Chúa Chiên Lành
CHÚA CHIÊN LÀNH (CN IV.PS-A)
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày một cộng đoàn những người được phục sinh sống tràn đầy sự sống của Chúa Giê-su, vị Mục Tử Nhân Lành. Họ nhận được sự sống mới từ Đấng được Thiên Chúa cho sống lại từ kẻ chết và sự sống ấy được chính Chúa Giê-su, Mục Tử Nhân Lành, tiếp tục chăm sóc và làm cho phát triển mỗi ngày một hơn, Trong bài giảng đầu tiên (bài đọc 1), thánh Phê-rô đã nói cho dân chúng Giê-ru-sa-lem biết chúng ta được sự sống mới là nhờ cái chết và sự sống lại của Chúa Giê-su. Khi nói về sứ vụ mục tử của Người, Chúa Giê-su đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của cái cửa chuồng chiên (bài Tin Mừng). Sau hết là lời thánh Phê-rô, vị mục tử tiên khởi tiếp nối sứ vụ chăn chiên của Chúa Giê-su, đã kêu gọi các Ki-tô hữu hãy “quay về với Vị Mục Tử, Đấng chăm sóc linh hồn anh em” (1Pr 2, 25).
Khi suy niệm bài Tin Mừng CN IV/PS (Ga 10, 1-10), thường thì đa số hay chú ý đến vai trò chủ nhân của đoàn chiên, đó là Đức Giê-su Ki-tô, vị Mục Tử Nhân Lành. Điều đó cũng dễ hiểu, vì Đức Giê-su Ki-tô đã dùng dụ ngôn nói về ràn chiên và nhấn mạnh đến vai trò người chủ đích thực. Người chủ đích thực sẽ vào ràn chiên bằng cửa chính do “Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh.” (Ga 10, 3-4). Ngoài ra, những kẻ không theo cửa chính mà vào, lại trèo lối khác, thì đó chỉ có thể là kẻ trộm, kẻ cướp.
Nghe dụ ngôn này, đáng lẽ những người Do Thái phải hiểu rằng Đức Ki-tô muốn nói đến những kẻ tin theo Người giống như đàn chiên ngoan hiền và Người chính là Mục tử chăn dắt đoàn chiên đó. Tiếc một điều, họ không hiểu, khiến Đức Ki-tô phải nói rõ hơn: "Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào. Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp; nhưng chiên đã không nghe họ. Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào." (Ga 10, 7-10). Nói về người chủ chiên đích thực, ngưới nghe đã không hiểu, bây giờ Đức Giê-su lại tự nhận mình là cửa chuồng chiên khiến những bộ mặt của đám đông càng thêm ngơ ngác, chẳng hiểu mô tê gì! Không hiểu thì chớ, họ còn cho rằng: "Ông ấy bị quỷ ám và điên khùng rồi! Nghe ông ấy làm gì?" (Ga 10, 20).
Nói về dụ ngôn là nói đến tính ẩn dụ (ví ngầm), nếu chỉ căn cứ trên bình diện nổi của ngôn ngữ (nghĩa chiểu tự – nghĩa đen) thì không thể hiểu được. Đám người Do Thái ngơ ngác chính là vì thế. Trước hết, cần phải hiểu con người cần có ngôi nhà để sinh sống, dù thời hoang sơ có thể chưa xây cất được nhà thì cũng phải tìm cái hang, cái hốc nào đó trong núi rừng để trú ngụ. Nói chung thì mọi động vật đều phải có nơi trú ngụ (được gọi bằng nhiều danh xưng: nhà cửa, chuồng trại, hang ổ, tổ kén...). Nhà cửa hay hang hốc bắt buộc phải có cửa để ra vào, đồng thời cũng để bảo vệ chủ nhân. Chuồng chiên có cửa là để đón nhận và bảo vệ đàn chiên. Khi chiên đã vào hết trong chuồng, thì cửa được đóng chặt để tránh sói dữ. Điều đó cho thấy vai trò quan trọng bậc nhất của cái cửa.
Suy nghĩ sâu hơn một chút về ẩn ý của dụ ngôn sẽ thấy khi Đức Ki-tô tự nhận Người là cửa chuồng chiên, thì cũng có nghĩa là Người kêu mời tất cả mọi người hãy đến cùng Người với một niềm tin và một tấm lòng trung thực, công chính. Nói rõ hơn, khi đã qua cửa Giê-su mà vào thì chỉ có thể là những con chiên ngoan hiền biết nghe lời chủ. Cũng có thể có sói dữ lẫn lộn trong đoàn chiên (giống như cỏ lùng trong ruộng lúa), nhưng tất nhiên chúng không vào bằng cửa chính (cửa Giê-su Ki-tô), mà là trèo vào bằng cửa khác, đó chỉ có thể là kẻ trộm, kẻ cướp mà thôi. Rõ ràng Đức Ki-tô vừa là xuất phát điểm, vừa là đích điểm cho hành trình của đoàm chiên Ki-tô hữu. Người là cửa để đón nhận và bảo vệ đoàn chiên, đồng thời Người cũng là vị Mục tử nhân lành chăn dắt đoàn chiên đó (“Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.” – Ga 10, 9-10).
Khi Đức Giê-su Ki-tô cho biết Người là cửa chuồng chiên, đồng thời Người cũng là vị Mục Tử nhân lành chăn dắt những con chiên đã qua cửa đó mà vào sống trong ràn chiên, thì cũng tức là Người mời gọi tất cả mọi con chiên, không phân biệt chiên “nội” hay chiên “ngoại” như kiểu phân biệt của những kinh sư, luật sĩ Do Thái thời đó. Ngoài những con chiên thuộc ràn chiên của Chúa biết nghe lời chủ và nhận biết tiếng của chủ, “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (Ga 10, 16). Chỉ cần suy niệm về Lời dạy “sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” cũng đủ rõ Đức Giê-su muốn nói đến Giáo hội mà Người sẽ thiết lập.
Thật thế, khi nói về "cửa chuồng chiên" đón nhận những con chiên từ mọi ràn chiên khác nhau vào trong "ràn chiên Ki-tô", Đức Giê-su đã cho biết về ý định của Người sẽ thành lập ràn chiên Giáo hội quy tụ tất cả mọi con chiên từ khắp nơi thành "một đoàn chiên" duy nhất do một chủ chiên nhân hậu chăn dắt, dưỡng nuôi, bảo trợ. Ràn chiên đó chính là Giáo hội được xây dựng trên Tảng Đá Phê-rô ("Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi." – Mt 16, 18) và cũng chính Phê-rô sẽ là Mục tử kế nghiệp Mục Tử nhân lành Giê-su Ki-tô, trực tiếp chăm sóc những chiên con trong ràn chiên của Chúa. Ràn chiên Giáo hội sẽ phát triển và trường tồn với những mục tử – những "thừa tác vụ Linh Mục Thượng Phẩm Giê-su" – là Giám mục, Linh mục, Phó tế, có bổn phận chăn dắt đoàn chiên Ki-tô hữu, cho đến thiên thu vạn đại.
Điều làm cho những con chiên Ki-tô hữu vui mừng hãnh diện nhất, là được chính Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật mời gọi hãy qua chính cửa Giê-su mà vào làm chiên con trong ràn chiên của Thiên Chúa. Còn đáng vui mừng hãnh diện hơn thế nữa, khi được thấy không chỉ những tín hữu là con chiên của Thiên Chúa, mà chính vị Mục tử nhân lành cũng là một Con Chiên – Chiên Thiên Chúa – được sát tế để cứu chuộc tội lỗi cho đoàn chiên nhân thế ("Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian” – Ga 1, 29). Như vậy, Thiên Chúa đã thương yêu con cái của mình, coi chúng như đoàn chiên ngoan ngoãn dễ thương, nên mới ban Con Một xuống thế để chăn dắt đoàn chiên đó, đồng thời hy sinh chính mạng sống mình làm "chiên sát tế" để đem lại ơn cứu rỗi cho chiên con.
Rõ ràng ai qua được Cửa-chuồng-chiên-Giêsu thì sẽ được cứu, gặp được đồng cỏ, tránh khỏi nanh vuốt của sói dữ, kẻ trộm. Tắt một lời, ai qua được cửa này thì sẽ được sống và sống dồi dào đến muôn đời muôn thủa. Phải chăng được như vậy mới thật sự là người công chính trước mặt Thiên Chúa? Qua được Cửa-chuồng-chiên-Giêsu sẽ trở nên người công chính thì điều tất nhiên CỬA đó chính là CỬA CÔNG CHÍNH dẫn đưa đoàn chiên tiến vào Thánh điện trên Quê Trời vĩnh cửu. Vậy thì còn chần chờ gì nữa mà không cất cao lời khẩn nài “Xin mở cửa công chính cho tôi, để tôi vào tạ ơn ĐỨC CHÚA. Đây là cửa dẫn vào nơi CHÚA ngự, chỉ những người công chính mới được qua.” (Thánh vịnh 118, câu 19-20).
Ý thức được vấn đề như vậy, người Ki-tô hữu hãy cầu xin cho mọi thành phần của Giáo hội sống đúng và sống trọn vẹn vai trò của mình: Người được chọn làm mục tử thì luôn luôn phải là người mục tử tốt lành theo gương Mục Tử Nhân Lành Giê-su Ki-tô; còn đoàn chiên luôn biết đoàn kết thương yêu nhau, cùng nghe theo tiếng nói đích thực của vị Chúa Chiên Lành thông qua các mục tử trong ràn chiên Giáo hội, để ai nấy đều "được sống và sống dồi dào" Tình Yêu của Chiên-Sát-Tế-Giêsu-Kitô. Trong chiều hướng đó, hãy cầu xin cùng Chúa Chiên Nhân Lành thương ban Thần Khí để có đủ dũng khí và can đảm mạnh dạn đến với “những ràn chiên khác” (Ga 10, 16), nhất là với những con chiên “bất hạnh vì bị chà đạp, bệnh tật, nghèo đói”, những con chiên “già yếu, bị bỏ rơi” như lời vị Cha Chung kêu mời trong Sứ điệp Phục Sinh “Urbi et Orbi” 2018:
“Đó là lý do tại sao chúng ta nói với mọi người: “Hãy đến và xem” Trong mọi tình huống của con người, ghi dấu bởi sự yếu đuối, tội lỗi và cái chết, Tin Mừng không chỉ đơn thuần là những từ ngữ, nhưng là một chứng tá cho tình yêu vô điều kiện và trung tín: đó là chuyện để lại chính mình phía sau và gặp gỡ những người khác, gần gũi với những người bị chà đạp bởi những vấn nạn trong cuộc đời, chia sẻ với những người nghèo, đứng bên cạnh người bệnh, người già và người bị bỏ rơi... “Hãy đến và xem!” Tình yêu là mạnh hơn, tình yêu trao ban cuộc sống, tình yêu làm cho hy vọng nở hoa trong chốn hoang dại.”
Ôi! Lạy Chúa! “Với niềm vui chắc chắn này trong tâm hồn, hôm nay chúng con hướng về Ngài, Lạy Chúa Giê-su Phục Sinh! Xin Chúa giúp chúng con tìm kiếm Chúa và gặp thấy Chúa, để nhận ra rằng chúng con có một Cha và không phải là những trẻ mồ côi; và chúng con có thể yêu thương và tôn thờ Chúa. Xin Chúa giúp chúng con vượt qua tai ương đói kém, ngày càng trầm trọng hơn bởi các cuộc xung đột và các lãng phí to lớn mà thường là chúng con phải chịu trách nhiệm. Xin Chúa cho chúng con có thể bảo vệ những người dễ bị tổn thương, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ và người cao tuổi, những người đôi khi bị khai thác và bị bỏ rơi.” (Sứ điệp “Urbi et Orbi” 2018). Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết: