Lời cầu khiêm hạ trước Thiên Nhan - Tâm tình cầu nguyện như lòng Chúa mong
LỜI CẦU KHIÊM HẠ TRƯỚC THIÊN NHAN
Thưa quý ông bà và anh chị em rất thân mến! Như chúng ta vừa cùng nhau đọc lại Thánh Vịnh 33 trong phần Đáp Ca “Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe” (Tv 33, 7a) cho chúng ta hình dung đôi nét về Thiên Chúa nhân hậu, hằng yêu thương, lắng nghe lời cầu xin của con cái Ngài.
Tuy nhiên, trong bài Phúc Âm, qua dụ ngôn cụ thể: hai người cùng lên đền thờ cầu nguyện, và Chúa Giê-su đã quả quyết rõ ràng: “Ta bảo các ngươi: người này (người thu thuế tội lỗi) ra về được khỏi tội, còn người kia (người biệt phái tự hào tự cho mình công chính) thì không” (x. Lc 18, 14). Câu nói của Chúa Giê-su khiến chúng ta phải suy nghĩ con người của mỗi chúng ta, cũng như nhìn lại thái độ của chúng ta khi chuyện trò, thưa chuyện, nài nỉ, cầu khẩn, cầu nguyện với Chúa, hay trong mối tương quan.
Trước tiên, chúng ta cùng nhau xác tín lại: Thiên Chúa là Đấng thấu suốt tâm can, biết rõ tường tận cuộc đời, nguyện vọng, ưu tư, hoạch định và kể cả những gì chúng ta muốn cầu xin Ngài. Hơn nữa, khi cầu nguyện, chẳng phải chỉ có chúng ta là người nói, mà Thiên Chúa cũng muốn thỏ thẻ, hàn thuyên, chuyện trò, tâm sự với chúng ta nữa. Và Thiên Chúa là Đấng hằng lắng nghe và đáp lại lời cầu khẩn của chúng ta như lời trích Sách Huấn Ca đã chỉ rõ rằng: “Thiên Chúa nhậm lời người áp bức kêu cầu. Người không khinh rẻ kẻ mồ côi khẩn nguyện, cũng không khinh rẻ người goá bụa, khi nó bày tỏ lời than van” (x. Hc 35, 13-14). Lẽ tất nhiên Ngài thương lắng nghe, đoái nhìn hết tất cả mọi người, đặc biệt là những người cô thế cô thân, không chốn tựa nương, bị ruồng bỏ, bị gạt ra bên lề xã hội, những kẻ chẳng được ai đoái hoài, thương đến, v.v…
Dựa trên những điều xác tín trên, chúng ta cần có tâm tư, thái độ, cử chỉ thế nào cho phải đạo? Điều đầu tiên, chúng ta có thể nhận ra được là đừng tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác (x. Lc 18, 9) khi cầu nguyện cũng như trong đời sống, trong mối tương quan với Chúa cũng như với tha nhân. Chúa Giê-su nói rõ điều đó khi Ngài dùng dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay. Con người chúng ta thường có khuynh hướng tự tôn và khinh chê hay xem thường người khác, đặc biệt khi chúng ta có chút tài năng, vinh hoa, chức sắc, quyền lực, thành công, thành quả, v.v…và tệ hại hơn, chiều hướng này không chừa một ai trong bất cứ trạng huống nào, kể cả khi đặt bản thân mình trước Chúa, nghĩa là khi cầu nguyện. Như đoạn Phúc Âm thuật lại, cả hai: người biệt phái và người thu thuế đều lên đền thờ cầu nguyện, cả hai đều làm việc phúc lành, đặt mình trước Chúa và chuyện trò, hàn thuyên, tâm sự, khẩn cầu với Ngài, nhưng thái độ của hai ông khác nhau hoàn toàn. Chẳng phải vì hai ông khác biệt về danh giá, chức tước, địa vị, tiền của, sự thành đạt hay được vị nể, v.v…mà lời đáp trả lại trái ngược nhau như vậy! Chính bởi lẽ vì thái độ, tâm tình của hai ông khác nhau khi cầu nguyện, khi làm việc lành phúc đức, cho nên được đáp trả hoàn toàn khác biệt. Thật sự, lắm lúc chúng ta chẳng muốn rơi vào thái độ tự mãn, tự kiêu, kể lễ, phô trương, so sánh để rồi vô hình dung chê bai người khác như người biệt phái trong dụ ngôn, mà ước muốn có tâm tình tự thú, khiêm hạ, nhìn nhận con người yếu hèn, cần đến lòng thương xót, tha thứ của Thiên Chúa như người thu thuế được đề cập trong Tin Mừng hôm nay. Ước muốn là một chuyện, thực hành lại là một chuyện khác. Có lẽ vô vàn lí do, lời biện giải cho thái độ, hành vi ấy, nhưng thiết nghĩ chúng ta chưa đủ khiêm tốn trước Chúa và anh chị em “…người biệt phái đứng thẳng, thầm nguyện rằng: Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác…” (x. Lc 18, 11)! Chúng ta không chịu xét mình trước khi vội vàng xét đoán anh chị em “…tôi không như người khác: tham lam, bất công, ngoại tình; hay là như tên thu thuế kia…” (x. Lc 18, 11) hoặc chúng ta lấy những thành tích, thành tựu, thành quả, công trạng của mình làm tiêu chuẩn đánh giá người khác “…vì tôi không giống như bao kẻ khác…tôi ăn chay mỗi tuần hai lần và dâng cho Chúa một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi” (x. Lc 18, 12-13). Cho dù chúng ta có thực hiện được những công trạng lớn lao chăng nữa, thì tất cả đều nhờ bởi ơn Chúa mà thôi, như Thánh Phao-lô quả quyết trong thư nhắn nhủ ông Ti-mô-thê “…Chúa đã phù hộ cha và ban sức mạnh cho cha, để nhờ cha mà lời rao giảng được hoàn tất, và tất cả các dân ngoại được nghe” (x. 2Tm 4, 17). Chính vì thế, tâm tình khiêm hạ, thú nhận thật sự con người của mình yếu đuối, khiếm khuyết, cần được cảm thông, đỡ nâng là tối cần thiết trong mọi hoàn cảnh sống như trong cộng đoàn, gia đình, giáo xứ, mối tương quan giữa vợ chồng, con cái, giữa anh chị em với nhau, với những người chung quanh, công sở, trường học, và nhất là đối với Thiên Chúa, vì “ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên” ( Lc 18, 14) Hơn nữa, thái độ khiêm nhường, hành vi khiêm tốn, cử chỉ khiêm nhu đích thực luôn được biểu lộ sống động và tự nhiên, chứ không bị khiên cưỡng hay giả vờ; và người sống khiêm hạ luôn biết giới hạn, cũng như sở trường sở đoản của bản thân, thể hiện đúng lúc, đúng chỗ vì chưng khiêm tốn không thật, không đúng thì sẽ trở nên tự cao.
Điều sau cùng là thái độ khiêm nhu, nhìn nhận mình yếu đuối trước mặt Chúa và anh chị em, sẽ giúp chúng ta bình an, thân thiện, sống thật với bản thân; và trong đời sống hằng ngày, chúng ta ước mong tha thiết mời Chúa đến sống trong ta, để lời Ngài thánh hoá, biến đổi chúng ta. Bởi lẽ, lắm lúc chúng ta không ý thức được việc mình làm, chúng ta muốn Chúa phải lắng nghe, thực hiện những gì chúng ta cầu xin, dám mong Chúa thay đổi theo ý riêng mình, nhưng quên rằng: hãy để ý Chúa được thực hiện và chính Người sẽ chuyển lay tâm hồn, biến đổi chúng ta trở nên hoàn thiện hơn trong mọi phương diện. Dù chỉ một lời đơn sơ, ngắn ngủi nhưng chất chứa cả tấm lòng, tâm tư mà người thu thuế được hoán cải “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội,…người này ra về được nên công chính…” (x. Lc 18, 13-14).
Giờ đây chúng ta cùng nhau quy hướng về Chúa và thầm nguyện cầu:
Lạy Chúa nhân hậu, xót thương
Chẳng hề chê bỏ, khinh thường, rời xa.
Mãi luôn hiền từ thiết tha,
Chờ con quay gót, bao la tình Người.
Chẳng ai mười phân vẹn mười,
Con nay tạ tội, xin Người thứ tha.
Lời ca khiêm hạ ngân nga,
Nép mình bên Chúa, vang xa cõi lòng. Amen.
Lm. Xuân Hy Vọng
*****
TÂM TÌNH CẦU NGUYỆN NHƯ LÒNG CHÚA MONG
Kính thưa cộng đoàn Phụng vụ! Trong đời sống đạo, cầu nguyện chính là hơi thở. Một khi chúng ta ngưng cầu nguyện, thì đồng nghĩa với tình trạng đức tin chai sạn, khô cứng, nguội lạnh, và có khi dẫn đến ‘trút hơi thở cuối cùng’.
Ở một thành phố nhỏ kia có đầy đủ các cơ quan và dịch vụ cần thiết như bệnh viện, trường học, nhà thờ, tòa án, chợ búa, tiệm may, tiệm ăn…, riêng chỉ thiếu là không có thợ sửa đồng hồ. Bởi vậy, đồng hồ lớn nhỏ nào của cư dân tại đây dần dần bị hư hỏng, hoặc chạy sai. Hầu hết, người ta vứt đồng hồ vào tủ, số khác cố gắng tự lau chùi, sửa chữa rồi tiếp tục dùng tạm, mặc dù chúng chạy không chính xác cho lắm.Một ngày kia, người thợ sửa đồng hồ bất chợt ghé qua thành phố, mọi người rất đỗi vui mừng, ai nấy đều mang đồng hồ đến nhờ anh sửa. Tuy nhiên, anh thẳng thắn nói: “Tôi chỉ có thể sửa những chiếc đồng hồ nào còn hoạt động;còn chiếc nào đã ngưng chạy từ lâu thì tôi không sửa nỗi vì chúng rỉ sét hết rồi”.
Rõ ràng, cầu nguyện chính là hành động giữ cho đồng hồ đời sống ta hoạt động, giữ cho đồng hồ đức tin luôn luôn sống động. Hơn nữa, khi cầu nguyện, chúng ta cần mặc lấy một thái độ khiêm cung, tự hạ, nhìn nhận bản thân là con người tội lỗi đang tha thiết cần đến sự thương xót, đoái trông của Thiên Chúa. Vì chưng, “lời cầu nguyện của kẻ khiêm nhường vọng lên tới các tầng mây: nó sẽ không yên lòng cho đến khi lời nguyện nó đến nơi, và nó chẳng rút lui cho đến khi Ðấng Tối Cao đoái nhìn” (Hc 35, 17). Chúa ưa thích tấm lòng khiêm nhu, lời nguyện cầu đơn sơ, những ai tín thác vào Ngài; chứ Ngài chẳng ưng những kẻ khoa trương, đặt mình làm tiêu chuẩn nhằm đánh giá kẻ khác, tự tôn là người công chính và khinh khi tha nhân như người Biệt phái trong đoạn Tin Mừng hôm nay. Y bắt đầu cầu nguyện với tâm tình tạ ơn Chúa, nhưng không phải biết ơn Ngài đã thương ban cho y bao nhiêu ơn lành, mà với thái độ ‘muốn lôi kéo Chúa đồng tình với mình’ và kể công ‘múa mép’: “Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi” (Lc 18, 11-12). Tất cả những việc lành của người Biệt phái này hoàn toàn tốt đẹp, nhưng nó sẽ mất ơn phúc nếu chỉ dựa vào đó mà kể công, kể lể, và tự tôn, coi tha nhân không ra gì!
Ngược lại, thái độ và tâm thế cầu nguyện của người thu thuế đáng cho chúng ta học hỏi: “Người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực và nguyện rằng: ‘Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội’” (Lc 18, 13). Quả thật, chẳng ai trong chúng ta là người công chính trước mặt Chúa cả. Tội lỗi không ít thì nhiều, không bé thì to, không nhẹ thì nặng. Vì vậy, thái độ tự khiêm tự hạ, nhìn nhận tội lỗi mình, kêu cầu Chúa xót thương và tha thứ là điều không thể thiếu. Mẹ Thánh Tê-rê-sa miền Cal-cút-ta xác tín: “Hoa trái của cầu nguyện là đức tin. Hoa trái của đức tin là tình yêu. Hoa trái của tình yêu là phục vụ. Và hoa trái của phục vụ là bình an”. Nhờ đời sống cầu nguyện thâm sâu, mà biết bao nhiêu người Công Giáo ra khỏi ‘chăn ấm nệm êm’, rời khỏi ‘tiện nghi cuộc sống’, dám ra đi nhiệt thành làm việc bác ái, sống chia san với anh chị em khác. Như lời bộc bạch của Thánh Phao-lô với ông Ti-mô-thê: “Cha đã chiến đấu trong trận chiến chính nghĩa, đã chạy đến cùng đường và đã giữ vững đức tin” (2Tm 4, 7). Thánh nhân can đảm sống trọn chặng hành trình cuộc đời đầy chông gai, thử thách; nhưng ngài vẫn một lòng cậy trông, tín thác vào Đức Giê-su Ki-tô - kim chỉ nam đời ngài.
Ước gì mỗi khi cầu nguyện, chúng ta thấm nhuần tâm tình tự khiêm tự hạ, thái độ khiêm nhường, mặc lấy tâm tình tạ ơn chân thành, để rồi lời khẩn cầu của chúng ta như hương trầm bay toả lên trước thiên nhan Chúa, và cũng nhờ đời sống cầu nguyện, chúng ta trở nên người phục vụ đầy nhiệt huyết.
Lời cầu khẩn con dâng
Tựa áng trầm hương bay
Lên trước thiên nhan Chúa
Lòng tràn đầy hoan hỷ
Kính tiến và tạ ơn.
Cho con lòng yêu mến
Dẫu bao phen trăm chiều
Đời nguyện cầu tha thiết
Sống bác ái thứ tha
Phục vụ và sẻ chia. Amen!
Lm. Xuân Hy Vọng
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: