Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Lễ Kính Suy Tôn Thánh Giá

Tác giả: 
Lm Hương Quất

 

 

NHỜ THẬP GIÁ CHÚA GIÊSU- KITÔ:

CÁI NHÌN LẠC QUAN VỀ TỘI

 

Đức Piô XII từng cảnh cáo: “Tội lớn nhất hôm nay, đó là con người đánh mất đi cảm thức về tội”. Đã hơn nửa thế kỷ (1946), lời cảnh thức của Đấng kế vị Ngai tòa Phêrô vẫn còn nguyện tính thời sự, thậm chí thời nay còn nghiêm trọng- phổ quát hơn, ở mức báo động đỏ. Bằng chứng, ngày càng ít người đến Tòa Hòa giải, càng nhiều tội phạm gia tăng, “vô tư” trong cả những tội ác giết người hàng loạt (phá thai,, hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính…).

Bởi đó khái niệm tội lỗi xem ra xa lạ, lạc lõng giữa một thế giới văn minh ta đang sống, nhất là những nơi có nền khoa học kỹ thuật phát triển. Người ta không những đánh mất ý thức về tội- sai lệnh trong việc đánh giá tội, mà dường như còn cho đó là sản phẩm “ấu trĩ”, một mặc cảm bệnh hoạn của tôn giáo, hoặc là một ảo tưởng  độc hại làm cản bước thăng tiến của con người…

Đối với họ, tội nếu có chỉ đơn giản là làm hại xã hội, vi phạm luật định; hay những cản trở lý tưởng bản thân[1]. Hệ quả, tội lỗi bị tước mất chiều kích Thần học (tôn giáo), tạo ra một con đường thênh thang cho tội thỏa sức tung hoành. Ý thức vê tội đã sai lại càng sai.

Trình thuật Nguyên tổ Sa ngã ngay từ những chương đầu Sách Thánh (St 3,1-24) cho cái nhìn phong phú về yếu tính và hậu quả của tội: Chống lại Thiên Chúa, bất tuân lệnh truyền của Ngài một cách ý thức và hoàn toàn tự do; Từ đó gây bất hòa với tha nhân, với vũ trụ, với cả chính mình. Ẩn sâu dưới mặt tảng băng “tội ăn trái cấm” là bề dày vô kể của tội kiêu ngạo[2], muốn hiện hữu bằng Thiên Chúa, muốn loại Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời mình, tự định đoạt về điều lành, sự dữ,

Qua trình thuật Sa ngã, Kinh Thánh lý giải sự dữ xuất hiện không do Thiên Chúa- vì Ngài là cội nguồn Chân- Thiện- Mỹ, mà là do con người lạm dụng tự do nổi dậy chống Đấng Tạo Dựng, muốn đạt cứu cánh của mình ngoài Thiên Chúa. Như vậy, ngay từ đầu Kinh Thánh cho thấy tội lỗi luôn được nhìn trong tương quan với Chúa, sau tiếp đến chính mình, đến tha nhân, đến vũ trụ[3].

Giáo lý Công Giáo định nghĩa: “Tội là ‘một lời nói, một hành vi hay ước muốn trái với luật vĩnh cữu’. Tội là xúc phạm đến Thiên Chúa. Ai phạm tội là chống lại Thiên Chúa qua một hành vi bất tuân trái ngược với thái độ vâng phục của Đức Kitô. Tội là hành vi nghịch với lý trí, làm tổn thương bản tính con người và vi phạm đến tình liên đới giữa nhân loại” (GLCG s.1872-1872).

Khái niệm về tội trên cho thấy: 1-Loại tội: Tội bề ngoài (lời nói, hành vi), tội bề trong (ước muốn). 2- Luật bị vi phạm: Luật Vĩnh cửu, Thiên luật[4] (được Mạc khải trong Kinh thánh). 3- Ảnh hưởng ba chiều kích: Thiên Chúa (xúc phạm tới Ngài)- Xã hội (tình liên đới tha nhân)- Chính mình (nghịch với lý trí, tổn thương bản tính người...). Hiểu đúng và đầy đủ về tội phải đặt trong tương quan ba chiều kích, không được loại trừ bất cứ một tương quan nào.

Tội lỗi rất đa dạng, việc liệt kê phân loại không đơn giản chút nào. Giáo hội dựa trên nền tảng Kinh Thánh và truyền thống Tông truyền, nhìn chung  phân ra tội nặng (trọng)- tội nhẹ. Tội trọng buộc phải xưng tội vì nó phá hủy, đánh thẳng vào nguyên lý sự sống là Tình yêu; tội nhẹ không buộc phải xưng vì không phá hủy hoàn toàn ơn Thánh nhưng chỉ chỉ xúc phạm, gây tổn thương Đức Mến (x.GLCG 1854-1856).

Thẩm định tội để xét tội trọng- nguy tử, ảnh hưởng trực tiếp đến ơn Cứu độ không đơn giản. Truyền thống Giáo hội đưa ra ba nguyên tắc căn xét: Phạm một điều nặng (chất liệu nghiêm trọng) (1) với đầy đủ ý thức (lý trí) (2) và cố tình (tự do) (3). Thiếu một trong 3 yếu tố trên đều là tội nhẹ. Điều này cho thấy, với một người có đời sống lành mạnh, bình thường, không phải dễ phạm tội trọng; nhưng với những người quen sống trong tình trạng tội lỗi lại khác. Ý thức việc sám hối, hay phản tỉnh (cụ thể xưng tội- kể cả tội nhẹ) để thanh luyện lương tâm là điều cần thiết, bởi tự chất tội tiềm chứa năng lực sự chết[5].

Như thế, Tội là thái độ cơ bản chối bỏ Chúa, trực tiếp chống lại Tình yêu- chương trình Cứu chuộc của Thiên Chúa dành cho cho ta, khiến ta xa lánh Ngài. Đặt trong viễn cảnh Cứu độ, dẫn đến hậu quả kinh khủng nhất: Tự mình loại ra khỏi hiệp thông với Chúa, đánh mất sự sống vĩnh cửu, mất Nước trời.

Thực tế, hậu quả tội lỗi chưa cần án phạt đời sau, ngay ở thời hiện sinh, tội đem đến nhiều tác hại, làm đời sống xã hội đảo điên, khởi đi từ chính bản thân.

Trên bình diện khác, tội lỗi dễ làm ta dừng lại ở loài thụ tạo, coi nó như là cùng đích, nô lệ nó (duy vật); làm đảo lộn trật tự mà Thiên Chúa đã định như điều kiện để con người tìm đạt hạnh phúc (Thiên Chúa- Con người- các thụ tạo khác)….

Tóm lại, tội lỗi đưa ta vào môi trường sống đầy bất an, nghi ngờ, chia rẽ, nô lệ tội lỗi… (sống trong trạng cảnh thế, thống khổ biết bao!).

Theo Công đồng Vaticano II, tội lỗi làm môi trường thế giới bị rơi vào vòng nô lệ tội lỗi, làm hư hỏng nhiều hoạt động nhân loại (x.MV 25); Tự do, lý trí- ý chí con người bị tổn thương nên khó đạt đến hịa bình (x.MV17-18). Chiến tranh, nhất là chiến tranh bởi kích động hận thù, ai cũng biết kéo theo nhiều hậu quả vô cùng tai hại về nhân quyền, nhân vị làm người: chết chóc, nghèo đói, hận thù…

 Sự kiện Ngôi Lời Nhập Thể cũng cho thấy rõ tính chất trầm trọng của tội: Phá hủy công trình Cứu độ của Thiên Chúa dành cho con người, cho từng người. Đức Giêsu đến để “gánh-xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29);  'Quả thật, Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người, để tất cả những ai tin vào Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ”.   (Ga 3,16) Giao ước mới Người thiết lập bằng Máu Thánh chính Mình để “đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26,28).

 Đứng trước Thập Giá Đức Giêsu Kitô, tội lộ rõ bản chất- hậu quả xấu xa nhất: Chống lại hoặc chối từ Tình yêu Thiên Chúa dành cho mình.

Thông điệp quan trọng nhất Đức Giêsu đem đến cho nhân loại: Thiên Chúa là Cha đầy yêu thương, ta “được phép” gọi Ngài là Cha (Mt 6,7-15). Đức Giêsu chính là hiện thân của Thiên Chúa Tình yêu, qua Người- nhờ Người và trong Người ta được ơn Cứu độ, vượt trên tội lỗi ta thấy được tia hy vọng.

Cái nhìn lạc quan về tội:

   Tội lỗi đem đến cho con người “đêm đen” đau khổ ở mọi chiều kích, nhưng chính trong tội lỗi, vượt trên tội lỗi, nhờ Đức Giêsu ta khám phá “tội Hồng Phúc[6]”. Thánh công đồng Vatican II viết: “Thiên Chúa đã quyết định nâng con người người lên tham dự đời sống thần linh và Ngài đã không từ bỏ con người sa ng trong Adam, nhưng luôn ban sự trợ giúp để họ được cứu rỗi, nhờ Đức Kitô, Đấng Cứu Thế” (GH 4a). Thượng Hội Đồng Giám mục 1983 bàn về đề tài Hòa giải và Thống hối, kết quả l Tông huấn “Tình Yêu Lớn Hơn Tội Lỗi” do Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II ban hành, khẳng định: Giáo hội chỉ có thể nói về tội trong bối cảnh ơn Cứu Độ, lòng thương xót và ân sủng của Thiên Chúa, “màu nhiệm lòng thương xót của Thiên Chúa soi sáng màu nhiệm tội lỗi"  (số 21-22). Thánh Phaolô quả quyết: “Ở đâu tội lỗi lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (x.Rm 5,20; GLCG 1848).

Như vậy, trong Tình yêu Cứu độ, Giáo hội của Chúa Giêsu Kitô luôn nhìn tội lỗi dưới con mắt lạc quan, hy vọng.

Chúng ta tin, Thiên Cha có lòng thương xót người tội lỗi vô bờ, thậm chí Tình yêu (Agape) Người dành cho con người đến độ Ngài chống lại chính Mình- chống lại công lý của Mình, cao điểm nơi Thập Giá[7]. Ngài sẵn sàng tha thứ tất cả, phía con người chỉ cần đón nhận sự tha thứ đầy yêu thương của Ngài[8].

Như vậy, trước Tình yêu của Thiên Chúa, Đức Giêsu quả quyết: “mọi tội, kể cả tội phạm thượng cũng sẽ được tha cho con người, trừ tội phạm đến Cha Thánh Thần sẽ chẳng được tha” (Mt 12,31).

Tội phạm Thánh Thần chính là gạt bỏ ơn tha thứ của Thiên Chúa, cố tình chai lì trong tội lỗi. Cứng lòng như thế có thể dẫn đến sự ngoan cố không hối cải vào phút chót cuộc đời và như thế phải hư mất đời đời (x.GLCG 1865).

Tóm lại: Tội lỗi xâm nhập vào thế gian do con người đã dùng sai tự do, làm méo mó Hình ảnh Thiên Chúa  tuyệt đẹp nơi con người. Điền này cho thấy sự thất bại thảm hại khi con người dùng tự do, tự quyết đời mình ngoài Thánh ý Thiên Chúa. Ta biết rõ Thánh ý Chúa qua Kinh Thánh- Lời Thiên Chúa được mạc khải, nhất là qua Chúa Giêsu Kitô- Lời Thiên Chúa nhập thể. Lời Thiên Chúa đã mạc khải đầy đủ- trọn vẹn nơi chính Chúa Giêsu Kitô. ‘Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe Lời Người’- Lời của chính Chúa Cha nói với  các Tông đồ trên núi Tarbo, trước ngày Đức Giêsu Kitô  bước vào khổ giá…     

  Dẫu vậy, ngay khi hậu quả tội lỗi đè nặng xuống con người Nguyên tổ, Thiên Chúa đã công bố “tiền Tin Mừng” Cứu độ khi tuyên án “con rắn”- Thần dữ rồi sẽ bị tiêu diệt (St 3,15). Đức Giêsu, Đấng của Lời Hứa- Ađam mới đến trong tư cách Người Tôi Trung đau khổ đã thực sự khôi phục Hình Ảnh Thiên Chúa, quyền làm nghĩa tử cho con người mà do bởi tội con người đa đánh mất. Nhờ Bí tích Rửa Tội của Đức Giêsu, trong Thánh Thần, con người đã được tái sính tinh tuyền trước mặt Thiên Chúa. Dẫu vậy, Ơn thánh không phá hủy quyền tự do, tội lỗi vẫn và hằng vây bọc, đeo đẳng tha hóa con người, ta vẫn có thể lạm dụng tự do sai trái phạm tội. Nhưng Lòng Thương xót của Thiên Chúa luôn vượt thắng mọi tội lỗi.

 

  *Thay Lời kết:

Tội lỗi luôn là một màu nhiệm, chẳng ai hiểu rõ và thấu suốt…

Tuy nhiên, nhờ Mạc khải Kinh Thánh, quan điểm Giáo hội về tội cho ta hiểu đúng bản chất nhất về tội và hậu quả của nó. Tội không chỉ có chiều kích cá nhân- xã hội, mà quan trọng hơn còn có chiều kích Thần học- liên quan trực tiếp đến Thiên Chúa Tình yêu. Tội đưa đến nhiều hậu quả khôn lường, đáng sợ nhất là cái chết. Tội làm sự chết không còn là hiện tượng tự nhiên tất yếu nữa (bước tiến nhẹ nhàng để về với Chúa) mà trở nên ‘án phạt’ khủng khiếp, manh ý nghĩ một hình phạt, chết đời đời.

Tội đem đến nhiều hậu quả khủng khiếp làm con người sống trong tăm tối và chết chóc, nhưng vượt trên sự tàn khốc của tội, quan điểm Giáo hội đã mở ra một chân trời hy vọng, tràn ngập ánh sáng: Thiên Chúa đầy Lòng Thương Xót. Tội lỗi là “chuyện nhỏ” trước Tình yêu bao dung của Ngài.

Bởi lẽ đó, quan điểm về tội luôn luôn gắn liền với Ân sủng của Thiên Chúa,  làm nổi bật thêm hơn Thiên Chúa Tình yêu đối với con người, riêng từng người. Nói như Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phalô II: “Trong Ánh sang Cứ độ, chúng ta có thể nói thực tế của tội lỗi đã trở nên cơ hội hiểu biết sâu xa hơn về Màu nhiệm Thiên Chúa, về Thiên Chúa  Đấng là Tình yêu” [9] 

(Bài viết biên soạn lại từ bài làm ‘Quan niệm Giáo hội về tội lỗi’ thời học Đại Chủng viện, 12-2008).

 

Lm. Đaminh Hương Quất