Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Số 70: Xét đoán, đoán xét

Số 70: Thức Ăn Nhanh cho Tâm Hồn (The Fast Food for The Soul)

by Fr. Quảng Trần, C.Ss.R., on Monday, August 31, 2015.

 

“Đừng xét đoán, để khỏi bị đoán xét” (Mt 7:1)

 

XÉT ĐOÁN, ĐOÁN XÉT

Đoán xét là đoán rồi mới xem xét nó thế nào. Xét đoán là xem xét rồi mới đoán xem nó thế nào. Đoán xét hay xét đoán có thể là không tốt không xấu. Vì nhiều việc ta phải dùng lý trí của mình để suy xét, để đưa ra những hướng đi, những tiên liệu… mặc dầu ta chưa hội đủ 100% sự chắc chắn. Xét đoán, đoán xét theo hướng tích cực khi ta khát khao đi khám phá, tìm hiểu một điều gì đó để rồi đưa ra một kết luận chính xác. Điều này là tốt. Đoán xét và xét đoán như thế là cần thiết trong cuộc sống, là hữu ích.

Nhưng xét đoán không dựa trên việc tìm hiểu, nghiên cứu mà “cứ phán” mọi chuyện theo cái nhìn chủ quan, cái định kiến của mình VỀ NGƯỜI KHÁC là điều mà Chúa Giêsu lên án. “Anh em đừng xét đoán để khỏi bị đoán xét” (Mt 7:1). Tại sao chúng ta không nên xét đoán NGƯỜI KHÁC?

Vì lẽ:

(1) ta không biết được toàn bộ sự kiện, câu chuyện của vấn đề hay hoàn cảnh của người khác.

(2) với thân phận con người, nó là không thể cho chúng ta có một xét đoán công bằng (nếu người ta thương mến bao giờ cũng được thiên vị, người ta ghét bao giờ cũng bị ác cảm).

(3) không ai trong chúng ta đủ tốt lành, đủ thánh thiện để xét đoán người khác (chỉ mình Thiên Chúa).

 

Thế nên, Chúa mới bảo ta không nên xét đoán. Xét đoán về người khác luôn đi kèm với những phê bình chỉ trích, mà thường không đi với đối thoại. Khí đó ta là Chúa “Đấng ra lề luật” bắt người khác phải theo.

Không ai trong chúng ta muốn bản thân mình bị người khác xét đoán một cách bất công, thiếu công bằng: “tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta như vậy, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7: 12).

Đừng xét đoán, để khỏi bị xét đoán!

Chuyện kể rằng:

Trong một buổi chiều tại một thư viện, trong lúc mọi sinh viên đang ngồi yên tĩnh, chăm chú học bài. Họ chìm mình vào những trang sách, những suy tư, phân tích, tổng hợp mà họ đang tìm kiếm.

Một chàng trai tiến đến hỏi một cô gái: “Mình ngồi kế bạn có được không?”

Bỗng nhiên cô gái hét toáng lên "Tôi không phải gái điếm. Đồ hư hỏng!!!"

Tất cả mọi người trong thư viện nhìn anh ta với ánh mắt chằm chằm và anh ta cảm thấy xấu hổ. Một lát sau, cô gái lặng lẽ đi lại bàn chàng trai và thì thầm “Tôi học chuyên ngành tâm lý. Vừa rồi là bải test của tôi. Anh thứ lỗi nhé!!!".

Bỗng nhiên chàng trai hét toáng lên: “500 đô một đêm hả? Cô đâu có giá cao như vậy???"

Tất cả mọi ánh mắt đều đổ dồn vào cô gái một cách kinh ngạc và chàng trai thì thầm vào tai cô gái: “Cô có thể là một chuyên gia Tâm lý học nhưng tôi là Luật sư. Tôi có khả năng biến một người vô tội thành có tội".

 

Cùng suy nghĩ và hành động: Có lẽ hầu hết mọi người trong căn phòng của thư viện đều cho rằng cô gái là gái điếm và chàng trai là một dân làng chơi. Tại vì họ chỉ biết sự kiện bên ngoài mà không nghe, không biết được những lời thì thầm mà hai người nói vào tai nhau, không biết được dụng ý của hai người.

Ôi! Vì không hiểu toàn bộ câu chuyện, toàn bộ vấn đề bên dưới của câu chuyện mà có thể những người trong thư viện đã đưa ra phán xét đoán sai!

Mời bạn: Tôi làm gì trước khi xét đoán người khác? Và làm sao để bớt xét đoán cách bất công người khác?

See video