Điều gì đã thôi thúc Chúa Giêsu phục vụ Cha ngài?
Điều gì đã thôi thúc Chúa Giêsu phục vụ Cha ngài?
The Word Among Us – Lai Thế Lãng chuyển ngữ
Bạn nghĩ lần đầu tiên Chúa Giêsu nói trong Kinh Thánh là khi nào? Có phải là ở phần mở đầu của Tin Mừng Gioan, khi Ngài hỏi hai môn đệ của Gioan Tẩy Giả: “Các anh tìm gì?” (1:38). Hoặc có thể đó là lời Ngài nói với Gioan Tẩy Giả khi ông cố gắng ngăn cản Ngài chịu phép rửa: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính.” (Mt 3:15).
Có lẽ. Nhưng nếu bạn nhìn vào dòng thời gian của cuộc đời Ngài, câu trả lời sẽ đến từ khi Chúa Giêsu mới 12 tuổi. Đức Maria và Thánh Giuse đã để lạc Ngài trong chuyến hành hương đến Giêrusalem và tìm thấy Ngài trong Đền thờ sau ba ngày tìm kiếm. “Sao cha mẹ lại tìm con?” Ngài hỏi họ. “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2:49).
Từ lúc đó cho đến ngày được rước lên trời, Chúa Giêsu đã sống những lời này. Trong suốt cuộc đời của Ngài, Ngài đã cống hiến hết mình để “ở trong nhà của Cha mình” hoặc là “về công việc của Cha Ngài”.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ tập trung vào niềm xác tín của Chúa Giêsu rằng Ngài phải sống cho Cha Ngài.
Bắt buộc nhưng tự do. “Tom, cậu phải làm bài tập ở nhà đi!” “Katie, em cần phải để báo cáo bán hàng đó trên bàn của anh vào sáng mai.” Cả hai điều này nghe có vẻ không hấp dẫn lắm phải không? Chúng ta thường không thích bị bảo phải làm gì. Nó nghe có vẻ đe dọa hoặc gay gắt.
Vì vậy, khi chúng ta nghe Chúa Giêsu nói “Con phải ở trong nhà của Cha con”, có vẻ như Ngài không có nhiều sự lựa chọn. Nhưng làm sao có thể được, vì Ngài là Thiên Chúa? Làm sao Chúa Giêsu có thể cảm thấy bị ép buộc? Chẳng phải Ngài, hơn bất kỳ ai trong chúng ta, có quyền tự do làm bất cứ điều gì Ngài muốn làm hay sao?
Một mặt, Chúa Giêsu hoàn toàn tự do. Không có mối đe dọa trừng phạt hay hậu quả khắc nghiệt nào treo lơ lửng trên đầu Ngài nếu Ngài chọn con đường khác. Nhưng mặt khác, Chúa Giêsu sống với ý thức hàng ngày phải làm theo điều Cha Ngài muốn nơi Ngài. Sự ép buộc không đến từ nguồn bên ngoài, như người giám sát ở nơi làm việc hay cha mẹ đối với con cái. Đức Chúa Cha không ép buộc Con Ngài phải vâng phục. Đúng hơn, sự ép buộc là ở bên trong. Có điều gì đó bên trong Chúa Giêsu thôi thúc Ngài dâng hiến cuộc đời mình cho Chúa Cha, vâng theo ý muốn của Chúa Cha và đi theo con đường Chúa Cha đã vạch ra cho Ngài.
Bị ép buộc bởi tình yêu. Sự thôi thúc bên trong đó đến từ đâu? Nó đến từ tình yêu. Ngay cả khi còn ở trần gian, Chúa Giêsu vẫn là một với Chúa Cha và sự kết hợp đó là sự kết hợp của tình yêu. Từ trước khi tạo thành, Chúa Cha đã tuôn đổ tình yêu của mình vào Con của Người và Con của Người đã đáp lại tình yêu đó cho Chúa Cha. Vì Chúa Giêsu yêu mến Chúa Cha một cách sâu sắc và hoàn hảo nên những ước muốn của Chúa Cha cũng trở thành những ước muốn của Ngài. Ý muốn của Cha Ngài đã trở thành niềm vui thích của Ngài, một “luật lệ” làm lay động lòng Ngài (Tv 40:9). Ngay cả ngày nay, đôi mắt của Chúa Giêsu vẫn hướng về Chúa Cha khi Ngài không ngừng tìm cách chia sẻ tình yêu của Thiên Chúa với tất cả những ai đến với Ngài.
Đây chính là tình yêu đã thôi thúc Chúa Giêsu vào Đền Thờ ngày hôm đó khi Ngài mới 12 tuổi. Đó chính là tình yêu đã thôi thúc Ngài mỗi ngày trong cuộc đời. Ngay cả khi mệt mỏi hay kiệt sức, Ngài vẫn không bao giờ mệt mỏi làm theo ý muốn của Cha Ngài. Chúa Giêsu cũng không bao giờ mệt mỏi tìm kiếm sự hiện diện của Chúa Cha. Kinh thánh cho chúng ta biết rằng đôi khi Ngài trốn khỏi các môn đệ để có thể cầu nguyện thâu đêm (Lc 6:12). Trước khi thực hiện phép lạ, Ngài đã dâng lời cầu nguyện lên Cha Ngài (Ga 11:41-42; Mt 14:19; Mc 7:33-34). Và tất nhiên, trước khi đối mặt với cái chết của chính mình trên thập giá, Chúa Giêsu đã trút bầu tâm sự với Chúa Cha và cầu nguyện: “Không theo ý Con mà theo ý Cha” (Mt 26:39).
Tình yêu của Chúa Giêsu dành cho Chúa Cha mãi mãi tràn đến chúng ta. Trên thực tế, Ngài cũng tận tâm với chúng ta như đối với Cha Ngài. Cũng như tình yêu của Ngài buộc Ngài phải làm theo ý muốn của Chúa Cha, nó cũng buộc Ngài không muốn gì khác ngoài vẻ đẹp và sự tốt lành của ý Chúa Cha dành cho chúng ta. Ngài chỉ muốn điều tốt nhất cho chúng ta.
Mong muốn chăm sóc chúng ta theo ý muốn của Cha Ngài là động lực thúc đẩy mọi phép lạ mà Chúa Giêsu từng thực hiện. Đó là nguồn gốc của mọi lời Ngài từng nói, từ Bài giảng trên núi cho đến tiếng kêu của Ngài trên thập giá : “Lạy Cha, xin tha cho họ!” (Lc 23:34). Đó là lý do tại sao Ngài đã gửi Thần khí của Ngài cho chúng ta, ban cho chúng ta Giáo hội và hứa sẽ đến vào thời kỳ cuối cùng để tập hợp chúng ta vào vương quốc của Ngài. Đúng như Chúa Giêsu đã nói: “Tôi phải ở trong nhà của Cha tôi”, Ngài cũng nói: “Tôi phải yêu thương và cứu chuộc dân của Cha tôi”. Và trong đó có bạn.
Một sự ép buộc thiêng liêng. Không phải chỉ có Chúa Giêsu cảm thấy bị ép buộc theo cách này. Tiên tri Giêrêmia là một trong nhiều tấm gương của những người cảm thấy họ “phải” phục vụ Chúa. Giêrêmia được Chúa kêu gọi khi còn trẻ để rao truyền lời Ngài cho người dân Giêrusalem – nhưng có những lúc ông đã chống lại lời kêu gọi. Có lúc, ông thú nhận: “Suốt ngày con đã nên trò cười cho thiên hạ, để họ nhạo báng con.” (Gr 20:7). Vì thế ông quyết định: “Tôi sẽ không nhân danh Ngài mà nói nữa” (20:9). Nhưng ngay cả khi đó sự phản kháng của ông cũng không kéo dài được lâu: “Nhưng lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt. Con nén chịu đến phải hao mòn, nhưng làm sao nén được!” (20:9). Có điều gì đó hoàn toàn lôi cuốn lời Chúa, và Giêrêmia phải tiếp tục công bố điều đó.
Thánh Phaolô cũng biết trải nghiệm được Chúa thúc giục này. Khi viết cho các tín hữu ở Côrintô, ông nói: “Tình yêu Đức Ki-tô thôi thúc chúng tôi, vì chúng tôi nghĩ rằng một người đã chết thay cho mọi người” (2 Cr 5:14). Khi Phaolô nhận ra rằng Chúa Giêsu đã bày tỏ tình yêu thương với ông bằng cách chết trên thập giá, tất cả những gì ông muốn làm là sống cho Ngài và chia sẻ phúc âm của Ngài.
Tuy nhiên, mong muốn phục vụ Chúa bên trong này không chỉ giới hạn ở những nhân vật trong Kinh thánh hoặc các vị thánh vĩ đại. Mọi người đều có thể trải nghiệm nó. Có lần Môsê đã kêu lên: “Phải chi ĐỨC CHÚA ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ!” (Ds 11:29). Chắc chắn tiếng kêu này xuất phát từ tấm lòng khao khát được thấy toàn thể dân Chúa làm đẹp lòng Chúa như Ngài đã làm. Tương tự như vậy, Thánh Phêrô đã khuyến khích độc giả của mình “để bao lâu còn sống trong thân xác, người ấy không theo những đam mê của con người nữa, mà theo ý muốn của Thiên Chúa” (1 Pr 4:2). Ông không viết những lời này chỉ dành cho các tông đồ hoặc những người bạn thân nhất của mình. Ông muốn thấy mọi người đi theo Chúa.
Tôi phải! Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu đã mời gọi chúng ta bước theo Ngài. Ngài đã chọn chúng ta để “ra đi sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại” (Ga 15:16). Và Ngài đã ban Chúa Thánh Thần để chúng ta có thể làm được điều đó. Chính Thần khí đã đổ tình yêu của Thiên Chúa vào lòng chúng ta (Rm 5:5), và đó là tình yêu thôi thúc chúng ta sống cho Đức Kitô. Kinh nghiệm của chúng ta về tình yêu Thiên Chúa có thể thắp lên ngọn lửa trong chúng ta và thúc đẩy chúng ta trả lời: Vâng, lạy Chúa, con muốn theo Ngài. Con muốn sống như môn đệ của Ngài. Hôm nay Ngài muốn con làm gì, thưa Chúa? Dù đó là gì đi nữa, con phải làm điều đó!
Tất nhiên, mỗi người chúng ta sẽ cảm thấy buộc phải phục vụ Chúa theo một cách khác nhau, tùy theo hoàn cảnh cũng như tài năng và khả năng của mình. Nhưng đối với tất cả chúng ta, trải nghiệm về tình yêu của Chúa Kitô sẽ thôi thúc chúng ta tìm kiếm Thiên Chúa trong lời cầu nguyện mỗi ngày. Hôm nay con phải đến trước mặt Ngài, thưa Chúa. Con phải nghe giọng nói của Ngài trong Kinh thánh! Lạy Chúa Giêsu, con phải đón nhận Chúa trong Mình và Máu Chúa!
Cũng có những lúc ý thức về tội lỗi của mình sẽ thôi thúc chúng ta tìm kiếm sự tha thứ và lòng thương xót của Chúa. Khi chúng ta nhìn thấy bóng tối của cuộc đời mình dưới ánh sáng tình yêu hoàn hảo của Chúa Giêsu, chúng ta buộc phải cầu xin Chúa Cha thanh tẩy tâm hồn mình (Tv 51:12-13).
Vào những lúc khác, nhu cầu của chúng ta hoặc nhu cầu của một người thân yêu thúc đẩy chúng ta quỳ gối và cầu xin Chúa giúp đỡ. Khi chúng ta trải qua thử thách cá nhân hoặc khi thấy một thành viên trong gia đình đang đau khổ, chúng ta muốn cùng với tác giả Thánh vịnh cầu nguyện: “Lạy Chúa Trời, xin cứu vớt con, vì nước đã dâng lên tới cổ. Xin đáp lại, vì ơn cả nghĩa dày” (Tv 69:2, 14).
Trong mọi hoàn cảnh, Thần khí luôn ở bên chúng ta để giúp chúng ta nói rằng: Tôi phải làm theo ý Cha tôi. Và mỗi lần như vậy, chúng ta sẽ đến gần Chúa hơn một chút và biết được tình yêu của Ngài sâu sắc hơn một chút.
- Tổng Hơp: