Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Lớn lên trong Lời Chúa Bài 7: Hành trình Phanxicô

Tác giả: 
Lm Võ Tá Khánh

LỚN LÊN TRONG LỜI CHÚA

Bài 7: HÀNH TRÌNH PHANXICÔ

 

Mến chào quý độc giả,

Với kinh nghiệm bất ngờ giữa hoàn cảnh đại dịch, chúng tôi đã dựa trên mô hình người có học tầm đạo để gợi lên một chương trình hướng tới mừng kỷ niệm 500 năm Tin Mừng đến trên quê hương đất Việt, đề án một trường huấn luyện trực tuyến, không chỉ đào tạo kiến thức mà còn mở rộng cõi lòng và hun đúc một tâm hồn những con người có học, có tinh thần đức tin, có lòng với Chúa và Hội thánh. Xin cảm ơn quý độc giả đã kiên nhẫn với cái logic khác thường, đan xen giữa thực với mộng, giữa lý thuyết với thực hành… của kinh nghiệm lớn lên trong Lời Chúa.

 

Bài cuối này xin chốt ước mơ lại trong ba ý:

- Một chân trời của lòng khao khát.

- Người giáo dân giữa trần thế.

- Cảm nghiệm và xây dựng thế giới mới.

 

1. MỘT CHÂN TRỜI CỦA LÒNG KHAO KHÁT

Từ lễ Phục sinh vừa qua, Tòa thánh đã hướng cái nhìn về sứ mạng sau thời đại dịch. Giữa lúc nhiều người âu lo và mất phương hướng, Đức Hồng Y Turkson Chủ tịch Thánh Bộ Phát triển Con người Toàn Diện cho hay: “Chúng ta phải nghĩ đến thời kỳ sau Covid-19 để khỏi bị ngỡ ngàng”. Thánh bộ của Đức Hồng Y đã thành lập 5 nhóm để đối đầu với cuộc khủng hoảng và nhìn về tương lai. (Vietcatholic 15-4-2020).

 

Về phần cộng đồng Công giáo Việt Nam, chúng ta đã cùng chia sẻ nỗi âu lo và niềm hy vọng chung với đồng bào mọi giới, từ những cố gắng chấp hành kỷ luật cách ly tới những sáng kiến san sẻ nhiều mặt với những người gặp hoàn cảnh khó khăn hơn … Hướng tới tương lai, chúng ta có một cột mốc vừa gần vừa xa, đủ để bắt tay thực hiện những ước hẹn cách nay hai năm khi chúng ta kỷ niệm 30 năm lễ phong hiển thánh Tử đạo.

 

Trường huấn luyện trực tuyến với mục tiêu nâng cấp những anh chị em giáo dân đang và sẽ dấn thân phục vụ Dân thánh, không chỉ nhằm mở ra điều kiện huấn luyện đại trà và đồng bộ cho người trẻ Công giáo có học trong và ngoài nước, mà còn cung cấp một môi trường nuôi dưỡng lòng hiếu học và lòng khao khát nên thánh được Đức Thánh Cha nhấn mạnh cuối Tông huấn Vui Mừng Hoan Hỷ.

 

Khi Thánh Gioan Bosco bắt tay vào phục vụ giới trẻ, ngài đã mở ra cho họ một môi trường mới, với những trung tâm bạn trẻ được gọi là điểm hẹn cầu nguyện hay nguyện xá (oratorium). Trường huấn luyện trực tuyến cũng sẽ như thế, không chỉ là một chương trình cung cấp kiến thức nhưng là điểm hẹn để gặp nhau giữa thế hệ trước và thế hệ sau, giữa người trẻ khắp mọi miền đất nước và hải ngoại, hơn nữa còn là điểm hẹn để gặp gỡ Thiên Chúa, lắng nghe, cảm nghiệm, sống Lời Chúa và lớn lên trong Lời Chúa, hầu dấn thân xây dựng các giá trị trần thế.

 

2. NGƯỜI GIÁO DÂN GIỮA TRẦN THẾ

Khi các dòng Mến Thánh Giá Việt Nam quy tụ những anh chị em giáo dân khao khát sống linh hạnh Lâm Bích và đặt vấn đề huấn luyện cho họ, những người phụ trách đã thấy phải bắt đầu từ chương IV của Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, chương nói về giáo dân trong Hội thánh. Nhiều anh chị em kinh ngạc và vui mừng khi lần đầu được nghe định nghĩa về người giáo dân.

 

“Danh hiệu giáo dân ở đây được hiểu là tất cả những Kitô hữu không thuộc hàng giáo sĩ và bậc tu trì được Giáo Hội công nhận; nghĩa là những Kitô hữu đã được tháp nhập vào Thân Thể Chúa Kitô nhờ phép Thánh Tẩy, đã trở nên Dân Thiên Chúa, và tham dự vào chức vụ tư tế, tiên tri và vương giả của Chúa Kitô theo cách thức của họ; họ là những người đang thực hiện sứ mệnh của toàn dân Kitô giáo trong Giáo Hội và trên trần gian theo phận vụ riêng của mình.

 

Tính cách trần thế là tính cách riêng biệt và đặc thù của giáo dân. Thực vậy các phần tử trong hàng giáo sĩ dù đôi khi có thể lo những việc trần thế, hoặc hơn nữa, hành nghề giữa đời, nhưng vì ơn kêu gọi đặc biệt, sứ mệnh chính yếu và rõ rệt của họ vẫn là sứ vụ thánh. Phần các tu sĩ, do bậc sống của họ, làm chứng cách hùng hồn và cao quí rằng người ta không thể cải tạo thế giới và cung hiến nó cho Thiên Chúa được, nếu không có tinh thần các mối phúc thật. Vì ơn gọi riêng, giáo dân có bổn phận tìm kiếm nước Thiên Chúa bằng cách làm các việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa. Họ sống giữa trần gian, nghĩa là giữa tất cả cũng như từng công việc và bổn phận của trần thế, giữa những cảnh sống thường ngày trong gia đình và ngoài xã hội; tất cả những điều đó như dệt thành cuộc sống của họ. Ðó là nơi Thiên Chúa gọi họ, để dưới sự hướng dẫn của tinh thần Phúc Âm, như men từ bên trong, họ thánh hóa thế giới bằng việc thi hành những nhiệm vụ của mình; và như thế, với lòng tin cậy mến sáng ngời, và nhất là với bằng chứng đời sống, họ tỏ lộ Chúa Kitô cho kẻ khác, vì thế, họ có nhiệm vụ đặc biệt soi sáng và xếp đặt những thực tại trần gian có liên hệ mật thiết với họ, để chúng không ngừng phát triển và bành trướng theo Thánh Ý Chúa Kitô, hầu ca tụng Ðấng Tạo Hóa và Ðấng Cứu Ðộ. “ (Sđd, số 31, Bản chất và sứ mạng giáo dân)

 

Khung cảnh trần thế đầu tiên của mỗi người là mái nhà mình đang sống. Theo gợi ý của Thánh nữ Têrêxa Avila, ta hãy biến nó thành một góc thiên đường trên thế gian. Đó sẽ là nhúm men của mỗi chúng ta góp phần làm dậy lên cả khối bột nền văn minh tình thương.

 

3. CÙNG NHAU CHUNG TAY GÓP SỨC

Các nhóm tại thế thuộc những gia đình tận hiến khác nhau, các hội viên tu hội đời và mọi anh chị em dấn thân làm tông đồ giáo dân có một mẫu số chung là tính trần thế. Chúng tôi được biết một số nhóm đã có những tài liệu sâu sắc diễn giải học thuyết về tính trần thế, có ý nghĩa chung cho những nhóm khác nhau. Ước gì sớm có một diễn đàn chung về ơn gọi sống thánh giữa đời để những người liên quan cùng chia sẻ suy tư và kinh nghiệm về việc hoàn thành sứ mạng này.

 

Nếu gọi đời thường là trần thế, thì tĩnh tâm là linh thánh. Tĩnh tâm được quan niệm như nhịp mạnh trong cuộc sống ơn gọi nhằm nạp năng lượng cho những ngày thi hành sứ vụ giữa đời thường. Những truyền thống linh hạnh khác nhau đã đúc kết những kinh nghiệm khác nhau nhằm giúp các thành viên thuộc cộng đoàn mình sống hiệp nhất với Thiên Chúa giữa lòng đời. Cuối các cuộc tĩnh tâm người ta thường mài giũa lại chiếc chìa khóa riêng để sống thánh giữa đời. Chẳng hạn chiếc chìa khóa cuối tuần linh thao là chiêm niệm để được tình yêu, sống mối tương tác “cho và nhận” giữa mình với Chúa, giữa mình với anh chị em và giữa mình với mọi thụ tạo khác. Chuyển từ tĩnh tâm vào đời thường tức là để cho lòng mến Chúa chảy thành lòng yêu người, đi từ vâng phục ý Thiên Chúa đến chỗ hợp tác hài hòa với người bên cạnh, đi từ khiêm nhường trước nhan Chúa đến khiêm nhường đối với mọi người. Xa hơn nữa, chìa khóa của các con cái Thánh Phanxicô là tình anh em với các thụ tạo của Chúa.

 

4. CẢM NGHIỆM VÀ XÂY DỰNG THẾ GIỚI MỚI

Ba mươi năm trước đây khi đọc về lịch sử đời sống tâm linh Kitô giáo, có một kết luận đọng lại trong tâm trí tôi: Bài Ca Các Thụ Tạo Của Thiên Chúa, tức Bài Ca Mặt Trời của Thánh Phanxicô Assisi là đỉnh cao nhất của kinh nghiệm huyền giao giữa đời. Tôi không nhớ tên tác giả bài viết nhưng càng về cuối đời tôi càng thấy đồng cảm với tác giả ấy.

 

Đại nạn Covid-19 nhắc nhở nhân loại về mái nhà chung, về kho tàng quý báu đã được Thiên Chúa trao cho. Nhiều bài báo khắp nơi hô hào gìn giữ thiên nhiên như nguồn lợi cho thế hệ tương lai. Những người có học Kitô giáo không nhìn thiên nhiên chỉ như một nguồn lợi, nhưng tự sâu xa, cả đến nước, khí, lửa và những vì tinh tú xa tít mù xa đều có một tương quan thân thương, gần gũi, có thể nói là ruột thịt với con người. Loài người đã xử tệ với các thụ tạo anh em, khiến tất cả đều phải đi qua thử thách:

 

“18Thật vậy, tôi nghĩ rằng: những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta. 19Muôn loài thụ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người. 20Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy; tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy 21là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang. 22Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thụ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. 23Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa.” (Rm 8,18-23).

 

Từ khi Con Thiên Chúa mặc xác phàm làm người, Ngài đã nối liền vũ trụ hữu hình với vũ trụ vô hình rồi thường xuyên nhắc lại và thể hiện điều ấy nơi bí tích Thánh Thể. Đại nạn Covid-19 cách ly người tín hữu khỏi Thánh lễ và bí tích khiến nhiều người hụt hẫng. Ước gì kinh nghiệm ấy sẽ tạo thành nỗi nhớ thiêng liêng, đổi mới cái nhìn và cuộc sống. Ước gì nhờ đó khi lại được sum vầy quanh bàn thờ, người tín hữu sẽ hiểu và cảm nghiệm sâu xa rằng tấm bánh và chén rượu được linh mục hiến thánh, trở nên Mình và Máu Chúa Kitô, chính là chất men thần linh được vùi vào rá bột vũ trụ, để họ yêu thương mọi thụ tạo của Thiên Chúa bằng chính cõi lòng của Thiên Chúa rất mực xót thương.

 

Để kết thúc loạt bài suy tư này, xin thân ái gửi đến mọi người bản đồng dao Bài Ca Mặt Trời của vị thánh được Đức Thánh Cha hiện nay chọn đỡ đầu cho nhiệm kỳ giáo hoàng của ngài và đã tạo cảm hứng để ngài viết nên hai tuyệt phẩm Laudato Sí và Amazôn Yêu Quý.

 

BÀI CA MẶT TRỜI

Có anh Mặt Trời

Có chị Mặt Trăng

Dung dẻ dung dăng

Rủ nhau hát múa

Ca mừng Thiên Chúa

Nào ra mà xem

Có một bầy em

Với bà mẹ trẻ

Là Mẹ Đất nhé

Cũng là Chị luôn

Lũ em ngàn muôn

Sao vàng sao trắng

Em mưa em nắng

Em gió em mây

Anh Lửa về đây

Bên anh Không Khí

Có một bà Chị

Eo ơi là ghê

Ít người dám mê

Tên là Chị Chết

Chị không chấm hết

Nhưng sẽ đổi thay

Hẹn ta một ngày

Đưa về với Chúa

Nào ta cùng múa

Hẹn lòng thứ tha

Yêu thương cả nhà

Xứng là con Chúa

Nào ta cùng múa

Anh chị em ơi

Này Anh Mặt Trời

Này Chị Mặt Trăng.

(Có thể kết ở đây hoặc nối lại từ đầu)

 

5. LỜI CÁM ƠN THAY LỜI KẾT

Tới đây, xin phép bạn đọc cho tôi được bày tỏ đến quý Đức Cha trong Hội đồng Giám mục Việt Nam tâm tình biết ơn sâu xa trước tấm lòng yêu thương các vị dành cho tôi trong dịp này. Như lời chia sẻ đầu phụ lục 1, bản thảo loạt bài này lúc đầu có bố cục hỗn độn, tạo nên cảm giác rất khó chịu cho độc giả. Vậy mà khi nhận được, đã có mười vị Giám mục ưu ái phản hồi khích lệ và góp ý: Đức nguyên Tổng giám mục Hà Nội hiện ở đan viện Nho Quan, Đức TGM Chủ tịch HĐGMVN, hai Đức TGM Hà Nội và Sài Gòn cùng sáu Đức Giám mục từ Ban Mê Thuột, Cần Thơ, Đà Lạt, Qui Nhơn và Xuân Lộc (2). Giữa bao nhiêu bận rộn của chức vụ, những vị khác không viết thư phản hồi được nhưng, tự thâm tâm, tôi biết lòng yêu thương các vị dành cho tôi.

 

Tôi cũng xin chân thành cám ơn ba anh em linh mục, năm anh em giáo dân và một chị em dự tòng đã nhiệt tình đọc và góp ý.

 

Tôi hy vọng bản văn được cấu trúc lại thành bảy bài và bảy phụ lục là một dấu chỉ bày tỏ lòng biết ơn và hiếu kính của tôi đối với hàng Giáo phẩm cũng như lòng yêu mến riêng của tôi hướng đến các anh chị em có học trong cộng đồng Dân Chúa.

 

Nguyện xin Thiên Chúa thương chúc lành để những suy tư chân thành này gợi hứng cho những diễn đàn sẽ mở ra nhằm chuẩn bị cho sự kiện lớn của giới Công giáo Việt Nam là kỷ niệm 500 năm đón nhận Tin mừng của Chúa. Xin ngợi khen và chúc tụng Thiên Chúa đến muôn đời.

 

Qui Nhơn ngày 07/5/2020

Lm Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh
Gp Qui Nhơn

==========