Số 71: Phương pháp ngược
Số 71: Thức Ăn Nhanh cho Tâm Hồn (The Fast Food for The Soul)
by Fr. Quảng Trần, C.Ss.R., on Monday, September 21, 2015.
“Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9: 35)
PHƯƠNG PHÁP NGƯỢC
Phương pháp rất quan trọng trên con đường thành công. Có thể nói là yếu tố quyết định. Nếu phương pháp đúng sẽ dẫn ta tới đích mình mong muốn; và cũng thế, nếu phương pháp sai thì sẽ dẫn ta càng ngày càng xa mục đích, xa điều mình mong muốn. Phương pháp là chìa khóa để thành công!
Trong cuộc sống hay trong học tập nghiên cứu, khi ta đi tìm kiếm để đạt được cái gì theo lẽ bình thường, lẽ tự nhiện của sự kiện, của vấn đề thì người ta gọi đó là Phương Pháp Thuận. Nhưng trớ trêu thay, có nhiều thứ trên đời ta không thể dùng phương pháp thuận để chứng minh, để đạt được mục đích, đạt được điều mình mong muốn. Khi đó ta lại phải dùng phương pháp đảo nghịch hay thường gọi là Phương Pháp Ngược. Cùng thử suy nghĩ vài trường hợp về phương pháp ta vẫn hãy sử dụng trong cuộc sống mà ta không để ý.
Sống ở trên đời khát vọng sâu xa nhất của chúng ta là đi tìm HẠNH PHÚC CHO MÌNH. Mục đích này hoàn toàn đúng, và đúng với ý định tạo dựng của Thiên Chúa. Để có hạnh phúc cho mình, một lẽ tự nhiên (phương pháp thuận) ta phải đi tìm để sở hữu những thứ mang lại hạnh phúc cho mình. Thế nên chúng ta nghĩ ngay đến việc phải sở hữu cho mình nhiều thứ trong tay: như quyền bính, tiền bạc… Đến lúc đó, ta dùng những thứ mình sở hữu được để điều khiển, để chi phối người khác phục vụ cho hạnh phúc của chúng ta. Tuy nhiên, HẠNH PHÚC không đến với chúng ta khi chúng ta dùng phương pháp thuận thì phải??? Hạnh phúc đích thực không đến từ sở hữu, mà đến từ sự trao ban, đến từ sự cho đi. Quyền bính đích thực không đến từ RA LỆNH, mà đến từ PHỤC VỤ. “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9: 35)
Trong học tập, thông thường ta nghĩ đi học là để ĐÓN NHẬN (phương pháp thuận) từ thầy giáo, từ sách vở (giáo trình). Có thể điều này đúng, nhưng không đủ!
Ở VIỆT NAM, nhiều bậc phụ huynh mỗi khi con đi học về thường hỏi: hôm nay con làm bài được mấy điểm? Nếu con được điểm cao thì phụ huynh vui mừng (còn ra phần thưởng để con đạt được điểm cao), và nếu con điểm thấp thì phụ huynh tìm cách khắc phục. Điều này cần nhưng chưa đủ. Việc học như thế đơn thuần chỉ là đón nhận kiến thức (mãi mãi là người đi ăn xin, mãi là người làm theo sự đòi hỏi, hướng dẫn của người khác, người đi làm công suốt đời).
Ở một số nước PHƯƠNG TÂY, nhiều phụ huynh khi con đi học về thường hỏi: hôm nay cô giáo có quan tâm tới con không? Hôm nay các bạn ở trường đối xử với con thế nào? Việc học không dừng lại ở việc đơn thuần tìm kiếm sự hiểu biết, mà vươn tới mức tương quan trong cuộc sống.
Ở NHẬT, nhiều phụ huynh mỗi khi con đi học về thường hỏi: hôm nay con đi học phát biểu được mấy lần. Học ở đây không dừng lại ở đón nhận hay sự quan tâm nữa, mà là đã đóng góp gì cho lớp học (phương pháp ngược).
Cùng suy nghĩ và hành động theo lời kinh Hòa Bình (Phương Pháp Ngược) của Thánh Phanxicô Assisi: Lạy Chúa xin hãy dạy con, tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu. Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân.
[Trong nghiên cứu triết học, các giáo sư thường nói với sinh viên rằng khi biết đặt vấn đề, biết đặt câu hỏi thì coi như đã có câu trả lời rồi. Bởi khi bạn biết đặt câu hỏi là bạn đã biết hướng đi, đã biết khởi đầu. Câu trả lời chỉ đến khi có câu hỏi. Hay nói đúng hơn, câu trả lời là kết quả của câu hỏi. ]
- Loại bài viết: