Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Rất đỗi mong manh

BÀI GIẢNG LỄ MỞ TAY CÁC TÂN LINH MỤC GIÁO XỨ HÀ ÚC, 06/8/2021

 

RẤT ĐỖI MONG MANH

 

Kính thưa Quý Cha cùng toàn thể Anh Chị em,

Chiều thứ Tư vừa qua, hai cha mới vừa được truyền chức buổi sáng vào chào tôi, thì cảm xúc của tôi lúc ấy thật đặc biệt. Có một điều gì đó hoàn toàn mới mẻ, một điều đó đầy hứa hẹn, nhưng cũng là một điều gì đó lắm thách đố! Lúc ấy tôi đang đọc bài Tin Mừng này… bỗng, tôi thoáng thấy ở hai tân linh mục và cả nơi tôi hình ảnh của Phêrô, một người vừa được Chúa Giêsu nức lời khen ngợi, nhưng chỉ một chốc sau, lại bị Ngài khiển trách! Một ý tưởng chợt đến với tôi, rằng, “Ân sủng, hồng ân tuyệt vời của Thiên Chúa dành cho con người, vẫn là một điều gì đó ‘rất đỗi mong manh!’”. Đó cũng là điểm nhấn chúng ta sẽ dừng lại trong vài phút nhân ngày tạ ơn hồng ân linh mục của các tân chức.

 

Ân sủng, nếu không hoà quyện với thập giá và giữ gìn thì quả ‘rất đỗi mong manh’! Trải nghiệm của Phêrô cũng có thể là trải nghiệm của mỗi người chúng ta. Chúa Giêsu khen Phêrô vì Phêrô trả lời đúng câu hỏi “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?”, “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống!”.

 

Khi Phêrô tuyên xưng thì Chúa Giêsu nói tiếp, “Con là Đá, trên đá, này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy”. Thật thú vị, trong tiếng Hy Lạp, “Petros” là một tảng đá có thể di chuyển; nhưng “petra” là một nền đá rắn chắc không thể di chuyển. Như vậy, ‘Con là Petros, trên petra này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy!’. Chúa Giêsu cho biết, Phêrô sẽ là tảng đá, đặt trên một bàn thạch vững chắc là Ngài; trên đó, Ngài sẽ xây Hội Thánh. Cũng thế, mỗi người chúng ta trong mọi đấng bậc là Petros đã trở thành petra để Chúa Giêsu xây dựng Hội Thánh; đặc biệt với các tân chức hôm nay, những petra với hồng ân linh mục trọng đại Chúa ban lại phải mang một sứ vụ lớn lao biết bao! Và sứ vụ càng lớn, thì việc trết dính với bàn thạch Giêsu lại càng phải keo sơn đến ngần nào!

 

Thiên Chúa gọi chúng ta trở thành những petra, những pastors, những mục tử chăn dắt đoàn chiên của Ngài. Đoàn chiên đó có thể là một gia đình, một cộng đoàn, một giáo xứ hay cả một Đại Chủng Viện hay cả một giáo phận… Bài đọc Êzêkiel chúng ta vừa nghe, nói đến việc Thiên Chúa sẽ sai đến một mục tử chăn dắt dân Ngài; đó là Đavít, nhưng Đavít chỉ là hình ảnh của một mục tử khác để chính Thiên Chúa có thể đích thân chăm bẵm chiên Ngài. Ngài chăn dắt chiên Ngài trong Mục Tử Giêsu, Mục Tử Nhân Lành kiểu mẫu cho mọi mục tử. Ngài là mục tử đã thí mạng vì đoàn chiên không chỉ để chiên được ra vào đồng cỏ, suối mát trong lành như bài đáp ca Thánh Vịnh 22 chúng ta vừa hát đi hát lại; nhưng Ngài còn thí mạng vì chiên đến nỗi chết trên thập giá cho đoàn chiên được ơn cứu độ. Vì thế, là những mục tử của Chúa, nếu chúng ta không nên giống Chúa Giêsu, không bắt chước Ngài, không ở trong Ngài và Ngài ở trong chúng ta thì ơn gọi mục tử của chúng ta quả ‘rất đỗi mong manh!’. Để rồi, một ngày nào đó chúng ta trở thành ‘những đứa chăn thuê’ lúc nào không hay. Phêrô tuyên xưng Chúa Kitô, nhưng thánh nhân không chấp nhận con đường Thập Giá mà Chúa Giêsu sẽ bước qua, nên đã bị Chúa Giêsu ‘rầy’. Vì thế, hãy dính trết với Chúa Giêsu, noi gương Ngài dù phải đau khổ và thí mạng cho đoàn chiên; được như thế đời mục tử của chúng ta sẽ hạnh phúc vô cùng!

 

Cuối thư Côrintô chúng ta vừa nghe, thánh Phaolô nói, “Tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa”. Ở đây, cụm từ “Tôi có là gì” phải được hiểu một cách đúng đắn. Phaolô không nói đến chuyện Ngài được lên loong lên lá, mang dây chéo, đưa tay chúc bình an, hay mang thêm chiếc nhẫn, cần thêm chiếc gậy… Không! Khi nói điều này, Phaolô đang nói đến những gì Ngài có thể chịu đựng vì danh Chúa Giêsu Kitô, “Họ là người Hipri ư? Tôi cũng vậy! Họ là người Israel ư? Tôi cũng vậy! Họ là dòng giống Abraham ư? Tôi cũng vậy! Họ là người phục vụ Đức Kitô ư? Tôi nói như người điên: tôi còn hơn họ nữa! Hơn nhiều vì công khó, hơn nhiều vì ở tù, hơn gấp bội vì chịu đòn, bao lần suýt chết. Năm lần tôi bị người Do Thái đánh thiếu một roi đầy bốn chục; ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị đắm tàu; một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi! Tôi còn hơn họ nhiều điều khác nữa!”. Tại sao Phaolô lại có thể mạnh mẽ đến thế, thưa chỉ vì ngài biết, mình mỏng giòn ‘rất đỗi mong manh’ như những chiếc bình sành; vì thế, Phaolô đã dính trết vào Chúa Giêsu đến nỗi có thể nói, “Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà Chúa Kitô sống trong tôi!”.

 

Cha Giuse Trần Đình Phước, cha Benedicto Phạm Văn Hoàng và cha Gioakim Phạm Chiến thương mến.

Hôm nay, cộng đoàn phụng vụ và anh chúc mừng các em, tạ ơn Thiên Chúa với các em vì Chúa đã thương ban cho các em thánh chức linh mục mà ngàn người có một; gọi là “thánh chức” vì nó là “Thánh”, phát xuất từ Đấng Chí Thánh, một Giêsu Thánh. Dẫu vậy, thánh chức đó vẫn ‘rất đỗi mong manh’ nếu chúng ta không dính trết với Đức Kitô, Linh Mục Thượng Phẩm mỗi ngày. Như anh đã nói với các em, theo kinh nghiệm của anh, thiên chức các em vừa lãnh nhận thật mới mẻ, đầy hứa hẹn nhưng cũng lắm thách đố. Thế nhưng, các em đừng sợ! Hãy can đảm lên! Các em có lắm đồng minh, bao nhiêu người đang cầu nguyện và hỗ trợ các em; cả triều thần thánh trên trời, Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse cầu nguyện cho các em; các linh hồn đã qua đời; các linh mục đàn anh, các thầy dạy của các em; ông bà cha mẹ anh chị em bà con trong giáo xứ của các em đây; và chưa hết, bao nhiêu tâm hồn thánh thiện vô danh trên thế giới từ các em bé cho đến các cụ già đang cầu nguyện cho các em. Chúng ta ở trong mầu nhiệm Hội Thánh thông công mà!

 

Các em coi, các em tĩnh tâm 6 ngày để chịu chức, ba mẹ các em phải ‘tĩnh tâm’ 30 ngày; 21 ngày khi vừa xuống máy bay, 7 ngày tại nhà là 28, cọng thêm 2 ngày ở Đại Chủng Viện; như vậy, là chẵn một tháng; nghĩa là gấp 5 lần các em; đó là chưa kể 2 ngày lên đênh trên máy bay, xuống phi trường này đến phi trường khác mà không biết có đi tiếp được không! Giáo xứ suốt cả tuần nay cầu nguyện cho các em, các ông bà, cha mẹ 12 giờ trưa, 3 giờ chiều đội nắng đến nhà thờ để cầu nguyện cho các em… Và rồi đây, các em sẽ có thêm nhiều ‘thiên thần không cánh’ khác mà Chúa gửi đến từ khắp thế giới; anh nói, từ ‘khắp nơi trên thế giới’ hỗ trợ các em, không chỉ lời cầu nguyện và tinh thần nhưng cả vật chất nữa. Tin anh đi! Đừng sợ, hãy dám tiêu hao đời mình như cha thánh Gioan Maria Vianney hôm qua Giáo Hội vừa mừng kính; ngài đến nhận xứ Ars, một xứ khỉ ho cò gáy đến nỗi chính ngài cũng không biết đường và tìm không ra nhà thờ, một giáo xứ lơ là nguội lạnh; thế nhưng, trong 40 năm, Vianney đã thắp lên hai đầu ngọn nến đời mình đến nỗi không còn gì để tiêu hao! Ngài nên giống Chúa Giêsu triệt để bằng việc yêu mến Thánh Thể, chuẩn bị Thánh Lễ cách chu đáo; ngài được mệnh danh là “Tù nhân của chiếc hộp giải tội”. Đó! Bao nhiêu gương lành gương sáng cho các em, vì thế các em đừng sợ. Hãy mạnh mẽ mang balô lên đường!

 

Muốn đến gần Chúa Giêsu, các em hãy níu áo Mẹ Maria, hãy là ‘những chiếc bóng đổ’ của Mẹ; vì lẽ, trên tay Mẹ luôn có Chúa Giêsu. Anh nhớ, ngày kia, tại La Vang, anh đi xưng tội với cha già Giuse Trần Văn Lộc; ngài hỏi anh, “Cha có lần hạt mỗi ngày không?”, anh thưa, “Dạ có!”; ngài hỏi tiếp, “Cha có dâng mình cho Đức Mẹ không?”, anh ú ớ, “Dạ cầu nguyện với Đức Mẹ thì có, nhưng dâng mình thì không!”; ngài bảo “Hãy dâng mình cho Đức Mẹ mỗi ngày!”. Và từ đó, anh vâng lời ngài, và làm theo; quả đúng như thế, nhờ sự gắn bó với Đức Mẹ, anh cảm thấy ơn gọi của mình bớt mong manh hơn. Và tạ ơn Chúa, anh rất hạnh phúc trong ơn gọi của mình.

 

Anh Chị em,

Chúng ta hiệp lòng với quý tân chức, hiệp với ba mẹ, gia đình, thân nhân, họ tộc và giáo xứ để cùng tạ ơn Thiên Chúa, cám ơn Đức Mẹ và Thánh Cả Giuse cho các ngài; đặc biệt, trong Năm Thánh của thánh Giuse, quan thầy của Hội Thánh, Đấng che chở kẻ giữ mình đồng trinh.

 

Chúng ta phó thác những người con, những người học trò, người anh em của chúng ta cho lòng thương xót Chúa. Xin Ba Đấng phù trì để quý tân chức vững bước trên đường ơn gọi trong đấng bậc của mình, một ơn gọi quá cao quý nhưng cũng ‘rất đỗi mong manh’.

 

Xin Quý Ông Bà Anh Chị em tiếp tục cầu nguyện cho quý tân chức để mỗi ngày, họ biết dính trết với Chúa Giêsu và bám chặt Đức Mẹ hơn. Xin Chúa chúc lành và ban bình an cho cộng đoàn, cách riêng trong những ngày nguy biến này, xin Chúa thương nâng đỡ cách này, cách khác những anh chị em đang khốn khó trong những ngày dịch bệnh”, Amen.

 

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)