Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Tỉnh thức là gì?

Tác giả: 
Lm Nguyễn Minh Hùng

TỈNH THỨC LÀ GÌ?

CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG NĂM B

 

Tin Mừng cho ngày khai mạc mùa Vọng, cũng là khai mạc năm Phụng vụ mới (Mc 13, 33-37) chỉ vỏn vẹn có năm câu, nhưng có tới 4 lần mời gọi "PHẢI TỈNH THỨC".

Mở đầu: "Các con phải coi chừng, phải tỉnh thức!". Kết thúc: "Ta bảo cho tất cả mọi người là: Hãy tỉnh thức!”.

Ngay trong dụ ngôn ngắn xen giữa hai lời mời gọi đầu và cuối, cũng lại là một tiếng gióng về sự tĩnh thức.

 

Dụ ngôn cho biết: Ông chủ đi xa giao nhà cho đầy tớ, chỉ định mỗi người một việc và dạy phải tỉnh thức, vì ông có thể bất ngờ trở về. Sẽ không may cho đầy tớ nếu khi ông về còn đang ngủ mê. Anh ta bị xếp vào loại thiếu chuẩn bị, thiếu trách nhiệm, thiếu tích cực cho công tác của mình.

 

Ngôi nhà mà ông chủ giao có thể hiểu theo hai nghĩa: đời sống đức tin của từng cá nhân và vũ trụ vật chất này mà từng người và cả loài người phải chịu trách nhiệm quản lý nó.

 

Họ phải lo vun bồi, dựng xây, kiến tạo, tích cực làm cho phát triển, để, nếu là đời sống đức tin, từng cá nhân phải vững vàng trong lòng yêu mến Chúa, tương quan tốt với con người.

 

Nếu là thế giới quan chung quanh, cả nhân loại, mà hiện diện trong đó là mỗi chúng ta phải đổ hết khả năng để xây dựng nhằm đem lại sự xinh tươi, hạnh phúc, an bình, no ấm cho muôn người, muôn nhà. Từ tinh thần đến vật chất của cả hành tinh phát triển và phát triển lành mạnh, luôn trong tinh thần trách nhiệm bảo vệ vũ trụ theo đúng quy luật phát triển của nó chứ không theo ý riêng những kẻ quyền thế, vụ lợi và lạm dụng tạo ra.

 

Từng người phải quản lý và chịu trách nhiệm về cuộc đời mình và thế giới chung quanh. Họ phải sống và điều khiển chính họ cũng như thế giới phù hợp thánh ý Chúa, trong tình yêu quan phòng và sự cứu độ của Chúa.

 

Họ phải ý thức, khi họ hiện diện, đó là hiện thân của Thiên Chúa hiện diện. Mọi nơi mà họ hiện diện và sống phải tràn ngập tình yêu, tràn ngập lòng xót thương, tràn ngập an bình, tràn ngập lẽ sống, tràn ngập tình yêu sự sống.

 

Đó là cách mà mỗi chúng ta, những đầy tớ thực hành đời sống tỉnh thức. Đó là cách những đầy tớ biết phận mình mà nỗ lực trông coi, quản lý, gìn giữ và tôn tạo "nhà" cho "Ông Chủ", là chính Chúa của mình. Đó là cách chúng ta hướng tới ngày "Ông Chủ" trở về và gọi đích danh từng người.

 

Thánh Phaolô cho biết, đó chính là cách chúng ta thể hiện niềm khao khát ơn giải thoát "trong khi mong chờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tỏ mình ra".

 

Đó là cách chúng ta cộng tác chặt chẽ với ơn Chúa, Đấng sẵn sàng "ban cho anh em bền vững đến cùng, không có gì đáng trách trong ngày Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ngự đến" .

Với tất cả những đường lối thể hiện sự tỉnh thức của mỗi người như vừa kể, cũng là cách chúng ta đắm mình trong hy vọng tiến đến sự thánh thiện toàn hảo của Thiên Chúa và của Chúa Kitô.

 

Hơn bất cứ thời điểm nào, mùa Vọng lại nhấn mạnh đến niềm hy vọng. Không hy vọng chung chung, không hy vọng mà không có viễn ảnh nào. Ngược lại, niềm hy vọng mà Hội Thánh dạy là hướng đến chính bản thân Thiên Chúa và nguồn sống vô cùng nội tại nơi cung lòng Thiên Chúa.

Hy vọng ấy khởi phát và lại trở về với chính "Thiên Chúa là Ðấng Trung Tín", Đấng kêu mời chúng ta "hiệp nhất với Con của Người, là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta" (những phần in nghiêng, xem bài đọc II). Nhờ mang niềm hy vọng trong Chúa, chúng ta được củng cố thường xuyên, được gìn giữ, được chở che để không đổ ngã khi phải luôn tỉnh thức, phải luôn nỗ lực cho cuộc lữ hành đi về cùng Thiên Chúa, nguồn cội không thể thiếu của đời ta.

 

Hơn nữa, ngay trong việc chúng ta vâng lời Chúa Giêsu để sống tỉnh thức, đã là hy vọng. Chính trong nỗ lực hoàn thiện đời mình và không chểnh mảng với trách nhiệm quê hương trần thế, đã nội tại niềm hy vọng.

 

Có hy vọng về một ngày mai trong Chúa, có hy vọng về tình yêu bền vững của Chúa, có hy vọng về ơn vĩnh cửu hóa mà Thiên Chúa thương ban, ta mới sẵn sàng tỉnh thức, mới kiên trì cố gắng từng giây phút sao cho đẹp lòng Chúa, sao cho luôn giữ mình tránh xa cám dỗ và gần cận mỗi ngày một hơn với sự thánh thiện của Thiên Chúa.

 

Hãy nhớ, chúng ta chỉ là "người giữ cửa". Giữ cửa không chỉ đợi chủ, mà còn canh chừng, nhằm ngăn chặn sự dữ, ngăn chặn thù địch tấn công cướp phá gia nghiệp của chủ.

 

Dù biết mình phải luôn nung nấu niềm hy vọng, nung nấu ý chí tỉnh thức, nung nấu tình yêu trong việc xây dựng sự thánh thiện cho đời mình, nung nấu lòng tha thiết với công cuộc xây dựng trần thế, nhưng vì mang thân phận mỏng giòn, chúng ta dễ đổ ngã.

 

Hãy luôn ý thức đặt mình trong tương quan với Chúa. Luôn tâm niệm lời cầu nguyện chất chứa khát khao được Chúa độ trì của tiên tri Isaia: "Lạy Chúa, Chúa là Cha và là Ðấng Cứu Chuộc chúng con: danh Chúa đã có từ muôn đời... Không tai nào nghe thấy không mắt nào nhìn thấy một chúa nào khác ngoài Chúa đã dành những hồng ân cho những ai trông đợi Chúa. Chúa đã đón tiếp kẻ hân hoan thi hành công lý, và nhớ đến Chúa khi đi trong đường lối Chúa... Chúa là Cha chúng con, chúng con là đất sét, còn Chúa là người thợ gốm, tất cả chúng con đều do tay Chúa làm nên" (Is 63, 16b-17; 64, 1. 3b-8).

 

Chỉ có tin tưởng và bám chặt vào Chúa như thế, ta mới đủ sức mà thi hành công trình tỉnh thức theo ý Chúa Giêsu trọn cuộc đời, vượt qua mọi cám dỗ, mọi xô đẩy, mọi yếu đuối của bản thân, của ma quỷ và của thế gian.

 

Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG