Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Tháng 11: Tháng đền ơn và báo hiếu

Tác giả: 
Trần Mỹ Duyệt

THÁNG 11: THÁNG ĐỀN ƠN VÀ BÁO HIẾU

Trần Mỹ Duyệt

 

Trong các lớp Giáo Lý Tân Tòng, câu hỏi liên quan đến đạo hiếu của người Công Giáo thường được nêu lên, theo đó, đa số các Phật tử cho rằng những người Công Giáo không thắp nhang, cúng bái ông bà, tổ tiên, hoặc cha mẹ đã khuất là một hành vi bất hiếu, lỗi phạm đến những người đã khuất. Và câu trả lời là đạo Công Giáo không chỉ tôn kính, thảo hiếu, biết ơn tổ tiên, ông bà và cha mẹ, cả khi còn sống và sau khi đã qua đời mà hành động này còn là một “lề luật”, một đòi hỏi cần thiết.

 

Trong thời gian dân Do Thái lang thang trong sa mạc trên đường về đất hứa, có thể những lúc vất vả, thiếu thốn ấy, nhiều con cái đã cảm thấy việc nâng đỡ, chịu đựng và săn sóc cho ông bà, cha mẹ là một gánh nặng, một đòi hỏi quá sức, và vì thế đã có những suy nghĩ, lời nói và hành động xúc phạm đến các ngài. Do đó, Thiên Chúa đã ban hành một lề luật liên quan đến việc này. Ngài phán bảo Maisen truyền lại cho dân: “Hãy thảo kính cha mẹ các ngươi, để các ngươi được sống trường thọ trên phần đất mà Chúa, Thiên Chúa các ngươi sẽ ban cho các ngươi” (Xuất Hành 20:12). Sau này, trong những ngày đầu của Giáo Hội Công Giáo, Thánh Phaolô cũng nhắc lại với các tín hữu Êphêsô tương tự những gì mà Thiên Chúa đã phán với dân Do Thái xưa: “Hãy thảo kính cha mẹ” - đây là giới răn thứ nhất cùng với lời hứa - “để anh chị em được phúc và sống thọ trên mặt đất” (Eph 6:2-3).

 

Do đó, sự hiểu lầm về đạo hiếu nếu có giữa Công Giáo và Phật Giáo chỉ là do cách diễn tả và từ ngữ mà thôi. Một đàng cho việc hiếu thảo là đạo và do đó, phải thờ kính. Một đàng xem đó như một lề luật và thực hành bằng thái độ tôn kính, yêu mến. Còn việc cúng quả, nhang khói hay xin lễ, đọc kinh được xem như những hình thức biểu lộ.

 

Riêng đối với người Công Giáo, nói đến lòng hiếu thảo và tôn kính tổ tiên, ông bà, cha mẹ, đặc biệt những người đã khuất, theo truyền thống Giáo Hội Công Giáo chúng ta không thể nhắc đến tháng 11, tháng theo truyền thống Giáo Hội dành riêng để kính nhớ và biết ơn những người đã khuất.

 

Nguồn gốc:   

Trong Cựu Ước: “Ông Giuđa quyên được khoảng 2000 quan tiền, và gửi về Giêrusalem để xin dâng lễ đền tội; ông làm cử chỉ rất tốt đẹp và cao quý này vì cho rằng người chết sẽ sống lại. Thực thế, nếu ông không hy vọng rằng những chiến binh đã ngã xuống sẽ sống lại, thì cầu nguyện cho người chết quả là việc dư thừa và ngu xuẩn. Nhưng vì ông nghĩ đến phần thưởng rất tốt đẹp dành cho những người đã an nghỉ trong tinh thần đạo đức, thì đây quả là một ý nghĩ đạo đức và thánh thiện. Đó là lý do khiến ông đến dâng lễ tế đền tạ cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi” (2 Mcb 12:43-46).

 

Giáo hội từ những thế kỷ đầu cũng đã cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời. Thánh Augustinô (354-430) đã nói: “Nếu chúng ta không lưu tâm gì đến người chết, thì chúng ta sẽ không có thói quen cầu nguyện cho họ”. Thánh Odilo (962-1048), Viện phụ Đan viện Cluny (đan viện này thời đó nằm trong phần đất của đế quốc Germany) đã có sáng kiến tổ chức lễ Cầu Hồn vào ngày 2-11 trong Đan viện Cluny của ngài vào năm 998 (có sách nói 1030). Về sau lễ này đã được truyền sang nước Pháp, giữa thế kỷ X, Đức Giáo hoàng Gioan XIV đã lập lễ Cầu Hồn trong Giáo Hội Rôma. Đức Giáo hoàng Bênêđictô XV còn cho phép mọi linh mục được dâng 3 thánh lễ trong ngày này:  Một cho các linh hồn mồ côi. Một theo ý chỉ của Đức Giáo Hoàng. Một theo ý chỉ của chính linh mục.

 

Nếu trùng vào ngày Chúa Nhật, ngày lễ sẽ được dời lại đến ngày 3-11.  

 

Luyện Hình:

Đức tin Công Giáo dạy rằng, các tín hữu qua đời trong ân nghĩa của Thiên Chúa nhưng linh hồn họ vẫn chưa thẳng về Thiên Đàng. Các linh hồn này bị giam giữ tạm thời trong luyện ngục để thanh luyện những tội nhẹ, và để đền hết hình phạt của những tội đã được tha. Đây là thời gian sau khi chết, hòng đạt được sự thánh thiện cần thiết trước khi hưởng niềm vui thiên đàng (x. GLHTCG số 1030). Luyện hình hay luyện ngục hoàn toàn khác với nơi giam phạt của những kẻ bị án phạt đời đời là hỏa ngục. Giáo Hội đã trình bày Giáo lý của đức tin về luyện ngục, nhất là tại các Công đồng Florentia và Trentô.

 

“Luyện Hình”, được dịch từ chữ purgatorium hay purgatories của Latin, không phải để chỉ một tình trạng đau khổ bị hành hạ đau đớn như có nhiều người vẫn tưởng. “Luyện Hình” cũng không phải là một nơi chốn của đau khổ, mà là một trạng thái chưa trọn vẹn kết hợp trong vinh quang và hạnh phúc với Thiên Chúa. Các linh hồn trong tình trạng này đã hưởng vinh quang và hạnh phúc của Thiên Chúa rồi, nhưng một cách nào đó vẫn chưa hoàn hảo. Họ sống trong vui mừng vì biết chắc chắn rằng họ sẽ kết hợp với Chúa trọn vẹn một lúc nào đó.

 

Vì là thời gian và trạng thái thanh luyện, theo Thánh Kinh (1 Cr 3:15; 1 Pr 1:7) luyện hình có liên quan đến một thứ lửa thanh luyện: “Đối với một số lỗi lầm nhẹ, ta phải tin có một thứ lửa thanh tẩy trước trước ngày phán xét, theo như những gì Đấng là Chân lý đã dạy khi Ngài nói rằng nếu ai nói lời phạm thánh chống lại Chúa Thánh Thần, thì sẽ không được tha cả đời này lẫn đời sau” (x. Mt 12:32). Theo đó, một số lỗi lầm được tha ở đời này, nhưng một số lỗi khác thì được tha ở đời sau” (Thánh Grêgôriô Cả, Dial. 4,39) (GLHTCG số 1031). [1]

 

Lửa Thanh Luyện:   

Được Thánh Giáo Hoàng Piô X khuyến khích, Cha Victor Jouet đã thành lập Bảo Tàng Viện Luyện Hình (Small Purgatory Museum) ở Rôma, nơi trưng bày nhiều hiện vật bị đốt cháy hoặc những hình ảnh chụp lại những hiện vật bị đốt cháy, do các linh hồn được Thiên Chúa cho về gặp những người đang còn sống xin cầu nguyện, thánh lễ, để nhờ ơn ích của các việc này mà các linh hồn mau được hưởng nhan Thánh Chúa. Dưới đây là một vài truyển kể được thuật lại có liên quan đến những hiện vật được trưng bày tại Bảo Tàng Viện này:

 

1. Ngày 1-11-1731, Tu viện trưởng Panzini (Dòng Biển Đức Olivetan ở Mantua, Ý) hiện về với Mẹ Isabella Fomari (Dòng Thánh Clara ở Todi) khi Mẹ đang ngồi ở bàn làm việc. Tu viện trưởng Panzini nói rằng ngài đang chịu đau khổ nơi Luyện Hình. Lúc đó ngài đặt bàn tay lên bàn làm việc của Mẹ Isabella và đã in hình bàn tay lên chiếc bàn đó. Sau đó, ngài dùng ngón tay vẽ hình Thánh Giá lên bàn. Ngài cũng chạm tay vào tay áo của Mẹ Isabella và khiến tay của Mẹ Isabella bị phỏng và chảy máu. Áo và máu của Mẹ Isabella Fomari không có ở bảo tàng viện này, nhưng còn một miếng gỗ của chiếc bàn kia.

 

Mẹ Isabella đã kể lại cho Lm. Isidoro Gazata nghe chi tiết. Lm. Isidoro đã cho điều tra để xác định vết cháy kia là vết cháy do lửa siêu nhiên.

 

2- Ngày 5-6-1894, Nữ tu Maria Louis Gonzaga đã hiện về với Nữ tu Margherita và cho biết Chị đang chịu thanh luyện nơi Luyện Hình.

 

Nữ tu Maria là người đạo đức nhưng khi bị bệnh lao phổi, Chị buồn và cầu xin cho được mau chết để bớt đau đớn. Vài ngày sau, Chị qua đời một cách thánh thiện.

 

Khi hiện về, Nữ tu Maria mặc áo dòng, xung quanh có bóng mờ. Chị nói với Nữ tu Margherita rằng Chị đang ở trong Luyện Hình để đền tội vì thiếu kiên nhẫn khi bị bệnh nên đã cầu xin được chết sớm hơn ý Chúa định, và Chị xin Nữ tu Margherita cầu nguyện cho Chị.

 

Để chứng tỏ mình đang chịu đau khổ trong Luyện Hình, Chị đã chạm tay vào chiếc gối đầu của Nữ tu Margherita và làm lủng một lỗ. Sau đó, Chị đã hiện về hai lần để cảm ơn Nữ tu Margherita đã cầu nguyện cho mình, và cho biết rằng Chị sẽ sớm được cứu thoát khỏi Luyện Hình. Chị cũng đưa ra vài lời khuyên cho các nữ tu trong cộng đoàn Dòng Thánh Clara.

 

3- Ngày 5-3-1871, Palmira Rastelli hiện về với bạn là Maria Zaganti để xin người anh của chị là Lm. Sante Rastelli dâng lễ cầu hồn cho mình. Chị mới qua đời hơn ba tháng, và đang ở trong Luyện Hình. Chị Palmira đã đặt mấy ngón tay lên sách kinh của Maria và để lại vết cháy của ba ngón tay trên đó.

 

4- Thánh Catherine Genoa nói về Luyện Hình rằng có sự đau khổ trong lửa, nhưng đồng thời cũng có tình yêu sâu thẳm của Thiên Chúa và sự an ủi là cuối cùng thì các linh hồn trong đó cũng sẽ được lên Thiên Đàng. Chúng ta hãy tha thiết cầu nguyện cho các linh hồn. Họ sẽ không bao giờ quên chúng ta đã cầu nguyện cho họ. Chúng ta thật hạnh phúc được là người Công Giáo, biết về sự hiệu quả của ân xá và lời cầu nguyện cho các linh hồn nơi Luyện Hình. Nếu chúng ta giúp đỡ họ, sẽ có người khác giúp đỡ chúng ta sau khi chúng ta qua đời. [2]

 

Cầu cho các Linh Hồn:

Mầu nhiệm các thánh cùng thông công có 2 nghĩa: “hiệp thông trong các thực tại thánh (santa)” và “hiệp thông giữa những người thánh (santi)”. Đức Kitô đã nối kết chúng ta bằng mầu nhiệm tình yêu của Ngài: “Tất cả chúng ta là một trong Đức Kitô” (Gl 3:28b). Qua đó, chúng ta được trở thành những chi thể trong cùng một thân thể duy nhất, mà Chúa Kitô là Đầu. Nhờ Thập Giá và sự Phục Sinh của Ngài đã nối kết Giáo Hội lữ hành nơi trần thế và Giáo Hội thanh luyện nơi luyện hình, cũng như Giáo Hội khải hoàn trên thiên quốc.

 

Tháng 11 là thời điểm tốt để chúng ta cầu nguyện, xin lễ cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh chị em, và những người thân yêu đã qua đời. Đặc biệt lãnh ơn Toàn Xá được Giáo Hội ban để nhường lại cho các ngài.  

 

Ơn Toàn Xá

1- Từ ngày 1 đến hết ngày 8 tháng 11, bất cứ ngày nào trong các ngày ấy, Tín Hữu viếng Nghĩa Trang và cầu nguyện cho người chết, thì được hưởng Một Ơn Toàn Xá (Plenary Indulgence) chỉ để nhường cho các Linh hồn trong Luyện Ngục và chỉ được hưởng một Ơn mỗi ngày.

 

2- Trong ngày Lễ Các Linh Hồn (ngày 2 tháng 11), Tín Hữu kính viếng nhà thờ, đọc một Kinh Lạy Cha và một Kinh Tin Kính, thì được hưởng một Ơn Toàn Xá (Plenary Indulgence) chỉ để nhường cho các Linh hồn trong Luyện Ngục và chỉ được hưởng một Ơn trong ngày ấy.

 

Lưu ý: Việc đọc Kinh Lạy cha và Kinh Tin Kính là việc làm khi kính viếng Nhà Thờ, không miễn chuẩn cho việc Cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng.

 

3- Ngoài ra, mỗi ngày, Tín Hữu nào có ý xin hưởng ơn Toàn Xá và thi hành một trong các việc ấn định có Ơn Toàn xá, như sau, thì được Ơn Toàn Xá:

– Đọc Kinh Thánh với lòng cung kính Lời Chúa như sách thiêng liêng, ít là nửa giờ.

– Chầu Mình Thánh Chúa ít là nửa giờ.

– Viếng Đàng Thánh Giá đủ 14 nơi.

– Lập lại lời mình đã hứa khi chịu Phép Rửa Tội trong ngày kỷ niệm Phép Rửa Tội của mình, theo mẫu quen dùng.

– Đọc một chuỗi Mân Côi 50 Mùa Mừng trong Nhà Thờ, Nhà Nguyện, trong Hội đạo đức, hay trong gia đình.

 

Lưu ý: Ngoài điểm 1 và 2, các Ơn ở điểm 3, Tín Hữu có thể giữ cho mình hoặc nhường cho các Linh hồn đã qua đời, không được nhường cho người còn đang sống.

 

Điều Kiện Hưởng Ơn Toàn Xá:

 

Xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng .

 

Lưu ý: Xưng tội một lần thì đủ điều kiện để hưởng Ơn Toàn Xá nhiều lần, nhưng mỗi lần Rước lễ và Cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng thì chỉ được hưởng một Ơn Toàn Xá. [3]

 

______________

Tham khảo:

1. Nguồn Gốc Và Ý Nghĩa Của Lễ Cầu Cho Các Đẳng Linh Hồn

Văn Nguyễn
Nguồn: conggiao.info

 

2. TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ TraditionalCatholicPriest.com)

Nguồn: https://www.giaophandanang.org/nhung-bang-chung-ve-lua-thanh-luyen-cac-linh-hon.html

 

3.CẨM NANG ÂN XÁ – MANUAL OF INDULGENCES –
Của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Ấn Bản 2006. Chiếu theo Sổ Bộ Ân Xá – ENCHIRIDION INDULGENTIARUM –
của Bộ Xá Giải Tòa Thánh, Ấn Bản Thứ Bốn 1999)

Nguồn: https://www.giaophandanang.org/on-toan-xa-thang-cac-linh-hon.html