Triết Học đâu hiểu kiểu Chiết Tự
‘YÊU MẾN SỰ KHÔN NGOAN’ KIỂU CHIẾT TỰ CHỦ QUAN THẾ THÌ… GIẾT TRIẾT HỌC.
Trên trang FB của một Nhà tri thức nổi tiếng, có uy tín hiện đang, cách riêng ngài am tường trong lĩnh vực Triết học- Triết gia: Paulo Nguyễn Hoàng Đức (Được biết, ngài có nhiều đầu sách có giá trị cao), có bài ‘trao đổi'- 'trung ngôn nghịch nhĩ' liên quan đến Triết học- Triết gia…
Tớ cũng bất ngờ điều ngài trao đổi với vị Giáo sư (Gs) trả lời nhà đài mang tính ‘chiết tự’ chủ quan, dẫu vị Gs này có nói ‘ý riêng’.
Cụ thể, vị Gs nói: “…Đặc tính của triết gia, theo tôi, nằm ngay trong bản thân chữ PHILOSOPHIA của Hi Lạp mà tôi xin phép được diễn giảng theo ý riêng như sau:
P= PATIENCE & PERSEVERANCE= kiên nhẫn, kiên trì trong việc theo đuổi chân lý, cho dù không hề biết chắc liệu “chân lý” có thực sự tồn tại hay không…” (Theo Giáo sư DND, trích từ FB).
Kẻ hèn này- nhờ học môi trường Đại Chủng Viện, lại được những Cha giáo tài đức dạy, thì được biết :
‘Triết Học- Philosophia’, đơn giản là Yêu Mến Sự Khôn Ngoan, tức không ngừng suy tư tìm kiếm CHÂN- THIÊN- MỸ...
Hẳn nhiên sự Khôn Ngoan Triết học mang tính bền vững, phổ quát, vượt qua nhưng manh mún 'trực quan sinh động'- vật chất, tức vươn tới Siêu Hình Học- Triết học Đệ Nhất của Triết gia Aristote, một trong ba Ông tổ nền Triết học Phương Tây: Socrate – Platon- Aristote (Aristote- học trò của Platon; Platon- học trò của Socrate )
(Mà Khôn Ngoan- Bền Vững, dưới Ánh Sáng Mạc Khải Lời Chúa: Chỉ có Nơi Thiên Chúa, điều mà Thiên Chúa đã ghi khắc trong Lương tâm, trong quy luật tự nhiên… lại tiếp được Thiên Chúa Mạc khải sáng rõ dần theo phương pháp tiệm tiến. Cụ thể: Thời Cựu ước phần nào Mạc Khải qua Thập Giới Chúa ban cho Dân Riêng Do Thái tại núi Sinai; thời Tân Ước- Mạc Khải viên mãn nơi Con Chúa Nhập Thể Là- Làm Người: Chúa Giêsu - Kitô)
Trở lại vấn đề đang bàn:
Nếu cứ suy tư 'đặc tính Triết học' kiểu chiết chữ (P=Patience & Perseverance...) mang tính chủ quan- ý riêng thì nguy lắm.
Bởi ai cũng suy tư chiết chữ... và hiểu tùm lum (trong khi Triết Học- Sư Khôn Ngoan không chấp nhận sự chủ quan, càng loại bỏ... tùm lum).
Đáng sợ hơn, như lời Gs: 'kiên nhẫn, kiên trì trong việc theo đuổi chân lý, cho dù không hề biết chắc liệu “chân lý” có thực sự tồn tại hay không…”
Thì nguy lắm: Té ra Triết học mơ hồ à; giống kiểu trung kiên theo đuổi dẫu biết rõ 'cả thế kỷ nữa chưa chắc xây dựng được CNXH...'
Kiên nhẫn theo đuổi những thứ mơ hồ thì đâu thể là Khôn ngoan- nhất là Khôn ngoan Triết học. Chỉ có kẻ mát kẻ điên mới làm thế, chỉ thêm nguy hại cho Nhân quyền phát triển, thêm lời nguyền rủa kéo dài trong lịch sử…
Còn Triết Gia đúng Nghĩa 'Yêu mến Sự Khôn Ngoan' hay Chân- Thiện-Mỹ, nhà Triết gia đã biết chắc có Khôn Ngoan- Chân, Thiện, Mỹ dẫu chưa thể hiểu hết, chưa thể- thậm chỉ biết rõ không thể lĩnh hội hết (thế mới cần Yêu Mến- Kiên trì tìm kiếm), để mỗi ngày mình vươn tới tầm cao hơn của của sự Khôn Ngoan hoặc mỗi ngày để Chân- Thiện- Mỹ ngày càng phát sáng trong cuộc đời mình.
Cái ‘Đạo đức’ của Chân- Thiện- Mỹ trong Triết Học rất thật và cao quý, thiêng liêng lắm, đến độ Hiền Triết Socrate căn dạy môn sinh: ‘Thà làm Con Người đau khổ hơn làm con heo sung sướng’. Và chính bản thân Ông đã chấp nhận cầm uống chén thuốc độc do tòa án bạo quyền tuyên xử để bảo vệ điều Khôn Ngoan- Đạo Đức’ mà phần nào ông khám phá, lĩnh hội.
Xin phép ‘tám’ thêm:
Nếu theo kiểu chiết chữ, tớ có thể lý giải theo cách VN, rất... tuyệt
P= PHẢI; triết học là theo lẽ PHẢI. VN có câu: Nói Phải củ cải cũng nghe.
Nhưng lẽ Phải- Chân Lý tiêu chuẩn căn cứ vào đâu?
Thực tế ‘lẽ Phải’ bị áp đặt cho kẻ dùng bạo quyền chiến thắng có còn lẽ Phải- Chân lý- Khôn ngoan của Triết học, Triết gia tìm kiếm nữa không ?!
Lẽ phải của bạo quyền- chiến thắng kiểu- đang hót 'Bánh mì không phải là lương thực!' thì nguy lắm.
(Tớ cũng thấy cũng ... nực cười: Bánh Mì - Lương thực chân lý hiển nhiên, ấy thế mà phải quy tụ hội thảo các đồng chí tỉnh để ra nghị quyết chỉ đề tuyên bố- xác nhận: Bánh Mì là Lương Thực thiết yếu... Sao rỗi hơi, và lãng phí tiền Dân thế.
‘Ở thế kỷ 21, quan tỉnh của ta còn ra nghị quyết bánh mì là thực phẩm thiết yếu… không xấu hổ về sự ngu lâu sao’ (theo FB Paul Nguyễn Hoàng Đức)
Cũng cần nói thêm: Trong số quan tỉnh trên không ít đang làm đại biểu Quốc Hội đang họp ở Ba Đình mới khai mạc, nơi mà tân ‘sếp’ Quốc hội, ông Vương Đình Huệ mới phát biểu: ‘499 Đại biểu Quốc hội khóa XV là kho tàng kiến thức, kinh nghiệm vô giá’, đang được báo chí tung hê).
Hay kiểu bên Mỹ quốc, nhân danh Tự do ‘lẽ Phải’ theo đám đông, chủ quan, dưới áp lực- tham vọng chính trị… dù thấy rõ phi lý: Chẳng hạn để khỏi phân biệt giới tính, cấm dùng từ chỉ giới tính, như Cha- mẹ- Ông Bà, con Trai, con Gái...; Hoặc ủng hộ- luật hóa Hôn nhân đồng tính, phá thai (giết người)...
Những lẽ Phải kiểu trái với Luật Tự nhiên, phổ quát, thực chất là điều Sai Trái thấy rõ, hết sức nguy hiểm cho nền Văn Minh- thăng tiến Phẩm giá Con Người.
Nửa ổ bánh mì, hay chỉ cần một mẩu bánh mì vẫn là bánh mì nhưng Chân lý không chấp nhận lý luận kiểu Bánh mì. Chân lý không chấp nhận tương đối, pha trộn, kiểu thịt ba rọi’- nửa nạc nửa mỡ, hoặc chủ quan càng không có. Sự Không ngoan- Chân Lý của Triết Học mà Triết gia truy tìm cũng thế.
(Lại tiếp thử ‘chiết tự’ theo chủ quan- ý riêng: Nếu tiếp chiết chữ 'P' thì bát ngát lắm. Chẳng hạn: P= Phản động. Triết học- Triết gia phải biết 'phản động'... Nếu suy diễn kiểu này thì nhà nước... run lắm; chẳng khác gì khuyến khích phản động...
Nếu xét ở góc độ nào đó, tính ‘phản động’- tính cách mạng- đột phá không thể thiếu đối với triết gia, bởi cần mạnh mẽ, phải biết vượt lên chính mình- rũ bỏ con người cũ, rũ bỏ ý thức hệ dẫu đã ‘đúc bê tông’ theo nó trăm năm…)
Tóm lại: Khôn ngoan- Chân Lý không thể tự tiện được...; dù là học hàm Giáo sư- tiến sĩ cũng không thể áp đặt sự chủ quan kiểu 'chiết tự' (nhưng để hài hước thì được!).
Thay lời kết:
Cảm ơn Bài Viết 'trao đổi' của Tác Giả Paul Nguyễn Hoàng Đức...; phần nào giúp tránh lý giải lạm dụng[1]…
Một chút bộc bạch, ngẫu hứng theo kiểu 'vun vặt suy tư'..., chắc chắn còn lắm hạn chế, kể cả sai sót ngoài ý muốn do sự hèn kém. Mong Bạn đọc lượng thứ và thêm chỉ giáo.
Lm. Đaminh Hương Quất
[1] Xin phép Tác giả cho Copy bài Trao Đổi:
TRIẾT HỌC LÀ GÂY SỰ, PHẢN TỈNH VÀ LẬT ĐỔ TIỀN BỐI
( Trao đổi với GS Dương Ngọc Dũng )
Paul Nguyễn Hoàng Đức
Khi được BBC tiếng Việt hôm nay (22/7/21) hỏi về tính khách quan của Tạp chí TRIẾT, GS Dương Ngọc Dũng trả lời:
“…Đặc tính của triết gia, theo tôi, nằm ngay trong bản thân chữ PHILOSOPHIA của Hi Lạp mà tôi xin phép được diễn giảng theo ý riêng như sau:
P= PATIENCE & PERSEVERANCE= kiên nhẫn, kiên trì trong việc theo đuổi chân lý, cho dù không hề biết chắc liệu “chân lý” có thực sự tồn tại hay không…”
Tôi đã comment về ý này, cảm thấy thế là đủ nhưng nằm nghĩ, như vậy là nửa vời vớ vẩn ngại đụng chạm và tìm tế nhị với “đồng môn triết học” mà xuê xoa cho nhau, như vậy sẽ không bao giờ tiệm cận chân lý?! Và tôi quyết định viết. Mà viết thì phải tới bến, chứ không tới bến thì không thể thăng hoa thành hoa trái sinh nở, cũng không thể nhảy vọt đem đôi chân cuốc bộ vào nghệ thuật. Vậy tôi xin trao đổi thẳng thắn mấy lời, việc này không chỉ nhằm vào giáo sư DND, mà còn những đồng môn khác cùng những khán thính giả chầu quanh triết học.
Bước vào triết học phương Tây – tức Hy Lạp cổ, mở đầu là Socrate sau là Platon rồi Aristote, nó lần lượt có các bước chắc chắn mà không thể thay đổi hoặc thế nhượng sau: Hữu thể luận – còn gọi là Bản thể luận, với Kant còn nói dễ hiểu hơn là Thực thể luận – là Be trong tiếng Anh – Etre trong tiếng Pháp, và người Đức gọi là Cái đó - Dasein.
Không có Cái là nó (hữu thể - cái có, có lẽ đây là cách dịch qua tiếng Tàu của người Việt mà cái Là thành cái Có) thì chẳng có gì để bàn! Chắc chắn luôn! Vì chúng ta không thể bàn cái vu vơ không có. Khi Thiên Chúa hạ thế trước mắt Moses. Moses hỏi “Thưa Thiên Chúa, Ngài là ai?” Thiên Chúa đáp “Ta là Đấng Là (Ta là Đấng Có! Hay Đấng hằng hữu).
Vậy thì trước khi bàn mọi việc ở đời người ta phải xác định “nó có tồn tại không?” “nó có không?”. Nếu có thì nó là gì? Bản thể của nó là gì? Chính thế mà sau Hữu thể luận luôn là Bản thể luận.
Và người Hy Lạp đã xác định phổ quát: “Mỗi Hữu thể là một chân lý!” Cái bàn, cái cốc, con mèo trước mắt chúng ta, chúng tồn tại và có thật, và chúng đều là hữu thể tức cái có mang tên chúng. Triết gia tiền phong tiền hiện đại đã minh định điều này: Tinh thần còn dễ nhận biết hơn thân xác, vì tôi có thể nghi ngờ thân xác tôi có không, nhưng không thể nghi ngờ tinh thần mình đã đặt câu hỏi nghi ngờ đó (nếu không phải tinh thần thì thân xác đặt câu hỏi à?!)
Vậy thì chúng ta không thể vu vơ đến mức truy tầm chân lý nhưng không chắc nó có?!
Người châu Á hầu như không có căn cốt triết học, như Einstein đến Trung Quốc đã bảo: Người Hoa lười suy nghĩ, không cần biết đến logic hình thức và không chấp nhận hiện thực. Hiện thực là cơ sở của chân lý! Hiện thực lúc nào cũng ấm ớ sắc sắc không không thì đạt tới cái gì? Trong khi đó logic hình thức chủ yếu là Tam đoạn luận: trước hết bản thể A là A, khử tam hoặc A hoặc B không thể có cái C vừa là A vừa là B, sau đó đến tam đoạn luận toán học bắc cầu để tiến bước A=B, B=C, thì A=C… cứ thế bắc cầu thì A=Z. Nhưng người Hoa và châu Á chỉ loay hoay nhiều thế kỷ dậm chân tại chỗ A cứ là A. Người tri thức từng du học gì mà hỏi: chiếc ô tô A sau khi tai nạn còn là chiếc xe A nữa không? Dứt khoát cắn miệng như con hến quyết không dám trả lời là có hay không?! Việc này cũng đã được triết gia Mỹ Dewey xác định khi tới Trung Quốc: Người Hoa không có triết học và siêu hình học. Hiền giả Lâm Ngữ Đường người Hoa cũng nói: Trung Quốc không có triết học và khoa học. Còn triết gia Pháp Francois Jullien chuyên gia kỳ cựu về Trung Hoa bảo: Người Hoa chỉ có triết lý (sagesse - tức triết lý vụn chưa có hệ thống) mà không có triết học (philosophie).
Còn nước Mỹ thì sao? Tôi muốn nhắc tới môi trường quí vị và giáo sư Dương Ngọc Dũng đang sống, đó là cường quốc về nhiều mặt, nhưng không thể là cường quốc về bóng đá, cũng như chưa hẳn là cường quốc về triết học. Có mấy triết gia Mỹ rất đình đám như C. Peirce, W.James, George Santayana, J. Dewey chủ yếu thiên về Chủ nghĩa Thực dụng khi mà triết học hiện sinh đã xuống dốc thành thoái trào thất bại về tư duy thuần khiết. Đây là cách tôi muốn liên tưởng trong môi trường phản tỉnh. Trong thực tế rất nhiều con nhà giàu học dốt và các con nhà nghèo học giỏi. Cái đó người ta có thể gọi là “suy thoái đồng hóa và tiến bộ dị hóa”? Rất nhiều người Mỹ lo âu và phát biểu rằng: trẻ em Mỹ thiếu cá tính và dường như chúng bị đồng loạt chẳng phát lộ khả năng gì đặc biệt?!
Một triết gia cũng giống nhà sáng tạo. Khi một nhạc công chơi nhạc lờ đờ người ta thấy giống một cán bộ chơi bài học. Còn nhạc sĩ như Bethoven chẳng hạn, ông chơi bằng cả mái tóc tung xuống bả vai, chuyền dọc cánh tay và chảy xuống bàn chân vũ điệu dẫm pê-đan… ông đã trở thành nghệ sĩ! Các vị học nhiều đã là giáo sư mà còn mắc họng ngay miếng đầu tiên bước vào triết học. Tại sao? Vì các vị mới chỉ là triết học mô phạm mang nhiều tính quan sát mô phỏng của cán bộ, mà chưa suy lý như căn cốt để bước vào triết học. Cách học đó người Việt vẫn gọi là cách học kẻ trước người sau, sống lâu lên lão làng của mấy anh Mô Phạm.
Tôi xin kết thúc bài viết ở đây. Câu cuối cùng tôi xin nhắn nhủ, người Pháp có câu “một chiếc đầu biết làm còn hơn ngàn chiếc đầu chất đầy chữ”. Người Việt có một mặc cảm thường trực là đề cao và muốn loi choi vào triết học chẳng khác gì mấy anh dân quê chạy ra đón đám rước của nhà vua rồi bình tán hí hửng ra vẻ lắm, thế rồi viết các loại linh tinh, triết lý vụn, rồi cả Phật giáo lại ảo tưởng cứ cái gì suy nghĩ chiều cao là triết học?! Cách học của Á Đông là học làm quan. Học không suy lý. Đó cũng là cách người phương Tây nhận ra ngay Á Đông lười suy nghĩ. Mà nếu không suy lý thì chẳng bao giờ tiệp cận vào triết học cả?!
“Trực ngôn nghịch nhĩ”, nếu tôi có nói thẳng khó nghe xin giáo sư thể tất và châm chước!
Paul Đức 24/7/2021
- Tổng Hơp: