Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Số 35: Tập luyện lòng vị tha

Số 35: Thức Ăn Nhanh cho Tâm Hồn (The Fast Food for The Soul)

by Fr. Quảng Trần, C.Ss.R.

 

TẬP LUYỆN LÒNG VỊ THA (LÒNG NHÂN ÁI)

 

"… Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng… Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi… Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 5: 26-34)

 

Có lẽ, ai trong chúng ta cũng đã từng nghe hoặc chính mình đã tự suy nghĩ: đợi một ngày nào đó tôi có đầy đủ phương tiện, đầy đủ cái ăn cái mặc thì tôi sẽ đi làm các công việc bác ái từ thiện, hay đi giúp đỡ người khác... Tuy nhiên, lòng người tham vô đáy đến khi nào mới có đủ?

Nguyễn Công Trứ trong bài thơ luận về Chữ Nhàn đã viết:

Tri túc tiện túc, đãi túc, hà thời túc,

Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn?

Dịch nghĩa:

[Biết đủ là đủ, đợi cho đủ thì bao giờ mới đủ.

Biết nhàn là nhàn, đợi cho nhàn thì bao giờ mới nhàn?]

Đợi cho đến khi nào chúng ta có đầy đủ các điều kiện tốt mới đi làm các việc mà chúng ta mong muốn thì e rằng sẽ không bao giờ xảy đến. “Ngày mãi sẽ chẳng bao giờ đến!” (Tomorrow never comes!). Trong bài hát Đừng Để Đến Ngày Mai với những lời như sau:

Việc gì làm hôm nay ta hãy làm ta quyết làm.
Việc gì làm hôm nay đừng để đến đến ngày mai.
Việc gì làm hôm nay không bao giờ trở lại.
Việc gì làm hôm nay ta quyết làm là làm cho xong.
Ơ....... một ngày đã qua một ngày đã qua ta đã làm gì, ta đã làm gì.
Ngày là ngày dần qua, đêm là đêm dần tới.
Ơ....... bạn bè anh em tự hỏi lương tri ta đã làm gì cho ngày hôm nay.

Lòng vì tha có thể cũng cần những điều kiện này, điều kiện nọ. Tuy nhiên, nếu lòng vị tha không được tập luyện ngay từ bây giờ, trong hoàn cảnh hiện tại, thì e rằng đến khi có đầy đủ các điều kiện cần thiết ta cũng sẽ không bao giờ có lòng vị tha, yêu thương những người khác. Muốn giỏi, muốn thành thạo trong bất cứ lĩnh vực nào cũng cần phải tập luyện! Lòng nhân ái, lòng vì tha cũng cần phải tập luyện, cũng cần phải thực hành!

Chuyện kể rằng: Mahatma Gandhi, một vĩ nhân nổi tiếng cả thế giới, người đã dành được độc lập tự do cho Ấn Độ mà không tốn một viên đạn, đấu tranh liên lỉ bằng phương pháp bất bạo động hòa bình.

Một hôm, Gandhi trong lúc vội vàng lên xe lửa với một người bạn và bị tuột mất một chiếc dép. Ông lập tức tháo ngay chiếc dép còn lại mà quẳng xuống sân ga, nơi ông vừa đứng đợi tàu. Người bạn ngạc nhiên hỏi ông:

- Sao anh lại quẳng cái dép của anh xuống đó?

- Để có ai lượm, thì lượm được cả đôi mà đi.

Việc quẳng ngay cái dép đó cho thấy những suy tính vị tha đã trở nên một phản xạ tự nhiên, như bản tính thứ hai của ông. Cả đời Gandhi đã sống và hy sinh cho hạnh phúc người khác.

Từ đâu mà ông sống vị tha được như thế?

Có thể nói rằng Lời Chúa chính là yếu tố căn bản xây dựng nên nhân cách đáng kính của ông. Dù không phải là một Kitô hữu, nhưng lúc nào ông cũng có cuốn Phúc Âm ở ngay bên, để đọc, suy gẫm, và sống.

 

Suy nghĩ và hành động: Bạn đã bao giờ hối hận vì đã không làm ngay một việc nào đó chưa? vd: không đối xử tốt với ai đó, thăm nọm họ…để rồi khi họ ra đi mãi mãi ta mới hối hận và tiếc nuối? Bạn đã bao giờ cảm thấy áy náy, vì nại vào mình chưa đủ khả năng, để rồi sau này tiếc nuối không? Vd: Bỏ thời gian cho công việc chung, cho giáo xứ…? Bỏ thời gian ngồi nghe nỗi đau khổ của ai đó....?

See video