Mùa Vọng: dấu ấn trên hành trình đức tin
Mùa Vọng: Dấu Ấn Trên Hành Trình Đức Tin
Khi bước vào Mùa Vọng, Giáo hội mời gọi chúng ta nhớ lại những “dấu ấn trên hành trình đức tin” và mở lòng ra cho một khởi đầu của Năm Phụng Vụ mới. Từ ngữ “Mùa Vọng” có nguồn gốc từ tiếng Latinh “Adventus”, có nghĩa là “đến” hoặc “đang đến”. Điều này phản ánh bản chất của Mùa Vọng trong lịch Phụng vụ Công giáo, đánh dấu một thời kỳ “chờ đợi” và “chuẩn bị” cho Đại Lễ Giáng sinh - ngày kỷ niệm sự ra đời của Chúa Giê-su, và hướng chúng ta đến với niềm hy vọng về sự tái lâm trong vinh quang của Chúa Kitô.
Mùa Vọng là một cơ hội để chúng ta sống gần với Chúa hơn qua việc tĩnh tâm, cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa, tham dự Thánh Lễ, và qua những việc lành bác ái. Thông qua việc sống trọn vẹn các ngày trong Mùa Vọng, các tín hữu được mời gọi tái khám phá và sống sâu sắc hơn mối liên hệ cá nhân với Thiên Chúa. Như một chu kỳ thánh thiêng, Mùa vọng là ngọn lửa soi sáng tâm trí và tâm hồn chúng ta trong đêm đen, giúp chúng ta chuẩn bị tâm hồn để đón Chúa Cứu Thế vào đời sống đức tin của mình một cách xứng đáng và trọn vẹn.
Ánh Sáng Cứu Độ
Trong khi khắp mọi nơi trên thế giới đang tràn ngập ánh sáng của những ánh đèn trang trí và những bài hát du dương của Mùa Giáng sinh, chúng ta được mời gọi sống tâm tình Mùa vọng. Hãy nhìn vào nguồn ánh sáng thật, ánh sáng của Tin Mừng Cứu Độ – ánh sáng không bao giờ tắt trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người chúng ta. Ánh sáng đó mới có sức nóng sưởi ấm tâm hồn và dẫn dắt chúng ta thoát khỏi bóng tối của thế gian và của chính mình.
Mùa Vọng cũng là thời gian để chúng ta gieo mầm tin yêu. Gieo trồng những hạt giống tốt lành của lòng yêu thương, của sự kiên nhẫn và của sự tha thứ. Mùa Vọng không chỉ là thời gian của sự chờ đợi mà còn là thời gian của những hành động – hành động yêu thương để làm cho thế giới này trở nên tốt đẹp hơn, ngõ hầu khi Chúa đến, Ngài sẽ tìm thấy những hoa trái tốt đẹp phát sinh từ những hy sinh và nỗ lực của chúng ta.
Tỉnh Thức và Sẵn Sàng
Trong suốt Mùa Vọng, Lời Chúa luôn vang vọng như những tiếng chuông đánh thức mỗi người: “Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21,36). Lời dạy này của Chúa Giêsu là một lời mời gọi thức tỉnh cho mỗi người tín hữu trước những xáo trộn của cuộc sống, ngõ hầu không bị lôi cuốn vào dòng chảy thế gian là những đam mê mà quên đi hành trình tìm kiếm Nước Trời. Mùa Vọng là thời gian để chúng ta quên đi mọi ưu phiền và tìm lại niềm hy vọng cho bản thân, nối lại tương quan với Thiên Chúa để sẵn sàng đón Chúa đến với tâm hồn mình.
Tỉnh thức là sự chuẩn bị tinh thần, và là một đòi hỏi của sự sẵn sàng trong hành động. Chúa Giêsu đã tiên báo cho chúng ta về thời cánh chung: “Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (Mt 24,44). Chúa mời gọi chúng ta hãy sống “tỉnh thức” trong chính giây phút hiện tại. Mỗi một giây phút trong cuộc đời, chúng ta đều phải sống trong tinh thần chuẩn bị. Sự chuẩn bị ấy không chỉ đơn thuần là những lời cầu nguyện, nhưng còn là những hành động thiết thực của việc bác ái yêu thương. Sẵn sàng trong Mùa Vọng không có nghĩa là chuẩn bị cho một mùa lễ hội, nhưng điều quan trọng là sự chuẩn bị cho “cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu” qua mỗi sự kiện, biến cố và mỗi người chúng ta gặp gỡ.
Cầu Nguyện và Suy Niệm
Cầu nguyện là lẽ sống của người Kitô hữu. Như cá cần nước, như con người cần không khí để thở, mỗi Kitô hữu cần cầu nguyện mỗi ngày. Đặc biệt trong Mùa vọng, Mùa thuận tiện để chúng ta đến với Chúa và sống kết hiệp mật thiết với Ngài. Như thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta rằng: “Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu” (Rm 13,12). Thánh Phaolô mời gọi chúng ta hãy lột bỏ con người cũ và những hành vi tối tăm để mặc lấy con người mới trong Chúa Kitô. Hãy để ánh sáng Chúa Kitô trở nên khí giới giúp chúng ta vượt qua những cám dỗ tội lỗi và chống lại những thói hư tật xấu trong tâm hồn mình. Mỗi giây phút cầu nguyện là cơ hội để chúng ta đắm chìm trong ân sủng của Thiên Chúa. Vì thế, lời kinh nguyện của chúng ta không chỉ nằm trên đầu môi chót lưỡi, nhưng xuất phát từ trong sâu thẳm của trái tim. Hãy đặt trọn cả tâm trí của chúng ta vào việc suy niệm và chiêm ngắm về tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa.
Bên cạnh đó, suy niệm Lời Chúa trong Mùa Vọng vừa là những suy tư của trí tuệ, vừa là một trải nghiệm của tình yêu vì khi đó chúng ta được gặp gỡ và đối diện với Thiên Chúa qua lời của Ngài. Chúng ta được lắng nghe tiếng nói thì thầm của Ba Ngôi Thiên Chúa qua từng trang Kinh Thánh, qua những biến cố trong cuộc đời và qua những người chúng ta gặp gỡ trong cuộc sống. Suy niệm giúp ta hiểu rõ ta là ai, ta đang ở đâu trong hành trình đức tin và ta cần làm gì để tiếp tục tiến bước theo Chúa Kitô trong hành trình đức tin ấy.
Hoán Cải và Tái Sinh
Trong các văn kiện của Công Đồng Vaticanô II, đặc biệt trong Hiến chế Tín lý về Giáo hội “Lumen Gentium” (Ánh Sáng Muôn Dân) và Hiến chế Mục vụ “Gaudium et Spes” (Niềm Vui và Hy Vọng), hoán cải được hiểu là hành động từ bỏ tội lỗi và quay về với Thiên Chúa của mỗi cá nhân, là một hành trình liên tục kéo dài liên lỉ hướng tới sự hoàn thiện. Mùa Vọng mời gọi mỗi người hãy thay đổi chính mình, hãy từ bỏ những thói quen và lối sống không mang lại sự sống đích thực để trở về với Tình yêu và Lòng thương xót của Thiên Chúa.
Hơn nữa, Mùa Vọng còn mang ý nghĩa tái sinh. Mỗi người chúng ta cũng được mời gọi để sống một cuộc đời tái sinh trong Chúa Kitô. Nghĩa là chúng ta hãy sống một cuộc sống mới trong Chúa Kitô. Nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Kitô, chúng ta được trở nên mới mẻ trong ánh sáng Tin Mừng Cứu Độ. Mùa Vọng giúp chúng ta làm mới lại bản thân và đổi mới cuộc sống, để ánh sáng của Chúa Thánh Thần soi sáng mọi góc khuất của tâm hồn và mỗi hành động của chúng ta ngõ hầu chúng ta có thể phản chiếu Tình yêu của Chúa Kitô cho mọi người.
Bác Ái và Tình Thương
Mùa vọng là thời gian để suy ngẫm và chuẩn bị tâm hồn cho sự kiện Chúa đến lần thứ hai trong vinh quang. Tin Mừng theo thánh Mátthêu (Mt 25, 31-46) miêu tả Chúa Giêsu tái lâm và phán xét loài người như mục tử tách chiên ra khỏi dê. Những “chiên” công chính đầy bác ái và yêu thương, những người đã giúp đỡ người nghèo và bất hạnh, được mời vào Nước Trời. Trong khi đó, những “dê” không quan tâm đến người khác sẽ bị tống vào lửa muôn đời. Đoạn Tin Mừng này nhấn mạnh tầm quan trọng của lòng từ bi và sự phục vụ, đồng thời nhắc nhở về sự phán xử cuối cùng: “những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta” (Mt 24,40). Chúa Giêsu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chăm sóc và hỗ trợ những người nghèo khổ, bất hạnh, với quan điểm rằng hành động phục vụ và quan tâm đến họ chính là hành động phục vụ Chúa Giêsu.
Thật vậy, Đức Thánh Cha Phanxicô nhiều lần đã nhấn mạnh đến việc sống đức tin bằng những việc làm bác ái. Trong các buổi tiếp kiến chung, Đức Thánh Cha thường xuyên nhắc nhở cộng đoàn Kitô giáo về nghĩa vụ của mỗi người đối với tha nhân và mời gọi mỗi Kitô hữu thể hiện đức tin của mình một cách cụ thể và hữu hình. Đức Thánh Cha khích lệ các Kitô hữu chia sẻ với người nghèo và phục vụ người khác vì đó là một phần quan trọng trong việc chuẩn bị đón mừng Chúa đến. Lòng bác ái chính là biểu hiện của Tình yêu Thiên Chúa. Do đó, chúng ta thể hiện lòng từ bi không chỉ trong suy nghĩ, mà chúng ta cần biểu hiện nó qua từng hành động cụ thể.
Tạm Kết
Mùa Vọng cũng là dấu mốc quan trọng của hành trình đức tin của chúng ta. Đó là thời gian để chúng ta dừng lại, nhìn vào tận trong thâm sâu của tâm hồn mình và tự vấn: Ta đã sống như thế nào? Ta đã yêu thương, chia sẻ và hy sinh đến đâu? Đâu là dấu chân của ta trên hành trình đức tin này?
Như vậy, Mùa Vọng là hành trình thiêng liêng của riêng mỗi người trong hành trình đức tin của cả Cộng đoàn Dân Chúa, nơi mỗi người chúng ta “cùng nhau bước đi trên một con đường” về Nước Trời. Chúng ta hãy cùng tiến bước, hỗ trợ nhau, và cùng nhau phản chiếu ánh sáng của Chúa Giêsu Kitô. Hãy để Mùa Vọng trở thành nguồn cảm hứng cho chúng ta sống tốt đẹp hơn, yêu thương chân thành hơn và lan tỏa tình yêu của Chúa trong từng cử chỉ và hành động hàng ngày.
Trong khoảng thời gian tĩnh lặng thiêng liêng của Mùa vọng này, mỗi ngày trôi qua cho đến Đại lễ Giáng Sinh, là những cơ hội để chúng ta đến gần với Thiên Chúa hơn, để cảm nghiệm sâu sắc hơn và tìm gặp được tình yêu vô bờ bến mà Ngài dành cho mỗi người chúng ta. Mùa Vọng, thời gian của sự mong đợi, thời gian của hy vọng, cũng là thời gian của sự biến đổi – biến đổi chính con người của mình và thế giới xung quanh chúng ta thông qua tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Danh, M.S.A.