Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Mùa chay, mùa hoán cải

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

MÙA CHAY – MÙA HOÁN CẢI (LỄ TRO)

 

 

Mùa Chay Thánh là một khởi đầu thúc giục người tín hữu hoán cải dẫn đến mục tiêu chắc chắn là Phục Sinh, chiến thắng của Chúa Ki-tô đối với sự chết. Mùa Chay là mùa thuận lợi để đi sâu vào đời sống thiêng liêng nhờ những phương tiện thánh hóa Giáo hội đã đem đến cho chúng ta: ăn chay, cầu nguyện và bố thí là ba việc cần phải làm trong Mùa Chay. Những việc chúng ta làm phải xuất phát từ cái tâm sâu thẳm hướng lên Thiên Chúa và hướng đến anh em, chớ không phải là hình thức bên ngoài. Vì thế, ăn chay, cầu nguyện cũng như bố thí là những việc được làm vì đẹp lòng Chúa, chớ không phải cho người ta thấy.

 

Hiến chế về Phụng vụ Thánh “Sacrosanctum Concilium” (số 109) giải thích: “Hai đặc tính của Mùa Chay là việc sám hối và nhất là việc nhớ lại hoặc dọn mình chịu phép Rửa Tội, chuẩn bị các tín hữu cử hành mầu nhiệm Phục Sinh, bằng sự nhiệt thành nghe Lời Chúa và chuyên chăm cầu nguyện hơn. Hai đặc tính trên phải được trình bày rõ ràng hơn cả trong Phụng Vụ lẫn giáo lý phụng vụ.” Như vậy, Mùa Chay là mùa toàn Giáo hội thực hiện đời sống chay tịnh (thanh tẩy + sám hối), chuẩn bị tâm hồn đón mừng mầu nhiệm Chúa Phục Sinh.

 

Sống chay tịnh không chỉ giới hạn trong việc “ăn chay”, mà còn bao gồm sống ngay thẳng, thật thà (nên tục ngữ Việt Nam mói có câu “Ăn mặn nói ngay hơn ăn chay nói dối”) và nhất là sống tinh thần bác ái Ki-tô Giáo. Tuy nhiên, theo thói quen, người ta thường dùng tiếng ăn chay để chỉ việc hãm mình ép xác, tu thân tích đức. Vì thế, cứ tới Mùa Chay là bất cứ một Ki-tô hữu nào cũng nghĩ ngay đến việc “ăn chay”. Theo Từ nguyên, “ăn chay” là “ăn không dùng thịt, cá và các chế phẩm từ thịt, cá”. Đó là mặt nghi thức thực hiện, nhưng ẩn sau nghi thức ấy, thì việc ăn chay bao hàm nhiều ý nghĩa sâu xa. Tìm hiểu ý nghĩa và mục đích việc ăn chay trong Thánh Kinh thấy rất đa dạng:

 

Cựu Ước nói nhiều đến việc ăn chay: Các tín hữu ăn chay là để thờ phượng Thiên Chúa (Ds 29, 7; Cv 13, 2), làm đẹp lòng Thiên Chúa (Tl 20, 26; Gđt 8, 6) như một nghi thức tôn giáo, một việc đạo đức; để được Thiên Chúa nhậm lời khi cầu nguyện (2Sm 12, 16-22; 2Sb 20, 3; Gđt 4, 9; Et 4, 16; 9, 31; 1Mcb 3, 47; Tv 35, 13; Br 1, 5; Đn 9, 3; Cv 13, 3; 14, 23), đi kèm với cầu nguyện để khu trừ ma quỉ (Mt 17, 21); để tỏ lòng ăn năn, sám hối (x. 1Sm 7, 6; 1V 21, 27; Nkm 9, 1; Gn 3, 5) và đi kèm với than khóc để bày tỏ sự buồn bã, hối hận, thương tiếc, lo sợ (2Sm 1, 12; 1Sb 10, 12; Nkm 1,4; Et 4, 3); đồng thời để đền vì tội lỗi đã phạm, cầu xin Thiên Chúa tha tội (Lv 23, 27; Hc 34, 26; Đn 10, 2; Hc 34, 26; Đn 10, 2)… Thánh Gio-an Tẩy Giả thì vào hoang địa mặc áo lông cừu, ăn châu chấu và mật ong rừng, để tự nguyện làm “Tiếng hô trong hoang địa” loan báo Tin Mừng. Đức Giê-su Thiên Chúa thì ăn chay 40 đêm ngày trong sa mạc, chịu để Xa-tan cám dỗ, ngõ hầu chuẩn bị sứ mạng Chúa Cha đã trao phó: rao giảng và thực hiện Tin Mừng Cứu Độ.

 

Ngay từ Cựu Ước, ngôn sứ Isaia đã có một quan niệm hoàn toàn mới về ăn chay: Ăn chay với mục đích đầy tính nhân đạo là thực hiện công bằng và bác ái (“Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?” – Is 58, 6-7).

 

Với mục đích ấy, ngôn sứ Isaia lên án cách ăn chay chuộng hình thức bề ngoài mà thực chất bên trong chỉ lo kiếm lợi cho mình, áp bức kẻ khác, ăn chay để cãi vã, hoặc đánh lộn tàn bạo (“Này, ngày ăn chay, các ngươi vẫn lo kiếm lợi, vẫn áp bức mọi kẻ làm công cho mình. Này, các ngươi ăn chay để mà đôi co cãi vã, để nắm tay đánh đấm thật bạo tàn. Chính ngày các ngươi muốn ăn chay để tiếng các ngươi kêu thấu trời cao thẳm, thì các ngươi lại ăn chay không đúng cách. Phải chăng đó là cách ăn chay mà Ta ưa chuộng trong ngày con người phải thực hành khổ chế? Cúi rạp đầu như cây sậy cây lau, nằm trên vải thô và tro bụi, phải chăng như thế mà gọi là ăn chay trong ngày các ngươi muốn đẹp lòng ĐỨC CHÚA?” – Is 58, 3-5).

 

Không cần nói thời đại cổ xưa ấy, mà ngay trong thế giới hiện đại cũng vẫn còn không ít cảnh ăn chay trên môi miệng, ăn chay bằng hình thức phô trương màu mè, thậm chí còn “ăn chay trường bằng cách dùng lò đốt nhang để nướng “cờ tây”, “mộc tồn” nữa kia! (“cờ tây” là “cầy tơ”, “mộc tồn” là “cây còn => con cầy”; đó là thịt chó). Hoặc giả nếu có ăn chay thực sự thì cũng chỉ giữ vì Luật buộc, mà Giáo Luật chỉ buộc ăn chay mỗi năm có 2 ngày: Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh (Giáo Luật, điều 1251-1252). Hai ngày trong khoảng thời gian 365 ngày thì có đáng là bao. Quả nhiên là thế, vấn đề ăn chay nếu được thực hiện chỉ vì luật buộc, chỉ vì bổn phận, chỉ câu nệ ở hình thức, trong khi từ trong sâu thẳm của tâm hồn vẫn muốn tránh né, vẫn muốn làm ngược lại hoặc làm chiếu lệ; như vậy thì cũng chẳng ích gì

 

Xin mời nghe lời giáo huấn của Thánh Phao-lô: “Anh em mà tìm sự công chính trong Lề Luật, là anh em đoạn tuyệt với Đức Ki-tô và mất hết ân sủng. Còn chúng tôi thì nhờ Thần Khí và dựa vào đức tin mà vững lòng chờ đợi được nên công chính như chúng tôi hy vọng.” (Gl 5, 4-6); và đặc biệt hơn cả là Lời dạy của chính Đấng Cứu Độ – hiện thân của Lòng Thương Xót – đã ăn chay ròng rã 40 đêm ngày trong hoang địa trước khi bước vào cuộc khổ nạn vì tội lỗi loài người: "Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.” (Mt 6, 16-18).

 

Ngay từ thời Cựu Ước đã có lời khuyên: “Hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van. Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương.” (Ge 2, 12-13). Vâng, Mùa Chay chính là mùa trở về với chính mình để có thể trở về với Thiên Chúa. Trở về với chính mình để hiểu rằng mình được dựng nên từ tro bụi đất cát, thì một mai cũng sẽ trở về với đất cát tro bụi mà thôi. Hiểu được như thế, hiểu được “Vua Ngô ba mươi sáu cái tàn vàng, chết xuống âm phủ cũng chẳng mang được gì”, thì đừng lo tích trữ của cải vật chất mà hãy lo đầu tư vào ngân hàng Nước Trời ("Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi. Vì kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó.” – Mt 6, 19-21).

 

Một cách cụ thể là phải biết từ bỏ thế gian, từ bỏ chính mình để trở về với Thiên Chúa. Cách tốt nhất để trở về với Đấng Từ Bi Nhân Hậu giàu Lòng Thương Xót, chỉ có thể là “Đừng xé áo (ăn chay hình thức), nhưng hãy xé lòng (thực tâm ăn năn sám hối)”. Vì thế, cần phải có một suy nghĩ sâu sắc hơn về vấn đề ăn chay:

 

Thứ nhất, ăn chay là nhằm mục đích hãm mình ép xác để đền vì những tội lỗi xúc phạm đến Thiên Chúa và tha nhân.

 

Thứ hai, về mặt vật chất, nếu cố gắng giảm bớt chi tiêu phung phí, rồi đem khoản tiết kiệm được làm công việc bác ái, thì việc ăn chay mới thực sự có ích.

 

Thứ ba, không giới hạn việc ăn chay trong 2 ngày luật buộc, mà nên thực hiện bất cứ khi nào có dịp, thậm chí trong suốt cả Mùa Chay, suốt cả cuộc đời trần thế.

 

Như vậy, việc ăn chay cốt ở cái TRÍ (hiểu rõ việc mình làm nhằm mục đích gì) và cái TÂM (đức bác ái), không cần câu nệ ở hình thức (“Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có tình yêu, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.” – 1Cr 13, 3).

 

Vâng, “Trong Mùa Chay, việc sám hối không những chỉ ở trong lòng và có tính cách cá nhân, mà còn phải tỏ lộ ra bên ngoài và có tính cách xã hội. Vậy hãy khuyến khích việc thực hành sám hối tùy theo khả năng của thời đại ta, của các miền khác nhau cũng như hoàn cảnh các tín hữu… Tuy nhiên, việc giữ chay thánh trong Mùa Phục Sinh là việc phải được giữ cách nhiệm nhặt, khắp nơi đều phải giữ vào ngày thứ Sáu Chúa chịu thương khó và chịu chết, nếu tiện cũng phải kéo dài qua thứ Bảy Tuần Thánh, để tâm hồn người tín hữu một khi được nâng cao và giải thoát, được hưởng niềm vui Chúa Sống Lại.” (Hiến chế về Phụng vụ Thánh “Sacrosanctum Concilium”, số 110)

 

Cần thiết thấu hiểu ý nghĩa việc ăn chay, bởi ”Mùa Chay cũng nên được sống sốt sắng hơn như một thời thuận tiện để cử hành và trải nghiệm lòng thương xót Chúa. Biết bao nhiêu trang Sách Thánh rất thích hợp cho suy niệm trong những tuần Mùa Chay giúp chúng ta tái khám phá ra khuôn mặt đầy thương xót của Chúa Cha!... Sáng kiến “24 giờ cho Chúa” được cử hành vào ngày thứ Sáu và thứ Bảy trước tuần thứ Tư của Mùa Chay, nên được thực hiện trong mỗi giáo phận. Rất đông người, kể cả giới trẻ, đang trở lại với Bí tích Hòa giải; qua cảm nghiệm này, họ đang tái khám phá con đường trở về với Chúa khi sống một khoảnh khắc cầu nguyện mãnh liệt và khi tìm kiếm ý nghĩa trong đời họ. Chúng ta hãy đặt Bí tích Hoà giải ở trung tâm một lần nữa sao cho bí tích này giúp mọi người chạm vào sự hùng vĩ của lòng thương xót Chúa với những đôi tay của riêng họ. Với mỗi hối nhân, bí tích này sẽ là nguồn mạch của bình an nội tâm thật sự.” (Tông chiếu “Dung Mạo Lòng Thương Xót – Misericordiæ Vultus”, số 17).

 

Tóm lại, để sống Mùa Chay trong tinh thần ăn năn hối cải, người Ki-tô hữu hãy “dán mắt” vào Chúa Giê-su – hiện thân của Lòng Thương Xót – chính bởi vì: “Mùa Chay” của Con Thiên Chúa chính là sự bước vào sa mạc của thế giới thụ tạo, để làm cho sa mạc ấy tái trở thành mảnh vườn của sự hiệp thông với Thiên Chúa, mà mảnh vườn ấy vốn đã từng là mảnh vườn của sự hiệp thông trước khi con người sa ngã phạm tội (Is 51,3; Mc 1,12-13). Trong Mùa Chay của mình, một lần nữa chúng ta lại muốn cùng đi trên một con đường, để mang đến cho thế giới niềm hy vọng của Chúa Ki-tô rằng, “nó sẽ được giải thoát, không còn phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, nhưng được cùng với con cái Thiên Chúa, chung hưởng tự do và vinh quang.” (Rm 8, 21). Chúng ta đừng để cho thời gian thuận tiện này trôi đi cách vô ích! Chúng ta hãy cầu xin Thiên Chúa giúp sức để chúng ta biết chọn đi theo con đường hoán cải đích thực.” (Sứ điệp Mùa Chay 2019, số 3).

 

Ôi! Lạy Chúa! Ngày nay Giáo hội Công Giáo chỉ buộc các tín hữu ăn chay mỗi năm 2 lần mà thôi. Điều ấy thật hữu lý vì ăn chay phải mang tính tự nguyện chứ không thể ép buộc. Nhưng con tin chắc rằng Chúa muốn chúng con ăn chay nhiều hơn, thậm chí ăn chay trong suốt cả lộ trình trần thế; ăn chay bằng cách ăn năn sám hối vì tội lỗi chúng con đã mắc phạm, đồng thời thực hành đúng Lời Chúa dạy: “Gặp anh em đói thì cho ăn, khát thì cho uống, anh em là khách lạ thì tiếp rước tử tế, anh em trần truồng thì cho mặc, đau yếu thì tới viếng thăm, bị tù đày thì hỏi han chia sẻ.” (Mt 25, 35-37).

 

Cúi xin Chúa ban Thánh Linh soi sáng và thêm sức cho chúng con khi bước vào Mùa Chay Thánh 2020 với tinh thần “Ăn Chay: xé lòng chớ không xé áo”. Xin cho chúng con “được sống sốt sắng hơn như một thời thuận tiện để cử hành và trải nghiệm lòng thương xót Chúa” bằng việc thực tâm ăn năn sám hối, để “tái khám phá con đường trở về với Chúa khi sống một khoảnh khắc cầu nguyện mãnh liệt và khi tìm kiếm ý nghĩa trong đời sống” thông qua bí tích Hòa giải (Tông chiếu “Misericordiæ Vultus”, số 17). Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.

 

JM. Lam Thy ĐVD.