Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Phải chăng tôi cũng là “ngôi sao” chỉ đường?

Phải chăng tôi cũng là “ngôi sao” chỉ đường?

(Suy niệm lễ Chúa Hiển Linh)

 

Ngôi sao dẫn đường cho các nhà chiêm tinh hôm nay nói lên điều gì với mỗi chúng ta vậy? Một mặt, nói lên tầm quan trọng của việc dẫn đường của “Ngôi Sao Giê-su”, mặt khác, nói lên ơn cứu độ phổ quát của Thiên Chúa dành cho mọi người mà không phân biệt, cụ thể Hài Nhi Giê-su đã hiển linh hay tỏ ra cho các nhà chiêm tinh, đại diện cho mọi dân mọi nước. Thông qua ‘ngôi sao’ dẫn đường cho các nhà chiêm tinh hôm nay, tôi và mọi người được mời gọi hãy trở nên ‘ngôi sao dẫn lối’ hay ‘là người dẫn đường’ cho người khác đến với Chúa, đến với đạo Công Giáo. Nói đến ngôi sao là nói đến sự toả sáng và chỉ lối để người khác nhận biết. Nói đến ngôi sao là nói đến trung tâm điểm để người khác để ý và vai trò đặc biệt của nó. Ví dụ: ngôi sao bóng đá, ngôi sao ca nhạc, ngôi sao điện ảnh, ngôi sao của trường học,…Nhưng ‘ngôi sao’ trong Tin mừng không phải là trung tâm điểm mà chỉ là trung gian dẫn lối cho các vua. Nó làm nhiệm vụ để giúp người khác đến với Hài Nhi Giê-su, Trung Tâm Điểm của vũ trụ. Hình ảnh ngôi sao này tượng trung hình ảnh mỗi ki-tô hữu phải trở nên ngôi sao dẫn người khác biết về Chúa hay đến với Chúa cũng như giới thiệu Chúa cho người khác.

 

Chuyện kể rằng: Sư Cô Wu Jincang hỏi Lục Tổ Huệ Năng (Huineng), “Con đã nghiên cứu Kinh Đại Bát Niết Bàn trong nhiều năm, tuy nhiên, có nhiều lãnh vực con vẫn chưa hiểu hoàn toàn. Xin Thầy hãy soi sáng cho con.”

Lục Tổ trả lời, “Thầy không biết đọc chữ. Con hãy đọc bài kinh đó cho Thầy nghe, và nếu may mắn, Thầy có thể giải thích ý nghĩa bài kinh cho con hiểu.”

Sư cô trả lời, “Thầy còn không biết đánh vần, thế thì, Thầy làm sao hiểu được ý nghĩa của bài kinh?”

“Sự thật không liên hệ gì đến các từ ngữ. Sự thật giống như là mặt trăng chiếu sáng trên bầu trời. Trong trường hợp nầy, các từ ngữ được xem như là ngón tay. Ngón tay có thể chỉ vào vị trí của mặt trăng. Tuy nhiên, ngón tay không phải là mặt trăng. Khi con muốn nhìn thấy mặt trăng, con cần phải nhìn xa hơn là ngón tay, có đúng không?”

 

Ngón tay chỉ mặt trăng hay ngôi sao dẫn đường được hiểu thế nào đây? Ngón tay hay ngôi sao không là đích đến nhưng là dụng cụ hay phương tiện giúp người khác biết đường hay mặt trăng. Nói khác đi, ngón tay hay ngôi sao giống như chiếc thang hoặc chiếc thuyền giúp người ta trèo lên chỗ cần hoặc đưa người ta qua sông mới là đích đến. Trong Tin mừng hôm nay, ngôi sao lạ đã dẫn lối cho các nhà chiêm tinh đến gặp Hài Nhi Giê-su, Ngài là Vua. Cái đích chính là Hài Nhi Giê-su, Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể, là Đấng Cứu Thế chứ không phải ngôi sao. Ngôi sao chỉ làm vai trò dẫn đường chứ không là Đấng Cứu Chuộc.

 

Quả thật, Giê-su vừa là Ngôi Sao Đích Thực, là Vầng Sáng xua tan mọi bóng tối, là Ánh Sáng chiếu soi khắp mọi miền mọi nước, vừa là Ngôi Sao dẫn chúng ta đến với Chúa Cha. Điều này Đức Giê-su là luôn luôn khẳng định: ‘Ta là’. “Chính Thầy con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy”. (Ga 14, 6);Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống”(Ga 8,12); “Ta là bánh của sự sống; ai đến cùng Ta chẳng hề đói, và ai tin Ta chẳng hề khát”(Ga 6, 33-35)…Ngài đích thật là Thiên Chúa ở cùng nhân loại để cứu độ con người. Nhưng Ngài cũng là Trung Gian đích thực và duy nhất để nối kết đất với trời, nối kết con người với Thiên Chúa. Ngài là đường để mọi người đến với Chúa Cha. Ngang qua Lời giảng dạy và các phép lạ, Đức Giê-su muốn quy tụ mọi dân mọi nước, nhất là các hoàn cảnh nghèo nàn, bệnh hoạn tật nguyện về với Thiên Chúa duy nhất để được hưởng kiến ơn cứu độ. Đức Ki-tô là vinh quang của Israel và là ánh sáng cho muôn dân. Ngài không chỉ đến cho dân riêng của Ngài là Israel, là dân Do Thái, nhưng Ngài đến để cho muôn người được hưởng ơn cứu độ. Ơn cứu độ phổ quát nơi Ngài được thể hiện rõ khi “ngôi sao Hài Nhi” chỉ đường cho 3 Vua đại diện cho các dân tộc khác nhau. “Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, trong đời vua Hêrôđê, có mấy nhà đạo sĩ từ Ðông phương tìm đến Giê-rusalem. Các ông nói: “Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Ðông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người”. Nghe nói thế, vua Hêrôđê bối rối, và tất cả Giêrusalem cùng với nhà vua. Vua đã triệu tập tất cả các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Ðức Kitô sinh hạ. Họ tâu nhà vua rằng: “Tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, vì đó là lời do Ðấng Tiên tri đã chép: Cả ngươi nữa, hỡi Bêlem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta”. (Mt 2, 1-6). Trong khi các nhà chiêm tinh được hiển linh, được tỏ rõ sự ra đời của Hài Nhi Giê-su, thì những người được học hành, nghiên cứu và có truyền thống như các thượng tế và kinh sư lại thờ ơ và không nhận ra sự hiện diện của Hài Nhi. Có người còn tìm cách tiêu diệt Hài Nhi Giê-su khi mới nghe nói đến Danh Ngài như Vua Hê-rô-đê. Có thể nói, trong trạng huống này, chính các nhà chiêm tinh lại đóng vai trò ngôi sao chỉ lối, chỉ đường cho Dân Thành Giê-ru-sa-lem, cho các Thượng tế và Kinh sư cũng như cho Vua Hê-rô-đê.

 

Phần chúng ta, là những người đã lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, chúng ta cũng được mời gọi phải nói về Chúa, giới thiệu về Chúa, làm chứng về Chúa cho tha nhân. Chúng ta chỉ là ngón tay chỉ về Chúa cho tha nhân, nhưng ngón tay đó cũng phải lành lặn, phải tinh sạch, phải đứng đắn. Như thế, chúng ta mới thật sự đóng vai trò của ngôi sao chỉ đường cho người khác được. Tuy nhiên, làm sao chúng ta trở thành ngôi sao chỉ đường nếu chúng ta chưa thật sự tốt và thật sự xứng đáng? Phải chăng lời dạy của Thánh Phaolô Tông đồ sau đây như phần nào hướng dẫn chúng ta muốn trở thành người chỉ đường, người làm chứng thì phải làm thế nào? Anh em hãy giết chết những gì thuộc về hạ giới trong con người anh em : ấy là gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam ; mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng….,hãy từ bỏ tất cả những cái đó : nào là giận dữ, nóng nảy, độc ác, nào là thoá mạ, ăn nói thô tục. Anh em đừng nói dối nhau, vì anh em đã cởi bỏ con người cũ với những hành vi của nó rồi, và anh em đã mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá, để được ơn thông hiểu…. Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái : đó là mối dây liên kết tuyệt hảo.” (x. Cl 3, 5-14).

 

Thật vậy, như ngôi sao lạ hôm nay đã dẫn đường cho các nhà chiêm tinh đến gặp gỡ Hài Nhi Giê-su, Vua muôn vua, Chúa các chúa, chúng ta cũng được mời gọi trở nên những ánh sao dẫn đường cho bao người chưa nhận biết Chúa bằng những hành động - cử chỉ yêu thương và bác ái hầu giúp họ đụng chạm được Chúa nơi toàn bộ đời sống của chúng ta. Tuy nhiên, để trở nên ánh sao sáng dẫn đường, tiên vàn chúng ta phải chạy đến với Chúa để đổ tràn dầu của Lời Chúa, dầu của các Bí tích, nhất là Bí tích Giao Hoà và Bí tích Thánh Thể để đủ sáng, đủ sức sống và nhiệt huyết tông đồ nhằm lên đường cách hăng say mang Chúa đến cho mọi người ở mọi nơi và mọi lúc.

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương