Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Số 91: Tỉnh thức

 

 

Số 91: Thức Ăn Nhanh cho Tâm Hồn (The Fast Food for The Soul) by Fr. Quảng Trần, C.Ss.R., on Monday, November 28, 2016

 

“Anh em phải sẵn sàng, tỉnh thức vì lúc anh em không ngờ thì Con Người sẽ đến" (Mt 24:44)

 

TỈNH THỨC

 

Tỉnh thức là gì? Có nhiều người hiểu cách đơn giản thì bảo rằng tỉnh thức có nghĩa là không ngủ (hiiiiiiiii). Không ngủ là tỉnh thức! Nhưng không ngủ chưa chắc đã là tỉnh thức. Vì có khi ta thức mà ta như người đang mơ, đang sống như một con robot thì e rằng thức đó cũng không khác gì đang ngủ. Đôi khi còn tệ hơn đang ngủ (vì thức đó ta có thể đi vào con đường tội lỗi, có thể gây hại đến những người khác, còn khi ngủ ta không thể phạm tội, gây hại cho người khác.) Chữ “tỉnh thức” có thể hiểu theo mặt chữ như sau:

 

Tỉnh (): hết say sưa, không mê muội, thôi mơ tưởng.

Thức (): nhận ra, nhận biết.

 

Tóm lại: “Tỉnh” là tỉnh táo, “thức” là nhận biết, phân biệt. Như vậy, “tỉnh thức” có nghĩa là khả năng phân biệt một cách đúng đắn các vấn đề hay gặp bất cứ vấn đề gì nếu ta tỉnh táo nhận định cho chính xác, hiểu thật rõ ràng để rồi đưa ra quyết định phù hợp với bổn phận của mình. Đó là tỉnh thức.

 

Chúa kêu gọi chúng ta “Anh em phải sẵn sàng, tỉnh thức vì lúc anh em không ngờ thì Con Người sẽ đến" (Mt 24:44). Một người tỉnh thức là người không có ảo tưởng về bản thân, về cuộc đời. Người đó ý thức rất rõ về thân phận giới hạn của mình (thân phận của loài thọ tạo). Họ hiểu rõ về mối tương quan của mình với thế giới xung quanh bao gồm các thọ tạo khác và Thiên Chúa.

 

Khi đã hiểu “tỉnh thức” là gì chúng ta cần cần tập sống trong sự tỉnh thức. Vì lẽ giữa HIỂU về “tỉnh thức” và SỐNG “tỉnh thức” lại là một khoảng cách xa vời. Suy nghĩ tới hành động vẫn là con đường dài nhất, xa nhất. Để không bị quên, không chìm trong những thực tại trước mắt, sống “mê ngủ” chúng ta cần những “đồng hồ đánh thức.” Đó có thể là Lời Chúa, giáo huấn của Hội Thánh, hay lời nhắc nhở của ai đó, hay một biến cố sự kiện nào đấy trong cuộc sống…

 

“Hãy tỉnh thức!” Chúng ta không thể bắt chước các đan sĩ trong các đan viện tu thời xưa (một số nơi vẫn còn giữ truyền thống này), cứ 30 phút họ xét mình một lần thì ít ra trong một ngày, một tuần hoặc một tháng chúng ta ý thức lại về lối sống của mình. Đối với các đan sĩ mỗi 30 phút khi tiếng chuông vang lên, dù họ đang làm gì họ cũng đều dừng tay, rồi hỏi ba câu hỏi như sau:

 

1. Hãy nhớ tôi đang ở trước mặt Thiên Chúa và tôi thờ lạy Ngài.

2. Tôi đang làm gì đây, có cần phải dấu diếm điều gì với Thiên Chúa không?

3. Tôi tin tôi đang làm điều này nếu Chúa thấy vui thích, thì xin giúp tôi tiếp tục; còn nếu tôi tin tôi phải dấu diếm không muốn cho Chúa biết thì xin giúp tôi can đảm chấm dứt, bỏ đi.

 

Ba câu hỏi trên có thể nói theo ngôn ngữ của thánh Phaolô: “Chúng ta hãy từ bỏ những hành vi ám muội và mang khí giới ánh sáng. Chúng ta hãy đi đứng đàng hoàng như giữa ban ngày, không ăn uống say sưa, không chơi bời dâm đãng, không tranh chấp ganh tị” (Rm 13: 12-13). Hãy đi trong ánh sáng, hãy đi đứng giữa ban ngày, không làm gì ám muội. Nếu chúng ta làm mọi điều, chúng ta tin chắc rằng Chúa thấy và người khác thấy thì chúng ta không bao giờ làm điều xấu. Ta tự đặt câu hỏi nếu tôi làm việc này Chúa và người khác thấy thì sao? Đoan chắc rằng chúng ta không làm điều xấu. Sở dĩ chúng ta có can đảm làm điều xấu, điều tầm bậy là vì chúng ta tin rằng không ai thấy. Nhưng, đừng bao giờ quên rằng lương tâm chúng ta thấy và Chúa thấy hết mọi từ tưởng, lời nói, hành động của ta: “Lạy CHÚA, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi.
Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa,
đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét,
mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả. Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời,
thì lạy CHÚA, Ngài đã am tường hết” (Tv 139: 1-4).

 

Suy nghĩ và hành động: Sau lễ Thanksgiving (Tạ Ơn) và đặc biệt trong ngày Black Friday (ngày mà ở Mỹ người ta bán đồ hạ giá), nhiều người đã rục rịch mua quà để dịp giáng sinh tặng quà những người thân (những người có óc thực tế). Thử hỏi mùa Giáng Sinh sắp đến này tôi định tặng Chúa Hài Nhi món quà gì? Tôi tặng Ngài bằng cách bỏ đi một thói hư tật xấu nào đó chẳng hạn? Lãng phí thời gian vào các phương tiện giải trí mà quên bổn phận gia đình (như Facebook, game…) hay tôi chưa quan tâm đủ tới các thành viên trong gia đình tôi?

 

 

See video