Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Vâng, con đây là nô tỳ của Chúa

Tác giả: 
Lm Dương Trung Tín

 

 

CN 4 MV                            

  Vâng, con đây là nô tỳ của Chúa

 

   “Tin Mừng đó mặc khải mầu nhiệm vốn được giữ kín từ ngàn xưa, nay được biểu lộ như lời các ngôn sứ trong Sách Thánh” (Rm 16,25,26).

 

   Mầu nhiệm được giữ kín này là gì? Đó là Thiên Chúa, qua Đức Giê-su Ki-tô, cứu độ người Do Thái, những người dân ngoại và cho tất cả mọi người. Đó là Tin Mừng cho nhân loại chúng ta. Thế nhưng Chúa mặc khải Tin Mừng đó để làm gì? Để mọi người tin mà vâng phục Thiên Chúa.

 

  Mầu nhiệm được giữ kín đó, nay được sứ thần Gabriel truyền tin cho Đức Ma-ri-a trong bài Phúc Âm. Sứ Thần nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng Bà” (x. Lc 1,28). Và nói tiếp : “Này đây, Bà sẽ thụ thai và sinh một con trai và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao” (x. Lc 1,31-32). “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ tỏa bóng trên Bà. Vì thế Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (x. Lc 1, 35).

 

    Ma-ri-a đã thưa : “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời Sứ Thần nói” (x, Lc 1,38).

 

   Đức Ma-ri-a là người đã được nghe kế hoạch được giấu kín của Thiên Chúa, dù có bối rối khi nghe lời chào; dù có thắc mắc, việc đó xảy ra thế nào được; cuối cùng Đức Ma-ri-a đã xin vâng. Ma-ri-a đã tin, vì “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (x. Lc 1,37), có nghĩa là tin Thiên Chúa làm được mọi sự. Rồi, việc thực tế là người chị họ Ê-li-sa-bét, dù đã cao niên, dù mang tiếng là son sẻ, đã mang thai được 6 tháng rồi (x. Lc 1,36). Từ đó nhờ tin mà vâng phục Thiên Chúa.

 

   “Như vậy, khi ưng thuận lời Thiên Chúa, Đức Ma-ri-a trở thành Mẹ Chúa Giê-su. Không bị bất cứ tội lỗi nào ràng buộc. Mẹ hết lòng vâng theo ý muốn cứu độ của Thiên Chúa, tự hiến hoàn toàn cho Con Mẹ và sự nghiệp của Người và tùy thuộc vào Người mà phục vụ cho mầu nhiệm Cứu Chuộc, nhờ ân sủng của Thiên Chúa” (GLCG, số 494).

 

  Tên Giê-su, “có nghĩa là Thiên Chúa cứu độ. Hài Nhi sinh làm con Đức Trinh Nữ Ma-ri-a được gọi là Giê-su, vì chính người sẽ cứu thoát Dân Người khỏi tội lỗi (x. Mt 1,21) và “Dưới gầm trời này, không có một Danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào Danh đó mới được cứu độ” (x. Cv 4,12).

 

   Thật vậy, “nhờ đức tin, chúng ta tin vào Thiên Chúa và tin vào tất cả những điều Người đã mặc khải cũng như những gì Hội Thánh dạy” (x. GLCG, số 1842).

 

    Nhưng tin là gì?

 

   “Tin là gắn bó bản thân con người, cả trí khôn và ý chí với Thiên Chúa, Đấng mặc khải qua các việc làm và lời nói của Người”(GLCG, số 176); chứ không chỉ nơi miệng lưỡi. Nói tin thì dễ nhưng sống niềm tin đó, thực thi điều Chúa muốn trong cuộc sống của mình thì không dễ chút nào.

 

   “Tin” qui chiếu vào hai điểm : Đấng mặc khải và chân lý mặc khải. Chúng ta tin chân lý mặc khải và tin tưởng ở Đấng mặc khải” (số 177). Có nghĩa là chúng ta tin vào Đấng mặc khải là chính Thiên Chúa và chân lý mặc khải chính là Lời Chúa nói trong Thánh Kinh. Bởi đó, Chúng ta không được tin ai khác ngoài Thiên Chúa là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (số 178). Tin ai ngoài Thiên Chúa thì có ngày chúng ta sẽ bị lừa, bị gạt thôi và sẽ mất tất cả.

 

   Để tin vào Thiên Chúa,  tự sức con người chúng ta không thể tin được, cần phải có sự trợ giúp của Thiên Chúa. Cho nên sự tin vào Thiên Chúa, chúng ta gọi là Đức Tin. “Đức tin là một hồng ân siêu nhiên của Thiên Chúa. Để tin, con người cần đến những trợ lực bên trong của Thánh Thần” (số 179).

 

   “Tin” là hành vi của con người, có ý thức và tự do, xứng hợp với phẩm giá con người” (số 180). Có nghĩa là chúng ta không tin cách mù quáng, bạ cái gì cũng tin, nhưng có ý thức và tự do. Ý thức là chúng ta biết chúng ta tin cái gì; tin vào Người nào nói và chúng ta có toàn quyền tin hay không tin; chấp nhận hay không chấp nhận. Như thế việc tin đó mới là một hành vi nhân linh, hành vi của một con người có ý thức và tự do. Chẳng có ai ép buộc chúng ta tin cả. Chúa, cũng như Giáo Hội, không ép buộc chúng ta phải tin cả.

 

   “Tin” là hành vi có chiều kích Hội Thánh. Đức Tin của Hội Thánh đi trước, sinh ra, nâng đỡ và dưỡng nuôi đức tin của chúng ta. Hội Thánh là mẹ của mọi tín hữu. Thánh Sipriano nói:“Không thể có Thiên Chúa là CHA, nếu không nhận Hội Thánh là MẸ”.(số 181). Nghĩa là qua mẹ Giáo Hội, chúng ta nhận được đức tin; đức tin đó Giáo Hội đã tin và gìn giữ từ bao đời và Giáo Hội vẫn tiếp tục nâng đỡ và nuôi dưỡng đức tin đó, cho tới ngày chúng ta ra trước tòa Chúa.

 

   Như Đức Giê-su đã nói : “Không ai có thể đến với Cha mà không qua Thầy”; thì chúng ta cũng có thể nói : “Không ai có thể nhận Thiên Chúa là CHA, mà không qua việc nhận Hội Thánh là Mẹ”.

 

  Chân lý mà chúng ta tin là : “Chúng ta tin tất cả những gì chứa đựng trong Lời Chúa, được viết hoặc lưu truyền và do Hội Thánh dạy chúng ta tin như chân lý được Thiên Chúa mặc khải”(số 182). Nói tóm, là chân lý được Thiên Chúa mặc khải trong Thánh Kinh và Thánh Truyền, đã được Giáo Hội công bố và quyết định. Chúng ta cứ đọc và suy niệm Thánh Kinh, chúng ta sẽ tìm ra được những chân lý, để hướng dẫn chúng ta sống trên dương gian, hầu dẫn đưa chúng ta về với Thiên Chúa.

 

   Vậy chúng ta hãy noi gương Đức Ma-ri-a, Đấng đã tin và vâng phục Thiên Chúa, để chúng ta luôn tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng làm được mọi sự và vâng phục Thiên Chúa, Đấng làm mọi sự để cứu độ chúng ta, cho chúng ta sống bình an ở đời này và sống hạnh phúc ở đời sau. Chúng ta hãy thưa lên : “Vâng, con đây là nô tỳ của Chúa, con xin thực hiện Thánh Ý của Chúa trong cuộc sống của con”. Chúng ta sẽ không sợ những nghịch cảnh của cuộc đời và sẽ làm đẹp lòng Thiên Chúa; sẽ trở nên người đầy ân sủng và có Chúa ở cùng.

 

 Lm. Bosco Dương Trung Tín