Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Tỉnh thức

Tác giả: 
Huệ Minh

Màu tím. Chúa Nhật 1 Mùa Vọng. Tv tuần 1. Các bài đọc: Is 63,16b-17.19b; 64,2b-7; 1Cr 1,3-9; Mc 13,33-37.

TỈNH THỨC

 

Mùa vọng là mùa chờ đợi, điều này ai cũng biết. Nhưng chờ đợi ai, chờ đợi những gì và chờ đợi như thế nào, không phải ai cũng biết và thực hành. Các bài đọc Lời Chúa khởi đầu mùa vọng hôm nay sẽ gợi mở để giúp chúng ta thấu triệt những điều ấy.

Chờ đợi trong tỉnh thức và sẵn sàng là sứ điệp mà cả ba bài đọc trong phụng vụ hôm nay nhắn gửi đến chúng ta.

 

“Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức” (c.33a). Đây là lần thứ tư và cũng là lần cuối cùng trong Mc 13, Chúa Giêsu kêu gọi bốn đồ đệ Phêrô, Giacôbê, Gioan và Anrê phải coi chừng (cc.5.9.23.33). Lời mời gọi hãy biết nhận định rõ ràng và chính xác, là lời mời gọi xuyên suốt diễn từ cánh chung của Chúa Giêsu. Các môn đệ cần phải có cái nhìn sáng suốt về những gì xảy đến, để giải thích đúng đắn các thực tại và không bị lừa phỉnh (cc.5-23). Bây giờ, sau khi đã nói tất cả những điều đó và để kết thúc diễn từ cánh chung, Chúa Giêsu nhấn mạnh: “Phải tính thức”. Chỉ trong một đoạn văn ngắn, có đến bốn lần Chúa nói: “Phải tỉnh thức” (cc.33.34.35.37), điều này cho thấy tính cách quan trọng của lời mời gọi.

 

Lý do đầu tiên được đưa ra để làm nền cho lời mời gọi quan trọng đó, chính là: “Vì anh em không biết khi nào thời ấy đến” (c.33b). Ngay trước câu này, Chúa đã khẳng định: “Còn về ngày hay giờ đó [cuộc quang lâm] thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi” (c.32). Áp dụng điều đó vào trường hợp các đồ đệ, Chúa Giêsu cho họ biết rằng họ không biết được khi nào xảy đến cuộc quang lâm (c.33), tức là khi nào Chủ của họ trở về (c.35), và Ngài nối kết sự không biết này vào với lời mời gọi tỉnh thức.

Sau khi nêu lý do, Chúa Giêsu kể cho các đồ đệ nghe một dụ ngôn: câu chuyện ông chủ đi xa. “Cũng như người kia trẩy phương xa, để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức” (c.34). Người giữ cửa được nhấn mạnh cách đặc biệt vì hơn tất cả những người khác, nhiệm vụ canh thức của anh là rất rõ ràng.

 

Tình cảnh của các đồ đệ cũng tương tự như tình cảnh của những người đầy tớ của ông chủ trong câu chuyện dụ ngôn. Ông chủ đi xa và trao phó công việc cho họ; mỗi người có nhiệm vụ riêng của mình. Và bởi vì họ không biết khi nào ông quay về, nên họ phải luôn hiện hiện trong tư thế sẵn sàng. Cũng tương tự như thế, Chúa Giêsu chính là vị Chủ Nhà. Rời khỏi thế gian, Chúa Giêsu trao phó cơ nghiệp cứu độ của Người cho các đồ đệ. Trong Nhà của Chúa Giêsu, các đồ đệ, nhất là các vị lãnh đạo cộng đoàn Hội Thánh, vừa là gia nhân vừa là người giữ cửa. Mọi người đều phải tỉnh thức và sẵn sàng đón Người trở lại trong cuộc quang lâm của Người.

 

Sau khi kể câu chuyện dụ ngôn, Chúa Giêsu lặp lại lời kêu gọi tỉnh thức và nêu phần áp dụng của dụ ngôn đó và hoàn cảnh các đồ đệ: “Vậy anh em phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng. Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ” (cc.35-36).

 

Trong cuộc sống, chúng ta thường nói: Mấy ai học được chữ ngờ. Nghĩa là có nhiều biến cố xảy đến ngoài dự kiến của chúng ta. Nhưng có một cái bất ngờ, tuy không do chúng ta dự liệu, nhưng lại tuỳ thuộc chúng ta định đoạt số phận, đó là cái chết.

 

Qua báo chí, nghe truyền thanh và xem truyền hình, chúng ta thấy cái chết phảng phất ở mọi nơi, và trong mọi lúc. Nào là thiên tai bão lụt giết chết hàng trăm người. Nào là núi lửa, động đất giết chết hàng ngàn người. Nào là chiến tranh, đói khổ giết chết hàng vạn người. Dẫu vậy có ai nghĩ rằng mình cũng sẽ phải chết, mà mấy ai đã tỉnh thức và sẵn sàng cho cái bất ngờ cuối cùng ấy.

 

Sống sao thì chết vậy. Muốn được chết tốt lành, muốn cho giờ chết không phải là giờ cay đắng bẽ bàng thì ngay từ lúc này, chúng ta phải lo sống tốt lành. Đối với những người còn hồ nghi về đời sau, họ nên khôn ngoan lý luận như nhà tư tưởng Pascal: Có đời sau hay không, điều ấy thật khó mà chứng minh rõ rệt, tuy nhiên tôi vẫn tin có là hơn, vì dù không có, thì tin như vậy cũng không thiệt hại gì. Còn như trong trường hợp mà có, thì không tin quả là điều nguy hiểm. Cho nên tin vào sống niềm tin ấy, thì khôn ngoan hơn.

 

Tỉnh thức và sẵn sàng ở đây có nghĩa là hãy khử trừ tội lỗi ra khỏi cuộc sống và tích trữ cho một kho tàng quý giá là những hành động bác ái, là những công nghiệp chúng ta lập được khi còn sống ở đời này, để bất kỳ lúc nào Chúa lên tiếng kêu gọi, chúng ta cũng có thể sẵn sàng thưa lên: Lạy Chúa, này con xin đến.

 

Nếu không cảm nhận Chúa là lẽ sống, niềm vui, hay nguồn hy vọng của đời mình thì làm sao có thể nhớ thương và mong chờ cho đúng nghĩa được. Có ai trông đợi hay nôn nao được gặp lại một bóng hình mà họ không yêu thương cũng chẳng qúi mến chăng?

 

Thế cho nên sống mùa Vọng là tái xác định đối tượng chính trong cuộc đời. Khi mà tôi nhận thức Chúa chính là áng mây cho sa mạc tâm hồn, là dòng suối mát cho cánh đồng chờ nước bao năm, thì lúc ấy lời ca “Trời cao hãy đổ sương xuống, và ngàn mây hãy mưa Đấng chuộc tội” sẽ thấm đến tận nơi sâu thẳm của cõi lòng.

 

Vậy lời kêu gọi “tỉnh thức” của ngày đầu năm phụng vụ không chỉ nhắc tôi về thái độ chờ đợi và sẵn sàng, nhưng còn ngầm bảo tôi hãy “thức tỉnh”: thức tỉnh lại từ những đam mê, trăn trở, gian nan để xem Chúa có ở trong đó không; thức tỉnh từ những kiếm tìm: tìm job, tìm của, tìm tình, tìm danh dự, tìm địa vị… để xem Chúa ở trong và ở trên tất cả những sự đó không. Vì nơi đâu không có Chúa, nơi đó chỉ là những quảng cáo của thế gian, ma qủi. Tìm mọi sự mà không tìm Chúa thì rồi vẫn cứ mãi thiếu vắng và khát khao. Phải chăng là vì “chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn” (Thánh Augustinô).