Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Có một Vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết (ga 1, 27)

CÓ MỘT VỊ ĐANG Ở GIỮA CÁC ÔNG MÀ CÁC ÔNG KHÔNG BIẾT (GA 1, 27)

(Suy niệm Chúa nhật 3 Mùa Vọng B)

 

Trong tâm tình Mùa Vọng, mỗi người ki-tô hữu được mời gọi chuẩn bị tâm hồn xứng đáng để đón gặp Đức Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời Thiên Chúa. Không chỉ dừng lại ở việc mừng kỷ niệm Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người cách đây hơn 2000 năm, nhưng mỗi chúng ta được mời gọi hoán cải tâm hồn để chờ đón Chúa đến lần thứ hai trong Vinh quang. Quả thật, Ngài đã đến và đang hiện diện nơi mỗi người chung quanh chúng ta, nơi môi trường chúng ta đang sống mà đôi khi chúng ta đã vô tình hay hữu ý không nhận ra Ngài. Đặc biệt nhất Ngài hiện diện nơi những hoàn cảnh khổ đau, bệnh hoạn tật nguyền và nghèo đói. Chúng ta đã giả điếc làm ngơ và đã phớt lờ đi bao nhiêu cảnh đời đủ mọi trạng huống bên cạnh chúng ta. Chúng ta không biết rằng người bên cạnh chúng ta chính là Ngôi Lời Nhập Thể, là hình ảnh đích thực của Một Thiên Chúa làm người. Điều đó đã được Tin mừng của Chúa nhật 3 Mùa Vọng nhắn nhủ như sau: “có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết” (Ga 1,27).

 

Cứ mỗi khi Mùa Vọng đến là chúng ta lại bắt gặp một hình ảnh quen thuộc: đó là Ông Gioan Tẩy Giả. Ông đã tự huỷ mình để vào hoang địa để ăn chay hãm mình hầu hoán cải chính mình trước khi kêu gọi người ta ăn năn hối cải. Lối sống đơn sơ, giản dị và khiêm tốn của Gioan Tẩy Giả đã là lời chứng thiết thực để trở thành vị ‘Tiền Hô’ dọn đường cho Chúa. Nơi Gioan Tẩy Giả, người ta đã nhầm tưởng là Đấng Mesia, là Ê-li-a hay một ngôn sứ nào đó. Nơi con người ‘đầy sự lạ’ và đầy nhiệt huyết rao giảng này, nhiều người đã ‘phong’ cho Ông bằng nhiều tước hiệu. Thế nhưng, là con người khiêm tốn, Gioan Tẩy Giả đã từ chối tất cả những tên mà người ta gán cho Ông. Ông chỉ nhận mình là tiếng kêu trong hoang địa, là người đi trước Chúa và mở lối cho thẳng để Người đi. Ông giới thiệu vị đến sau là Đấng Cứu Thế, là Đấng xứng đáng đến nỗi Gioan Tẩy Giả không dám cúi xuống cởi quai dép cho Người. Rồi Gioan Tẩy Giả khẳng định thêm chính Đấng đến sau mới là Đấng làm phép rửa bằng Thánh Thần, còn ông chỉ làm phép rửa bằng nước để kêu gọi mọi người ăn năn hối cải mà thôi. 

 

Chính Gioan Tẩy Giả đã minh định rằng “có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết” (Ga 1,27). Quả thật, Gioan Tẩy Giả đã xem thấy và đã giới thiệu cho nhiều người biết: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian” (Ga 1, 29-34).  Vâng, Ngài đã đến thế gian và đã cư ngụ trong thế gian để cứu độ thế gian. “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.” (Ga 1, 9-11). Quả thật, Ngài đã đến hơn 2000 năm rồi và Ngài đang hiện diện với chúng ta không chỉ nơi Mình Máu Ngài trong Bí tích Thánh Thể mà Ngài còn hiện diện trong mỗi người chúng ta, nhất là nơi những người bé mọn: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” (x. Mt 25, 40.45. Đức Giê-su đã tự đồng hoá Ngài là những người nghèo, người đói, người bần cùng, người bị loại trừ,… mà chúng ta gặp gỡ hằng ngày trên đường đời.

 

Quả thật, chúng ta thú nhận với nhau rằng chúng ta đi đạo mới dừng lại ở việc gặp Chúa ở nhà thờ mà chưa gặp Ngài ở nơi cuộc sống. Nhiều khi chúng ta gặp Chúa nơi Lời Ngài và Mình Máu Ngài nhưng lối sống hận thù, ghen ghét và bất hoà bất thuận đang xảy ra hằng ngày nơi gia đình, nơi trường học, nơi công ty, nơi chợ búa, nơi môi trường sống. Chúa đã giáng sinh, đã làm người và hiện diện nơi tất cả mọi người. Mỗi người chúng ta gặp gỡ trong mọi nơi mọi lúc và trong mọi môi trường, đó chính là hình ảnh Đức Giê-su, Ngôi Lời Nhập Thể đang hiện diện. Thật vậy, chúng ta thường xuyên đọc kinh, cầu nguyện và gặp Chúa trên môi miệng nhưng lòng của chúng ta lại xa Chúa. Chúng ta xin ơn bình an trong tâm hồn nhưng chúng ta lại gây bất an cho người khác. Chúng ta xin ơn bình an cho gia đình, cho quê hương, cho đất nước nhưng chính chúng ta không hề xây dựng lối sống văn hoá văn minh, lối sống yêu thương và giúp đỡ tha nhân, ngược lại chúng ta trở thành người tạo lập nên mối chia rẽ và bất công, trở nên rào cản hay bức tường ngăn cách tình huynh đệ và mối dây hiệp hành.

 

Mùa Vọng này giúp chúng ta nhìn lại cung cách sống của mỗi người để biết hối cải và ‘trang trí’ lại hang đá tâm hồn cách đạo đức, thánh thiện hầu đón nhận được Hoàng Tử Hoà Bình nơi Ngôi Lời Thiên Chúa và nơi anh chị em đồng loại. Từ nay, ngay sau Mùa Vọng này, chúng ta được mời gọi hãy biết trân quý những khoảnh khắc gặp gỡ và tương quan với nhau, trong nhau và vì nhau vì biết rằng “có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết” (Ga 1,27).

 

Chính Hài Nhi Giê-su đã nhập thể và đã trở nên đồng hình đồng dạng với bất cứ người nào đó mà chúng ta bắt gặp và sinh sống với nhau. Biết đâu bên cạnh tôi, trong gia đình tôi, Chúa đang hoá thân là người chồng, là người vợ, là con cái, là người thân cận. Nơi môi trường sống và nơi làng xóm tôi, chính Chúa đang ở với tôi nơi người nghèo, nơi người bị ung thư, nơi người bị tàn tật, nơi người bị hiểu nhầm và bị vu khống, nơi những trẻ em nghèo không có tiền đến trường và không có cơm ăn áo mặc, nơi những hoàn cảnh màn trời chiếu đất, nơi những cụ già ăn xin và lang thang cơ nhỡ, nơi những bà bầu bị loại bỏ bởi người chồng hoặc chàng trai nào đó, nơi những thai nhi đang ngày ngày bị cắt bỏ và giết hại, nơi những cảnh đời già cả neo đơn, nơi những nạn nhân của chiến tranh – dịch bệnh và bạo lực gia đình,… Vì thế, trong khi chờ đợi Đấng Cứu Thế đến trong vinh quang, Thánh Phao lô mời gọi chúng ta nơi Bài Đọc 2: “Hãy cân nhắc mọi sự : điều gì tốt thì giữ; còn điều xấu dưới bất cứ hình thức nào thì lánh cho xa. Nguyện chính Thiên Chúa là nguồn mạch bình an, thánh hoá toàn diện con người anh em, để thần trí, tâm hồn và thân xác anh em, được gìn giữ vẹn toàn, không gì đáng trách, trong ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, quang lâm.” (x.1Tx 5, 21-23).

 

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương