Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Tình yêu nơi con người bị mù quáng bởi ác thần

Tác giả: 
Phạm Văn Trung

TÌNH YÊU NƠI CON NGƯỜI BỊ MÙ QUÁNG BỞI ÁC THẦN

 

Tình yêu là gì? Đó là một câu hỏi lâu đời. Hơn nữa, lúc nào chúng ta cũng cảm thấy cần “yêu và được yêu” – thông qua các phương tiện truyền thông của chúng ta, từ các linh mục của chúng ta, từ Đức Thánh Cha của chúng ta. Nhưng tình yêu là gì? Câu trả lời của chúng ta về tình yêu là gì có hệ quả vô cùng quan trọng. Đáng buồn thay, hầu hết những người cổ vũ tình yêu đều quảng bá cho tình yêu giả tạo theo kiểu Satan.

 

Giáo lý định nghĩa tình yêu là “Yêu là muốn điều thiện cho người khác (T. Tôma Aquinô, Tổng Luận Thần Học 1-2, 26,4)” (GLCG số1766). Sự hiểu biết về tình yêu này được bổ sung bởi định nghĩa của nhân đức đối thần về tình yêu (hay “đức mến”), “Đức mến là nhân đức đối thần, nhờ đó, chúng ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự vì chính Chúa, và vì yêu mến Thiên Chúa, chúng ta yêu mến người thân cận như chính mình.”( GLCG số 1822). Đức mến, như Giáo hội định nghĩa một cách chính thức trong giáo lý, mà chúng ta là những người Công giáo có bổn phận phải đồng ý, như  là ý nghĩa và sự thể hiện đầy đủ và đích thực của tình yêu, chứ không hiểu như “sự xác quyết” về tội lỗi và bản chất tội lỗi của một con người. Tình yêu không được định nghĩa như là sự chiếu cố chấp thuận hoặc cho phép những người khác tham gia vào nhóm của mình.

 

Theo giáo huấn không thể sai lầm, tình yêu đích thực là yêu mến Thiên Chúa và ước ao người khác yêu mến Thiên Chúa. Do đó, điều này đòi hỏi chúng ta phải hiểu biết phần nào đó về Thiên Chúa (Đấng là Chân lý, Khôn Ngoan và Tình yêu). Thiên Chúa là Tác giả của Luật Luân Lý mà chúng ta phải tuân theo - với sự trợ giúp của các bí tích và giáo huấn của Giáo hội. Thiên Chúa cũng là Đấng Thiện Hảo Tối Cao, như Giáo Lý đã nói rõ, vì chúng ta phải “yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, với tất cả trái tim ngươi, tất cả linh hồn ngươi, tất cả trí khôn ngươi” (Đnl 6, 5). Yêu những thứ vắng bóng Thiên Chúa, khi chúng trở thành đối tượng yêu quý nhất cho tình cảm của chúng ta, là chúng ta rơi vào tội lỗi hay - nói đúng hơn - là thờ ngẫu tượng. Hậu quả là sự nhầm lẫn này sẽ bén rễ và thống trị mọi thứ.

 

Thiên Chúa là Đấng Tốt Lành Cao Cả nhất và Ngài thoả nguyện lòng khao khát của chúng ta, điều này được Chúa Giêsu Kitô nhắc lại khi Ngài tóm tắt toàn bộ Lề Luật trong một điều: yêu mến Thiên Chúa (và người lân cận: “Ngươi phải yêu mến đồng loại như chính mình” (Lv 19, 18), trong đó Thiên Chúa được nói đến trước). Điều đó cũng được Chúa Kitô bày tỏ bằng lối nói cường điệu hơn khi Ngài nói rằng để trở thành môn đồ của Ngài, người ta phải từ bỏ cha mẹ và anh chị em của mình: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Luca 14: 26). Có nghĩa là, nếu gia đình của bạn ham mê trong tội lỗi, bạn phải tách mình ra khỏi cái nơi ô uế kéo bạn xuống địa ngục đó và ôm lấy gia đình trên trời của bạn trong chuyến hành hương nhắm đến hiệp nhất với Thiên Chúa.

 

Một phần của vấn đề lòng mến của Kitô hữu ngày nay là Thuyết Phổ Độ [1]- chủ trương rằng Thiên Chúa ban ơn cứu độ cho mọi người, bất kể họ có muốn hay không - đang lan tràn hung hăng trong Giáo hội và trong tâm hồn Kitô hữu. Việc chấp nhận thuyết phổ độ này một cách hiển nhiên, hoặc ngấm ngầm, dẫn đến sự hy vọng Thiên Chúa ban ơn cứu độ cho mọi người bất kể họ muốn hay không muốn, gây hại cho sự hiểu biết của Kitô hữu về tình yêu, vì yêu thương, như Giáo lý nói, là “mong muốn điều tốt lành cho người khác”. Vậy thì, chúng ta sẽ chẳng đạt được ơn ích gì khi mong muốn làm điều tốt lành cho người khác, vì rốt cuộc ai cũng đạt được mục đích vĩnh cửu của linh hồn mình.

 

Yêu thương người lân cận của bạn là mong muốn người ấy đến với Thiên Chúa. Tất nhiên, điều này chỉ có hiệu quả nếu có một hỏa ngục đời đời và sự trầm luân đang chờ đợi những linh hồn tội lỗi và ngoan cố, những người đã chọn của cải khác thay vì chọn Đấng Thiện Hảo Tối Cao. Lại nữa, nếu một người chỉ nhắm đến chuyện vui hưởng Thiên Chúa cho chính mình bằng mọi cách, thì không có gì bắt buộc người ấy phải “mong muốn điều tốt lành cho người khác”. Nói một cách nghiêm túc, chúng ta không thể yêu thương thực sự khi hiểu thuật ngữ này theo bất cứ lối hiểu nào.

 

Giáo lý khẳng định chính thức sự tồn tại của hỏa ngục: “Chúng ta không thể kết hiệp với Thiên Chúa, nếu không tự nguyện yêu mến Ngài. Nhưng chúng ta không thể yêu mến Ngài, nếu chúng ta phạm tội trọng phản nghịch Ngài, ngược lại lợi ích của người khác và chính mình: "Kẻ không yêu thương thì còn ở trong sự chết. Phàm ai ghét anh em mình thì là kẻ sát nhân. Và anh em biết: không một kẻ sát nhân nào có sự sống đời đời ở trong nó" (1Ga 3,15). Chúa Giêsu cảnh cáo: chúng ta sẽ bị tách xa Ngài, nếu chúng ta bỏ qua không đáp ứng những nhu cầu khẩn thiết của người nghèo và những người bé mọn là anh em của Ngài (x. Mt 10,28). Chết mà còn mang tội trọng, không hối cải, không đón nhận tình yêu nhân hậu của Chúa có nghĩa là phải xa cách Ngài đời đời, vì chính chúng ta đã tự do lựa chọn. "Hỏa ngục" chính là tình trạng con người dứt khoát tự loại trừ khỏi sự hiệp thông với Thiên Chúa và chư thánh” (GLCG số1033-1037).

 

Trong khi người ta có thể chơi trò chơi chữ như bất cứ nhà ngụy biện giỏi giang nào rằng Giáo hội chưa bao giờ chính thức kết án bất kỳ ai xuống địa ngục (vì đó làm điều đó không phải là sứ mệnh của Giáo hội), sức nặng của Kinh thánh và Tông Truyền không chỉ khẳng định có hỏa ngục mà còn là một hỏa  ngục rất đông người. Cả Thánh Phaolô và Thánh Gioan đều đưa ra một danh sách dài những tội lỗi mà các Kitô hữu có thể phạm phải khiến họ bị từ chối vào thiên đàng: “Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy. Tôi bảo trước cho mà biết, như tôi đã từng bảo: những kẻ làm các điều đó sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa.” (Galát 5,19-20), và  “Anh em đừng yêu thế gian và những gì ở trong thế gian. Kẻ nào yêu thế gian thì nơi kẻ ấy không có lòng mến Chúa Cha, vì mọi sự trong thế gian như: dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắt và thói cậy mình có của, tất cả những cái đó không phát xuất từ Chúa Cha, nhưng phát xuất từ thế gian, mà thế gian đang qua đi cùng với dục vọng của nó. Còn ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa thì tồn tại mãi mãi” (1 Gioan 2,15-17). 

 

Chúa Giêsu Kitô cũng nói, bằng chính ngôn ngữ từ miệng Ngài, rằng nhiều người sẽ đến với Ngài vào Ngày Phán xét và Ngài sẽ xua đuổi  họ đi: “Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ đâu đến!’ Bấy giờ anh em mới nói: ‘Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi’. Nhưng ông sẽ đáp lại: ‘Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!” (Lc 13:24-27) và: “Con Người sẽ sai các thiên thần của Ngài tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Ngài, rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng” (Mt 13:41-42). 

 

Giáo hội đã có lịch sử lâu dài để giải thích và suy tư và đều khẳng định thực tế có hỏa ngục và sự trầm luân đang chờ đợi những kẻ gian ác: “Hội Thánh dạy rằng có hỏa ngục và án phạt đời đời. Ngay sau khi chết, linh hồn kẻ còn mắc tội trọng sẽ xuống hỏa ngục chịu cực hình "lửa đời đời" (x.DS 76; 409; 411; 801; 858; 1002; 1351; 1575; SPF 12). Vì chỉ nơi Thiên Chúa, con người mới tìm được sự sống và hạnh phúc hằng khao khát, nên cực hình chính của hỏa ngục là đời đời bị tách khỏi Thiên Chúa. Những điều Kinh Thánh xác quyết và Hội Thánh dạy về hỏa ngục là lời mời gọi con người phải có trách nhiệm sử dụng tự do để đạt tới hạnh phúc đời đời; đồng thời thúc giục chúng ta ăn năn hối cải : "Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường rộng thì đưa tới diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó; còn cửa hẹp và đường hẹp thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy" (Mt 7,13-14) :396

"Vì không biết ngày và giờ, chúng ta phải theo lời Chúa dạy, luôn tỉnh thức, để khi cuộc đời độc nhất của chúng ta ở trần gian chấm dứt, chúng ta xứng đáng vào dự tiệc cưới với Ngài và được liệt vào số người được chúc phúc (x.Mt 25,31-46), chứ không như những tôi tớ khốn nạn và lười biếng (x.Mt 25,26) sẽ bị đẩy vào lửa đời đời (x.Mt 25,41), vào chốn tối tăm, nơi khóc lóc và nghiến răng" (LG 48).” (GLCG số1034-1036).

 

Với thực tế có tội lỗi và hỏa ngục (là điều mà những người theo chủ nghĩa tự do đều phủ nhận hoặc cố gắng che đậy), mệnh lệnh yêu thương càng khẩn thiết hơn. Những con sói đội lốt trang phục Công giáo đưa ra một phiên bản tình yêu giả tạo theo kiểu Satan, dẫn đưa tội nhân đến hỏa ngục khi chúng ôm họ và hôn họ trên đường đi, khiến họ cảm thấy mình “được yêu”, nhưng kỳ thực họ đang đi trên con đường dẫn đến đớn đau và khốn khổ đời đời. Đó không phải là tình yêu đích thực.

 

Những người chống lại thứ yêu thương giả tạo đang thống trị tâm trí con người hiện đại và thần học đương đại là những người thực sự yêu thương người khác. Chúng ta không mong muốn nhìn thấy những linh hồn tan nát, khóc lóc, và bị tổn thương đang kêu gào xin được hướng dẫn, bị sự tàn ác nhẫn tâm dẫn dắt đến hàm răng của sự trầm luân. Nhưng đó chính xác là những gì bầy sói đang làm - chúng tàn nhẫn dẫn đưa những linh hồn cần được chữa lành đến sự trầm luân nhân danh “tình yêu”.

 

Cách hiểu truyền thống của Công giáo về Satan là: hắn là kẻ phá hỏng tầy đình. Satan không phải là Thiên Chúa, vì vậy nó không thể sáng tạo, chữa lành hoặc cứu rỗi. Thay vào đó, nó chỉ có thể làm hư hỏng.

 

Satan chỉ bắt chước làm “nhái” theo Thiên Chúa nhưng lại phá hỏng những gì Thiên Chúa đã sáng tạo ra. Do đó, Satan làm hỏng sự hiểu biết của chúng ta về tình yêu đích thực. Những người tuyên bố rằng tình yêu là bất cứ điều gì khác trừ việc sẵn lòng vì lợi ích của người khác, thì họ chẳng kém gì những đội quân đột kích của Satan, dù cố ý hay vô tình. Những ai tuyên bố rằng tình yêu là dẫn đưa tội nhân đến với Thiên Chúa vì lợi ích của tội nhân, giống như Chúa Kitô dẫn đưa tội nhân đến với Thiên Chúa với điều kiện “Từ nay đừng phạm tội nữa!” (Gioan 8:11 ) là những người thực sự yêu thương.

 

Trong một thế giới ngập tràn ngôn ngữ của tình yêu, sự thật thánh thiện phải sàng lọc cỏ lùng trong thời điểm bi thảm này. Nếu không như thế sẽ là chiến thắng của cái ác và sự trầm luân của nhiều người. Hầu hết những người nói về tình yêu đều không biết tình yêu đích thực là gì. Nếu Giáo Hội là một bệnh viện dã chiến, thì Giáo Hội cũng phải trở về với thực tại tình yêu đích thực, là liều thuốc thực sự của tâm hồn, vì không có sự chữa lành nào được hoàn tất nếu không có sự thánh hóa linh hồn và kết hợp với Thiên Chúa qua Chúa Kitô. Vâng, chúng ta hãy quan tâm đến những người tội lỗi, nhưng chúng ta hãy khát mong họ thoát khỏi tội lỗi và dẫn đưa họ đến với Thiên Chúa để họ được chữa lành và yêu thương thực sự, là điều mà họ cần đến.

 

Phêrô Phạm Văn Trung chuyển ngữ,

 

[1] Chú thích của người dịch - Universalism: Thuyết Phổ Độ, về cơ bản, tin rằng mọi người đều được cứu độ. Sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu sẽ cứu tất cả nhân loại. Không cần có sự ăn năn hối cải của cá nhân và không cần tin vào Đức Kitô mới được vào Nước Trời. Những người theo Thuyết Phổ Độ chủ trương một Giáo Hội có “sự tha thứ không cần sự ăn năn, có ơn cứu độ không cần sự tái sinh... có một Nước Trời không có Hỏa Ngục.”