Tử đạo ngày xưa và sống đạo ngày nay
Tử đạo ngày xưa và sống đạo ngày nay
(Suy niệm lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam)
Hôm nay Giáo hội Công giáo và đặc biệt Hội Thánh Việt Nam mừng kính toàn thể Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Lịch công giáo ghi là lễ “Thánh Anre Trần An Dũng Lạc và các bạn tử đạo.”
Vào đầu thế kỷ XVI, khi vị thừa sai đầu tiên đặt chân lên đất Việt Nam, ánh sáng Tin Mừng cũng bắt đầu lan rộng. Giáo hội Việt Nam được khai sinh từ đấy. Tuy nhiên, như bầu trời có những ngày mây đen giăng mắc, Giáo hội Mẹ Rôma đã trải qua 3 thế kỷ bị bách hại, trước khi được mở rộng như ngày nay, thì Giáo hội Việt Nam cũng phải trải qua gần 3 thế kỷ chìm ngập trong thử thách.
Suốt từ năm 1630 -1883, bao dòng máu đã đổ ra để bảo vệ đức tin và để làm phát sinh Giáo hội này. Trong những cuộc bắt bớ đời các chúa: Trịnh Doanh, Trịnh Sâm, các vua: Cảnh Thịnh, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Suốt gần 300 năm đó, chưa kể những người can đảm sống đức tin, chịu khó khăn, bị truy lùng, trốn tránh, để có thể giữ vững đức tin, có khoảng 130.000 Ki-tô hữu chứng nhân đã hiên ngang hiến mạng sống để bảo vệ đức tin và để nên hạt giống trổ sinh thêm người có đạo; gương hy sinh quả cảm của các ngài thật sáng ngời và Giáo hội qua 3 đời giáo hoàng: Đức Lê-ô XIII tôn phong ngày 27.5.1900 gồm có 64 vị; Đức Pi-ô X tôn phong ngày 20.5.1906 gồm 8 vị; Đức Pi-ô X tôn phong ngày 22.5.1909 gồm có 20 vị; và Đức Pi-ô XII tôn phong ngày 29.4.1951 gồm 25 vị.
Tổng cộng 117 vị được phong chân phước và được Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phao lô II suy tôn bậc Hiển Thánh vào ngày 19.6.1988, trong số đó có 8 giám mục, 50 linh mục, 16 thầy giảng, 1 chủng sinh và 42 giáo dân. Các ngài đã chịu rất nhiều hình khổ: 79 vị bị trảm quyết (chặt đầu), 16 vị bị xử giảo (xiết cổ chết), 8 vị chết rũ tù, 6 vị bị thiêu sống, 4 vị bị lăng trì (chặt tay chân), 1 vị bị xử bá đao (lóc 100 miếng thịt), 1 vị bị đánh tử thương trong lúc đi đường. Và một vị được phong chân phước năm 2.000, đó là Thầy Anrê Phú Yên.
Là những con người đầu đen máu đỏ, là những con người như chúng ta ham sống sợ chết, nhưng tại sao các vị tử đạo đã để lại mốc son cực kỳ khởi sắc và anh dũng cho Giáo hội Việt Nam, cho Giáo hội hoàn vũ? Thưa vì các ngài đã có sức mạnh của Chúa, các ngài đã không cậy vào ý mình, vào sức của bản thân nhưng mọi sự để Thiên Chúa thúc đẩy và làm việc. Quả thật, như Chúa Giê-su đã phán: “…Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết. Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.” (x. Mt 10, 17-20). Đứng trước sự bắt bớ, đánh đập, hù doạ, súng ống, gươm giáo, tù đày, và đối diện với gần cái chết,… Nhưng các thánh tử đạo đã can đảm, anh dũng và kiên cường để vẫn sẵn sàng giữ vững đức tin, bảo vệ đạo Chúa mà bấy lâu nay các ngài tin theo. Vì yêu Chúa hết lòng, tin Chúa hết mực nên các ngài đã không ngần ngại để làm chứng cho Chúa bằng cái chết hùng dũng của mình. Các ngài đã luôn xác tín vào lời Thầy Giê-su, vị tử đạo đầu tiên và mẫu gương: “Ai yêu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai ghét mạng sống mình ở đời này thì sẽ giữ được cuộc sống đời sau.” (Ga 12, 25). Các ngài đã sẵn sàng bước theo Đức Ki-tô cách triệt để như lời Ngài mời gọi “Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình vác thập gía hằng ngày theo Ta” (Lc 9, 23). Và các ngài đã luôn nhận chân một điều rằng theo Đức Ki-tô thì được lời lãi hơn mọi sự: “Nếu được lời lãi cả thế gian mà phải thiệt và mất mạng sống mình thì ích gì?” (Lc 9, 25). Ý thức được như vậy, nên các thánh Tử đạo việt Nam luôn hân hoan vui mừng đón nhận hồng ân tử đạo mà không hề căm thù oán giận, các ngài đã dùng cái chết của mình tỏ lòng trung nghĩa với Chúa, đồng thời loan báo cho hậu thế chúng ta: chỉ có một mình Thiên Chúa duy nhất đáng tôn thờ và chỉ có Thiên Chúa yêu thương quan phòng mọi sự, để những ai tin vào Người thì được hạnh phúc đời đời. Vì thế, máu các thánh tử đạo Việt Nam là nguồn ân sủng cho chúng ta và nhờ đó chúng ta được thăng tiến không ngừng trong đức tin.
Quả thật, “máu các thánh tử đạo là hạt giống sinh ra người công giáo” (Giáo phụ Tertulliano). Nhờ các thánh tử đạo mà đạo công giáo Việt Nam của chúng ta ngày càng lớn mạnh và phát triển không ngừng ở khắp mọi miền trên đất nước hình chữ S này. Là con cháu của các ngài, là những người công giáo Việt nam, chúng ta được mời gọi hãy biết ơn các ngài ngang qua việc chuyên chăm cầu nguyện, tham dự thánh lễ và nhất là biết sống thực hành lời Chúa trong mọi nơi mọi lúc. Ngày xưa các ngài đã hy sinh, đã chết để bảo vệ đức tin, bảo về đạo, ngày nay, chúng ta không đối diện với sự bắt bớ bởi vua chúa trần gian cách khắc nghiệt, bởi súng ống, bởi gươm giáo, bởi tù đày như ngày xưa nữa,… nhưng đối diện với nhiều cám dỗ của tiền tài danh lợi dục và thú vui, noi gương các ngài, các thánh tử đạo Việt Nam, chúng ta hãy can đảm, kiên cường để nhờ ơn Chúa giúp, với sức mạnh của Chúa Thánh Thần cũng như sự nỗ lực không ngừng của bản thân hầu vượt qua những thử thách và rào cản đang có xu hướng làm rạn nứt và phá huỷ đức tin mỗi ngày.
Thay vì tử đạo như ngày xưa thì hôm nay chúng ta hãy sống đạo, làm chứng về đạo ngang qua cách sống của chúng ta hằng ngày trong lời ăn tiếng nói và hành vi cử chỉ của chúng ta để mọi người, nhất là những ai chưa cùng niềm tin nhận ra được đạo công giáo là đạo yêu thương và nhận ra được Đức Giê-su, Đấng Cứu Chuộc nhân loại đang ở giữa và hiện diện khắp mọi nơi và mọi thời. Nhất là trong ngày quốc tế người nghèo mà Đức Thánh Cha Phanxico mời gọi vào ngày Chúa nhật 33 (tức ngày 19.11.2023) hôm nay: với chủ đề “Đừng ngoảnh mặt làm ngơ với bất cứ người nghèo khổ nào” (Tb 4,7). Chúng ta, những Ki-tô hữu của Chúa, được mời gọi lên đường đến với họ, đụng chạm thân xác họ để cảm, để nghe thấy và cảm nhận được ‘mùi’ của họ, để cảm thông và sẻ chia cái đói, cái rét, cái đau, cái bệnh tật, cái cô đơn lạnh lẽo, cái già cả, cái bị bỏ rơi của họ. Chúng ta không được ngoảnh mặt làm ngơ trước những người nghèo khổ nào vì họ là hình ảnh của Đức Giê-su Ki-tô. Khi giúp đỡ họ, đến thăm họ, trao ban và sẻ chia với họ là chúng ta đang làm cho chính Chúa vậy. (x. Mt 25, 40). Và chính Đức Giê-su đã khẳng định: mọi người sẽ nhận ra chúng ta môn đệ của Chúa khi chúng ta yêu thương nhau. Quả thật, cách chúng ta yêu thương và dấn thân phục vụ tha nhân là cách thức chúng ta đang làm chứng, đang giới thiệu đạo công giáo cho mọi người, nhất là cho anh chị em lương dân. Đó là cách sống đạo chính đáng và phải đạo.
Lạy Cha, Cha đã ban cho Giáo Hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, biết hiến dâng mạng sống, để hạt giống đức tin trổ sinh hoa trái dồi dào trên quê hương đất nước chúng con, xin nhận lời các ngài nguyện giúp cầu thay, cho chúng con luôn biết noi gương các ngài để lại, luôn can đảm làm chứng cho Cha và trung kiên mãi đến cùng. Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.
Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
- Loại bài viết:
- Chia sẻ Lời Chúa: