Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Ngôn sứ Amos và sứ điệp công bình

Tác giả: 
Lm Hương Quất

 

 

NGÔN SỨ AMOS VÀ SỨ ĐIỆP CÔNG BÌNH

ƒ … ‚

 

Lời nói đầu:

 

Bạn đọc trân quý

 

Bài viết này thuộc bài làm ở nhà thời Chủng sinh trong Mái Nhà Đại chủng viện, do đó bài viết còn nhiều hạn chế bởi tự chất sự hèn kém của người viết.

 

Bài viết nói về chuyện ngàn xưa trong Lịch sử Dân Thánh Israel, song có ‘hiện tại hóa’ thời cuộc. Xin bạn đọc thông cảm, ‘thời cuộc’ trong bài viết cách đây hơn chục năm, tuy nhiên xem ra ‘Sứ điệp Công Bình’ vẫn còn nguyên nóng bỏng; nhất là trong trận dịch dã cúm Tàu có nhiều thời gian lắng đọng, suy tư…

 

Bạn đọc cũng thứ lỗi cho bài viết dài dòng, xem ra không phù hợp với Văn minh Thế giới phẳng.

 

Cảm ơn Bạn đọc xem và mong nhận được những góp ý chân tình, hữu ích cho kẻ hen này.

 

Lm. Đaminh Hương Quất

 

Dàn Bài:

 

* Dẫn Nhập:

I Amos- Sứ Điệp Công Bình:

 

1. Bối cảnh thời đại

2. Sứ điệp Công bình

3. Tương quan với Giao ước, các Ngôn sứ trước thời Lưu đày

 

II. Đức Giêsu và Hội Thánh của Ngài với sứ điệp Công bình

1. Đức Giêsu- Đấng Công chính

2. Giáo huấn và sự dấn thân của Hội Thánh

 

III. Hiện Đại Hoá Sứ Điệp

1.Hiện trạng nơi tôi sống:

- Thảm trạng tham nhũng.

- Khủng hoảng Chân lý.

- Vì đâu nên lỗi…

- Bất công nhất: Độc quyền thông tin!

2. Tôi Phải Làm gì?...

3. Amos và bài học rút ra:

- Nhiệt tâm với sứ vụ.

- Hiểu biết thời cuộc, Kinh Thánh.

- Đời sống Tâm linh cao.

 

* Kết Luận:

@ @ @

 

 

* Dẫn nhập: Một xã hội Công bình, mọi người biết tôn trọng nhau luôn là niềm khát khao của Con Người mãi theo đuổi mà vẫn chưa tìm đạt được, ngay cả Dân Riêng được Thiên Chúa tuyển chọn, lập Giao ước-hướng dẫn. Tệ hơn, Dân tuyển chọn – Israel, thường hay bất trung với  Giao ước- nhất là thời gian trước Lưu đày, khi đất nước được yên ổn, kinh tế phát đạt, mà hệ quả kéo theo- bất công với anh em, xã hội đảo điên, tội lỗi đầy tràn…,. Và mỗi khi Giao ước bị xâm hại, mức độ thường xuyên- phổ biến và quá đáng, Thiên Chúa Tình thương lại sai các Ngôn sứ đến nhắc nhở, răn đe… và trên hết vẫn đem lại hy vọng để vươn lên.

 

Bởi lẽ đó, Công bình là một trong những Sứ điệp chính yếu của các Ngôn sứ trước thời Lưu đày, trong đó nổi bật nhất là Ngôn sứ Amos. Tên tuổi ông gắn liền với Sứ điệp Công bình, tiếng nói Ông là tiếng nói của người nghèo khổ, bị thiệt oan vì thấp cổ bé miệng.

 

I. Amos- Sứ Điệp Công Bình

 

1. Bối cảnh thời đại:

 

Amos- Ngôn sứ văn sĩ đầu tiên sống vào thế kỷ VIII trước Công nguyên, tức sau biến cố đau thương- đất nước chia đôi hàng thế kỷ (933 tr.cn). Ông sinh sống ở Miền nam- vương quốc Giuđa bằng nghề chăn nuôi, trồng trọt nhưng được Đức Chúa bắt đi thi hành Sứ vụ ở phương Bắc- vương quốc Israel, thời vua Giêrôbôam II trị vì (786-746 tr.cn). Giêrôbôam II, khi còn sống là vị vua có ảnh hưởng nhất bờ Địa Trung hải, có công làm thủ đô Samaria trở lại thời oanh liệt của Salomon, thương mại quốc tế mở rộng, kinh tế phồn thịnh…

 

Vượt qua lớp son hào nhoáng (có vẻ) phồn vinh ấy, hơn ai hết Amos nhìn ra được sự thối nát của đất nước và hiểm hoạ Assyri đang lớn dần, vì lối sống khoái cảm- hưởng thụ, bởi những bất công, áp bức người nghèo, người ngay chính… Thi hành sứ vụ của Đức Chúa, Amos lên tiếng tố cáo mạnh mẽ một xã hội đầy dãy bất công, gian tham, thờ phượng giả dối, đồng thời tuyên cáo những án phạt khủng khiếp đang treo trên sợi tóc nếu không cấp thiết sám hối, Tôn trọng Công lý- Công bằng, trở về với Giavê.

 

2. Sứ điệp Công bình (2, 6-16)

 

Cốt lõi Sứ ngôn của Amos là sứ điệp công bình.

 

Lời tố cáo bất công, cậy cửa quyền, ức hiếp kẻ nghèo khổ, người ngay chính... có mặt khắp trong văn phẩm ông, đặc biệt “kết tinh” trong Lời sấm kết tội Israel (2,6-16)[1].

 

Đặt trong văn mạch, Lời sấm này được đặt cuối cùng trong một loạt sấm liên châu (7 dân tộc khác[2]). Điều này cho thấy, Thiên Chúa án phạt tất cả các dân tộc vì bất công và cuối cùng trên dân Israel như một tỏ lộ cùng tột của án Công bình nơi Thiên Chúa. Nói khác, Amos cố ý đặt Lời sấm Israel ở cuối cho thấy: Israel mới là đích điểm nhắm đến, các sấm dân khác chỉ có tính dọn đường.

 

Khi nghe Amos tuyên sấm, dân Israel thời ấy rất bất ngờ, bởi họ “đang” sống trong yên bình, thịnh đạt, nhất là trong tâm thức họ luôn nghĩ Giave luôn đứng về phía họ, đồng thời chống lại các lân bang thù địch... thế mà  Sứ điệp Amos ngược lại: Đanh thép tố cáo, tới tấp tấn công, lột trần tội ác họ, bị án phạt nặng nề nhất….

 

Từ thái độ ngỡ ngàng ban đầu họ nhanh chóng chuyển qua tâm trạng thờ ơ, chế nhạo, thậm chí tố cáo Amos...

 

Thử điểm qua sấm kết tội Israel:

 

Trước hết Amos “đánh” thẳng vào giai cấp cầm quyền, đển hình giới Thẩm phán, tức người cầm cân công lý.

 

Từ lâu Do Thái đã có luật Thẩm phám phải liêm khiết trong thi hành chức vụ, có thế người vô tội mới được minh oan, được bảo vệ quyền lợi chính đáng (Đnl 1,16; 16,18.20; Lv19,15.30). Thế mà, lúc này quan tham có đầy xã hội, đồng tiền bẻ cong chánh pháp…

 

Amos tố cáo: “Bán người công chính để lấy tiền, bán kẻ nghèo khổ với giá một đôi dép…” (2,7).

 

Người công chính là người còn biết lẽ phải, còn tôn trọng Lề luật, công tâm xét- họ là nguồn nguyên khí dân tộc, giúp đất nước phát triển an vững (nhẽ ra phải được đề cao, tôn trọng) thì nay phải chịu bất công vì thấp cổ bé miệng, vì nghèo hay vì bất hợp tác với cái xấu.

 

Đau hơn, người nghèo chỉ vì món nợ “baxu”[3], không thể có tiền “hối lộ” quan tham nên… thua kiện, phải chấp nhận bán thân làm kiếp nô lệ… Dân cùng đinh đến mức chỉ còn cái áo cầm cố, mà theo Luật phải trả cho họ để có cái đắp đêm (Xh 22,25; Tl 24,12) nhưng không được trả (lý do oái oăm: để chúng chải nằm hưởng lạc- 2,8). “Tiền phạt” đáng ra phải trả cho người bị hại thì quan tham lại để “vỗ béo”, đùm đáng (2,8b)…. Tệ hơn, “chúng đạp đầu kẻ yếu thế xuống bùn đen, xô người khiêm hạ ra khỏi đường lộ” (2,7). Đường lộ ở đây được hiểu là quyền lợi chính đáng, là phương tiện sinh sống, song trong xã hội nhiễu nhương- bất công này thì người nghèo, người lương thiện cũng bị tước mất.

 

Ngoài quan trường, Amos tố cáo hàng loạt bất công khác có mặt khắp nơi trong xã hội: nạn bóc lột người nghèo để sống sa hoa (4,1-4; 5,11-12; 6,4-7); kẻ chuyên buôn bán lừa lọc, đầu cơ để kiếm tiền bất chính; hoặc vì đồng tiền họ bất chấp lương tâm, không từ chuyện “đàn áp người cùng khổ, tiêu diệt kẻ nghèo hèn” (8,4-8)… Đáng nói hơn, kể cả những người được Thánh hiến để phụng vụ Chúa (Nadia, Ngôn sứ) cũng bị xâm phạm, cấm cản (2,12).

 

Sự bất công còn thể hiện qua việc xúc phạm đến nhân phẩm- nhân vị người khác, kể cả người nô lệ. Câu chuyện “cả con lẫn cha” hiếp đáp một phụ nữ nô lệ (2,7), thản nhiên vi phạm luật cấm (Xh 22,25-26) có lẽ không phải điều cá biệt nữa…

 

Đối với Amos, xúc phạm phẩm giá người khác là xúc phạm đến chính Thiên Chúa (2,7-8).

 

Việc Amos thay mặt người nghèo khổ, chịu nhiều bất công, áp bức lên tiếng tố cáo xã hội, bất kể vua quan cũng là cách Ông đang dấn thân đấu tranh cho phẩm gía, nhân vị con người. Một xã hội công bằng, đề cao lẽ phải thì luôn đồng nghĩa nhân vị con người được tôn trọng, được hưởng những quyền lợi chính đáng giúp thăng tiến cuộc sống. Amos khẳng định: Việc thờ phượng đẹp lòng Chúa nhất đi đôi với việc tôn trọng con người, tôn trọng chân lý.

 

Bởi vậy, gắn liền với kết án xã hội bất công, Amos thẳng thừng tố cáo lối Thờ phượng giả dối, vụ hình thức, thứ phụng vụ không gắn liền với cuộc sống công bình, chính trực (5,21-15). Thiên Chúa chỉ muốn Lẽ phải và Công lý. Sống Công bình, Bác ái, biết quan tâm giúp đỡ Người nghèo là lễ toàn thiêu, là lễ vật đẹp lòng Chúa nhất. Chính vì thế, Thiên Chúa sửa phạt tội bất công nặng nề hơn cả sự trừng phạt thông thường.

 

Tóm lại: khi Amos đến Israel thì tình hình xã hội ở Vương quốc anh em phía Bắc này đã bước vào suy đồi về mặt Đạo đức lẫn Tôn giáo mà chẳng ai hay.

 

Amos nhận ra Israel dang trong thảm trạng:

 

 “Tội ác các ngươi nhiều vô kể, tội lỗi nặng tày trời.

Nào áp bức người công chính, lại đòi quà hối lộ;

Nào áp bức kẻ nghèo hèn tại cửa công” (5,12).

 

Một xã hội ‘chúng ghét người sửa trị nơi cửa công và thù oán người ăn ngay nói thật’ (5,10) thì kẻ Lương tri nếu còn thì cũng sẽ “cẩn trọng làm thinh” (5,13), không dám nói ra sự thật, không ai đứng ra bảo vệ Công lý… Sự gian dối bao trùm khắp đất nước, ung nhọn bất công không ngừng tăng đau nhức, mà kẻ hứng chịu tất cả đau thương là lớp dân đen, nghèo khổ. Chính vì thế, lời tố cáo, cảnh cáo và đe doạ án phạt công minh của Thiên Chúa trở nên đanh thép, mạnh mẽ….

 

Đáng tiếc thay, Sấm ngôn cảnh cao của Amos rơi vào lạc lõng, bị bỏ ngoài tai. Israel vẫn ảo tưởng, không chịu sám hối (4, 4tt).

 

Đứng trước sự cứng lòng, cố chấp và mê muội ấy, Amos đã phải than khóc Israel (15,1-3). Tiếng khóc than thống thiết của ông chính là tiếng lòng của Đức Chúa. “Amos quả là chứng nhân của một Thiên Chúa đau xé ruột trước thái độ phản trắc, sa đoạ của dân và quyết định loại bỏ dân này”[4]

 

Loại bỏ dân này ư? Đáng lắm! ... Nhưng Thiên Chúa Tình thương không thể làm thế!

 

Trong đoạn sấm chống và luận tội Israel (2,6-16) có cấu trúc quy tâm, và tâm quy chính là cõi lòng thổn thức, không nhỡ ra tay án phạt của Chúa:

 

“Chẳng phải như vậy sao, hỡi con cái Israel?” (2,11b).

 

Ngài tra vấn Dân riêng, gợi họ bao kỳ công Ngài đã làm cho họ trong lịch sử, lẽ nào giờ Israel đã rũ bỏ, quên hết? Thiên Chúa Tình Yêu (Agape) cuối cùng lại tha thứ, lại quay ra chống lại chính Mình, chống lại Công lý Mình[5].

 

Thật vậy, sứ điệp Amos mặc dù bao phủ lời màu tang tóc nặng nề song cuối cùng vẫn loé tia Hy vọng: Sẽ có “số sót” được Thiên Chúa cứu độ, và từ nhóm lử nhỏ này, Thiên Chúa “sẽ đổi vận mạng của Israel”, mở ra một viễn tượng phụng hưng và hưng thịnh thời Thiên Sai (9,11-15).

 

3 Sứ điệp Công Bình của Amos trong tương quan với Giao ước, các Ngôn sứ trước Lưu đày.

 

Thiên Chúa đã tuyển chọn và thiết lập Giao ước (Berith) với Israel, mà nội dung của Giao ước Sinai đặt trên nền tảng Công bình (với Chúa, với Tha nhân). Và trong tâm thức Israel luôn ý thức: Công bình là trung thành với lề luật Thiên Chúa, đồng nghĩa Công chính- Công lý.

 

Đối với Israel trước lưu đày, Công chính (hay sống công bình) nói lên việc tuân giữ trọn vẹn các giới luật, sống phù hợp với Lề luật (Cn11,4tt;St 18,17tt; Ez 3,16-21…).

 

Điều này cũng có nghĩa khi vi phạm Lề luật là vi phạm Công bình, là quay lưng với Giao ước, chà đạp lên Công lý. Hậu quả: xã hội không ngừng bất công, tội lỗi lan tràn, công bình xã hội trên bờ vực thẳm… Lúc này đồng tiền sẽ lên ngôi thống lãnh, điều khiển mọi tương quan con người. Thảm cảnh này vẫn thường xuyên tái diễn trong xã hội Israel (vương Quốc Giuda và Israel).

 

 Chính vì thế, trước thời lưu đày “các Ngôn sứ mạnh mẽ tố cáo sự bất công của các thẩm phán, lòng tham của các vua, việc áp bức kẻ nghèo khó và tiên báo tai nạn sẽ đến vì những hỗn loạn đó (Am 5,7; 6,12; Is5,7.23;Gier 22,13.15)… Điều mà mọi người chỉ coi như phạm luật hay sai tập quán, giờ đây (theo Ngôn sứ) biến thành tội xúc phạm tới sự Thánh thiện của Thiên Chúa hữu vị”[6].

 

 Ngoài các Ngôn sứ văn sĩ, những Ngôn sứ  khác, như Elia thời vua Akháp (875-853 tr.cn) dù không để bút tích nhưng để cho hậu thế câu chuyện Vườn Nho Nabot (1V 21) nên án trước bất công mà người quyền thế gây cho kẻ yếu.

 

II. Đức Giêsu và Giáo Hội của Ngài với sứ điệp Công bình.

 

1. Đức Giêsu- Đấng Công Chính (Cv 3,14):

 

Công bình hiểu theo nghĩa pháp lý (nghĩa hẹp) xem ra Đức Giêsu không đặt nặng vấn đề Công bình, nhưng nếu hiểu Công bình theo nghĩa Công Chính- Chân Lý có sức giải thoát con người, là tôn trọng, nâng cao phẩm giá con người, nhất là người nghèo, tội lỗi, người bị loại bỏ bên lề xã hội… thì Đức Giêsu chính thực là Đấng Messia của Công bình, Đấng muôn dân mong đợi. Bởi Ngài chính là Đấng Thiên sai mà Ngôn sứ Isaia tiên báo: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã sức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho người nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho cho người bị áp bức, công bố Năm Hồng ân của Chúa…” (Lc 4,14-22). Bởi chính Ngài khẳng định: Ta là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (Ga 14,6).

 

Các sách Tin Mừng cho thấy Chân dung một Cứu Chúa của người nghèo khổ. Người đồng hoá với những người bé mọn, ai giúp đỡ họ chính là giúp đỡ Ngài (Mt 25,10...). Với những người tội lỗi, bị tôn giáo cáo vạ tuyệt thông (như bọn Thu thuế, Gái điếm…) Ngài vẫn trân trọng họ, không ngại tiếp xúc, chẳng nề ngồi đồng bàn ăn (Mt 9,10-13; Lc 7,36-50...). Thậm chí trong đám đồ đệ chí cốt (nhóm Mười Hai) có cả hiện diện của bọn Thu thuế (Matthêu). Triều Đại Nước Chúa mà Đức Giêsu rao giảng, đem đến bằng chính hiện thân Ngài để dành cho người nghèo, kẻ sống bên lề xã hội mà tôn giáo kết án, kẻ tội lỗi...

 

“Vua Công Chính Giêsu trước tiên không hệ tại trong sự không thiên vị trong các phán quyết mà là trong việc bảo vệ những kẻ không được bảo vệ, những kẻ nghèo” (J.Jeremias). Chính tình yêu tuyệt vời ấy, Ngài đã mở lối thoát cho họ vươn lên làm người. Hẳn nhiên, với ai được Tình yêu cảm hoá, biến đổi, chắc chắn họ sẽ trở thành một chứng nhân Tin Mừng trung kiên, được tha nhiều tất sẽ yêu nhiều (Lc 7,47).

 

Bên cạnh ấy, hơn tất cả các vi Ngôn sứ khác, Đức Kitô tố cáo mạnh mẽ sự công chính giả dối vì nại luật, tôn giáo vụ hình thức, thứ tôn giáo đầy vẻ phàm tục và kiêu căng của Parisêu (Mt 23). Bên bờ giến Giacop, Đức Giêsu tuyên bố với thiếu phụ Samari: “Giờ đã đến, những người thờ phượng Thiên Chúa đích thực trong Thần khí và Sự thật, vì Thiên Chúa tìm kiếm những ai Thờ phượng Người như thế” (Ga 4, 23).

 

Đức Kitô đến kiện toàn Lề luật trong Giới luật mới là Tình yêu của Ngài. Độc đáo hơn, Ngài lối kết điều luật Yêu Chúa- Yêu Người thành một giới răn duy nhất, trở thành nhất chuẩn để được Cứu độ nơi toà Chung thẩm (Mt 25). Vì vậy, kẻ nói yêu Chúa mà không yêu người là tên nói dối (1Ga 4,20). Thánh Gioan quả quyết: “Thiên Chúa là tình yêu, ai ở trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1Ga 4,16). Thánh Phaolô khẳng định chắc chắn: Yêu người thì chu toàn lệ luật (Rm 13,8).

 

Như vậy Sứ điệp Công bình của Chúa Giêsu được hoàn thiện trong Tình yêu (agape). Người Công chính của Tin Mừng là người có Trái tim như Ngài, Yêu như Ngài yêu! Tông đồ dân ngoại (Phaolô) từng căn dăn: “anh em đừng mắc nợ ai ngoài món nợ tương thân tương ái” (Rm 13,8), tức “món nợ” Tình yêu.

 

2. Giáo huấn và sự dấn thân của Hội Thánh.

 

Đức Kitô là Đầu, Hội Thánh là Thân Thể- Hội Thánh tiếp kế nghiệp sứ mạng Cứu Thế của Đức Giêsu đã khai mở.

 

Hơn ai hết, Hội Thánh luôn ý thức “Nước của Đức Kitô là nước của sự Công bình” (x.GH36, MV39). Công bình bắt nguồn từ Thiên Chúa và con người đầu tiên được Ngài thiết lập trong sự Công bình; Hội Thánh được kết hợp mật thiết với  Đức Giêsu khi biết chia sẻ Yêu thương đối với những ai bị bắt hại vì sự Công bình (x.GH 41.23).

 

Hội Thánh không ngừng kêu gọi hành động một cách Công bình  và Nhân đạo đối với mọi người, phát triển ý thức nội tâm về Công bình  để xây dựng một đời sống chính trị thực sự Nhân đạo (x.TD 7; MV 73).

 

Giáo lý Hội Thánh dạy: Công bình đối với Chúa là Đức Thờ Phượng; đối với Con người là tôn trọng quyền lợi của Con người và sống hài hoà bằng cách đối xử minh chính với mọi người và thực thực thi công ích (x.GLCG, 1087). Trong giáo dục, Hội Thánh đặc biệt quan tâm giáo dục ý thức Công bình: Huấn luyện Chủng sinh biết chuyên lo Đức Công bình, có thế mai sau mới thực là những Linh mục say mê Công bình (x.ĐT 11; Lm 3); bên cạnh đó, căn dạy các Kitô hữu phải tìm kiếm tinh thần, tìm kiếm sự Công bình của nước Chúa trong mọi sự (x.TD 4.7).

 

Trong Thông điệp đầu tay của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI- “Thiên Chúa Là Tình Yêu” (Deus Caritas Est), vấn đề Công bình xã hội chiếm một vị trí quan trọng trong hoạt động của Hội Thánh (số 26-29). Ngài xác định: Xây dựng cơ cấu Công bình là trách nhiệm chính và trực tiếp thuộc về chính trị, phần mình- Hội Thánh không được tham gia chính trị nhưng không được phép đứng ngoài cuộc đấu tranh cho Công bình. Qua Giáo huấn xã hội của mình, được xây dựng trên Lý trí và Luật Tự nhiên, gióp phần tích cực trong việc thanh luyện lý trí, gợi lên những động lực Đạo đức, có thế “cơ cấu Công bình” mà chính trị xây dựng mới đảm bảo thăng tiến giá trị- đời sống con người.

 

Tóm lại, sau Công đồng Vatican II, học thuyết về Công bình của Hội Thánh rất đa dạng, phong phú. Không chỉ học thuyết, Hội Thánh tích cực dấn thấn đấu tranh- phục vụ nền Công bình đích thực. Đơn cử, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II được coi là “Lương tâm nhân loại” không ngừng dấn thân cho Công lý- Hòa bình thế giới. Hàng ngàn tổ chức xã hội của Hội Thánh khắp nơi trên thế giới, với những Tín hữu nhiệt tâm đã- đang tích cực phục vụ cho Công bình- Bác ái.... Hoạt động Công bình- Bác ái luôn là “vết son” sáng ngời, gắn liền với Bản chất của Hội Thánh. Bác ái dưới góc độ nào đó còn mang ý nghĩa: bù đắp phần nào những thiệt thòi, mất mát do bất công áp bức từ thể chế chính trị, ý thức hệ gây ra.

 

Sống động nhất vụ Toà Khâm Sứ và Giáo xứ Thái Hà (Hà Nội). Hội Thánh lên tiếng đấu tranh không hẳn vì miếng đất mà quan trọng hơn là gióng lên tiếng nói Công bình- Công lý; Không chỉ cho mình mà quan trọng hơn cho hàng trăm ngàn người dân nghèo khổ, thấp cổ bé miệng bị “cướp” đất một cách bất công, áp bức một cách vô lý mà quan chức nhân danh “quy hoạch, phục vụ công ích” chiếm đoạt..., bị đẩy vào cuộc sống cùng cực: không có đất canh tác, không đảm bào an cư. Nhiều năm nay luôn trên dưới 90% đơn khiếu nại- khiếu kiện thuộc về đất đai, do bị bồi thường, đối xử rất bất công... Tiến nói của Hội Thánh, dù đang bị trấn áp bất công nhưng ít nhiều đã gây lên tiếng vang lớn trên nghị trường quốc tế.

 

III. Hiệi Đại Hoá Sứ Điệp:

 

1 Hiện trạng quê hương tôi:

 

Xã hội hiện thời đất nước không khác xã hội Israel thời Amos (đăt trong bối cảnh Văn minh- Thế giới phẳng, xem ra đáng trách hơn): quan tham tràn lan, chánh pháp thiên vị..., gây ra một cuộc khủng hoảng Sự thật trên bề rộng, khiến bao bất công, áp bức gây nên cho người dân thấp cổ bé miệng, nghèo khó.

 

Ta hãy thử “điểm” qua vài ý kiến công khai trên diễn đàn Quốc hội, trên phương tiện truyền thông chính thức của cơ quan ngôn luận lề đảng để thấy phần nào hiện trạng xã hội.

 

* Thảm trạng tham nhũng:

 

+ Đại biểu Quốc Hội (ĐB), Nguyễn Minh Thuyết: “Con đường Kim Liên- Ô Chợ Dừa (Hà Nội) chỉ một đoạn đường ngắn dài khoảng 1km đã chi hết 800 tỉ, còn hơn cả đầu tư xây dựng… tàu điện gầm”- (Tuổi Trẻ-TT 25.10.2006)

 

+ Mới thanh tra 17 dự án đã thất thoát 870 tỉ. Hầm chui Văn Thánh đầu tư 3,7 tỉ, tham ô 1,3 tỉ…- (TT 16-5-06)

 

+ Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: “Theo các điều tra đáng giá của các cơ quan có trách nhiệm, ở nước ta tì lệ tảng băng (tham nhũng) bị phát hiện chắc chắn không thể quá 5%. Vậy thì hình thù của hơn 90% tảng băng chìm ở các ngành, các cấp là thế nào, nó di căn tới đâu, và tác hại đến nền kinh tế thế nào, đến hệ thế thống thế nào?” (, bài “Tôi đau xót nhất là họ xem vốn vay ODA như “của chùa”, (TT 11.4.06)

 

+ ĐB Trần Quốc Thuận, phó chủ nhiệm văn phòng Quốc hội: “Cơ cấu này sinh ra nói dối hàng ngày, tạo kẽ hở cho tham nhũng, vơ vét tiền của nhà nước. Không tham những mới là lạ. Cái mất mát lớn nhất là đạo đức”- (Thanh Niên-TN 20.5.2006).

 

* Khủng hoảng Chân lý (Sự thật)

 

+ “Nền giáo dục nước ta không giống bất kỳ nề giáo dục nào, không chỉ xa rời thực tế mà còn dạy con người thiếu trung thực ngay ở tuổi mầm non” (TN Chủ Nhật, 30-4-2006)

 

+ Giáo sư Dương Thiệu Tống: “Tính trung thực là đức tính cần thiết nhất ở con người… Thế nhưng trẻ rời nhà đến trường có khi thứ giáo dục dị trị ở nhiều trường làm chúng mất đi cái đặc tính căn bản ấy. Dối trá và hèn nhát là bước đầu dẫn đến sự sa đoạ, truỵ lạc và tính độc ác”[7].

 

 + ĐB, Giáo sư sử học Dương Trung Quốc “Chúng ta phải trở lại và giáo dục mạnh mẽ hơn nữa sự liêm sỉ, điều mà chúng ta còn thiếu. Có thể thấy hiện nay người ta có thể hứa, có thể nói dối rất thản nhiên mà không chút xấu hổ. Có một thực tế: sự thành đạt của một số người không pải do năng lực, phấn đấu mà là chạy chọt, mua chức bán quyền. Với những người này thật khó nói chuyện liêm sỉ”  (TT 31.3.06).

 

* Vì đâu nên nỗi…

 

+ ĐB, Bộ trưởng Thương Mại- Trương Đình Tuyển: “Thực tế cuộc sống với những khiếm khuyết trong hệ thống chính trị đang đòi hỏi chúng ta phải nhìn lại đội ngũ lãnh đạo. Đảng can thiệp quá sâu vào chính quyền, điều đó làm mất vai trò chủ động sáng tạo, tinh thần tự chịu trách nhiệm… Thành tích thì thuộc về sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, còn khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm” (TT 21-4-2006)

 

+ ĐB Vũ Quốc Bình: “Suy thoái xảy ra ở tất cả ngành, lĩnh vực và ngày càng tăng” (TT 21-4.2006)

 

+ ĐB Lê Văn Cuông: “Bộ máy thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán của chúng ta xem ra rất đồ sộ, tầng tầng lớp lớp, ở đâu cũng có nhưng đang buồn hiệu quả hoạt động chưa cao”, (TT 18-5-2006).

 

+ ĐB Nguyễn Mạnh Đức: “Hiện nhiều bộ ngành sai phạm đã rõ, nhưng Bộ trưởng vẫn ung dung ngồi trên đó, không bị xử lý. Cần phải xác định quy chế chịu trách nhiệm. Không thể mãi tồn tại cơ chế nếu có thành tích thì thủ trưởng nhận hết, nhưng khi xảy ra sai phạm thì đẩy hết cho tập thể” (TT 15-8-2006).

 

+ “Ai có quyền cấp giấy chủ quyền nhà đất, người đó sẽ có đặc quyền” (Người Lao Động, 5-3-2008)

 

Một chút “nói thật” trên nơi chính cơ quan truyền thông cách mạng phần nào phản ánh hiện trạng xã hội. Thảm kịch tham nhũng gây bao bất công cho người dân đang chịu.

 

Những ý kiến trên không cũ tí nào! Chính phủ “quyết tâm” chống “quốc nạn” tham nhũng hàng chục năm nay, đã mấy đời Thủ tướng, qua nhiều triều Quốc hội có cải tiến tí nào đâu, xem chừng còn trầm trọng hơn. Vụ án MPU.18 là bằng chứng, những tưởng là điển hình quyết tâm của giới lãng đạo, kết cục là một điều sỉ nhục cho cả dân tộc! Một quan to đầu ngành gây ra vụ án (Thứ trưởng N.T.D) bỗng nhiên được tha bổng, cho hạ cánh an toàn; ngược lại bắt những nhà báo công tâm “tích cực” có những bài viết chống tham nhũng, rồi “bịt miệng” báo chí, gây bức bối cho toàn xã hội!

 

Hệ quả: Xã hội từ lâu đã tồn tại nhiều mẫu thuẫn: đất nước có trữ lượng gạo xuất khẩu đứng thứ 2, 3 thế gới nhưng vẫn còn hàng ngàn hộ người dân chỉ được ăn no- ngon vào những ngày lễ tết (đại ý phát biểu của Bộ Trưởng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, cuối năm 2007); đất nước hơn 30 năm thống nhất mà vẫn thuộc nước nghèo ‘xin viện trợ’ thế giới, thế nhưng tệ nạn tham nhũng lại cao nhất thế giới, luôn bị Tổ chức Minh bạch Thế giới xếp hạng “đội sổ”. Một đất nước mà lực lượng “đại diện nhân dân” có mặt từ xã, phường đến trung ương (Hội đồng nhân dân các cấp: Xã- Huyện- Tỉnh- Quốc Hội), các hội đoàn đoàn thể đại diện khắp nơi… nhưng để dân oan nhiều, mệt mỏi chuyện khuyếu kiện. “Mọi tiếng kêu của dân oan dường như chìm vào vô vọng. Trang web của Chính phủ lập ra, thư từ gởi đến chưa bao giờ nhận được phúc đáp. Cổng thông tin điện tử ngành Thanh tra Chính phủ cửa đóng then cài! Có ai nghe dân nói không?” (một trang web).

 

*Bất công lớn nhất- Độc quyền Truyền thông:

 

Điều này có thể biến trắng thành đen, đen thành trắng, dể dàng“hạ bệ” hay “tôn vinh” bất cứ ái dưới sự “chỉ đạo”. Thật- giả, giả thật như một ma trận khiến người dân không sao phân định. Báo chí phải thông tin trung thực, nhiều chiều, sự thật mới đảm bảo tính khách quan hơn! Trái lại, truyền thông chỉ được phép đi “một lề đường”, phục vụ cho ý thức hệ chắc chắn chân lý bị bẻ cong, nhân tâm bị chà đạp. Thực thế đã có nhiều “nạn nhân” của nền báo chí độc quyền. Chẳng hạn Lm Nguyễn Văn Lý, Hoà thuợng Thích Quang Độ... là những “nạn nhân” sống động từng bị truyền thông “toa dập”.

 

Điển hình và đang thời sự nóng bỏng nhất: Vụ Toà Khâm Sứ-, giáo xứ Thái Hà (Hà Nội). Ngày 21- 9-2008, báo chí từ Trung ương- địa phương theo chỉ đạo đã “tổng lực” “đánh” theo chiều hướng vu cáo kết tội “một số giáo sĩ, giáo dân vi phạm pháp luật”. Trước đó một số tờ báo địa phương (báo Hà Nội Mới, đài PT- TH Hà Nội) đã liên tiếp dựng chuyện, cáo gian giáo xứ Thái Hà đến độ Toà Tổng Giám mục Hà Nội phải ra Thông báo (12-9-2008) khuyến cáo nội bộ: “Trước tình trạng thông tin giả dối lan tràn như hiện nay, xin quý cha, quý tu sĩ, anh chị em giáo dân hãy hết sức cảng giác khi đón nhận thông tin”. Tệ hơn, báo chí đang cố tình cắt xén, xuyên tạc nội dung bài phát biểu của Đức Tổng Giám mục Hà Nội. Sự thật bị cắt xén trắng trợn, bị bẻ cong ngang nhiên, ngay trong thế giới phẳng.

 

Người còn lương tri biết chuyện chắc chắn sẽ phải bất mãn lắm, khi mà kẻ cầm quyền vừa bất công, bất chấp pháp luật, ngang nhiên dùng vũ lực trấn áp người dân vô tội (tối 28-8-2008, vụ Thái Hà), chà đạp đạo đức lương tâm mọi người trong xã hội... Tất cả sự việc “bẽ mặt” ấy diễn ra ngay Thủ đô, trước bao con mắt quốc tế!

 

2. Tôi phải làm gì?

 

Khi nhận Phép Rửa, ta đã được Chúa tín trao ba sứ vụ: Ngôn sứ- Tư Tế- Vương giả, và 3 Sứ vụ này trở thành chuyên biệt cho những người theo Chúa triệt để, cụ thể trong chức Ling mục.

 

Trước những bất công, áp bức, giả dối lan tràn, trong đó “nạn nhân” chính là Mẹ Hội Thánh (VN), thi hành Ngôn Sứ, ta phải làm gì?

 

Hơn lúc nào hết, ta phải sống tinh thần Tin Mừng. Cụ thể, Hiệp thông với Mẹ Hội Thánh, không ngừng dâng hy sinh, cầu nguyện cho Công bằng- Công lý được toả rạng, cho cả người gây thiệt oan cho mình. Nêu cao tinh thần bằng chính cuộc sống chứng tá: Trung thực- Công bình- Bác ái yêu thương... Những việc làm thiết thực ấy, dù không “đối đầu” trực diện với bất công (như ngôn sứ Amos) nhưng cũng là một cách khơi dậy niềm Hy vọng chân lý.

 

Đặc biệt dấn thân cho Công Lý- Hòa Bình- Yêu Thương, người Môn đệ của Chúa Giêsu (Kitô hữu, Hội Thánh) không có chuyện dùng bạo lực, không bao giờ dùng bạo lực. Thực tế cho thấy, bạo lực sẽ đẻ ra bạo lực hơn; hay nói như Chúa Giêsu- như một Chân lý, khi Người bảo Tông đồ trưởng Phêrô khi trực diện quân dữ đang bắt chính mình: ‘Hãy xỏ gươm vào vỏ. Vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm’ (Mt 26, 52).

 

Sức mạnh Công lý- Yêu thương bắt nguồn từ Thiên Chúa bao giờ cũng lớn và mạnh mẽ hơn bạo lực quân dữ và Chúng chỉ chiến thắng- hiển trị qua con đường Vượt Qua.

 

Quả thực, Mặt Trời Chân Lý dù có bị mây đen che phủ đôi ngày, hay giông bão có thể kéo đêm trường tăm tối lâu thêm, nhưng Mặt Trời là bất tử. Chân Lý Đức Kitô tất thắng! Đức Giêsu đã dùng chính cái chết để chiến thắng sự chết! Lịch sử Hội Thánh thời đầu đã tùng chìm trong máu tử đạo hàng thế kỷ, song Hội Thánh vẫn tồn tại, còn kẻ gây bất công- áp bức đã tiêu, đại đế Neron để lại một vết nhơ trong dòng lịch sử nhân loại.

 

3. Ngôn sứ Amos và bài học rút ra:

 

3.1. Nhiệt tâm với sứ vụ:

 

Chấp nhận thi hành sứ vụ Đức Chúa giao, đồng nghĩa ông phải hy sinh một cuộc sống đang yên ổn, sung túc (nghề Ngôn sư Amos làm cho thấy điều đó). Ông cũng biết rõ bao nguy hiểm, thậm chí cả tính mạng khi làm công việc Ngôn sứ; Cả những khó khăn, hiềm khích từ “anh em” Ngôn sứ bản địa vì đụng đến “nồi cơm” của họ.. Quả thế, Tư tế Hamacya, chủ đền Bêthel (nơi Amos hoạt động) đã gặp ông...cảnh cáo: “Mau chạy về Giuđa, ở đó mà kiếm ăn, mà tuyên sấm” (7,12)

 

Trong câu trả lời với kẻ ganh tị- tư tế Hamacya: “Tôi không phải là Ngôn sứ, cũng chẳng là người thuộc nhóm Ngôn sứ...” (7,14) càng thêm cho thấy sự nhiệt tâm, quảng đại đầy can trường của Amos: Ông chì là người bình thường, “bị bắt” làm công việc hoàn toàn xa lạ, không được đào tạo, chưa một lần kinh nghiệm.

 

3.2 Am tường, hiểu biết thời cuộc, Giao ước dân tộc:

 

Văn phẩm Ông đã cho thấy rõ điều đó. Người nông phu Amos ngoài sự chăm chỉ làm việc còn rất thức thời, quan tâm và hiểu rõ hiện tình các nước xung quanh Giuđa và Israel. Trong sấm liên châu (1,3-2,3), Amos có những nhận xét tinh tế, xác đáng, trạng cảnh xã hội các nước: Đamát, Gada và Philitinh, Tia và Phênixi, Eđôm...

 

Ngoài ra, ông cũng cho thấy mình rất quen thuộc Kinh Thánh, như thể Kinh Thánh trong thời ông vậy. Một số vấn đề trong Ngũ Thư được Amos đưa vào văn phẩm mình (2,9-11; 4,10-12...).

 

3.3 Có đời sống Tâm linh cao:

 

Ông được Chúa chọn gọi đi thi hành Sứ vụ, dù chỉ là người dân bình thường, giữa bao người khác cho thấy ông có đời sống Tâm linh, mối tương quan tốt với Đức Chúa. Việc ông từ bỏ quê hương, từ bò cuộc sống yên ổn để đến Vương quốc khác hoạt động Sứ vụ, bất chấp bao khó khăn, nguy hiểm cũng đã lột tả đời sống tấm linh sâu đậm của ông với Đức Chúa.

 

Có một thắc mắc: Ông không thuộc lớp bần dân, không cùng vương quốc sao ông có thể cảm thông và hiểu được tường tận bi cảnh của người nghèo chịu áp bức bất công? Một điều chắc chắn, ông có đời sống Tâm linh sâu đậm, có mối tương quan với Chúa mật thiết...

 

Thì ra, với những ai thực sự trở nên nghĩa thiết với Chúa thì không thể không có Trái tim, không thể ngồi yên khi thấy chuyện bất bình, hoặc Chân lý bị xúc phạm, chà đạp.

 

* Kết Luận:

 

Nhiệm vụ cốt lõi của Ngôn sứ Amos là sứ điệp Công bình. Ông mạnh mẽ, thẳng thừng lên án xã hội Israel đầy dãy bất công, áp bức bởi lối sống ích kỷ, hưởng thụ, ảo tưởng trong lối phụng tự giả dối.

 

Ông liên tục tố cáo xã hội Israel đã vi phạm Lề Luật, quay lưng với Thiên Chúa, khiến xã hội sa lầy trong vũng bùn bất cống, phẩm giá con người bị chà đạp, công lý bị đồng tiền biến dạng...

 

Hậu quả người dân nghèo khổ phải chịu bao ngang trái, nghịch lý.

 

Ông kêu gọi Israel sám hối, trở về với Thiên Chúa, thờ phượng Ngài trong Công lý và Sự thật nhằm tránh những án phạt năng nề, khủng khiếp đang hăm he. Dẫu tiếng nói của ông bị người Israel đương thời bỏ ngoài tai, nhạo nhễ, thậm chí bị ngăn cản, bắt hại song ông đã gióng lên và nói lên được tiếng nói của người nghèo, người chịu bao thiệt thòi bởi thể chế xã hội bất công, xâm hại Công lý căn bản nghiêm trọng, ở mức độ lộng hành là sự Công bằng xã hội, mà sơ khởi của công bằng là trả những gì thuộc về chủ hữu của người khác.

 

Sứ điệp Công bình của Amos từ thời cổ đại, cách đây gần 3000 năm vẫn còn nóng hổi, nguyên giá trị. Xã hội loài người hôm nay, bất cứ nơi nào, bất kể thể chế chính trị nào vẫn còn đầy dãy bất công, phi lý... và tầng lớp người nghèo, “dân ngu cu đen” vẫn luôn là nạn nhân phải hứng chịu bao áp bức, oan thiệt. Và lịch sử cho thấy, mức độ bất công trở lên oan nghiệt hơn, cả bề rộng cũng như chiều sâu ở những nơi mang nặng ý thức hệ một chiều, sẵn sàng dùng vũ lực trấn áp, khủng bố đối với những ai cất tiếng nói đòi Công bằng Công lý.

 

Và như vậy, sứ điệp Công bình của Amos vẫn cần luôn những Ngôn sứ khác kế tục! Có thế người nghèo khổ mới tìm được tia Hy vọng, Ánh sáng Chân lý và vui sống.

 

ĐCV Thánh Giuse Xuân Lộc

                                                            (8-2008)    

 

               

Lm. Đaminh Hương Quất

 

.&.

Sách Tham khảo:

1. Lm. JB- Hoàng Văn Khanh, Theo dấu các Ngôn sứ.

2. Lm. Nguyễn Thế Thuấn, Kinh Thánh, năm 1976.

3. Lm. Inhaxio- Nguyễn Ngọc Rao (OP), Sách Các Ngôn Sứ

4. Giáo lý của Hội thánh Công giáo, năm 1992.

5. Điển Ngữ Thần Học Kinh Thánh, bản dịch Khoa Thần Học, Giáo hoàng Học viện Pio X, Đà Lạt.

6. Thánh Công đồng chung Vatican II, Mục lục Phân tích Chủ đề, bản dịch Khoa Thần Học, Giáo hoàng Học viện Pio X, Đà Lạt, 1972.

7. Một số tờ báo trong nước (Tuổi Trẻ, Thanh Niên...) và ngoài nước (Trang Web BBC, Viecatholic...)

 

* Một vài Văn kiện Viết Tắt:

GH: Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội Thánh.

MV: Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay.

LM: Sắc lệnh về công vụ và đời sống Linh mục.

TD: Tuyên ngôn về Tự do tôn giáo.

GLCG: Giáo lý của Hội Thánh Công giáo.

ĐT: Sắc lệch về Đào tạo Linh mục

 

 

[1] 6 Yavê đã phán thế này: Vì ba tội ác của Israel,

và vì bốn (tội), Ta sẽ không hối lại,

bởi chúng bán người lành với giá bạc

và kẻ khó, với một đôi dép.

7 Nghèo nàn, chúng chà đầu đất bụi,

và chúng uốn cong đường lối kẻ hèn.

Con với cha đi lại với một gái để làm ô Danh thánh Ta.

8 Áo cầm đợ, chúng trải ra nằm bên cạnh các tế đàn,

tiền phạt, chúng dùng uống rượu

(trong) Nhà Thiên Chúa của chúng...

9 Thế mà, trước mặt chúng, chính Ta đã hủy diệt (dân) Amori

vóc cao như vóc bá hương, mình rắn rỏi như thể sến sồi.

Ta đã hủy diệt hoa quả của nó bên trên và rễ má bên dưới.

10 Chính Ta đã đem các ngươi lên từ đất Aicập,

và đã dẫn các ngươi đi trong sa mạc 40 năm trường,

để rồi các ngươi chiếm lấy đất của dân Amori.

11 Giữa con cái các ngươi, Ta đã cho chỗi dậy những vì tiên tri,

và từ trong đám trai tráng, những người Nazir.

Không thế hay sao? Hỡi con cái Israel, - sấm của Yavê.

12 Nhưng các ngươi đã bắt Zaris nốc rượu,

và ra lịnh cho các tiên tri mà rằng: "Ðừng tuyên sấm nữa!"

13 Này đây, Ta sẽ cho các ngươi sa lầy tại chỗ,

như xe thổ mộ sa lầy khi đầy những lúa.

14 Kẻ lanh chai hết đường chạy trốn.

Người khỏe mạnh vô phương trổ tài sức lực.

Anh hùng cũng vô phương thoát mạng.

15 Người cầm nỏ không tài đứng vững.

Kẻ lanh chân không thoát được thân.

Người cưỡi ngựa cũng vô phương thoát mạng.

16 Anh hùng gan dạ nhất, trong ngày ấy cũng chạy trốn mình trần.

Sấm của Yavê.

(Bản dịch của Cha Giuse Nguyễn Thế Thuấn, CSsR)

[2] Bảy dân tộc khác: Đama- Gaza- Philitin- Tyro- Phênêkia- Eđom- Amon. (x.1,1-15)

[3] Giá đôi dép: điều ti tiểu, không đáng vào đâu

[4] Linh mục.JB. Hoàng Văn Khanh, Theo Chân Ngôn Sứ, tr. 79

[5] Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI, Thông điệp Deus Caritas Est, số 10

[6] x. Điển ngữ Thần học Thánh Kinh, quyển A-L, tr.345tt

[7] Dương thiệu Tống, Suy nghĩ về giáo dục truyền thống và hiện đại, NXB tuổi Trẻ- 2003, Thánh Truyền. 201tt