Số 66: Bổn phận loan báo tin mừng
Số 66: Thức Ăn Nhanh cho Tâm Hồn (The Fast Food for The Soul)
by Quảng, C.Ss.R., on Monday, July 13, 2015.
BỔN PHẬN LOAN BÁO TIN MỪNG
“Đức Giêsu chỉ thị cho Mười Hai Tông Đồ không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mang hai áo” (Mc 6: 8)
Khi Chúa Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng Cứu Độ, Ngài truyền cho các môn đệ chỉ đem những vật dụng tối thiểu cho cuộc sống thường nhật. Ngài mời gọi họ tin tưởng, phó thác vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Bên cạnh đó, việc đem những điều tối thiểu sẽ giúp họ không tốn thời gian cho những thứ rườm rà không cần thiết. Điều này nói lên tính khẩn cấp, cấp bách của việc PHẢI LOAN BÁO TIN MỪNG CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA CHO NGƯỜI KHÁC.
Xét lại chính mỗi người chúng ta đã bao giờ chúng ta CÔNG KHAI chia sẻ về NIỀM TIN, VỀ CHÚA của mình cho những người làm chung với chúng ta NHIỀU NĂM, người chúng ta quen biết nhiều năm chưa? Tại sao chúng ta KHÔNG, CHƯA chia sẻ niềm vui Tin Mừng cho những người khác? Có thể chúng ta chưa có cảm nghiệm về Niềm Vui của Người Có Chúa, có thể chúng ta chưa cảm nghiệm được tình yêu Chúa Chết cho ta, và ban ơn SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI CHO CHÚNG TA. Chúng ta cần cầu xin ơn cho ta có được niềm vui của người CÓ CHÚA.
Có một câu chuyện kể lại rằng:
Một nhà thông thái kia muốn sáng lập một tôn giáo mới. Ròng rã nhiều năm, ông đem tất cả sự khôn ngoan của mình ra thuyết phục thiên hạ mà chẳng thấy ai theo.
Ông bèn than thở với một người bạn thì nhận được một lời khuyên: “Nếu anh muốn người ta theo anh thì dễ thôi, anh hãy làm thế này: Thứ năm anh ăn bữa tiệc cuối cùng, thì thứ sáu anh để người ta đóng đinh anh trên khổ giá rồi chôn cất, Chúa nhật anh sống lại! Chắc chắn người ta sẽ theo anh rất đông!!!”.
Đây quả là lời khuyên độc đáo, và lại càng lý thú hơn, khi tác giả của lời khuyên này chính là đại hoàng đế Napôlêon! Điều mà Napôlêon muốn nhấn mạnh ở đây, điều có sức lôi cuốn người ta chính là SỰ SỐNG LẠI, ƠN CỨU ĐỘ CỦA CHÚA GIÊSU.
Suy nghĩ và hành động: Bạn biết Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ Duy Nhất, duy mình Ngài mới đem lại sự sống đời đời cho bạn. Tại sao bạn không chia sẻ điều đó cho bố mẹ, anh chị em của bạn (nếu bạn là người duy nhất trong gia đình mới trở lại đạo)? Tại sao không chia sẻ cho những bạn bè, người bạn quý mến?
Số 66B: Thức Ăn Nhanh cho Tâm Hồn (The Fast Food for The Soul)
by Fr. Quảng Trần, C.Ss.R., on Monday, July 20, 2015.
Đức Giêsu bảo các Tông Đồ: “anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thánh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mk. 6: 31)
NGHỈ NGƠI
Nếu giả sử một câu hỏi được đặt ra “bạn cảm thấy cuộc sống ở Việt nam và ở Mỹ nơi nào bận rộn hơn?” Có lẽ câu trả lời đối với những người có kinh nghiệm về cuộc sống ở hai nơi, thì đại đa số sẽ trả lời rằng ở Mỹ bận rộn hơn. Họ trưng ra lý do vì lẽ ở Việt nam nhiều người còn được ngủ trưa, được uống cafe, ngồi thong dong với bạn bè vào mỗi buổi sáng...[Học trò không giám chắc là những điều trên là nghỉ ngơi... Có thể là lười, có thể là...]
Nhưng tại sao sống ở một nước giàu có hơn, văn minh hơn, và tiện nghi hơn... chúng ta có nhiều vật dụng phụ giúp [như máy giặt, phương tiện đi lại thuận tiện, các máy móc phụ giúp trong công việc...] chúng ta lại có cảm giác mình bận rộn hơn? Đáng lý chúng ta phải thong dong hơn, có nhiều thời gian rảnh hơn. Trái lại ta cảm thấy bận rộn hơn, không có thời gian nghỉ ngơi, không có thời gian cho riêng mình. Vì chúng ta không thỏa mãn với những gì mình đang có, và MUỐN (want) những thứ tốt hơn. Chúng ta muốn có nhà to hơn, lớn hơn, đẹp hơn. Trong một nhà một Tivi chưa đủ mà bây giờ mỗi phòng cần một cái; rồi nào là iPhone, iPad, iPod... Muốn có nhiều thứ thì phải có nhiều tiền để mà “I Paid” (Tôi trả) ..., và muốn có nhiều tiền phải đi làm nhiều, hai jobs, ba jobs. Thế nên, đời ta bận rộn! Đời ta lu bu!
Thậm chí ngay cả khoảng thời gian chúng ta gọi là ĐI NGHĨ (vacation) chúng ta cũng bận rộn với đủ thứ. Mục đích của vacation là đi đến một nơi nào đó để nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng, dành nhiều thời gian cho chính mình, cho người thân, cho bạn bè... Nhưng than ôi, mỗi khi đi nghỉ đến một nơi nào đó, chúng ta lại “bị dụ” đi shopping vì ở nơi đi nghỉ có nhiều món đồ đặc biệt và rẻ hơn và mua về lại để ở nhà kho hết tháng này qua năm khác..., hay chúng ta lao vào những trò chơi, bài bạc... thâu đêm tối ngày. Nhiều khi những ngày đi nghỉ còn mệt hơn là những ngày làm việc. Đâu rồi ý nghĩa của những ngày nghỉ..!!!
Tại vì ta MUỐN (want) lu bu, muốn bận rộn, chứ ta đâu CẦN (need) phải bận rộn. Thiên Chúa còn cần nghỉ ngơi, phương chi con người chúng ta.
“Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành công việc Người làm; Khi làm xong mọi công việc của Người, ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi” (Khởi Nguyên 2, 2). Thời gian làm việc là ta đang trao ban. Thời gian nghỉ ngơi là lúc ta đang lãnh nhận. Chúng ta cần phải có cả hai.
Phillip Parham thuật câu chuyện về một thương gia giàu có khó chịu mất bình an khi thấy một ngư phủ đang ngồi nhàn hạ biếng nhác bên cạnh thuyền của ông. Ông hỏi: "Tại sao anh không ra ngoài khơi đánh cá?" Ngư phủ đáp: "Vì tôi đã đánh đủ số cá cho ngày hôm nay?" Thương gia hỏi: "Tại sao anh lại không bắt nhiều cá hơn số mình cần?" Ngư phủ hỏi lại: "Tôi sẽ dùng chúng để làm gì?"
Vị thương gia trả lời: "Anh có thể kiếm thêm tiền và mua được thuyền tốt hơn, lớn hơn để có thể đi ra ngoài khơi xa hơn, bắt nhiều cá hơn và kiếm thêm tiền. Chẳng bao lâu anh sẽ có cả một đoàn thuyền và giàu có như tôi." Ngư phủ hỏi: "Rồi tôi biết làm gì với sự giàu có đó?"
Vị thương gia nói: "Lúc đó anh có thể ngồi xuống vui hưởng cuộc đời."
Ngư phủ đáp trong lúc đôi mắt bình thản nhìn ra biển: "Thế ông nghĩ tôi đang làm gì bây giờ?"
Suy nghĩ và hành động:
1. Bạn có thực sự lên chương trình cho việc nghỉ ngơi và giải trí thường xuyên như thế nào không?
2. Bạn làm gì để nghỉ ngơi tâm trí ở nơi công sở? Ở nhà?
3. Nếu bạn có một ngày hoàn toàn tự do cho bản thân, bạn sẽ làm gì?
- Loại bài viết: