Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Đồng hành với người trẻ

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

ĐNG HÀNH VI NGƯI TR

 

 

Trong Thư Chung gửi cộng đồng Dân Chúa (ngày 4/10/2019), Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ấn định Chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm (2020 - 2022) với các chủ đề sau:

 

- 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

 

- 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình.

 

- 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội

 

Như vậy, Chủ đề Mục vụ cho năm 2020 là : “Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện”. Nói đến đồng hành với người trẻ, không thể không nhắc đến câu chuyện Đức Giê-su Ki-tô đồng hành với hai người trẻ trên đường Em-mau (Lc 24, 13-35):

 

I. Hành trình Em-mau: 

 

Sau khi Đức Giê-su Ki-tô tử nạn trên thập giá, thì có thể nói hai môn đệ trên đường Em-mau bộc lộ rõ nét nhất tâm trạng chung của các Tông đồ tiên khởi: mỏi mệt, chán chường, thất vọng não nề. Thế là hết, hết mọi hy vọng về một vương triều mới dưới sự lãnh đạo của Vua Giê-su. Tuy rằng các môn đệ khác tập trung tại một nơi để cầu nguyện cùng với người Mẹ mà Thầy mình đã trối trăng dưới chân thập tự; riêng hai ông thì thật sự tuyệt vọng, chẳng còn lý do gì để lưu lại chốn kinh thành.

 

Hành vi rời Giê-ru-sa-lem của 2 môn đệ, nếu xét theo tâm lý con người thì cũng bình thường, không có gì đáng trách. Cũng bởi vì ngay khi Thầy còn sống, được ở liền bên với Thầy, chứng kiến biết bao nhiêu việc làm và nhất là những phép lạ Thầy chữa bệnh cho nhiều người, thậm chí còn cho cả kẻ đã chết rồi được sống lại nhãn tiền, vậy mà vẫn còn hoài nghi; huống hồ nay Thầy đã chết và được chính bản thân mình mai táng trong mồ, thì làm sao còn nuôi được hy vọng như khi mới theo Thầy? Cuộc đời luôn có những thử thách mà thừ thách này là một thử thách nghiệt ngã, không chỉ dành riêng cho 2 môn đệ trên đường Em-mau, mà là chung cho tất cả các môn đệ.

 

Tâm trạng chán chường tuyệt vọng của hai môn đệ đã khiến người khách đồng hành quở trách: "Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?" (Lc 24, 25-26). Không những thế, người khách lạ lùng ấy còn kể ra một danh sách dài các ngôn sứ để minh họa cho những gì liên quan đến Đức Giê-su: “Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.” (Lc 24, 27). Những lời dạy của vị khách kể như là tiếng gọi của Tình yêu, bởi đã mở mắt cho 2 môn đệ thấy được lòng trí u mê, tăm tối của con người, nhất là cái niềm tin rất dễ bị chao đảo. Chậm tin, kém tin là đương nhiên, và vì thế, khi nghe được những lời khai thông ấy, họ mới lên tiếng đáp trả khi thấy người khách lạ tỏ ý muốn chia tay: "Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn." (Lc 24, 29).

 

Thật sự chẳng ai ngờ được người khách đồng hành lại chính là người Thầy đã tử nạn trên thập giá. Vì Tình Yêu, Thầy đã vâng lệnh Chúa Cha xuống trần để cứu độ loài người, Thầy luôn luôn và mãi mãi đồng hành, “ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20) mà họ không tự biết, vẫn còn bán tín bán nghi. Phải đợi đến lúc đồng bàn, Thầy lập lại động tác như trong bữa Tiệc Ly lập bí tích Thánh Thể (“Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra cho họ.” – Lc 24, 30), họ mới nhận ra.

 

Hành động "Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn" cũng chỉ là một nghĩa cử bình thường của tình nhân loại. Nhưng nghĩa cử đó đã được đáp ứng: Hai môn đệ mời Thầy dùng cơm bánh đời thường thì Thầy lại mời họ dùng cơm bánh bởi trời. Sự nhận về và cho đi giữa Thầy và các môn đệ thật quá đỗi lạ lùng, và đó chính là sự kỳ diệu của Tình Yêu. Con người ở thế kỷ XXI này cũng vậy, đã nhận về rất nhiều, quá nhiều Máu Tình Yêu từ Trái Tim Thầy, từ lòng nhân hậu của Thiên Chúa, vậy mà vẫn còn và còn rất nhiều cảnh: “Ngày xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách trọ các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các người đã chẳng thăm viếng.” (Mt 25, 42-43).

 

            Hành trình Em-mau là một hành trình khởi đi từ nỗi thất vọng, chán nản ê chề, trở thành một hành trình tìm kiếm đức tin và kết thúc hết sức tốt đẹp, nên “Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó.” (Lc 24, 33). Đó chính là một hành trình đức tin khởi đi từ khi con người đón nhận Ơn gọi Ki-tô hữu: Được nhận vào làm môn đệ của Đức Giê-su, được tham dự vào 3 chức vụ của Người (Ngôn sứ – Tư tế – Vương giả).

 

Lãnh nhận chức vụ “ngôn sứ” là lãnh nhận sứ mạng rao giảng Tin Mừng (“Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em và đây, Thầy ở cùng anh  em mọi ngày cho đến tận thế.” – Mt 28, 19-20). Lãnh nhận chức vụ “tư tế” tức là hiến trọn cuộc đời mình làm của tế lễ dâng lên Thiên Chúa như xưa Đức Ki-tô đã thực hiện trong “hy tế thập giá”. Còn chức vụ “Vương giả” là chức vụ làm vua (làm vua bản thân tức là làm chủ cuộc đời của chính mình, phục vụ Thiên Chúa và tha nhân như xưa Đức Vua Ki-tô đã thực hiện).

 

II. Đồng hành với người trẻ: 

 

Nếu giáo dục chỉ là truyền thụ kiến thức thì nhà giáo dục chỉ cần có kiến thức chuyên môn là đủ, nhưng nếu hiểu giáo dục Ki-tô giáo là đào tạo con người toàn diện, thì bản thân nhà giáo dục cũng chỉ có thể chu toàn bổn phận khi giáo dục người khác bằng cả con người của mình. Nói cách cụ thể là: một người muốn dạy người khác, thì chính mình phải có kinh nghiệm tối thiểu về điều mình giảng dạy, phải hoàn tất đoạn đường nào đó trong sự thể nghiệm những kiến thức truyền thụ bằng chính cuộc sống của mình.

 

            Để giáo dục tình yêu thương, cần xây dựng bầu khí yêu thương ngay trong gia đình, nhờ đó mọi thành viên trong gia đình đều cảm nhận sâu xa là mình được mọi người trong gia đình yêu thương và tình yêu của mình được mọi người đón nhận, đáp trả; đồng thời chính cha mẹ phải nêu gương trước. Gương sáng của cha mẹ và những bậc huynh trưởng đóng vai trò quan trọng để giáo dục lương tâm cho những thế hệ nối tiếp. Nhà giáo dục vĩ đại luôn dạy dỗ và thực hành đúng những gì đã giảng dạy – Đấng thực sự đồng hành với chúng ta trên mỗi bước đường của cuộc đời và ơn gọi – là chính Chúa Giê-su Ki-tô.

 

Vậy Chúa Giê-su đồng hành với chúng ta như thế nào? Và nơi nào Người đưa chúng ta đi tới? Toàn bộ đời sống công khai của Đức Ki-tô đã là một sự đồng hành với các môn đệ. Người đã ở với họ, trò chuyện với họ, cầu nguyện cho họ và sửa chữa lỗi lầm của họ, làm cho họ được thông phần vào sứ mệnh, vào công cuộc cứu chuộc của Người. Và điều này làm cho các môn đệ càng có khả năng trở thành môn đệ của Chúa để đồng hành với những người khác. Ngay cả đám đông cũng đi theo Chúa Giê-su, tìm kiếm Người, lắng nghe Người, yêu mến Người, vì Chúa Giê-su luôn đồng hành với mỗi cá nhân, cũng như với cả cộng đồng.

 

Đức Ki-tô đã sống và đồng hành với con người trên khắp nẻo đường đời. Trong vườn, Đức Ki-tô xuất hiện và đồng hành như một người làm vườn. Bên dân chài lưới, Người xuất hiện và đồng hành như một tay lưới chuyên nghiệp, rành rẽ đường đi nước bước của đàn cá (Lc 5, 1-11). Trên đường Em-mau, Người xuất hiện như khách bộ hành. Người xuất hiện để khích lệ các môn đệ đang lo buồn sợ hãi (Lc 24, 13-35). Người xuất hiện để chiếu soi và uốn nắn niềm nghi ngờ tăm tối nơi tâm tư mỗi người. "Hành trình của sự đồng hành" quá tuyệt vời mà Đức Ki-tô đã dành cho tất cả cộng đồng tín hữu là hành trình với các môn đệ trên đường Em-mau. Chúa Giê-su đã sống lại, những gì Người làm, những gì Người dạy dỗ, đã trở nên toàn bộ chân lý tuyệt đối và trường tồn về sự Phục Sinh mà Người đã chiến thắng tội lỗi và sự chết.

 

Việc các môn đệ trở lại Giê-ru-sa-lem sau khi họ gặp gỡ Đấng Phục Sinh để rồi lên đường rao giảng Tin Mừng thế nào, chúng ta cũng được sai đi như vậy để gặp gỡ những người khác, để lắng nghe những niềm vui cũng như những nỗi buồn của họ, để rồi trao ban cho họ những Lời của sự sống và hy vọng, dựa trên tình yêu không bao giờ tàn lụi của Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta đều có những khoảnh khắc khó khăn và đen tối trong cuộc đời, nhưng Chúa Giê-su vẫn luôn hiện diện bên cạnh mỗi người chúng ta để trao ban cho chúng ta niềm hy vọng, sưởi ấm tâm hồn mỗi người và khuyến khích: Hãy can đảm tiến lên phía trước, Thầy vẫn luôn đồng hành với các con, “Và đây Thầy sẽ ở với các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 18, 20).

 

III. Hướng tới sự trưởng thành toàn diện: 

 

Việc đồng hành với người trẻ như xưa Đức Ki-tô đồng hành với hai môn đệ trên đường Em-mau, nhằm mục đích hướng tới sự trưởng thành toàn diện (cả thể xác và tâm linh) đúng như Thư của Hội Đồng Giám Mục hướng dẫn. Xin trích nguyên văn:

 

“Chúng tôi đề nghị các mục tử, những người làm công tác mục vụ giới trẻ, đặc biệt là cha mẹ, hãy đồng hành để giúp các thanh thiếu niên lớn lên và trưởng thành về thể lý, tâm lý, tâm linh, và phân định ơn gọi.

 

a- Thể lý: giúp người trẻ rèn luyện thân thể khỏe mạnh, giữ kỷ luật đối với chính bản thân, phòng ngừa các đam mê nguy hại như rượu, bia, ma túy, cờ bạc, nghiện game.

 

b- Tâm lý: giúp người trẻ tập luyện các đức tính nhân bản, đặc biệt tính trung thực, ý thức công bằng, lương tâm ngay thẳng, tinh thần trách nhiệm; tạo điều kiện để người trẻ có nhiều cơ hội sinh hoạt cộng đồng, nhờ đó hướng mở tới tha nhân, tập sống chung và làm việc chung  với tinh thần liên đới, quảng đại, vị tha; mở các lớp kỹ năng sống về nhận diện giá trị bản thân, trưởng thành tâm lý và tính dục, phát triển tương quan hài hòa với mọi người.

 

c- Tâm linh: giúp các bạn trẻ gặp gỡ và củng cố tình bạn với Chúa Kitô, Đấng đang sống, nhờ cầu nguyện với Lời Chúa, tôn thờ Thánh Thể, tham dự phụng vụ cách tích cực. Để thực hiện mục tiêu này, các mục tử và giáo lý viên cần canh tân việc dạy giáo lý cho giới trẻ bằng cách tổ chức các buổi tọa đàm, thảo luận theo chuyên đề, nhất là những vấn đề thiết thân với giới trẻ.

 

d- Văn hóa: không thể tách rời việc đào tạo tâm linh ra khỏi đào tạo về văn hóa. Đào tạo văn hóa đích thực là phát triển sự khôn ngoan, tức là tri thức nhân văn và phát triển nhân bản, chứ không chỉ tìm lợi ích vật chất và hiệu quả cụ thể tức thời (x. Tông huấn Chúa Ki-tô đang sống, số 223).

 

e- Phân định ơn gọi: người trẻ cũng cần được đồng hành và hướng dẫn trong việc phân định tiếng gọi của Thiên Chúa, kêu mời họ bước vào đời sống tu trì hoặc đời sống hôn nhân, để họ có thể đáp lại tiếng gọi của Chúa với tất cả tự do, ý thức đức tin và quảng đại dấn thân.”

 

Rõ ràng “Người trẻ cần được tôn trọng tự do, nhưng họ cũng cần được đồng hành. Gia đình phải là nơi thứ nhất của sự đồng hành này. Sứ vụ giới trẻ và việc săn sóc mục vụ gia đình cần phải được hội nhập và phối kết, nhằm bảo đảm một sự đồng hành liên tục và thích hợp cho tiến trình ơn gọi. Cộng đoàn có một vai trò quan trọng trong việc đồng hành với người trẻ; tất cả cộng đoàn phải cảm thấy trách nhiệm về việc đón nhận, động viên, khích lệ và thách đố người trẻ. Mọi người nên nhìn người trẻ với sự hiểu biết, trân trọng và thương yêu, và tránh việc thường xuyên phán xét họ, hay đòi hỏi họ phải hoàn chỉnh trước tuổi.” (Tông huấn Chúa Kitô hằng sống “Christus vivit”, số 242-243).

 

Kết luận: 

 

Tóm lại, tự thân cuộc sống luôn đầy ắp những thách thức, chông gai, những biến động không ngừng, và vô vàn những khó khăn thử thách. Vì thế, sẽ là một may mắn, một diễm phúc có được những người Thầy, người bạn sẵn sàng hy sinh để đồng hành chia sẻ gánh nặng, trợ giúp tinh thần, vật chất, tâm lý. Chính nghĩa cử cao đẹp của sự đồng hành có khả năng gây hứng khởi, phát sinh động lực, gia tăng sáng tạo, năng động và giúp ta đủ nghị lực vượt khó. Vì thế, đồng hành là một trong những hình thức hỗ trợ đắc lực nhất giúp mỗi người (bao gồm cả bậc kỳ cựu lẫn người non trẻ) có thể kiện toàn bản thân và hoàn thành cuộc sống.

 

Để rút ra những bài học hữu ích, người Ki-tô hữu hãy lên đường thay vì ngồi lại một chỗ; cởi mở để hội nhập thay vì khư khư bảo thủ; chia sẻ tận tình thay vì khép kín một cách nghèo nàn; cùng đồng hành với nhau trong hành trình đức tin luôn có Chúa ở cùng. Cần phải hiểu Tin Mừng không chỉ đơn giản là một ngôn từ, nhưng là một chứng từ yêu thương vô điều kiện và tín trung: đó là ra khỏi chính mình để đến gặp gỡ người khác, gần gũi với người bị cuộc sống làm thương tổn, là chia sẻ với người túng thiếu, là ở bên những ai đau yếu, già cả hay bị loại trừ.

 

Ôi! Lạy Chúa! Xin soi lòng mở trí cho chúng con biết được Chúa vẫn luôn luôn và mãi mãi đồng hành với chúng con trên hành trình Em-mau – hành trình đức tin của chúng con. Ôi! Lạy Chúa! Cuộc đời của chúng con trên cõi dương gian này đã xế chiều, sắp tàn, cúi xin Chúa "ở lại với chúng con, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn." (Lc 24, 29) và ban cho chúng con “ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần” (Cv 1, 4), để chúng con có đủ dũng khí, sẵn sàng thi hành sứ vụ của mình như hai môn đệ trên đường Em-mau. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.

 

JM. Lam Thy ĐVD.