Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Tiếc cho em

Tác giả: 
Lm Hương Quất

 

 

TIẾC CHO EM...

 

Em khá đứng tuổi vào Nhà xứ làm thủ tục Hôn phối, diện Chuẩn khác Đạo (CKĐ).

 

Em mới có chứng nhận học Giáo lý Hôn nhân, thiếu chứng nhận học Giáo lý Dự tòng.

 

(Với trường hợp Hôn nhân CKĐ chứng nhận học Giáo lý Dự Tòng (căn bản Giáo lý Đức Tin Đạo Công giáo) quan trọng hơn, không thể ...du di)

 

Tớ khái quát: Hôn nhân CKĐ, thuộc quyền Đức Cha giáo phận, nhiệm vụ của Linh mục Chánh xứ tìm hiểu, làm hồ sơ, xong, đôi Ban trực tiếp lên Toà Giám mục gặp Ban Tư Pháp được Đức Cha uỷ quyền giải quyết...

 

Tớ hỏi lý do Em không theo Đạo ?

 

- Vấn đề riêng của con, con xin phép không nói ?.

 

 - Đây là vấn đề quan trọng. tôi không ép buộc. Anh không cho biết mai một hoàn thành hồ sơ, đưa lên Toà Giám mục, Cha phụ trách cũng sẽ hỏi. Anh không cho biết, tôi có thể du di, nhưng trong tờ Giới thiệu, tôi sẽ trình bày như anh trình bày.

 

- Anh thấy Đạo Công giáo thế nào ?

 

Đại khái Em nói: Dạy người ta sống tốt, yêu thương nhau, sống có trách nhiệm và chịu trách nhiệm... Và chẳng phải Đạo Công giáo, Em cũng thấy những điều dạy sống tốt đẹp ấy, Đạo nào cũng có, đặc biệt Phật giáo.

 

Rồi Em đưa ra liên hoành câu hỏi:

 

Không theo Đạo tại sao phải bắt học Giáo lý ?

 

Đạo nào cũng dạy sống tốt, lấy vợ phải yêu thương vợ con và cha mẹ cũng dạy như thế, đâu phải học giáo lý mới biết ?...

 

Tớ dành nhiều tiếng buổi sáng để lắng nghe, trao đổi...

 

Có vẻ Em và tớ … hợp gu, đến độ tớ mang nước nóng, bịch cafe uống liền mời Em uống để thêm hứng thú trò chuyện, trao đổi.

 

Vấn đề trao đổi còn mở rộng nhiều khía cạnh, kể cả vòng vo để sáng vấn đề, kể cả đi sâu hơn chút về một số khía cạnh 'triết học' Đông- Tây Kim cổ, đặc biệt Phật giáo....

 

(Tránh dài dòng, nhiều vấn đề trao đổi, tớ xin phép chia sẻ dần trong các vụn vặt khác)

Riêng vụn vặt này, chú hơn chú ý hơn ‘tường thuật’ sự kiện.

 

- Riêng Hôn nhân, Anh đã học xong, Anh thấy làm sao?- Thì cũng dạy như cha mẹ dạy con: Yêu thương- tôn trọng vợ con...

 

Tớ hài hước:

 

- Nếu chỉ có thế, tự nhiên tớ đặt vấn đề học Giáo lý Hôn nhân của Anh có lỗ hổng đấy ?

Anh im lặng!...

 

Qua học Giáo lý, ta biết mạc khải của Thiên Chúa: Hôn nhân không đơn giản chuyện trai gái đến với nhau, sinh sản để duy trì và phát triển nòi giống mà còn khám phá đấy là một Ơn Gọi, xuất phát từ ý định của Thiên Chúa, nằm trong chương trình Cứu độ của Ngài... Khi ta khám phá Hôn nhân thiêng thánh, cao quý thế thì ta sẽ thấy trân quý, bảo dưỡng ơn gọi Hôn nhân của mình hơn, nhờ đó xây dựng được gia đình thành mái ấm, thuỷ chung yêu thương dẫu cuộc sống gặp nhiều sóng gió....

 

Tớ chuyển qua vấn đề Đạo hiếu- biết ơn Cha Mẹ. Dân tộc nào cũng có Thảo hiếu- biết ơn Cha Mẹ, cách riêng dân tộc Ta, còn coi như Đạo hiếu... Nhưng nhờ học Giáo lý ta biết Đạo hiếu không chỉ đơn giản trên bình diện con người, từ trải nghiệm con người mà còn là Thánh ý Chúa, Luật Chúa, lại là Luật quan trọng hàng đầu trong các bổn phận giữa người với người (Thập giới, đứng đầu trên Bia đá thứ hai ghi Bảy điều trong tương quan với tha nhân...) …

 

Như thế, nhờ biết Luật Chúa, ta biết trân quý công ơn Cha Mẹ hơn, biết cách sống Thảo hiếu đúng hơn, giá trị hơn khi các ngài còn sống hay qua đời.

 

(Kể truyện phong tục thổ dân nào đó: Hiếu thảo cha mẹ già bằng cách đưa các ngài lên cây,con cái rung cây... Nếu các cụ không rớt, ý Trời để sống thì con cái tiếp tục đem về dưỡng nuôi; trái lại nếu rớt té... Hoặc cha mẹ chết, con cái tróc thịt cha mẹ ăn như cách tỏ lòng thảo hiếu... Như thế, theo trải nghiệm nhân sinh, từ văn hoá phong tục vẫn có thể sống Thảo hiếu chưa đúng, kể cả sai lầm, mà ta coi là dã man...)

 

Bất ngờ tớ xoay qua cục đá kê muối dưa bao năm, sau phát hiện Ngọc thạch ở miền Bắc; hoặc cục đá xấu xí kê cửa bao năm ở nước nào đó, sau phát hiện Thiên thạch...

 

- Khi phát hiện cục đá có giá trị cao quý, giả xử là Anh, Anh có tiếp tục coi nó như cục đá để muối dưa, để kê cửa không?

 

Em trả lời, đương nhiên phái đối xử khác hẳn, phải cất giữ như bảo bối, bảo vệ như một tài sản lơn...

 

- Đấy là lý do ta học Giáo lý- tìm hiểu mặc khải Lời Chúa. Một việc bình thường nhưng nhờ Giáo lý ta khám phá được điều cao quý, thiêng liêng ẩn trong lớp bình thường ấy... Nhờ hiểu biết Đạo Bạn đời mình, ta tôn trọng hơn việc Bạn mình sống Đức Tin, dễ dàng cho con theo Đạo vợ....

 

- Đạo đều hướng đến mục đích sống tốt, có nhiều cách đạt mục đích đâu phải buộc theo Đạo. Con ví dụ: Bây giờ mục đích đến Nhà thờ Đức Bà Tp.HCM, có nhiều con đường đếnđó: đi đường lộ, cao tốc, đường hàng không... Với con, chọn đi cao tốc.

 

- Đúng, nhưng Anh phải chọn con đường nào tốt nhất, an toàn nhất để đi...

 

- Ý cha muốn nói, Đạo cha là tốt nhất...

 

- Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong lần trả lời báo chí có nói: Mỗi một con người là một con đường đưa đến Chúa...

 

Con người được dựng nên giống Hình ảnh Thiên Chúa, Ngài ghi khắc trong Lương tâm tự nhiên dẫn ta hướng Thượng- đến Cứu cánh giải thoát, khao khát Chân- Thiện- Mỹ… Tôi không đứng trong nhãn quan tôn giáo này để chê tôn giáo khác.

 

Quay trở lại ví dụ con đường, anh cho cao tốc tốt nhất bởi anh có xe hơi; tôi công nhận điều đó nhưng không chọn vì tôi không có xe hơi, tôi chỉ có xe máy thì sao chạy cao tốc được. Theo Đạo cũng thế, không phải thấy tốt muốn là theo được đâu, Anh phải có khả năng tương thích, phải có sự cố gắng. Nói theo nhà Phật: Khả năng giác ngộ. Mình giác ngộ đến đâu thì tiếp nhận đến đó...

 

Nói thật với Anh, theo Đạo Chúa, chẳng ai tự hào mình sống tốt- sống Thánh Thiện được nếu không có ơn Chúa giúp, nếu không biết cộng tác Ơn Chúa... Nhờ ơn Chúa, mọi người đều có thể sống tốt được Đạo,  mà ơn Chúa luôn đủ cho ta…

 

Thấy Em có vẻ thích Đạo Phật, thích Luân hồi nghiệp báo, ít nhiều có nét 'chân tu' Phật tử… Tớ dành nhiều thời gian hơn…

 

Cuối cùng Em ‘thú nhận’ lý do không theo Đạo, dù có em gái lấy chồng theo Đạo (lấy người bạn thân bên Đạo của Em): Em gắn bó với Đạo Phật, Em cảm thấy xung khắc với Đạo Phật khi theo Đạo…

 

(Xin triển khai ở vụn vặt riêng khác)…

 

Nhìn chung Em hài lòng những trao đổi, cách lý giải vấn đề …

 

Em để nơi tớ ấn tượng tốt: Biết suy tư, lý luận, sống có chiều sâu, vững lập trường, có nghị lực, thẳng thắn… dù xem ra em còn bảo thủ, cứng nhắc....

 

Theo tớ, cái khó nhất đối với Em và cũng là với tớ: Đấy là vượt qua chính mình!

 

Chỉ khi biết vượt qua- vượt trên chính mình ta mới vươn tiếp những tầm cao hơn, thấy cuộc đời đẹp hơn, thông thoáng hơn, tự do hơn…

 

Nếu ta cứ mãi tầm nhân loại, giới hạn nơi chính mình thì cuộc đời dễ tù túng, luẩn quẩn,bế tắc… Đấy là cách thức Thầy Giêsu đòi hỏi người người Môn đệ: Bỏ mình vác Thập giá mình mỗi ngày mà theo Thầy.

 

Theo Thầy Giêsu là mỗi ngày mỗi nên giống Thầy trong tư tưởng, lời nói, việc làm; Là Sám hối và Tin vào Tin Mừng.

 

Hoặc cách Gioan Tiền hô đã sống: Người (Chúa Giêsu) phải Lớn lên, còn tôi phải Nhỏ lại (Ga 3,30).

 

(Khi Ếch vượt qua đáy giếng, vượt qua chính mình, vượt qua những manh mún thế giới đáy giếng thì mới khám phá Sự Thật thế giới bao la đẹp đẽ[1]…)

 

2. Kết Luận nhanh:

 

Tớ đề nghị và sẽ giới thiệu Em học Giáo lý Công giáo (Dự Tòng) để đủ điều kiện, sau đó sẽ tiến hành nộp hồ sơ gởi Toà Giám mục xem xét.

 

Em không đồng ý!

 

Và nói: Có người nhà (chú bác ruột gì đó) đang bệnh nặng, cần cưới gấp, nếu Đạo khó khăn không cần Chuẩn nữa, Em đã có quyết định rồi…

 

Em cho biết đã đăng ký kết hôn phần đời!

 

- Tôi cần nói rõ, tôi không gây khó khăn gì cho Anh. Anh chưa đủ điều kiện tối thiểu, thì chưa thể tiến hành thủ tục, đơn giản thế thôi. Khi Anh đủ điều kiện, tôi không chịu làm thì mới nói gây khó khăn.

 

Em… thả một câu:

 

- Thầy T. (thầy Dòng dạy giáo lý Hôn nhân, nv) bảo con đủ điều kiện…Thầy còn nói đùa: Nếu mà bên Đạo gây khó khăn, nói con…bỏ Đạo luôn.

 

Rồi Em xin phép rút đi, phản ứng khá nhanh!

 

Tiếc, tớ chưa kịp nói: ‘Việc nói ‘bỏ Đạo’, tôi chỉ nghe Anh nói. Lẽ thường, một người Công giáo đạo đức bình thường chẳng ai nói điều đó; lại ông Thầy dòng dạy Đạo, càng không thể nói điều ấy, nhất là xúi bên có Đạo bỏ Đạo, dù chỉ nói đùa’

 

Em đi, nhưng Bạn gái Em, Dân Thánh Giáo xứ có lẽ bất ngờ trước phản ứng và ‘kết quả’, còn ngồi lại…

 

Và dường như có ngấn lệ muốn trực trào

 

Tớ nói với Bạn Em:

 

- Em trực tiếp chứng kiến cuộc trao đổi, chân tình, sôi động... Không ai gây khó khăn, chỉ là vấn đề chưa hội đủ điều kiện… Việc hôn phối do Em quyết định. Em cần Cầu nguyện thêm và xin ơn Chúa trợ giúp.

 

Và tớ kể nhanh câu chuyện có thật về ‘Con Gái Nhà Đức Chúa Trời’ ở Giáo xứ ĐQ, cũng diện CKĐ.

 

Sau khi vượt qua nhiều thử thách, cuối cùng cha mẹ bên Đạo đồng ý cho lấy, diện CKKĐ.

 

Với diện Hôn nhân CKĐ, bên khác Đạo phải cam kết tôn trọng- để tự do bên Đạo sống Đức tin; con cái theo Đạo.

 

Trước mặt Cha đại diện Ban tư pháp, Anh đều cam kết dễ dàng, ngọt xớt…

 

Nhưng bước ra phòng, trên đoạn đường chung bộ ra lấy xe, lại nói khác:

 

- Anh Cam kết cam kết vậy thôi, chứ mai một lấy em rồi sẽ tính khác…

 

Con Gái nhà Đức Chúa Trời liền tuyên bố chia tay, cương quyết chia tay.

 

Bất ngờ trước phản ứng mạnh mẽ của Bạn gái. Anh năn nỉ ỉôi, nói chỉ là câu nói đùa thôi…

 

Con Gái nhà Đức Chúa Trời lại nghĩ theo nguyên lý ‘mặt nổi tảng băng’,

 

Bởi câu nói trong lúc nói đùa, nói vui, nói bộc trực, ngay cả lúc say rượu… lại là câu nói thật con người nhất, thấy rõ hơn bản chất- bản tính nhất của đương sự.…

Tiếc cho Em (bên Đạo), đến giây phút cuối 99 thì…bể trận!

Em cũng cũng‘đấm ngực’: 

- Đúng ra con phải gặp Cha để biết điều kiện việc học Giáo lý Dự tòng.

Tớ chỉ biết dâng Em cho Chúa!

 

Lm. Đaminh Hương Quất

 

[1] X. Dụ Ngôn: ‘Ếch Vượt Đáy Giếng’, Ếch vượt đáy giếng! (conggiao.info)