Nòi rắn độc gài bẫy Đức Giê-su
NÒI RẮN ĐỘC GÀI BẪY ĐỨC GIÊ-SU
(CN XXXII/TN-C)
Có ngày sinh ắt có ngày chết, đó là nguyên lý không những của loài người, mà nói chung là của vạn vật. Nói về loài người, nếu ngày sinh, chúng ta cất tiếng khóc trong niềm vui mừng của mọi người, thì ngày chết, mọi người sẽ khóc cho kiếp người của ta đến đây kết thúc. Vậy, chết là lẽ thường tình của một kiếp nhân sinh. Tuy nhiên, điều mà chúng ta cần đặt ra, đó là: chết rồi sẽ đi về đâu? Bên kia cái chết là gì? Những câu hỏi như thế, nhóm Xa-đốc trong bài Tin Mừng hôm nay cũng đã đặt ra cho Đức Giê-su. Nhân cơ hội, Đức Giê-su đã mạc khải cho họ biết về cuộc sống mai hậu. Và đây cũng chính là câu trả lời cho mỗi chúng ta về thắc mắc trên.
Bài Tin Mừng hôm nay (CN XXXII/TN-C – Lc 20, 27.34-38) trình thuật câu chuyện nhóm Xa-đốc gài bẫy Đức Giê-su. Xa-đốc là nhóm thuộc phe bảo thủ trong giới lãnh đạo tôn giáo của Do Thái, các tư tế Do Thái thường xuất thân từ nhóm này. Thánh Gio-an Tẩy Giả đã quá đúng khi gọi họ là “nòi rắn độc” (“Thấy nhiều người thuộc phái Pha-ri-sêu và phái Xa-đốc đến chịu phép rửa, ông nói với họ rằng: "Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy?” – Mt 3, 7). Như lời giới thiệu của Thánh sử Lu-ca thì “Nhóm này chủ trương không có sự sống lại” (Lc 20, 27).
Họ chỉ công nhận 5 cuốn sách do ngôn sứ Mô-sê viết là Thánh Kinh, đó là: Sáng Thế, Xuất Hành, Lê-vi, Dân Số, Đệ Nhị Luật. Trong những sách này, Mô-sê không đề cập đến việc sống lại, nên nhóm Xa-đốc chủ trương không có sự sống lại. Việc sống lại để sống vĩnh cửu chỉ được đề cập đến trong những sách Cựu Ước khác, chẳng hạn trong quyển Ma-ca-bê 2 (xc bài đọc 1 CN XXXII/TN-C – 2Mcb 7, 1-2.9-14 và xem thêm 2Mcb 12, 43-44), sách ngôn sứ I-sai-a (Is 26, 19). Ngược lại, nhóm Pha-ri-sêu không chỉ công nhận giá trị mạc khải của 5 cuốn sách do Mô-sê viết, mà còn công nhận những sách khác nữa, nên họ chủ trương có sự sống lại. Do đó, hai nhóm luôn tranh luận và bất đồng ý kiến với nhau về vấn đề này.
Sau thất bại thê thảm của nhóm Pha-ri-sêu gài bẫy Đức Giê-su về vấn đề “ném đá người đàn bà ngoại tình” (Ga 8, 2-11), rồi vấn đề “có nên nộp thuế cho vua Xê-da hay không?” (Lc 20, 20-25), giờ đến lượt nhóm Xa-đốc thử thách Người. Họ dựng lên một câu chuỵên không tưởng để dồn Đức Giê-su vào thế bí. Đó là chuỵên một người đàn bà lần lượt kết hôn với bảy anh em ruột, từ người anh cả trở xuống (chiếu theo Luật Mô-sê, nếu người anh chết mà chưa có con thì người em kế cận phải tiếp nối hôn nhân ấy – sống với chị dâu). Chẳng người nào có con cái và tất cả 7 người đều chết. Thực tế, dù cho Luật Mô-sê có cho phép, cũng không thể có trường hợp cả 7 anh em ruột đều lần lượt ăn ở với chỉ một người phụ nữ, đều không có con và chết hết. Dụng ý của nhóm Xa-đốc chỉ là đặt câu hỏi: “Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai?” và tin rằng Đức Giê-su sẽ bí, không trả lời được.
Thật thế, nếu Đức Giê-su trả lời là sau khi sống lại, cả bảy người sẽ cùng sống chung với duy nhất một bà vợ, thì quả là thậm vô lý và phạm luật của Thiên Chúa “một vợ một chồng”. Còn nếu trả lời là cả 7 người đàn ông và người phụ nữ đã chết là hết tất cả, làm gì có chuyện là vợ của ai, thì vô hình chung, Đức Giê-su cũng coi như không có đời sau. Không có đời sau thì làm gì có sự sống lại. Trả lời cách nào cũng kẹt, và vì thế càng thấy sự nham hiểm của nhóm Xa-đôc (kể cả nhóm Pha-ri-sêu), đó là họ cố tình gài bẫy để có chứng cớ xử án Người (“Còn các thượng tế và toàn thể Thượng Hội Đồng thì tìm chứng gian buộc tội Đức Giê-su để lên án tử hình” – Mt 26, 59).
Nhóm Xa-đốc đã tưởng với cách gài độ thâm hiểm của họ sẽ làm cho con mồi là Đức Giê-su sập bẫy. Nhưng thật không ngờ Đức Giê-su đã dùng chính “gậy ông đập lưng ông”. Họ dựa vào luật Mô-sê – mà họ công nhận có giá trị mạc khải – để tấn công Đức Giê-su, thì Người cũng dùng chính lời của Mô-sê để hoá giải, khiến họ phải câm miệng. Nếu họ dựa vào Mô-sê để nói rằng không có sự sống lại chỉ vì ông không minh nhiên đề cập đến sự sống lại, thì Người cũng dựa vào chính Mô-sê để minh chứng ngược lại: “Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Mô-sê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp. Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống." (Lc 20, 37-38). Rõ ràng là các tổ phụ vẫn sống trước nhan Thiên Chúa (mặc dù thân xác các ngài đã chết và đang chờ ngày sống lai), nên ông Mô-sê mới gọi là “Thiên Chúa của các tổ phụ”. Cuối cùng thì không nhũng Đức Giê-su làm cho đám Xa-đốc thất bại, mà còn khiến nhóm Pha-ri-sêu cũng phải bái phục (“Mấy người thuộc nhóm kinh sư lên tiếng nói: “Thưa Thầy, Thầy nói hay lắm!” – Lc 20, 39).
Cả ba lần 2 nhóm người Pha-ri-sêu và Xa-đốc gài bẫy Đức Giê-su đều nhắm vào lề luật. Họ chỉ mong Đức Giê-su sập bẫy để họ kết án là Người đã chống lại Luật Thiên Chúa (Luật Mô-sê vốn được coi là Luật Thiên Chúa). Nhưng họ đã thất bại bởi chính cái bẫy họ giương lên. Đối với Lề luật, cũng đã nhiều lần Đức Giê-su dạy các môn đệ: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành” (Mt 5, 18); hoặc lên án bọn kinh sư giả hình (“Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, lòng nhân và sự thành thật. Các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ. Quân dẫn đường mù quáng! Các người lọc con muỗi, nhưng lại nuốt con lạc đà.” – Mt 23, 23). Điều đó cho thấy, Đức Giê-su không hề chống lại, mà rất tôn trọng Lề Luật. Duy chỉ có điều Người muốn mọi người – nhất là đám Pha-ri-sêu và Xa-đốc – hiểu rằng “điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, lòng nhân và sự thành thật”. Áp dụng Luật mà thiếu một trong ba điều đó, thì chưa thể coi là hiểu biết và tôn trọng Luật.
Bài Tin Mừng hôm nay, một lần nữa chứng minh rằng, cuộc sống siêu nhiên ở đời sau không giống với những suy nghĩ của con người căn cứ trên thực tại trần thế (“Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn ĐỨC CHÚA thì thấy tận đáy lòng.” – 1Sm 16, 7). Điều đó cũng cảnh báo cho con người hiểu rằng, đừng suy tính cuộc sống mai hậu như kiểu tính toán trong cuộc sống hiện tai ở trần gian, đừng lo rằng nơi cõi phúc có được lấy vợ lấy chồng hay không. Điều đáng quan tâm lo lắng nhất là hãy tìm cho ra con đường sự thật (đường chân lý), chuẩn bị sẵn sàng và kỹ lưỡng tất cả hành trang và dũng cảm nhập cuộc trên hành trình tiến về quê Trời.
Và trên tất cả, hãy cầu cho được một nguồn động lực thúc đẩy như người mẹ đối với 7 người con trong bài đọc 1 (2Mcb 7, 1-2.9-14). Nguồn động lực đó tất yếu là Đức Giê-su Thiên Chúa, hãy đến với Người bằng tất cả niềm cậy trông bất diệt (“Xin chính Chúa chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô, và xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, Đấng yêu thương chúng ta và đã dùng ân sủng mà ban cho chúng ta niềm an ủi bất diệt và niềm cậy trông tốt đẹp, xin các Ngài an ủi và cho tâm hồn anh em được vững mạnh, để làm và nói tất cả những gì tốt lành” – 2Tx 2,16-17).
Ôi! Lạy Chúa! Con hiểu rằng thân xác này của con sẽ sống lại vào ngày sau hết để bước sang cuộc sống vĩnh cửu, đó là một trong những niềm tin căn bản nhất của Ki-tô giáo. Con tin chắc rằng những gì đang xảy ra với con trong cuộc sống ngắn ngủi này đều nằm trong sự quan phòng của Chúa, đều do Chúa cho phép xảy ra để chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu của con sau này. Vì thế, con sẵn sàng chấp nhận tất cả với lòng tin tưởng vào tình yêu vô biên của Chúa dành cho con. Cúi xin Chúa ban Thần Khí củng cố niềm tin nơi con, để ngày chung thẩm con được vinh dự đứng ở bên phải Chúa như lời Chúa đã phán năm xưa. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: