Tỉnh thức và sẵn sàng hành động
TỈNH THỨC VÀ SẴN SÀNG HÀNH ĐỘNG
(CN I/MV-A)
Mùa Vọng chính là mùa sống lại tinh thần của dân Do Thái xưa đợi trông Con Thiên Chúa xuống thế làm người để cứu độ nhân loại, và ngày nay, toàn thể Giáo hội đang đợi chờ Chúa đến lần thứ hai trong ngày cánh chung. Tuy nhiên, đợi trông không có nghĩa là cứ ngồi rồi mong ngóng như con trẻ mong mẹ đi chợ về. Cũng không phải như những người ngủ mê, sống ù lì và há miệng chờ sung rụng. Đợi trông ở đây gắn liền với hành động, một thứ hành động trong tỉnh thức. Tỉnh thức để biết được đâu là điểm chính yếu, đâu là phụ thuộc, đâu là cái vĩnh hằng, đâu là cái nhất thời. Tỉnh thức cũng là tinh thần của người khôn ngoan biết chọn lựa cái tốt và loại trừ cái xấu. Chờ đợi theo tinh thần của những người tin là hướng về phía “Ánh Sáng” mà tiến bước trong hân hoan.
Theo từ nguyên, thì “vọng” là: nhìn, hướng về nơi mà tâm trí đang tưởng nhớ, trông chờ; “hy vọng” là: mong chờ, trông đợi. Tâm lý chung của con người thì chỉ mong chờ, trông đợi những điều tốt lành, không ai mong đợi những điều xấu xa cả. Vì thế, lịch Phụng Vụ đã quy định 4 tuần trước lễ Giáng Sinh là Mùa Vọng (tượng trưng cho 4.000 năm Cựu Ước trông đợi ngày Chúa giáng trần). Trông đợi ngày Chúa Giáng Sinh là trông đợi Tin Mừng Đấng Cứu Thế xuống trần cứu độ nhân loại, vui mừng phấn khởi là điều tất nhiên; nhưng đọc câu mở đầu bài Tin Mừng hôm nay (CN I/MV-A) thì bất kỳ ai cũng rùng mình sợ hãi: “Quả thế, thời ông Nô-ê thế nào, thì ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. Vì trong những ngày trước nạn hồng thủy, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô-ê vào tàu. Họ không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thủy ập tới cuốn đi hết thảy. Ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy.” (Mt 24, 37-39). Tuy nhiên, nếu chỉ là đón mừng Chúa Giáng Sinh thì Chúa đã đến rồi; và chính Người dạy những Lời trên là để nói đến ngày Người đến lần thứ hai (ngày Con Người quang lâm). Vậy phải hiểu vấn đề như thế nào?
Vì sao có nạn Hồng thủy? Ấy cũng bởi vì “ĐỨC CHÚA thấy rằng sự gian ác của con người quả là nhiều trên mặt đất, và lòng nó chỉ toan tính những ý định xấu suốt ngày. ĐỨC CHÚA hối hận vì đã làm ra con người trên mặt đất, và Người buồn rầu trong lòng. ĐỨC CHÚA phán: "Ta sẽ xoá bỏ khỏi mặt đất con người mà Ta đã sáng tạo, từ con người cho đến gia súc, giống vật bò dưới đất và chim trời, vì Ta hối hận đã làm ra chúng." (St 6, 5-7). Tất cả “mọi xác phàm đã theo nếp sống hư hỏng trên mặt đất.” (St 6, 12), duy chỉ có ông Nô-ê là được đẹp lòng ĐỨC CHÚA, nên Người truyền cho ông đóng một con tàu, rồi đem toàn bộ gia đình ông cùng với mọi sinh vật, mọi xác phàm, mỗi loại một đôi, để giữ cho chúng sống với ông (St 6, 13-22). Sự kiện này đã như một tín hiệu báo cho người đương thời biết nạn lụt hồng thủy sắp xảy ra, vậy mà “thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng”, làm như sẽ không có gì xảy ra cả! Lụt hồng thủy đã xóa sạch những con người vô tâm vô tín đó.
Thái độ “không hay biết gì” ở đây không hẳn chỉ mang nghĩa là “không có khả năng nhận ra”, mà đúng hơn là “không muốn biết”. Như vậy là đã rõ, sở dĩ Đức Ki-tô nói tới ngày Con Người quang lâm sẽ diễn ra quang cảnh như ngày lụt hồng thủy, vì Người đã quá rõ loài người chỉ thích tin vào và “làm tôi tiền của vật chất”, hơn là tin vào và “làm tôi Thiên Chúa”. Cũng đã hơn một lần Người dạy: “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18, 8). Thực thế, đã có biết bao dấu chỉ tiên báo (từ Cựu Ước) là Con Thiên Chúa sẽ “mặc lấy thân nô lệ, sống như người trần thế, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”, và Người đã đến, đã sống như “Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9, 58) để rao giảng Tin Mừng cứu độ. Một sự kiện đã xảy ra hiện thực nhãn tiền, vậy mà thiên hạ vẫn làm như không hay biết gì, thậm chí còn chống đối lại. Như thế thì ngày Chúa đến lần thứ hai, chắc chắn thiên hạ vẫn nhởn nhơ “bình chân như vại” sống trong tội lỗi ngập đầu, chẳng cần biết sự gì sẽ xảy ra!
Một bài học lớn cho người tín hữu: Thời ông Nô-ê, việc đóng tàu đã trở nên tín hiệu cho một thực tại chắc chắn sẽ xảy đến là nạn lụt hồng thủy. Cũng thế, trong thời đại cứu độ, thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị khốn khổ và tàn phá là tín hiệu của ngày Chúa Ki-tô quang lâm. Nếu nạn hồng thủy là một sự kiện lịch sử đã xảy ra đột ngột, thì “ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy”, nghĩa là Đức Giê-su sẽ trở lại lần thứ hai vào một thời điểm nào đó không ai biết được. Biết một sự kiện chắc chắn sẽ xảy đến, nhưng lại không biết nó sẽ xảy ra vào lúc nào, điều này đưa người tín hữu tới một cái biết khác, là biết phải chuẩn bị sẵn sàng như thế nào. Và đó cũng chính là điểm Đức Ki-tô cảnh báo: “Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.” (Mt 24, 44).
Vâng, “Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến.” (Mt 24, 43). Canh thức không phải chỉ là thức suốt đêm này qua đêm khác như một người bị bệnh mất ngủ, mà là phải tỉnh táo, canh giữ, phòng vệ trong mọi trường hợp, mọi lúc, mọi nơi. Nói cách khác là phải cảnh giác trước những hiện tượng thiên nhiên và nhất là những trò lừa bịp, ma mị của ma quỷ thông qua con người, phải tìm đến với Lời Chúa, lắng nghe Lời Chúa và kiên quyết sống theo Lời Chúa dạy. Vâng, nhất quyết "Phải như thế, vì anh em biết chúng ta đang sống trong thời nào. Đã đến lúc anh em phải thức dậy, vì hiện nay ngày Thiên Chúa cứu độ chúng ta đã gần hơn trước kia, khi chúng ta mới tin đạo. Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng." (Rm 13, 11-14).
Chưa hết đâu, đã đành là phải tỉnh thức, nhưng còn phải sẵn sàng chuẩn bị dầu đèn, sẵn sàng đem những nén bạc Chúa trao ra kinh doanh cho có hiệu quả để đầu tư vào kho báu Nước Trời. Với những người ưa thích chiến tranh, khủng bố thì hãy “đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến.” (Is 2, 4). Với những người thu thuế thì "Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh." Với binh lính thì "Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình." (Lc 3, 12-14). Nói chung, tất cả đừng sống “vị kỷ” (vì mình) mà hãy sống “vị tha” (vì người) bằng cách "Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy" (Lc 3, 11). Một cách cụ thể, cần phải có một cuộc “chiến đấu nội tâm” (Rm 7, 14-24) để trở thành con người mới.
Có thế mới gọi là tỉnh thức và sẵn sàng đón chờ ngày Chúa đến, ngày Con Người quang lâm: "Bấy giờ, dấu hiệu của Con Người sẽ xuất hiện trên trời; bấy giờ mọi chi tộc trên mặt đất sẽ đấm ngực và sẽ thấy Con Người rất uy nghi vinh hiển ngự giá mây trời mà đến. Người sẽ sai các thiên sứ của Người thổi loa vang dậy, tập hợp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương, từ chân trời này đến chân trời kia." (Mt 24, 30-31). Vâng, người tín hữu trong những ngày trông đợi hãy vững niềm tin (vì "Đức tin là hy vọng" – xc Thông điệp "Spe Salvi", số 1); và kiên trì làm cho mình trở thành những hạt "thóc mẩy". Thực sự chỉ có như vậy mới không lo sợ “Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi.” (Mt 3, 12).
Nếu chỉ hiểu ngày lễ Giáng Sinh như một kỷ niệm sinh nhật của một vị Vua trên hết các vua, Chúa trên hết các chúa, thì 4 tuần lễ của Mùa Vọng sẽ chỉ là một chuỗi ngày quét dọn trang hoàng nhà cửa, may mặc quần áo mới và nhất là mua sắm những chiếc bánh sinh nhật (birthday cake) thật lớn và hợp mốt. Và thực tế đã chứng minh: Người người, nhà nhà (kể cả những nhà không cùng tôn giáo) đã chuẩn bị đón mừng lễ Giáng Sinh như vậy: Sắm những dây đèn màu chớp sáng ngoạn mục, những ngôi sao rực rỡ, những cây thông kiểu cách và nhất là những hang đá Bê-lem hoành tráng. Việc làm đó là tốt, vì tâm lý chung của con ngườ cái gì cũng thích được “thực mục sở thị” (trông thấy nhãn tiền), và chính những cái được nhìn thấy ấy sẽ tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng.
Tuy nhiên, nếu chỉ có vậy thì vẫn chưa đủ, mà cần phải đi sâu vào ý nghĩa thần học của Mùa Vọng: Mùa Trông Đợi Chúa đến lần thứ hai. Vâng, Mùa Vọng phải là mùa trông đợi, mùa chờ đón Tin Mừng Đấng Cứu Thế quang lâm lần thứ hai. ”Quả thế, chúng ta đã được cứu độ, nhưng vẫn còn phải trông mong. Thấy được điều mình trông mong, thì không còn phải là trông mong nữa: vì ai lại trông mong điều mình đã thấy rồi? Nhưng nếu chúng ta trông mong điều mình chưa thấy, thì đó là chúng ta bền chí đợi chờ.” (Rm 8, 24-25). Đã đành là Chúa đã đến, đang đến và luôn sẵn sàng ở lại trong cung lòng mỗi người hàng ngày hàng giờ, nhưng chỉ những người ngay lành, công chính mới thực sự được Chúa ở cùng "mọi ngày cho đến tận thế". Ngày Chúa quang lâm lần thứ hai thì chưa tới và có thể tới bất cứ lúc nào, tới vào lúc loài người bất ngờ nhất, và khi Người tới thì toàn thể nhân loại đều được diện kiến. Duy chỉ có điều – và là điều cần quan tâm nhất, cần lo lắng nhất – là vào ngày giờ ấy, ai sẽ được đứng ở bên phải và ai sẽ phải đứng ở bên trái Chúa.
Chính vì thế, xin hãy biến 4 tuần lễ Mùa Vọng đón chờ ngày Chúa giáng trần trong năm Phụng vụ thành mùa vọng trong suốt cuộc đời trông đợi Chúa quang lâm vào ngày cánh chung vũ trụ. Ngay từ bây giờ, có thể anh vừa mới sinh ra, có thể chị đang ở tuổi thanh niên, trung niên, có thể ông bà đang ở vòng bóng xế, và cũng có thể các cụ đang thèm ăn đất hơn thèm ăn cơm, chân trên lỗ chân dưới lỗ, xin tất cả "Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ." (Lc 12, 35-37). Vâng, xin hãy thực sự sống cuộc đời trần thế cho Mùa Vọng Nước Trời mai hậu sẽ được đứng ở bên phải Chúa, ngẩng cao đầu diện kiến Thiên nhan Đấng Cứu Tinh.
Ước được như vậy. Amen.
VỌNG
Người hẳn nhớ đã từ muôn thế kỷ.
Giữa hoang vu trong sa mạc cuộc đời.
Ngàn dân xưa biến khao khát thành lời:
“Trời cao hỡi, xin mau đổ sương xuống.
Và ngàn mây hãy mau mau cộng hưởng.
Mưa cho đời Đấng Cứu Độ sinh linh” (Is 45, 8).
Trong đêm đen nuôi khát vọng bình minh,
Giữa ngục tù trông mong ngày giải thoát,
Như nai rừng cổ cháy khô vì khát,
Tìm đến suối trong – no thỏa ước nguyền.
Nguồn ơn thiêng như mạch nước tinh tuyền,
Rửa sạch hết những vết nhơ trần thế.
Trong Cựu Ước đã hàng muôn thế hệ,
Chờ đón Ngôi Lời nhập thể vinh quang,
Ngước nhìn trời cao – ngàn tiếng ca vang,
Bao Thánh vịnh tung hô và hoài vọng,
Bao kinh nguyện cầu xin trong cuộc sống,
Bao ước nguyền chờ đón Đấng Thiên Sai,
Và này đây – một Trinh Nữ hoài thai,
Bởi Đức Thánh Linh: Ngôi Lời Nhập Thể,
Be-lem đó – nơi Chúa Trời giáng thế,
Để chu toàn sứ vụ từ Ngôi Cha,
Đem Tình Yêu – tin tưởng đến muôn nhà,
Cho nhân loại được thông phần cứu rỗi.
Nhưng từ đó, đắm mình trong tội lỗi,
Loài người vẫn còn từ khước Thiên ân,
Vẫn chưa hề biết sám hối ăn năn,
Vẫn đóng đinh Tình Yêu vào thập giá,
Và vẫn còn đầy đam mê hối hả,
Vẫn điên cuồng ngụp lặn bả vinh hoa,
Vẫn bon chen, vẫn hưởng thụ, sa đà…
Bán cả linh hồn cho u mê dục vọng.
Chính vì thế, đời mãi là Mùa Vọng,
Mong đến ngày gặp lại Đức Ki-tô,
Đến một ngày (vui thỏa hoặc âu lo),
Khi lành dữ được cân phân thưởng phạt,
Và cũng để được hưởng ơn cứu thoát,
Xin hãy lắng nghe Lời Chúa hàng ngày,
Quyết giữ gìn một tâm trí thẳng ngay,
Một con người – một cuộc đời công chính,
Như Lời Chúa khi xưa (đầy khả kính):
“Các trinh nương hãy chuẩn bị dầu đèn,
Y phục chỉnh tề – rượu đã lên men,
Và tỉnh thức chờ tân lang sẽ tới,
Chớ có ngủ quên, ân tình vời vợi,
Luôn sẵn sàng chờ đón suốt canh thâu”. (Mt 25, 1-13)
Và còn nữa… còn nữa… Hãy cho mau,
Dọn con đường cho phẳng phiu, ngay ngắn,
Bao đồi núi gập ghềnh còn che chắn,
Hãy sửa sang, san lấp, xóa chông gai,
Để hân hoan mừng đón Đấng Thiên Sai,
Ngẩng đầu lên trong đêm đen tội lỗi,
Hãy kiên tâm “canh tân và sám hối”,
Hãy vững tin: “Nước Chúa đã gần kề”,
Hãy dọn đường, sửa lối cho Chúa đi,
Bởi chính đây là “Con Đường Cứu Chuộc”.
Ca lên đi! Hỡi muôn dân muôn nước,
Mừng đón Chúa Trời ngự giá quang lâm,
Ca lên đi! Hỡi chư vị thiên thần,
Trời và đất sẽ giao hòa tuyệt đối,
Cả không gian với thời gian diệu vợi,
Hãy ngừng trôi và hãy lắng tai nghe,
Dậy thinh không muôn sóng nhạc đê mê:
“BÌNH AN THẾ TRẦN – VINH DANH THIÊN CHÚA”.
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết: