Tìm Kiếm Ý Nghĩa trong Những lúc Khó Khăn - Tất Cả Sẽ Được Tốt Đẹp
Tìm Kiếm Ý Nghĩa trong Những lúc Khó Khăn
The Word Among Us – Lại Thế Lãng chuyển ngữ
Tại sao tôi đau khổ? Hoặc tệ hơn nữa, tại sao người thân yêu của tôi lại phải trải qua những đau khổ như vậy? Mỗi người trong chúng ta có lẽ đã hỏi những câu hỏi này vào lúc này hay lúc khác. Thật không may, chúng ta không có câu trả lời đơn giản nào về lý do tại sao Thượng Đế—Đấng mà chúng ta biết là trung tín và tốt lành, là Đấng đã tạo ra chúng ta vì tình yêu thương—lại để cho chúng ta phải vật lộn, chịu đau khổ và đau buồn. Tất cả những gì chúng ta có thể thành thật nói là chúng ta thực sự không biết.
Nhưng đó không phải là kết thúc của câu chuyện. Bởi vì chính Chúa Giêsu đã phải chịu một cái chết khắc nghiệt để chúng ta có thể được cứu, chúng ta biết rằng đau khổ có thể có ý nghĩa; nó có thể được Thiên Chúa sử dụng theo một cách nào đó cho điều tốt lành. Và khi chúng ta đang trải qua thời kỳ khó khăn, chúng ta có thể nhìn Chúa Giêsu trên thập giá và biết rằng chúng ta không đau khổ một mình hoặc vô ích, ngay cả khi chúng ta không hiểu lý do về điều đó.
Trong bài viết này, chúng tôi muốn khám phá làm thế nào, với sức mạnh của Chúa, chúng ta có thể đối phó với những thử thách của mình. Không có cuộc sống nào của con người không bị thử thách — cho dù đó là những khó khăn trong công việc, vật lộn với các thành viên trong gia đình, các vấn đề về sức khỏe hoặc tài chính, sự mất mát của những người thân yêu, hoặc thiên tai và tai nạn. Nhưng bởi vì Chúa Giêsu gần gũi với chúng ta, chúng ta có thể đứng vững qua những thời kỳ khó khăn theo cách tôn vinh Thiên Chúa và làm chứng cho cuộc sống của Ngài trong chúng ta.
Vai trò môn đệ và đau khổ. Có một xu hướng tự nhiên là muốn tránh hoặc giảm thiểu đau khổ trong cuộc sống của chúng ta và trong cuộc sống của những người thân yêu của chúng ta. Thật không may, ước muốn có một cuộc sống không gặp rắc rối, hạnh phúc có thể cho phép một loại "hợp đồng tâm linh" len lỏi vào trái tim và tâm trí của chúng ta như thế này: "Miễn là tôi là một Kitô hữu tốt, miễn là tôi thành thật tìm cách tuân theo các lệnh truyền của Thiên Chúa, Ngài sẽ ban phước lành cho gia đình tôihoặc ít nhất là bảo vệ chúng ta khỏi hoàn cảnh xấu." Tuy nhiên, chúng ta chỉ cần quay sang Kinh thánh để biết rằng đây không phải là một quan điểm trong Kinh thánh - và đó không phải là điều đã xảy ra với hầu hết những người đã chọn đi theo Chúa!
Chỉ cần nhìn vào các tiên tri như Môsê, Êdêkien, Hôsê, hoặc Giêrêmia. Tất cả đều đau khổ trong khi họ hết lòng tìm cách làm theo ý muốn của Thiên Chúa. Và sự sống lại của Chúa Giêsu không ngăn cản các Kiô hữut đầu tiên khỏi đau khổ. Trên thực tế, các tông đồ đã phải chịu đựng rất nhiều. Cuối cùng, nhiều người đã tử vì đạo.
Ngay cả khi không có sự ngược đãi hay tử vì đạo, mỗi môn đệ của Chúa Giêsu cũng sẽ trải qua một số loại đau khổ khi chúng ta theo Chúa. Chính Chúa Giêsu đã cảnh báo chúng ta, " “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo " (Lc 9:23). Vai trò môn đệ gồm có việc đặt những người khác lên trên chính mình. Nó liên quan đến việc tuân theo ý muốn của Chúa, ngày này qua ngày khác. Nói tóm lại, vai trò môn đồ liên quan đến việc chết cho chính mình. Không nghi ngờ gì nữa, nhiều lúc đó là một cuộc vật lộn, nhưng đó là điều giúp chúng ta tăng trưởng trong sự thánh thiện.
Câu chuyện của ông Gióp. Nhưng còn những đau khổ dường như không có mục đích hay ý nghĩa thì sao? Làm thế nào để tôi đối phó với cái chết của một thành viên trong gia đình mà tôi yêu thương? Hoặc tại sao tôi bị sa thải khi tôi làm việc chăm chỉ và không làm gì sai? Trong những thời điểm này, chúng ta có thể cảm thấy rất giống ông Gióp trong Cựu Ước.
Trong nhiều năm, Gióp đã có một cuộc sống may mắn và hạnh phúc: ông khỏe mạnh và thịnh vượng, và ông có một gia đình lớn, yêu thương. Ông đã tìm cách sống cho Chúa và được biết đến là "vẹn toàn và ngay thẳng" (G 1:8). Nhưng Satan nghĩ rằng sự công chính của Gióp chỉ đơn giản là một sự đáp lại đối với nhiều phước lành của Thiên Chúa, vì vậy Chúa đã co phép Satan để thử thách Gióp. Nếu các phước lành của Thiên Chúa bị lấy đi, liệu ông có còn trung thành với Thiên Chúa (1:12) không?
Và thế là Gióp đã mất đi sức khỏe, gia đình và sự tôn trọng của bạn bè (2:7). Ông không thể hiểu tại sao ông lại bị đau khổ; ông biết mình vô tội. Bạn bè của ông đã cố gắng đưa ra câu trả lời—đôi khi là những câu trả lời đơn giản—cho nỗi đau khổ của ông. Nhưng lý do cho những thử thách của ông vẫn chưa rõ ràng.
Đây cũng là trường hợp trong cuộc sống của chúng ta. Đôi khi chúng ta có thể nghĩ rằng khi tai họa xảy ra, chúng ta chắc hẳn đã phạm tội hoặc làm mất lòng Chúa. Dĩ nhiên, đôi khi chúng ta có thể phải chịu đựng kết quả của những lựa chọn sai lầm. Nhưng thường thì những thử thách của chúng ta dường như không có lý do. Và chính là trong những thời điểm này mà chúng ta cần phải tìm kiếm sự hiện diện của Chúa.
Điều này có thể khó khăn; ngay cả Gióp cũng không thể làm điều này lúc đầu. Nhưng khi Gióp kêu lên trong nỗi thống khổ của mình, Chúa đã tỏ mình ra cho người đàn ông đau khổ này. Ngài cho thấy mình là toàn năng, Thiên Chúa đầy quyền năng, Đấng đã tạo ra vũ trụ và chính Ngài đã tạo ra Gióp. Kết quả là, Gióp cuối cùng cũng bắt đầu khám phá ra hy vọng.
Chúa cũng là Đấng Tạo Hóa của chúng ta. Mọi phước lành trong suốt cuộc đời của bạn đều đến từ Ngài. Ngài không chỉ tạo ra bạn, mà Ngài còn đi cùng bạn qua những ngày bình an, và Ngài tiếp tục bước đi với bạn qua những cơn bão tố của cuộc đời bạn. Bạn có thể không hiểu tại sao bạn đang đau khổ. Nhưng bạn có thể bám chặt vào sự thật rằng Thiên Chúa của chúng ta là tốt lành và thành tín và Ngài yêu thương bạn mỗi phút, ngay cả khi bạn không trung tín. Bạn có thể không hiểu tại sao bạn đau khổ, nhưng bạn có thể tuyên xưng với Gióp: "Trước kia, con chỉ được biết về Ngài nhờ người ta nói lại, nhưng giờ đây, chính mắt con chứng kiến”. (42:5).
Được cứu độ qua đau khổ. Là Kitô hữu, chúng ta biết rằng đau khổ, bất kể lý do của nó là gì, không bao giờ là kết cuộc. Tại sao? Bởi vì qua cuộc khổ nạn và cái chết của mình, Chúa Giêsu đã mang lại sự sống cho tất cả chúng ta. Cha chúng ta đã sử dụng nỗi đau khổ lớn nhất để mang lại điều tốt lành lớn nhất. Và Ngài cũng có thể sử dụng nỗi đau khổ của bạn để mang lại điều tốt đẹp.
Chúa không bao giờ chủ động gửi những khó khăn đến cho chúng ta. Nhưng chúng ta sống trong một thế giới sa ngã, và Thiên Chúa có thể sử dụng những thử thách của chúng ta để giúp chúng ta lớn mạnh. Những khó khăn của chúng ta giúp chúng ta đến gần Chúa hơn bất cứ khi nào chúng ta dành thời gian để trút hết lòng mình lên Ngài trong lời cầu nguyện. Trên thực tế, có thể là trong những lúc đau khổ mà chúng ta cảm nhận được tình yêu thương của Thiên Chúa một cách sâu sắc nhất; chúng ta có thể cảm nhận được rằng Ngài đang ở với chúng ta. Đây là lý do tại sao tác giả Thánh vịnh bảo đảm với chúng ta rằng "Chúa gần gũi những tấm lòng tan vỡ” (34:19). Vì vậy, nếu bạn đang trải qua những thử thách, thì Chúa sẽ ở gần bạn trong một cách đặc biệt. Bạn không đơn độc, ngay cả khi bạn đã cảm thấy rất cô đơn. Và ngay cả khi Thiên Chúa im lặng và bạn phải "bước đi bằng đức tin, không phải bằng thị giác" (2 Cô-rinh-tô 5: 7), bạn có thể tin tưởng rằng Chúa thực sự ở với bạn và quan tâm đến bạn.
Những thử thách của chúng ta thường giúp chúng ta lớn lên trong tình yêu thương, sự đồng cảm và lòng trắc ẩn, soi dẫn chúng ta để tìm đến những người khác cũng đang trải qua những thử thách. Khi điều đó xảy ra, sự đau khổ của chúng ta đã khiến chúng ta giống Chúa Giêsu hơn. Chúng ta cũng có thể cảm nhận được tình yêu thương của Thiên Chúa qua sự yêu thương, sự quan tâm, và những lời cầu nguyện thay của những người xung quanh chúng ta. Đây là một cách khác mà Thiên Chúa sử dụng đau khổ: để đan kết lại với nhau và xây dựng thân thể của Chúa Kitô.
Cuối cùng, Thiên Chúa ban cho chúng ta cơ hội để dâng hiến đau khổ của mình cho nhu cầu của người khác. Khi chúng ta kết hợp nỗi đau của mình với Ngài trên thập giá, Ngài cứu thoát nỗi đau đó: "Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1:24). Mỗi giọt nước mắt chúng ta rơi xuống, mỗi nỗi đau đớn mà chúng ta đã trải qua, đều có thể được dâng lên Chúa. Như đức tin của chúng ta dạy chúng ta, "Khi chịu nạn và chịu chết trên thánh giá, Đức Ki-tô đã đem lại một ý nghĩa mới cho đau khổ : đau khổ giúp chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô và liên kết chúng ta với cuộc khổ nạn cứu độ của Người. " (Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1505). Thiên Chúa không bỏ phí gì cả - ngay cả những thử thách của chúng ta!
Niềm vui trước mắt chúng ta. Cuối cùng, đau khổ là một mầu nhiệm. Chúng ta không thể giải thích nó theo bất kỳ cách nào cho thỏa đáng. Nhưng chúng ta có thể cố gắng nhìn cuộc sống của mình từ quan điểm của Thiên Chúa. Đau khổ có thể giúp chúng ta nhìn xa hơn những gì là thiển cận và trần thế đến sự vĩnh cửu, khi "Thiên Chúa sẽ lau sạch mọi giọt nước mắt.” (Kh 7:17). Sự đau khổ thậm chí có thể làm giảm bớt nỗi sợ hãi của chúng ta về cái chết, như chúng ta dự đoán vào ngày đó khi chúng ta sẽ được dẫn vào thiên đàng và tất cả nỗi đau đớn và đau khổ của chúng ta sẽ không còn nữa.
"Chính Người đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá " (Dt 12:2). Nhờ ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta cũng có thể làm như vậy! Chúng ta không cần phải nghiến răng và chịu đựng điều đó khi chúng ta đang ở giữa những thử thách. Chúa Thánh Thần sẽ nâng chúng ta lên đến chính tấm lòng của Thiên Chúa, Cha chúng ta. Trong những giây phút đó, với Thánh Phaolô, chúng ta có thể tuyên xưng rằng "một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời” (2 Cr 4:17). Và để tiến tới điều đó, chúng ta có thể nói, "Amen, Alleluia!
Tất Cả Sẽ Được Tốt Đẹp
Tác giả: Laura Loker – Lại Thế Lãng chuyển ngữ
Tất cả chúng ta đều có những câu chuyện của riêng mình về những tháng đầu của đại dịch Covid-19.
Câu chuyện của tôi trông rất giống với các bậc cha mẹ khác có con nhỏ. Không có trường mầm non và sự giúp đỡ của cha mẹ tôi với các con của chúng tôi, chồng tôi và tôi đã lúng túng khi chúng tôi cố gắng xoay xở trách nhiệm của mình tại nơi làm việc và ở nhà. Nghỉ ngơi là khó khăn; sự thất vọng tăng cao. Và ngay cả khi sự hỗn loạn trong nhà của chúng tôi cảm thấy không thể kiểm soát được, thế giới bên ngoài trước cửa nhà chúng tôi vẫn còn đau khổ hơn. Giữa những cập nhật tin tức thảm khốc và sự bấp bênh vô tận đang ở phía trước, tôi cảm thấy tuyệt vọng. Thiên Chúa sẽ để cho thế giới đau khổ, từ bệnh tật và cái chết đến thất nghiệp đến cô đơn và kiệt sức trong bao lâu?
Có lẽ dường như không có bất kỳ vị thánh thời trung cổ nào có thể liên quan đến những cuộc vật lộn gần đây của chúng ta. Nhưng mặc dù sống cách đây khoảng sáu trăm năm, Julian xứ Norwich đã trải qua những thử thách tương tự. Sinh ra ở Anh vào năm 1342, bà cũng đã trải qua một trận đại dịch — Cái Chết Đen tàn khốc, giết chết khoảng một phần ba dân số châu Âu. Sau này khi lớn lên, bà trở thành một nữ ẩn sĩ, sống một cuộc sống cầu nguyện chiêm niệm trong một phòng nhỏ vắng lặng. Mặc dù ơn gọi của bà là một ơn gọi được lựa chọn, nhưng bà chắc chắn đã quen thuộc với sự cô lập cùng với sự giãn cách xã hội!
Tuy nhiên, quan trọng nhất, sự hiểu biết của Julian về Thiên Chúa mang đến một ngọn hải đăng hy vọng cho ngay cả những thời điểm tuyệt vọng nhất. Ở tuổi ba mươi, Julian đã trải qua một loạt các "thị kiến" thần bí, hay những mặc khải về bản chất của tình yêu thương của Thiên Chúa. Thật may mắn cho chúng ta, bà đã viết chúng ra một cách chi tiết. Kết quả của cuốn sách Mặc khải về Tình Yêu Thiêng Liêng, trình bày một bức tranh thân mật về Chúa ngày nay cũng cảm động như lúc đó.
Được bao bọc bởi Thiên Chúa. Giáo Hội trong thời của Julian đã trải qua một số cuộc khủng hoảng. Xung đột chính trị và tranh giành quyền lực đã làm hỏng hệ thống phân cấp của Giáo Hội và làm cho các tín hữu bối rối; thậm chí nhiều linh mục giáo xứ dường như quan tâm đến sự giàu có và quyền lực hơn là lời kêu gọi thánh thiện. Và trong khi một hình ảnh cá nhân hơn về Thiên Chúa đã bắt đầu bén rễ trong Giáo hội, không có gì lạ khi mọi người vẫn nhìn Thiên Chúa qua lăng kính hạn chế của thẩm quyền và hình phạt, và xem Chúa Giêsu chỉ đơn giản là một chiến binh xa cách, Đấng đã chiến thắng Satan.
Đó là điều khiến câu chuyện của Julian trở nên cấp tiến. Là một nữ giáo dân tại thời điểm diễn ra các thị kiến, bà có rất ít địa vị trong Giáo hội hoặc trong thế giới. Tương đối ít học, bà đã viết - hoặc có lẽ đọc cho người khác viết - Những mặc khải về tình yêu thiêng liêng bằng tiếng Anh đàm thoại hơn là tiếng Latinh của giáo hội. Hơn nữa, nó đã trở thành cuốn sách được xuất bản đầu tiên bằng tiếng Anh được biết tác giả là một người phụ nữ.
Nhưng cấp tiến nhất trong tất cả là nội dung mặc khải tư của bà. Sau khi cầu nguyện để có được sự hiểu biết sâu sắc hơn về Thiên Chúa và những đau khổ xung quanh, Julian bị ốm nặng và sau đó trải qua một sự hồi phục hoàn toàn cách kỳ diệu. Ngay sau đó, khi bà vẫn còn nằm trên giường, các thị kiến bắt đầu. Mỗi thị kiến nhấn mạnh một điều gì đó khác biệt về Thiên Chúa và tình yêu của Ngài, phần lớn trong số đó đi ngược lại với những nhận thức thông thường về Thiên Chúa vào thời điểm đó. Khác xa với việc xa cách hay là phán xét, Thiên Chúa đã tỏ mình ra với Julian như một Người thân mật, yêu thương, Người "gần gũi với chúng ta hơn chính linh hồn của chúng ta".
"Ngài là quần áo của chúng ta, quấn lấy và bao bọc chúng ta vì tình yêu," bà viết, "ôm lấy chúng ta và hướng dẫn chúng ta trong mọi việc, dành thời gian cho chúng ta trong tình yêu dịu dàng, để Ngài không bao giờ có thể rời bỏ chúng ta."
Trong một thị kiến, Julian đã thấy linh hồn của bà "lớn như thể đó là một vương quốc; . . . đối với tôi, nó dường như là một thành phố vinh quang. Ở trung tâm của thành phố đó là Chúa Giêsu, Thiên Chúa thật và con người thật, Chúa vinh quang, cao nhất. . . Trong suốt cõi đời đời, Chúa Giêsu sẽ không bao giờ rời khỏi vị trí mà Ngài đảm nhận trong tâm hồn chúng ta; vì trong chúng ta là ngôi nhà quen thuộc nhất của Ngài và là nơi cư ngụ yêu thích của Ngài."
Hãy tưởng tượng: Chúa Giêsu ngự trong tâm hồn vinh quang của chính bạn!
An toàn trong Đau khổ và Tội lỗi. Tất nhiên, các Kitô hữu thời trung cổ không phải là người cuối cùng hình dung Thiên Chúa là một thẩm phán xa xôi. Ngay cả khi chúng ta tin vào tình yêu thương và sự chung thủy vô điều kiện của Ngài, thì lúc khó khăn hoặc những cuộc vật lộn với tội lỗi có thể gieo rắc nỗi nghi ngờ và lo lắng vào lòng chúng ta. Mỗi ngày trong thời gian cách ly mà tôi không còn ý tưởng để giải trí cho những đứa con cuồng nhiệt của chúng tôi, mỗi ngày mà chồng tôi và tôi cáu kỉnh với nhau vì kiệt sức, mỗi ngày tôi tự trách mình vì đã không xử lý thử thách này với nhiều từ ái và dũng cảm hơn, dường như Thiên Chúa ngày càng xa cách.
Tuy nhiên, trên thực tế, Ngài vẫn thân thiết hơn bao giờ hết. Trong một chứng cớ đặc biệt, Julian đã nhận được một sự an ủi tâm linh sâu sắc—rồi đột nhiên biến mất. "Tôi bị áp bức, mệt mỏi với bản thân và chán ghét cuộc sống của mình đến nỗi tôi khó có thể chịu đựng được để sống," bà viết. "Không có sự dễ dàng hay an ủi nào cho những cảm nghĩ của tôi ngoài đức tin, hy vọng và tình yêu thương, và những điều này tôi đã có trong thực tế, nhưng tôi không thể cảm nhận được chúng trong lòng mình."
Kiểu mẫu cứ lặp đi lặp lại: hạnh phúc, đau đớn, hạnh phúc, đau đớn. Julian giải thích: "Mặc khải này đã cho tôi thấy, như tôi hiểu, để dạy tôi rằng mọi người cần phải có những trải nghiệm như vậy, đôi khi phải được củng cố, đôi khi phải chùn bước và bị bỏ lại một mình." "Thiên Chúa mong muốn chúng ta biết rằng Ngài bảo vệ chúng ta một cách an toàn trong cả niềm vui lẫn nỗi buồn như nhau, và Ngài yêu thương chúng ta nhiều trong nỗi buồn cũng như trong niềm vui."
Thiên Chúa ở gần ngay cả khi tin tức áp đảo chúng ta, khi sự bất định xảy ra, khi chúng ta thấy mình phải đối mặt với những thử thách cá nhân và những trận chiến với tội lỗi. Thật vậy, tội lỗi là không đáng kể so với Thiên Chúa toàn năng và tình yêu của Ngài dành cho chúng ta. "À, tội lỗi tồi tệ!" bà viết. "Ngươi là cái thá gì? Ngươi chẳng là gì cả. Vì ta đã thấy rằng Thiên Chúa là tất cả mọi thứ: Ta không thấy gì về ngươi”.
Bất kể những bước đi sai lầm của chúng ta, bất kể trạng thái cảm xúc của chúng ta là gì, Thiên Chúa mong muốn sự gần gũi của chúng ta trong lời cầu nguyện. "Hãy cầu nguyện khẩn thiết ngay cả khi conkhông cảm thấy muốn cầu nguyện," ThiênChúa thúc giục Julian, "vì điều đó đang giúp ích cho con ngay cả khi con không cảm thấy nó làm tốt cho con, ngay cả khi con không thấy gì cả, đúng vậy, ngay cả khi con nghĩ rằng con không thể cầu nguyện."
Hy vọng cho tương lai. Thật là một niềm an ủi sâu sắc để biết rằng Thiên Chúa giữ chúng ta gần gũi hôm nay. Tuy nhiên, có thể khó để không lo lắng về ngày mai. "Họ đang nói rằng có thể mất nhiều tháng," tôi đã viết trong nhât ký của mình vào mùa xuân năm 2020, khi tin tức về virus tiếp tục được phơi bày. "Tôi không biết làm sao chúng ta sẽ vượt qua khi nó lâu như vậy."
Thiên Chúa đã chỉ ra những nguy hiểm chính xác của thái độ này cho Julian. "Thiên Chúa đã cho tôi thấy rằng chúng ta bị hai loại bệnh tật, trong đó Ngài mong muốn chúng ta được chữa khỏi," Julian viết. "Một là sự thiếu kiên nhẫn, vì chúng ta thấy rắc rối của mình và chịu đựng một gánh nặng lớn phải chịu đựng, và hai là tuyệt vọng, hoặc sợ hãi ngờ vực."
Bà giải thích rằng những căn bệnh này bắt nguồn từ việc thiếu niềm tin vào tình yêu thương của Thiên Chúa. "Đây là kiến thức mà chúng ta thiếu hiểu biết nhất; vì nhiều người nam và người nữ tin rằng Thiên Chúa toàn năng và có quyền năng để làm mọi việc, và Ngài là tất cả sự khôn ngoan và biết cách làm mọi việc, ngoại trừ việc Ngài là tất cả tình yêu thương và sẵn lòng làm mọi thứ"
Và bằng chứng về tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho chúng ta vẫn còn treo lơ lửng trong mỗi nhà thờ, có thể là ngay cả trên các bức tường của nhà chúng ta: cây thánh giá. Trong một số thị kiến, Julian đã chứng kiến nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc khổ nạn: máu chảy xuống từ mạo gai, khuôn mặt của Chúa Giêsu trên thập giá, máu chảy ra từ vết thương của Ngài. Nỗi đau khổ của Ngài đã làm cho bà cảm động sâu sắc, và Chúa Giêsu phán với bà: "Đó là một niềm vui, một đều thích thú và một niềm hạnh phúc vô tận đối với Ta mà Ta đã từng chịu đựng đau khổ vì con, vì nếu Ta có thể chịu đau khổ nhiều hơn, Ta sẽ đau khổ".
Bất kể thử thách của chúng ta là gì, chúng ta có thể tin tưởng rằng chiến thắng thực sự đã được giành cho chúng ta. Chúa Giêsu đã chinh phục tội lỗi; vậy nên, như Ngài đã nói với Julian: "Mọi việc sẽ được tốt đẹp, và mọi sự sẽ được tốt đẹp, và mọi sự việc sẽ được tốt đẹp."
Tất cả vì tình yêu. Chúng ta biết rất ít về Julian ngoài những gì bà đã ghi lại chính mình. Một thời gian sau thị kiến của mình, bà trở thành một nữ ẩn sĩ, sống một cuộc sống chiêm niệm và cô độc và cung cấp hướng dẫn tâm linh cho du khách. Chúng ta biết rằng bà sống cho đến ít nhất là năm 1416, dựa trên những đề cập đến bà trong các tài liệu lịch sử khác, nhưng chúng ta không biết bà chết khi nào hoặc như thế nào.
Mặc dầu khoảng cách về thời gian và lịch sử, Mặc khải về Tình yêu thiêng liêng của bà là một tập sách mà tôi sẽ quay lại. Ngay cả khi điều tồi tệ nhất của đại dịch đang ở phía sau chúng ta, một cảm giác bất ổn vẫn tồn tại. Nhưng nếu có bất cứ điều gì mà nó đã dạy tôi, thì đó là tôi luôn có thể tin tưởng vào tình yêu thương của Thiên Chúa.
"Con có muốn biết Chúa của con có ý gì không?" Chúa Giêsu hỏi Julian về lý do tại sao bà nhận được các thị kiến. "Biết rõ rằng tình yêu là ý của Ngài. Ai đã cho con thấy điều này? Tình yêu. Ngài đã thể hiện điều gì? Tình yêu. Tại sao Ngài lại chỉ cho con? Vì tình yêu."
Thiên Chúa yêu thương chúng ta không thể đo lường được—và chính là trong tình yêu thương của Ngài mà chúng ta có thể giữ cho sự an toàn của mình. Tất cả sẽ tốt đẹp, thật vậy.
- Tổng Hơp: