Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Số 55A: Nghịch lý của sự sống và cái chết

Số 55A: Thức Ăn Nhanh cho Tâm Hồn (The Fast Food for The Soul)

by Fr. Quảng Trần, C.Ss.R on Monday, March 23, 2015.

“Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12: 24)

 

NGHỊCH LÝ CỦA SỰ SỐNG VÀ CÁI CHẾT

 

Trong cuộc sống đời thường ta vẫn nghe nói: Mọi sự thất bại đều đang ẩn chứa sự thành công, và ngược lại mọi sự thành công đang ẩn chứa sự thất bại. Điều này có vẻ nghịch lý, nhưng ngẫm lại kinh nghiệm cuộc đời mà xem ta thấy nó đúng thật.

 

Chính vì thế, nhìn vào sự đối nghịch nhau của các cặp sự vật hiện hữu trên đời như: đẹp và xấu, đúng và sai, lớn và nhỏ, mạnh và yếu, nhanh và chậm, công bằng và bất công, thức và ngủ, ánh sáng và bóng tối…nên Plato, trong Phaedo của tác phẩm Dialogues, đã đưa ra kết luận rằng đã: có sự sống ắt phải có sự chết, và sau cái chết phải là sự sống.[1] Đó là suy luận logic tự nhiên của người có lý trí thông thường, nhưng NIỀM TIN (faith) vào sự sống sau khi chết của người Kitô hữu vượt lên trên suy luận logic tự nhiên mà dựa vào SỰ KIỆN PHỤC SINH của Chúa Giêsu. Ngài chính là hạt lúa mà Thiên Chúa Cha đã gieo vào trong thế gian, để nhờ hạt giống “Chúa – Người” mà thế gian được tham dự vào sự sống vĩnh cửu của Thiên Chúa.

 

Hành vi của người trung niên can thiệp, chống lại ba tên cướp có vẻ thua thiệt khi anh bị đánh đau, bị chính cô tài xế mà anh bênh vực bỏ lại giữa đường, không cho lên xe. Nhưng không ngờ nó lại là dịp cứu anh khỏi bị chết trong vụ cố tình tai nạn sau đó. Trái lại, hành vi của những vị hành khách khác vì an toàn bản thân, vì bảo vệ mạng sống của họ, vô cảm trước bất công…Đó lại là duyên cớ để cô tài xế cố tình lao xe xuống vực, chết chung…

 

Sự sống luôn tiềm ẩn sau mọi hy sinh… Mời mọi người cùng đọc câu chuyện sau:

 

Người ta kể rằng: Ở bên Trung Quốc, có một chiếc xe bus chở đầy khách đang chạy trên đường đồi. Trên xe, ba thằng du côn có vũ khí để mắt tới cô tài xế xinh đẹp. Chúng bắt cô dừng xe và muốn "vui vẻ" với cô. Tất nhiên là cô tài xế kêu cứu, nhưng tất cả hành khách trên xe chỉ đáp lại bằng sự im lặng. Lúc ấy một người đàn ông trung niên nom yếu ớt tiến lên yêu cầu ba tên du côn dừng tay, nhưng ông đã bị chúng đánh đập. Ông rất giận dữ và lớn tiếng kêu gọi các hành khách khác ngăn hành động man rợ kia lại nhưng chẳng ai hưởng ứng. Và cô lái xe bị ba tên côn đồ lôi vào bụi rậm bên đường.

Một giờ sau, ba tên du côn và cô tài xế tơi tả trở về xe để tiếp tục lên đường... "Này ông kia, ông xuống xe đi!" cô tài xế la lên với người đàn ông vừa tìm cách giúp mình.

Người đàn ông sững sờ, nói:

"Cô làm sao thế? Tôi mới vừa tìm cách cứu cô, tôi làm thế là sai à?" Cô gái nhăn mặt nói: "Nếu ông không xuống, xe sẽ không chạy."

Điều bất ngờ là các hành khách, vốn làm lơ trước hành động man rợ mới đây của bọn du côn, bỗng nhao nhao đồng lòng yêu cầu người đàn ông xuống xe. Thậm chí một vài hành khách khỏe hơn đã lôi người đàn ông xuống xe.

Chiếc xe bus lại khởi tiếp hành trình. Cô lái xe vuốt lại tóc tai và vặn radio lên hết cỡ. Xe lên đến đỉnh đồi và ngoặt một cái chuẩn bị xuống đồi. Phía tay phải xe là một vực thẳm sâu hun hút.

Tốc độ của xe bus tăng dần. Gương mặt cô lái xe bình thản, hai bàn tay giữ chặt vô lăng. Nước mắt trào ra trong hai mắt cô. Một tên du côn nhận thấy có gì không ổn, hắn nói với cô tài xế:

"Chạy chậm thôi, cô định làm gì thế hả?"

Cô tài xế không nói tiếng nào nhưng xe chạy ngày càng nhanh hơn. Tên du côn tìm cách giằng lấy vô lăng, nhưng chiếc xe bus lao ra ngoài, rơi xuống vực như mũi tên bật khỏi cây cung.

Hôm sau, báo địa phương loan tin một tai nạn bi thảm xảy ra ở vùng "Phục Hổ Sơn". Một chiếc xe cỡ trung rơi xuống vực, tài xế và 13 hành khách đều thiệt mạng.

Trong thành phố, có một người đàn ông đọc bản tin trên báo đã khóc!

 

Cùng suy nghĩ và hành động: Đã bao giờ tôi suy nghĩ một cách nghiêm túc, cẩn thận: đằng sau nắp quan tài của người chết là cái gì? Nếu chưa, giờ là lúc đặt câu hỏi này cũng chưa muộn. Tôi đã có kinh nghiệm thế nào về sự thất bại, khó khăn trong cuộc sống của tôi là nguyên nhân dẫn tôi đến thành công? Và ngược lại, sự may mắn, thành công là nguyên cớ cho sự thất bại nào đấy của tôi?

 

[1] Edith Hamilton and Hamilton Cairns (trans), Plato’s Phaedo, (Princeton University Press, 2009,) 70c, p.53.

[1]