta vả. Đó là một cuộc sống mà mỗi người đối xử với người khác theo cách mà mình muốn được đối xử và tin tưởng tuyệt đối vào quyền năng của Thiên Chúa.
Và không phải là ngẫu nhiên mà Chúa Giêsu bắt đầu bài Giảng trên Núi với Bát Phúc- một loạt tám mối phúc mà chúng ta sẽ nhận được khi chúng ta sống theo các tiêu chuẩn của Chúa. Bài giảng, chỉ cho chúng ta thấy làm thế nào để sống như những công dân nước trời. Nhưng Bát Phúc cũng hứa hẹn một phần thưởng. Đó là một cuộc sống đầy hạnh phúc. Từ ngữ Bát Phúc trong tiếng Hy Lạp là makarios theo đó thì mỗi một mối phúc đều có nghĩa là “hạnh phúc”.
Có qúa nhiều điều chúng ta có thể nói về mỗi mối phúc trong Bát Phúc. Ở đây chúng ta chỉ nói về “Phúc cho những kẻ có tinh thần khó nghèo, vì nước trời là của họ.” (Matthêu 5: 3)
Cuộc sống tự hiến
Nếu chúng ta muốn hiểu về tinh thần khó nghèo thì không gì bằng nhìn vào chính Chúa Giêsu. Hơn ai hết Ngài đã sống mối phúc này cách đầy đủ và trọn hảo. Tại sao? Bởi vì từ trong thâm tâm, sống tinh thần khó nghèo là phải từ bỏ chính mình trước mặt Thiên Chúa và sẵn sàng đáp trả những gì Cha chúng ta ở trên trời muốn chúng ta làm.
Hãy tưởng tượng Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa hằng sống, ngự trên ngôi báu trên trời trong sự thờ phượng của muôn vàn thiên thần. Tại sao Ngài lại bỏ tất cả để nhập vào thế giới đầy tội lỗi và buồn khổ? Bởi vì Ngài muốn sống tinh thần khó nghèo. Ngài đã không muốn nắm giữ uy quyền “thay vào đó” thánh Phaolô nói “Ngài đã hủy mình ra không” và đến sống giữa chúng ta như một người phàm (Philip 2:7). Ngài đã nhập vào thế giới do chính Ngài tạo dựng như một đứa trẻ bất lực và mang lấy tất cả những hạn chế của xác thịt loài người.
Ý muốn sống khó nghèo của Chúa Giêsu không chấm dứt với việc Ngài sinh xuống trần gian. Mỗi ngày trong suốt cuộc đời Ngài, Ngài chỉ làm những gì Cha Ngài yêu cầu. Thay vì làm việc độc lập với Thiên Chúa, Ngài chỉ nói những gì Cha Ngài muốn Ngài nói. Thay vì tìm kiếm sự ca ngợi hay danh tiếng cho riêng mình, Ngài đã sống hết mình với người bệnh tật, kẻ bị ám, người nghèo và người bị bỏ rơi. Thay vì đòi được tôn vinh vì là Con Thiên Chúa, Ngài nói với dân chúng về lòng thương xót của Cha Ngài và Ngài đối xử với dân chúng với lòng thương xót đó. Mọi ngày, mọi lúc Ngài đã sống như lời Ngài nói “Con Người không đến để được hầu hạ, nhưng là để hầu hạ và thí mạng sống của mình làm giá chuộc thay cho nhiều người".(Matthêu 20:28).
Ngay cả khi công việc của Ngài dấy lên sự nghi ngờ và mối đe dọa của các nhà lãnh đạo Do thái, Chúa Giêsu tiếp tục tự hạ mình “Chính là Ta, và tự Ta, Ta không làm gì; nhưng Cha đã dạy Ta làm sao, Ta nói vậy” (Gioan 8:28). Cuối cùng khi thời giờ đã đến, sự tự hạ mình của Chúa Giêsu đã đạt đến kết cụộc trọn vẹn. Ngài đã “vâng phục cho đến chết, và là cái chết thập giá!” (Philip 2: 8). Ngài đã tự hạ mình trong mọi sự cho đến lúc nói với Thiên Chúa Cha “Con ký thác hồn con trong tay Cha” (Luca 23: 46).
Vương quốc Thiên đàng là của Ngài.
Bởi vì Chúa Giêsu sống trong tinh thần khó nghèo, Cha Ngài đã nâng Ngài lên từ cõi chết và đưa Ngài lện trời (Philip 2: 9). Thiên Chúa Cha đã ban cho Ngài “Danh hiệu vượt quá mọi danh hiệu, hầu trước danh hiệu của Ðức Giêsu . . . mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Giêsu Kitô Là Chúa”. Từ ngữ “Chúa” ở đây, trong tiếng Hy Lạp là Kirios là tên mà Thiên Chúa đã tỏ lộ cho Môsê ngay trước bụi cây đang cháy. Đó là cách Thiên Chúa Cha ban thưởng cho Chúa Giêsu do việc tự hạ mình của Ngài. Thiên Chúa Cha đã ban cho Ngài vương quốc thiên đàng.
Bởi vì Chúa Giêsu tự hạ hình và sẵn sàng mang “thân phận tôi đòi”, Ngài đã có nhiều chỗ trống để Thiên Chúa Cha lấp đầy trong suốt cuộc sống của Ngài (Philip 2: 7). Khi Ngài nói với những kẻ chống đối Ngài “Cha và Ta là một”, Chúa Giêsu đã minh chứng sự gần gũi của Ngài với Thiên Chúa Cha (Gioan 10: 30). Ngài đã nói với họ và với chúng ta rằng tất cả những ai phấn đấu để sống tinh thần khó nghèo đều có một mối quan hệ chặt chẽ và mật thiết với Thiên Chúa. Cho dù chúng ta có nhận ra điều này hay không, Thiên Chúa luôn tuôn đổ tình yêu trên chúng ta khi chúng ta đến với Ngài trong tinh thần khó nghèo.
Chúng ta có thể không được kêu gọi để sống khó nghèo và chết nhục nhã như Chúa Giêsu nhưng chúng ta được kêu gọi để sống từ bỏ như Chúa Giêsu đã sống. Hãy nhớ Chúa Giêsu không chỉ tự hạ mình trên cây thập giá. Ngài đã sống cách đó mỗi ngày trong suốt cuộc đời của Ngài. Ngài dựa vào Thiên Chúa Cha để có sức mạnh và được hướng dẫn và tìm ý định của Thiên Chúa bằng nhiều cách, việc lớn cũng như việc nhỏ. Tương tự như vậy, Thiên Chúa muốn chúng ta dựa vào Ngài trong mọi việc. Thiên Chúa muốn chúng ta dành chỗ trống trong lòng mình trước những mối bận tâm riêng để có chỗ cho Ngài lấp đầy ân sủng để chúng ta luôn vâng phục và tín thác cuộc sống trong tay Ngài.
“Xin hãy xa tôi, lạy Ngài”
Đôi khi chúng ta có thể nghĩ rằng vì Chúa Giêsu là con Thiên Chúa. Ngài dễ dàng sống tinh thần nghèo khó hơn chúng ta. Nhưng Kinh Thánh cho chúng ta vô số những thí dụ về những người khác cũng đã học được ân sủng của tinh thần khó nghèo mà thánh Phêrô là một thí dụ điển hình. Ngay từ đầu chúng ta thấy Phêrô là một người chăm chỉ mà tính tự lực và quyết tâm của Ông chỉ đem lại cho Ông kết qủa ngược lại sự mong đợi hoặc là thất bại, không tạo ra kết qủa như mong đợi. Khi chúng ta gặp ông lần đầu tiên, Phêrô đã đánh cá cả đêm nhưng đã trở về với lưới trống không (Luca 5:1-8). Rồi sau đó Chúa Giêsu, người không có kinh nghiệm hoặc kinh nghiệm chỉ bằng một phần nhỏ so với Phêrô, đã bảo ông ra khơi một lần nữa vào ngay thời điểm không thích hợp. Nhưng Phêrô đã bắt được rất nhiều cá đến gần rách cả lưới.
Biết rằng vừa được chứng kiến một phép lạ, Phêrô run rẩy. Ông quì xuống xin Chúa Giêsu “rời xa” Ông (Luca 5: 8). Ông nhận ra rằng tự Ông, Ông không có khả năng bắt được nhiều cá như vậy nhưng Ông còn nhận ra mình là người tội lỗi. Nhưng Chúa Giêsu đã không rời xa. Ngài làm ngược lại lời yêu cầu của Ông. Ngài mời Ông ở lại với Ngài và hứa rằng nếu Ông muốn Ngài sẽ để cho Ông “chài lưới bắt người” thay vì bắt cá.
Đây là lần đầu tiên trong nhiều tình huống Phêrô tiến tới việc chống lại những hạn chế của mình. Hết lần này đến lần khác, Ông cố gắng sử dụng sức mạnh của mình để đạt được kết quả như cố gắng đi trên mặt nước, cố gắng thuyết phục Chúa Giêsu tránh xa thập tự, hứa hẹn rằng không bao giờ Ông từ bỏ Chúa Giêsu nhưng chỉ ít giờ sau đó Ông đã thề thốt rằng chưa bao giờ biết đến người này.
Tuy nhiên với mỗi nỗ lực để khẳng định mình, cảm giác tự phụ của Phêrô mờ nhạt dần đi. Cuộc phấn đấu của Ông (ngay cả với ý định tốt lành) chỉ cho Ông thấy Ông không có khả năng trung thành với Chúa dựa trên sức mạnh của riêng Ông. Dần dần Ông học biết rằng chỉ bằng cách đến với Chúa Giêsu trong khó nghèo và trống không, Ông mới có thể được lấp đầy. Chỉ những ai sống tinh thần khó nghèo mới có thể nhận được vương quốc của Thiên Chúa và tự do để “đánh bắt” người với niềm vui và hy vọng của vương quốc của Thiên Chúa.
Hãy đến và được lấp đầy
Đây là cốt lõi của việc sống tinh thần khó nghèo. Nó có nghĩa là đến với Thiên Chúa với tay không. Nó có nghĩa là dâng mình cho Thiên Chúa, Ngài không mong đợi chúng ta xứng đáng. Nó cũng có nghĩa rằng mở ra để nhận những món qùa phong phú Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta thay vì cố gắng lấp đầy những thứ của thế gian. Khi chúng ta thú nhận rằng lưới của chúng ta trống rỗng ngay cả khi đã “làm việc vất vả cả đêm” (Luca 5:5). Chúng ta sẽ thấy mình ở vị thế để nhận mọi thứ nhưng không từ Thiên Chúa.
Giống như Phêrô, chúng ta cảm thấy mình phải đối diện với những hạn chế và thiếu sót của riêng mình hết lần này đến lần khác. Chúng ta có thể cảm thấy thất vọng bởi những thất bại gần đây. Chúng ta có thể sợ rằng dù không quản ngại khó khăn nhưng vẫn không đạt được như mong muốn. Hoặc những nỗ lực về những việc làm hướng về Chúa cũng không mang lại thứ hoa trái mà chúng ta kỳ vọng.
Tuy nhiên chúng ta có thể cảm thấy Thiên Chúa đang chờ sẵn để ban cho chúng ta dồi dào ân sủng. Vì vậy trong tuần này hãy đến với Thiên Chúa trong lời cầu nguyện và thưa với Ngài “Lạy Chúa xin giúp con sống tinh thần khó nghèo. Con cần phải làm gì cho có chỗ trống để được lấp đầy?”. Khi chúng ta có thái độ “tay không” trước mặt Thiên Chúa, chúng ta sẽ thấy hạnh phúc trong đời sống Chúa Giêsu đã hứa ban: vương quốc của Ngài sẽ trở thành điều chúng ta có thể nhận ra và sống mỗi ngày./.
- Tổng Hơp: