Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Đừng ganh tỵ

Tác giả: 
Huệ Minh

 

 

ĐỪNG GANH TỴ

 

Thánh Gioan Thánh Giá sinh tại nước Tây Ban Nha miền Fontibéros vào năm 1542 trong một gia đình nghèo. Chính vì thế, Ngài đã trải qua tuổi niên thiếu lao đao, vất vả vì thánh nhân phải làm lụng, lao động cực nhọc. Năm 1563, thánh nhân tận hiến cho Chúa trong dòng kín Carmêlô. Thiên Chúa đã dùng Ngài vào công việc mở mang, cải tổ dòng carmêlô. Vì thế trước ngày lãnh sứ vụ linh mục vào năm 1567, Chúa đã xếp đặt cho Ngài gặp gỡ thánh Têrêsa cả, một cuộc gặp gỡ thánh, cuộc gặp gỡ kỳ diệu, quyết định cả hướng đi cho cuộc đời mục vụ của Ngài sau này.

 

 Thánh Gioan Thánh Giá đã cộng tác với thánh Têrêsa cả trong công cuộc cải cách dòng Carmêlô, đưa dòng về tuân giữ những qui chế đầu tiên của vị sáng lập dòng Carmêlô. Ngài đã cùng thánh nữ Têrêsa đưa dòng Carmêlô tới chỗ hoàn thiện mỗi ngày một hơn cho tới khi thánh nữ Têrêsa cả qua đời vào năm 1582.

 

Thánh Gioan Thánh Giá đã cùng hai người bạn cùng lý tưởng tìm đến và sống trong túp lều tồi tàn, không ra gì tại Duruelo nước Tây Ban Nha. Mọi người trong nhà dòng đều chống đối cuộc cải cách của các Ngài. Thánh nhân bị giam tại một căn phòng tại Tolède vào năm 1577, chỉ chín tháng sau đó, thánh nhân đã trốn thoát khỏi nơi Ngài bị giam cầm. Thời gian này với ơn Chúa, với sự tác động của Chúa Thánh Thần, thánh nhân đã sáng tác nhiều bài thơ thần bí rất có giá trị. Tuy nhiên, Chúa luôn có con đường của Ngài, ý của Ngài khác với sự suy nghĩ của con người.Cuộc cải cách của thánh nhân và các bạn được chấp thuận, thánh Gioan thánh giá được trao cho nhiều chức vụ quan trọng trong dòng.

 

Khi đã trở thành tu sĩ dòng kín Carmêlô, người môn đệ của Chúa tiếp tục đón nhận những thánh giá mới. Ngài sống rất khó khăn gian khổ, thực tế và cụ thể, trong việc cải cách dòng với biết bao nhiêu khó khăn chống đối, cũng như trong nhiệm vụ Bề trên tỉnh dòng, hay bị các tu sĩ khác giam tù, bị sỉ vả và hành hạ. Nhưng chính trong những lúc khổ đau khốn khó đó thánh nhân đã viết ra các tác phẩm đẹp nhất. Đó là những sách chỉ dẫn cách sống thân mật với Thiên Chúa. Những lúc như vậy, Thánh Gioan Thánh Giá nài xin Thiên Chúa vui nhận những đau khổ ngài chịu hàng ngày vì lòng yêu mến Đức Chúa Giêsu.

 

Quả thật, khi tin rằng chúng ta được Thiên Chúa yêu thương và để cho Thiên Chúa yêu thương chúng ta trong Đức Kitô Giêsu thì ánh sáng đức tin ấy sẽ giúp chúng ta vác gánh nặng mỗi ngày.

 

Khi những cơn bão khó khăn qua đi, Đức Chúa Giêsu đã ân thưởng cho đầy tớ trung thành của Người. Đức Giáo Hoàng Clement X tôn phong Chân phước cho cha Gioan vào ngày 25 tháng 01 năm 1675, và Đức Giáo Hoàng Benedictus XIII đã nâng ngài lên bậc Hiển thánh ngày 27 tháng 12 năm 1726. Đức Giáo Hoàng Pius XI đã tuyên xưng cha Gioan Thánh Giá là Tiến sĩ Hội Thánh vào ngày 24 tháng 8 năm 1926.

 

Vào thời Chúa Giêsu, ta thấy thượng tế và kỳ mục Do thái khi thấy Chúa Giêsu làm được những việc phi thường, họ ghen tức tiến đến có ý để gài bẫy, họ hỏi: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy?” Chúa Giêsu không trả lời vào câu hỏi nhưng chất vấn ngược lại: “Còn tôi, tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi; nếu các ông trả lời được cho tôi, thì tôi cũng sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy. Vậy, phép rửa của ông Gioan do đâu mà có? Do Trời hay do người ta?” Tất cả các thượng tế và kỳ mục đều né tránh và không dám trả lời. Họ biết rõ quyền năng và sức mạnh của Thiên Chúa nhưng vì kiêu căng và ích kỷ khiến con mắt họ mù quáng, con tim họ lạnh lùng khép kín.

 

Câu hỏi của Chúa Giêsu nhằm nhắc nhở những người cứng lòng tin biết khiêm tốn nhìn nhận quyền năng của Thiên Chúa. Trong lịch sử cứu độ, ông Gioan là nhân vật đầu tiên của Tân ước, là nhịp cầu nối giữa Giao ước cũ và Giao ước mới. Gioan có vai trò đặc biệt quan trọng, là vị tiền hô đến trước để dọn đường cho Chúa, ông chính là “phông nền” làm nổi bật chân dung của Đấng Mêsia. Ông Gioan có mối liên hệ sâu sắc trong sự mặc khải về căn tính của Chúa Giêsu trước hết qua bà Êlisabét và qua phép rửa nơi dòng sông Giođan.Ông đến trước chuẩn bị lòng dân sám hối, làm phép rửa bằng nước để họ đón nhận ơn cứu độ. Sau khi hoàn thành sứ mạng, ông Gioan liền lui vào bóng tối để choánh sáng Đức Giêsu xuất hiện.

 

Dân Do thái xưa đã trải qua hàng ngàn năm cơ cực sống kiếp lưu đày trên phần đất của dân ngoại. Mang thân phận nô lệ, họ phải cúi đầu gánh chịu những luật lệ hà khắc của đế quốc. Vì thế họ khát khao sớm được giải thoát và thiết tha khẩn cầu “Lạy Đức Chúa là Đấng Cứu Chuộc chúng con, xin Ngài mau trở lại. Xin Ngài xé trời mà ngự xuống cho núi non rung chuyển trước thánh nhan”. Thế nhưng khi Đấng Mêsia xuất hiện họ lại không nhận ra Người. Họ cầu mong một Đấng Mêsia theo nghĩa trần gian. Đấng ấy phải có đầy sức mạnh, đánh đông dẹp tây thu phục thiên hạ bá tánh. Vì thế khi đối diện với một Đức Giêsu nghèo hèn khiêm tốn, một con người quảng đại yêu thương người nghèo khổ thì họ không tin nhận.

 

Thái độ cứng tin của những thượng tế và kỳ mục Do thái vẫn tồn tại trong cuộc sống hôm nay. Biết bao lần chúng ta cũng cầu mong Chúa đến giải thoát khỏi gánh nặng của phận người yếu đuối tội lỗi. Đáng tiếc khi Chúa đến chúng ta cũng không nhận ra. Đó là vì chúng ta thiếu niềm tin và lòng yêu mến. Niềm tin là điều cần thiết giúp chúng ta nhận biết sự hiện diện của Thiên Chúa. Người sống không niềm tin chẳng khác nào con thuyền trôi lênh đênh trên biển lớn không biết đâu là bến bờ. Muốn đi tới đích người ta phải chọn cho mình một hướng đi đúng và phải tin tưởng đó là đích đến của hành trình.

 

Thật thế, ta thấy rằng niềm tin như ngọn hải đăng soi cho người lữ khách tiến bước mà không sợ lạc lối. Con người có thể sống thiếu cơm thiếu áo nhưng không thể sống nếu thiếu niềm tin. Cuộc đời con người là một hành trình dài ra đi và trở về. Ra đi là để trở về với cội nguồn, với bản chất nguyên sơ của chính mình. Con người phát xuất từ Thiên Chúa và phải trở về với Thiên Chúa. Trong cuộc đi và về ấy đều phải có niềm tin dẫn dắt, nếu không chúng ta sẽ chẳng đạt được ước nguyện của cuộc đời mình.

 

Đọc lại Kinh Thánh, chúng ta thấy ông Abraham đã được Chúa gọi ra đi. Trong hành trình ấy, ông đã được Thiên Chúa mở cho nhiều lối, đó là lối về với chính mình và lối gặp gỡ Thiên Chúa. Ra đi ông mới thấy liều lĩnh, mạo hiểm lao mình về phía trước, dám đánh đổi vận mệnh của cả một dân tộc đi theo lời Chúa hứa. Nhờ niềm tin, Abraham ra đi bỏ lại sau lưng tất cả cơ nghiệp  ruộng đất để ông được lớn lên, già dặn với gió sương và trưởng thành trong chọn lựa.

 

Cũng nhờ vào lòng tin tưởng và phó thác, Abraham đã gặp gỡ được chính Thiên Chúa, trái tim ông được đổi mới và thêm can trường trước mọi thử thách, trước viễn cảnh tương lai mờ mịt. Nhờ niềm tin ông đã đi từ chỗ hữu hạn đến nơi vô hạn, đi từ không đến có, từ bấp bênh đến vững bền trong giao ước để rồi không ngần ngại dâng cho Chúa đứa con trai nhỏ duy nhất. Đức tin đã làm cho Abraham can đảm để ra đi, khiêm tốn để phục vụ, an bình để từ bỏ, nhẫn nại để chịu đựng, hy vọng để phó thác và đạt đến hạnh phúc đích thực.

 

Bên cạnh niềm tin, đức mến ví như một thứ men giúp ngọn lửa nhiệt thành của chúng ta luôn cháy sáng và bền bỉ qua mọi khó khăn thử thách. Chúng ta dễ dàng theo Chúa khi cuộc sống thuận buồm xuôi gió êm chèo mát mái nhưng sẵn sàng từ chối Chúa khi gặp cuồng phong bão tố. Con người chúng ta luôn bị tác động bởi ngoại cảnh và dễ bị lôi cuốn bởi vẻ hào nhoáng của thế gian.

 

Vì thế chúng ta phải xác tín vững vàng và phải dựa vào ân sủng của Chúa để tiến bước. Chúa vẫn song hành với chúng ta trên mọi nẻo đường nhưng chúng ta không nhận ra. Chúng ta chỉ biết đặt ra những câu hỏi nhưng lại không tìm sự thinh lặng để lắng nghe câu trả lời. Đôi lúc Thiên Chúa không trả lời một cách hiển nhiên nhưng gián tiếp qua những biến cố, qua Giáo hội và các bí tích. Để nhận ra những mặc khải của Thiên Chúa, chúng ta phải có lòng khát khao và khiêm tốn thực sự. Ước gì chúng ta biết mở lòng ra trước những mặc khải của Thiên Chúa.