Đức Giêsu sống lại đã khai mở thời đại của Chúa Thánh Thần và Giáo Hội.
Đức Giêsu sống lại đã khai mở thời đại của Chúa Thánh Thần và Giáo Hội.
Đức Giêsu Kitô đã sống lại. Cửa mộ mở toang, bên trong trống rỗng, tảng đá lớn lăn ra một bên, và Phêrô, anh trưởng của Nhóm Mười Hai đã “vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu”(Ga 20,6). Phêrô đã làm chứng, và chứng từ không chỉ là mộ trống, tảng đá lăn ra một bên và Đức Giêsu không còn trong mộ, nhưng còn là Đức Giêsu đã “xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người sau khi Người từ cõi chết sống lại”(Cv 10, 40-41).
Thực vậy, Lời Chúa trong chúa nhật phục sinh đã làm nổi bật vị thế tông đồ trưởng của Phêrô và sứ vụ loan báo Tin Mừng Đức Giêsu đã sống lại của Giáo Hội. Biến cố Phục Sinh mở đầu thời đại của Chúa Thánh Thần và Giáo Hội do lệnh truyền của Đức Giêsu được tông đồ trưởng Phêrô qủa quyết: “Người truyền cho chúng tôi phải rao giảng cho dân, và long trọng làm chứng rằng chính Người là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán, để xét xử kẻ sống và kẻ chết. Tất cả các ngôn sứ đều làm chứng về Người và nói rằng phàm ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội” (Cv 10,42-43).
1. Vị thế Tông Đồ trưởng của Phêrô:
Chi tiết quan trong trong bài Tin Mừng, đó là tông đồ Gioan, người được Đức Giêsu yêu đặc biệt, còn trẻ nên chạy nhanh và đã đến mộ trước Phêrô, đã không vào mộ, mà chỉ đứng ngoài ngó vào, nhường cho Phêrô, tông đồ trưởng “vào thẳng trong mộ”. Điều này đã biểu lộ lòng kính trọng Phêrô như người anh lớn, như người đại diện Nhóm Muời Hai của Gioan.
Trong sách Công Vụ các Tông Đồ, vị thế của Phêrô luôn được anh em tông đồ đề cao, bằng chứng là bài giảng đầu tiên trước đám đông gồm đủ mọi vùng miền, sắc dân, ngôn ngữ vào ngày lễ Ngũ Tuần đã là lời chứng hùng hồn, thuyết phục vì đầy ơn Thánh Thần của Phêrô (x. Cv 2,14-36).
Và vị thế đứng đầu tông đồ đoàn, đại diện Đức Giêsu ở trần gian của Phêrô đã được chính Đức Giêsu phục sinh chứng thực khi trao cho ông sứ vụ: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy”, “Hãy chăn dắt chiên của Thầy”(Ga 21,15.16), sau khi hỏi ông ba lần: “Con có yêu mến Thầy hơn các anh em này không?”(Ga 21, 15.16.17), khi hiện ra và ăn uống với các ông bên bờ hồ Tibêria.
Hơn ai hết, Phêrô yêu mến Đức Giêsu, vì tận thâm tâm ông biết, ông được Đức Giêsu yêu nhiều và tha thứ nhiều.
2. Sứ mạng loan báo Đức Giêsu đã chết và sống lại của Giáo Hội:
Ngay sau khi Đức Giêsu sống lại, các tông đồ đã nhớ lại những gì Ngài đã nói với các ông: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại”(Mc 9, 31). Nhưng sự việc các ông nhớ hơn cả, chính là những bữa tiệc được cùng bàn với Ngài: bữa tiệc chia tay trước khi lên đường chịu chết, ở đó Đức Giêsu đã thiết lập chức Linh Mục và bí tích Thánh Thể là giao ước vĩnh cửu cho muôn dân được sống, và những bữa ăn với các ông sau khi Ngài sống lại, như với hai môn đệ trên đường Emmaus (x. Lc 24,13-35), hoặc với đông đủ các ông bên bờ hồ Tibêria (x. Ga 21), mà Phêrô đã làm chứng: “Người xuất hiện tỏ tường… trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại”(Cv 10, 40-41).
Với tất cả những gì được nhớ lại và được thúc đẩy, hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, các tông đồ đã hăng hái lên đuờng công bố Tin Vui “Chúa đã sống lại thật như lời Người đã phán hứa!”, và đi khắp nơi “loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại cho tới khi Chúa đến”.
Thực vậy, Đức Giêsu sống lại đã khai mở thời đại của Chúa Thánh Thần và Giáo Hội. Từ nay Giáo Hội với phẩm trật, được Đức Giêsu thiết lập khi trao quyền đại diện Ngài cho Phêrô quây quần “hiệp thông,hiệp nhất” với nhau quanh Tiệc Thánh Thể như cộng đoàn tín hữu đầu tiên “chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, cầu nguyện không ngừng”(Cv 2,42), và phấn khởi ra đi “làm cho muôn dân trở thành môn đệ”của Đức Giêsu như bài sai của Ngài (x. Mt 28,19-20).
Jorathe Nắng Tím
- Loại bài viết: