Ai là Philatô?
Trong phiên toà xét xử và kết án tử hình Đức Giêsu, có rất nhiều nhân vật và thành phần được Tin Mừng nêu đích danh: thành phần thì có đám đông người Do Thái. Họ là những người" điệu Đức Giêsu từ nhà ông Caipha đến dinh tổng trấn. Lúc trời vừa sáng. Nhưng họ không vào dinh kẻo bị nhiễm uế mà không ăn lể Vượt Qua được" (Ga 18,28); nhân vật thì có các thượng tế và kỳ mục đóng vai" người tố cáo", Đức Giêsu trong vai bị cáo, quan tổng trấn Philatô, đại diện chính quyền đô hộ Rôma trong vai quan toà, bà vợ ông, người đã sai thuộc hạ đến nói với chồng đừng nhúng tay vào vụ xử người này, và người cuối cùng là một can phạm tên Baraba khét tiếng gian ác vì "tội bạo độngg và giết người" (x. Mt 27,12.14. 16.19 ; Lc 23,25).
Quan sát phiên tòa, chúng ta thấy các thượng tế và kỳ mục đã quyết tâm và dồn hết nỗ lực kích động đám đông Do Thái để làm áp lực trên Philatô, người duy nhất có quyền kết án tử hình, như họ đã trả lời: "Chúng tôi không có quyền xử tử ai cả" khi Philatô đề nghị họ: "Các người cứ đem ông ta đi mà xét xử theo luật của các người" (Ga 18,31). Chúng ta cũng thấy đám đông Do Thái đã làm theo những gì các thượng tế và kỳ mục hướng dẫn, và Philatô đã nhượng bộ kết án tử hình Đức Giêsu, bất chấp lời khuyên của vợ, và sự thật mà tự ông công khai khẳng định trước mặt mọi người: "Phần ta, ta không tìm thấy lý do nào để kết tội ông ấy" (Ga 18,38), và ông "thừa biết chỉ vì ghen tị mà họ nộp Người" (Mt 27,18).
Như thế, các thượng tế, kỳ mục là những người chủ mưu giết Đức Giêsu, và đã thành công vì khéo huy động đám đông bồng bột, hời hợt, a dua, để nhờ áp lực nặng nề và dữ dội của quần chúng, họ đã thành công rực rỡ với bản án tử hình đóng đinh Đức Giêsu vào thập giá, được công bố bởi Philatô, quan tổng trấn, người đại diện chính quyền đế quốc Rôma, và là người duy nhất có toàn quyền tha bổng hay kết án, như chính miệng ông đã xác nhận, khi nói với Đức Giêsu: "Ông không biết rằng tôi có quyền tha và cũng có quyền đóng đinh ông vào thập giá sao?" (Ga 19,10).
Chúng ta cùng nhau quan sát kỹ hơn Philatô, con người đầy quyền lực đã trao Đức Giêsu cho các thượng tế, kỳ mục và đám đông Do Thái đem đi đóng đinh vào thập giá (x. Ga 19,16).
1. Philatô và sự thật:
Bất cứ ai khi ggồi ghế quan toà, và chủ tọa phiên toà đều biết mình là người có trách nhiệm "cầm cân nấy mực", nghiã là có sứ mạng phân xử đúng sai, phân định phải trái, bởi người ta đem nhau ra toà cốt để sự thật được phơi bầy và minh bạch xét xử sao cho công bằng, hợp lý dựa trên sự thật với những chứng cớ chính xác, đáng tin và thuyết phục. Vì thế, ngồi ghế chánh án, thủ vai quan toà mà không tìm kiếm sự thật, không lắng nghe sự thật, không đón nhận sự thật, và không quy kết theo sự thật thì quan toà chỉ là một thằng rơm, chú phỗng, con rối, tên bù nhìn, và phiên toà chỉ là vở kịch nhố nhăng được dàn dựng cách phi nhân, tàn nhẫn.
Vì là tổng trấn, đại diện tối cao của chính quyền đế quốc trên đất nước Palestina bị trị, Philatô có toàn quyền xét xử dân bản xứ thuộc địa trên căn bản tôn trọng luật pháp được đặt trên nền tảng của sự thật là bảo đảm hữu hiệu của trật tự xã hội, chính trị, nên hơn ai hết, Philatô hiểu rõ tầm quan trọng của mình khi ngồi vào ghế quan toà tối cao và duy nhất để làm sáng tỏ sự thật và phân xử công minh theo sự thật.
Nhưng khi ngồi vào ghế chủ toạ phiên toà mà bị cáo là Đức Giêsu, Philatô đã tỏ ra bất nhất trước sự thật trước sự thật, khi "thừa biết chỉ vì ghen tị" (Mt 27,18), mà các thượng tế, kỳ mục đã tố cáo và đem nộp Đức Giêsu cho ông, nhưng vẫn nhùng nhằng hỏi Ngài: "Ông không nghe bao nhiêu điều họ làm chứng chống lại ông đó sao?" (Mt 27,13), và đã không dứt khoát bênh vực sự thật, dù đã thấy rõ sự thật "vô tội" của Đức Giêsu, như chính ông đã nói với các thượng tế, thủ lãnh và dân chúng: "Các ngươi nộp người này cho ta, vì cho là tay kích động dân, nhưng ta đã hỏi cung ngay trước mặt các ngươi, mà không thấy người này tội gì, như các ngươi tố cáo" (Lc 21,14).
Trước sự thật, Philatô đã có thái độ lẩn trốn, né tránh, khi chỉ phơn phớt đề cập, rồi ngay lập tức bỏ qua, mà không sâu sắc quan tâm đào sâu vấn đề để củng cố sự thật. Bằng cớ là chưa kịp dứt lời bênh vực Đức Giêsu: "Các ngươi thấy đó, ông ấy chẳng can tội gì đáng chết cả" (Lc 23,15), ông đã cho đám đông đang điên cuồng đòi kết án tử hình Đức Giêsu quyền lựa chọn phóng thích hoặc Đức Giêsu, hoặc Baraba, người bị tống ngục vì can tội bạo động và giết người (x. Lc 23,17).
Trước sự thật, Philatô đã vật vờ, ba phải, và "bán cái" trách nhiệm cho người khác, khi không phản ứng trước đám đông đang giận dữ la to: "Đóng đinh nó vào thập giá", mà lạnh lùng đến vô cảm, khi thản nhiên "lấy nước rửa tay trước mặt đám đông mà nói: "Ta vô can trong vụ đổ máu người này." (Mt 27,24).
Trước sự thật Philatô đã cố tình bịt tai làm ngơ, dù tiếng lương tâm nhắc bảo, và lời cảnh báo rất đáng quan ngại của vợ ông: "Ông đừng nhúng tay vào vụ xử người công chính này, vì hôm nay, tôi chiêm bao thấy mnìh phải khổ nhiều vì ông ấy" (Mt 27,19).
Quả thực, Philatô đã tự đào ngũ khỏi sứ vụ nắm giữ cán cân công lý, bảo vệ sự thật, bênh vực người vô tội, khi trước sự thật đã bất nhất, thời cơ, né tránh, ba phải, vô trách nhiệm và từ chối lắng nghe. Vì thế, sự thật bỏ ông ra đi, dù trước đó, lương tâm đã nhắc ông phải ở trong sự thật; sự thật chết trong tâm hồn ông, dù trước đó lý trí đã cho ông thấy sự thật; sự thật không còn đất sống trong ông, dù trước đó, ông đã nói được đôi lời bênh vực sự thật, nên khi ông hỏi Đức Giêsu: "Sư thật là gì?" (Ga 18,38), Đức Giêsu đã yên lặng, và ông đã không nhận được giải đáp từ Đức Giêsu, Đấng là Sự Thật.
2. Philatô đã bức tử Sự Thật vì sợ mất "cái tôi":
Quan sát kỹ Philatô, chúng ta thấy ông là người rất đáng sợ: đáng sợ vì tài biến báo của ông trước áp lực của quần chúng: khi thấy đám đông ồn ào áp giải Đức Giêsu đến, ông đã đích thân ra ngoài gặp họ và điềm tĩnh hỏi: "Các người tố cáo ông này về tội gì?". Ông đã ứng xứ một cách bình dân, gần gũi và tỏ ra biết lắng nghe phải trái… để vừa trấn an, lấy lòng đám đông đang phẫn nộ, điên cuồng đòi ông phải gấp rút kết án tử hình Đức Giêsu, vừa tìm phương án không đổ máu Đức Giêsu. Nhưng khi dân chúng càng lúc càng mất bình tĩnh và có những lời mang tính đe dọa như "Nếu ngài tha nó, ngài không phải là bạn của Xêda. Ai xưng mình là vua, thì chống lại Xêda" (Ga 19,12) được hiểu rộng là: cả người bênh vực, ủng hộ kẻ xưng mình là vua, cũng phải kể là kẻ chống lại Xêda, thì Philatô buông tay chèo và thả trôi theo ý muốn của đám đông nhẹ dạ bị các thượng tế, và kỳ mục kích động, lợi dụng.
Philatô đáng sợ, vì trong qúa trình xử án Đức Giêsu, tận thâm tâm, ông đã không sợ gì, cũng không sợ ai, ngoài sợ đánh mất những gì "cái tôi" của ông đang có: chức quan tổng trấn, địa vị đại diện chính quyền đế quốc, quyền lực sinh sát, bổng lộc kếch xù, ảnh hưởng rộng lớn. Bằng chứng là ông đã không sợ cả lương tâm là tiếng nói nội tâm đanh thép, có uy lực nhất.
Philatô đáng sợ, vì suốt phiên toà, ông đã không hành xử vì thương yêu bất cứ người nào, kể cả vợ ông. Bằng chứng là ông đã không nặng lòng quan tâm đến nỗi khổ được báo trước của bà, nếu ông cứ nhúng tay vào máu người công chính, vì hôm nay, trong giấc ngủ, bà đã chiêm bao thấy mình sẽ gặp nhiều điều bất hạnh, nếu chồng bà xử oan Đức Giêsu" (x.Mt 27,19).
Philatô đáng sợ, vì không để lộ trái tim vô cảm, tàn nhẫn, khi tài tình diễn xuất vai người công chính có bàn tay sạch, không vấy máu người vô tội qua màn kịch công khai rửa tay, và nhiều lần hỏi đi hỏi lại ý kiến của dân chúng, như muốn cho mọi người thấy thiện chí đi tìm một phương án tốt đẹp, hài hoà, nhân đạo của mình. Ông còn đáng sợ khi giả vờ không biết và hỏi đám đông bằng giọng điệu mị dân: "Chẳng lẽ ta lại đóng đinh vua các ngươi sao?" (Ga 1915).
Thực vậy, Philatô là con người rất đáng sợ, nên biết dùng cái sợ để trấn áp người khác, như ông đã "bắt mạch" Đức Giêsu khi nhẹ nhàng đe dọa: "Ông không biết rằng tôi có quyền tha và cũng có quyền đóng đinh ông vào thập gía sao?". Nhưng thật bất ngờ, Philatô đã nhận được câu trả lời hoàn toàn không nằm trong ý nghĩ và tính toán, đợi chờ của ông từ miệng Đức Giêsu: "Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ngài. Vì thế, kẻ nộp tôi cho ngài thì mắc tội nặng hơn" (Ga 19,10-11).
Khi nghe mình mắc tội, Philatô sợ, và từ đó tìm cách tha Đức Giêsu (x .Ga 19,12). Thánh sử Gioan ghi rõ điều này, nhưng nỗi sợ Thiên Chúa đã không lớn bằng cái sợ mất "cái tôi và những gì thuộc về cái tôi", nên khi nghe đám đông đe dọa tố cáo mình "chống lại Xêda, vì bênh vực kẻ tự xưng là vua", Philatô đã cuống cuồng lo sợ, và vội vã "trao Đúc Giêsu cho họ đóng đinh vào thập giá" (Ga 19,16).
Tóm lại, Philatô đã bức tử sự thật, khi kết án oan uổng Đức Giêsu, chỉ vì sợ mất cái tôi và những gì thuộc về cái tôi, bởi ông là con người ích kỷ, hèn nhát và sợ hãi trước bất cứ ai, bất cứ sự việc nào có nguy cơ mang lại rủi ro, làm tổn thương, thiệt thòi, mất mát cái tôi, và những gì thuộc về cái tôi. Chính vì sợ mất cái tôi, và phải bảo vệ cái tôi bằng mọi giá, mà Philatô đã trở thành người đáng sợ khi sẵn sàng làm bất cứ việc gì, dù gian ác, tàn nhẫn, bất nhân bất nghiã đến đâu, như đã "ung dung, thản nhiên" kết án tử hình Đức Giêsu, người vô tội, miễn ngai toà không rung rinh, chỗ đứng chỗ ngồi không lung lay, quyền bính, ảnh hưởng không hao mòn, sứt mẻ, và triều đại không rạn nứt, suy suyển.
3.Ai là Philatô?
Nhân vật Philatô thủ đọan, nên không mấy người đã nhận ra đôi bàn tay đầy máu người công chính của ông, mà hầu hết đều đổ hết tội cho đám đông dốt nát, khờ khạo, nhẹ dạ, a dua, bởi trước mắt mọi người, và dưới ống kính truyền thông, ông đã dõng dạc tuyên bố "vô can trong vụ đổ máu người này" và hồn nhiên, thanh thản "lấy nước rửa tay" (Mt 27,24).
Vì khó nhận diện, liệu có khi nào con người Philatô quyền bính đang truy sát, bức tử sự thật ấy lại là chính chúng ta, những con người giữ quyền cai quản, lãnh đạo, mà chúng ta không hề hay biết?
Nhân vật Philatô ma mãnh, nên ít người hiểu hết chiêu trò giả hình mị dân nhằm mục đích xây dựng cơ đồ bản thân, khi bất chấp máu xương của những người bé nhỏ, cổ bị thắt, miệng bị bịt, để không còn được lên tiếng nói sự thật.
Vì quá khó để hiểu hết, liệu có khi nào con người Philatô giả hình đang dùng quyền để bóp méo, bẻ cong sự thật ấy lại là chính chúng ta, những người được trao trách nhiệm gìn giữ, làm chứng sự thật, mà chúng ta không hay biết?
Nhân vật Philatô tinh ranh, qủy quyệt, nên không mấy người phát hiện dưới lớp vỏ đơn sơ là bao điều gian ác, khi miệng say sưa ca tụng, tuyên dương sự thật, nhưng tay thì ra sức đốn gục những chứng nhân sự thật bị coi như những kẻ gây phiền phức.
Vì không dễ phát hiện, liệu có khi nào con người Philatô muôn mặt đang tráo trở, lật lọng, làm tình làm tội những người yêu mến và đi tìm sự thật lại là chính chúng ta, những con người được vinh danh là thành trì bảo vệ sự thật với dư thừa quyền bính, mà chúng ta không hề biết?
Nhưng thế nào đi nữa, điều chúng ta cần biết và đã biết, đó là bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể trở thành Philatô, có khả năng diễn xuất vai quan tổng trấn, đại diện quyền bính tối cao của đế quốc Rôma, để ngự toà xét xử anh em nhân danh Thiên Chúa, nhân danh Giáo Hội, nhân danh Lề Luật, nhân danh những giá trị đời đời, mà chỉ vì nỗi sợ đánh mất cái tôi ích kỷ đã quên mình là người có bổn phận tôn trọng sự thật, tìm kiếm sự thật, lắng nghe sự thật, bảo vệ sự thật, nhưng đã không ngại bức tử sự thật, bằng vấy máu người công chính, kết án tử người vô tội.
Mời quý bạn hữu lắng nghe bài suy niệm phiên bản audio tại youtube: https://www.youtube.com/watch?v=D7T6-4Q--lM
- Loại bài viết: