Làm giàu thực sự là làm giàu trước mặt Thiên Chúa
LÀM GIÀU THẬT SỰ LÀ “LÀM GIÀU TRƯỚC MẶT THIÊN CHÚA”
Ai đó từng thốt lên rằng:
Tiền là tiên là Phật
Là sức bật của lò xò
Là thước đo của lòng người
Là tiếng cười của tuổi trẻ
Là sức khoẻ của tuổi già
Là cái đà của danh vọng
Là cái lọng để che thân
Là cán cân của công lý
Là triết lý của cuộc đời…
Quả thật, nếu chúng ta hiểu thấu và sử dụng đồng tiền, của cải đúng mực thì chắc hẳn nó rất hữu dụng. Nó sẽ phục vụ cho con người, nó giúp chúng ta sống đúng nghĩa là con người, vì của cải vật chất chẳng phải mục đích sống, mà chỉ là phương tiện thôi!
Đứng trước thói tham lam, xu hướng tích trữ của cải của con người, Đức Giê-su không ngần ngại đề cập tớisự thật về tiền bạc, của cải; mà Ngài còn khuyến dụ chúng ta: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu” (Lc 12, 15). Bởi lẽ, lòng tham như ngọn lửa ngấm ngầm, một khi chất củi vào thêm, thì ắt hẳn nó sẽ bùng cháy. Với lòng tham không đáy, con người chúng ta càng ước mong hơn khi đã có, và chẳng bao giờ dừng lại. Hơn nữa, mạng sống không từ của cải mà ra, và tiền bạc chẳng bao giờ sinh ra sự sống.Chính vì thế, Đức Giê-su từ chối không nhận phân chia gia tài cho người xin.
Trước tiên, chúng ta cảm tưởng tác giả sách Giảng Viên hơi bi quan về cuộc đời, khi quả quyết: “Phù vân quả là phù vân…Tất cả chỉ là phù vân” (x. Gv 1, 2). Thế nhưng, nếu đọc xuyên suốt mạch văn thì rõ ràng ý tác giả muốn nhấn mạnh đến tính chóng qua, tạm thời của trần ai, mà con người không biết lo cho sự sống vĩnh hằng, điều mà chẳng bao giờ hư mất. Tư tưởng chỉ biết vui hưởng, lo toan cho những thứ tạm bợ đời này như nhà phú hộ trong dụ ngôn hôm nay “…Hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã” (x. Lc 12, 19) cũng chẳng khác gì mấy so với hiện trạng đời sống con người cứ hì hục, chăm bẳm vào của cải vật chất sẽ tiêu tan, hư mất vào một ngày nào đó: “Ích gì cho người bởi mọi việc mình làm mà phải chịu đau khổ cực lòng dưới phàm trần? Suốt ngày của họ đầy sự đau khổ gian truân, và ban đêm lại không được yên lòng, thế thì chẳng phải là hư không sao?” (Gv 2, 23).
Tất nhiên, Đức Giê-su không cấm chúng ta làm giàu, nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển sự nghiệp, cơ ngơi! Hơn hết, Ngài mong muốn chúng ta biết cách làm giàu thực sự, đó là “làm giàu trước mặt Thiên Chúa”: “Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó” (Lc 12, 21). Vậy, “làm giàu trước mặt Chúa” là thế nào? Thánh Phao-lô sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về câu hỏi này khi ngài khuyến dụ giáo đoàn Cô-lô-sê: “Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Đức Ki-tô ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất” (Cl 3, 1-2). Chẳng phải cứ sống mơ mộng, viễn vông, cứ mãi ở nhà thờ mà không lo cho gia đình! Chẳng phải cứ “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, suy nghĩ ảo tưởng, không biết chăm chỉ lo toan cuộc sống thể lý, cuộc sống con cái! Mà “Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời” nghĩa là biết sống bác ái, thực thi những điều Chúa dạy qua Giáo Hội, biết làm chứng yêu thương, biết tha thứ, chú tâm lo toan cho cuộc sống thiêng liêng, đời sống tinh thần, đời sống đạo, chứ không chỉ để ý chăm sóc đời sống thể lý, lo cơm áo gạo tiền thôi! Hơn thế, “làm giàu trước mặt Chúa” là biết “kiềm chế các chi thể, là sự gian dâm, ô uế, dục tình, đam mê xấu xa và tham lam, tức là sự thờ phượng thần tượng” (Cl 3, 5), và “…mặc lấy con người mới, con người được đổi mới theo hình ảnh của Đấng đã tạo thành nó” (x. Cl 3, 10).
Benjamin Franklin nói rằng: “Tiền bạc chưa bao giờ và không bao giờ khiến con người hạnh phúc, trong bản chất nó không có gì có thể tạo ra hạnh phúc. Một người càng có nó nhiều bao nhiêu, càng muốn nó nhiều bấy nhiêu”. Hơn vậy, Đức Giê-su khẳng khái dạy: “Được lời lãi cả thế gian mà thiệt mất linh hồn nào được ích gì? Hoặc lấy gì mà đổi được linh hồn mình?” (Mc 8,36-37).Thế nhưng, trên thực tế, con người đang như con thiêu thân, cứ lao vào ánh sáng giả tạo vinh hoa trần thế, mà chẳng chút quan tâm đến đời sống thiêng liêng, sự sống không hề hư mất. Vì vậy, thời đại hiện nay vẫn tái diễn như thực trạng mà tác giả Thánh Vịnh ngẫm suy: “Chúng cậy vào của cải, lại vênh vang bởi lắm bạc tiền, nhưng nào có ai tự chuộc nổi mình, và trả được giá thục hồi cho Thiên Chúa. Mạng người dù giá cao mấy nữa, thì rồi ra cũng chấm dứt đời đời…” (Tv 49,7-9).Do đó, chúng ta nên sống khôn ngoan theo lời khuyên của Thánh Gio-an Tông Đồ: “…Kẻ nào yêu thế gian thì nơi kẻ ấy không có lòng mến Chúa Cha, vì mọi sự trong thế gian: như dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắt và thói cậy mình có của, tất cả những cái đó không xuất phát từ Chúa Cha, nhưng xuất phát từ thế gian; mà thế gian đang qua đi cùng với dục vọng của nó. Còn ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa thì tồn tại mãi mãi” (x. 1Ga 2, 15-17).
Nguyện cầu: Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết “làm giàu trước mặt Chúa” mỗi ngày!
Lm. Xuân Hy Vọng
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: