Số 121: Giới răn mới khác giới răn cũ điểm nào ?
Số 121: Thức Ăn Nhanh cho Tâm Hồn (The Fast Food for The Soul) by Fr. Quảng Trần, C.Ss.R., on Monday, May 7, 2018
“Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”
(Ga 15:12)
GIỚI RĂN MỚI KHÁC GIỚI RĂN CŨ Ở ĐIỂM NÀO
Tình yêu có từ bao giờ?
Xin thưa: có lẽ nó xuất hiện cùng thời khi con người bắt đầu hiện hữu. Như thế, nó phải tồn tại lâu lắm rồi! Từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam, mọi thời, mọi giai đoạn xã hội đều có vô vàn những tác phẩm như văn chương, thi phú, hội hoạ, âm nhạc…nói về tình yêu. Tình yêu ắt phải là một thuộc tính cố hữu của con người. Nếu tình yêu là thuộc tính cố hữu của con người thì đâu là sự khác biệt, điểm MỚI về giới luật yêu thương mà Chúa Giêsu dạy ta phải sống?
Nói tới giới luật MỚI thì phải có giới luật CŨ. Giới luật CŨ về yêu thương mà chúng ta vẫn nghe, vẫn đem ra thực hành trong cuộc sống đó là: “yêu thương người khác NHƯ CHÍNH MÌNH.” Nghĩa là tôi yêu bản thân tôi như thế nào, thì tôi sẽ yêu người khác như vây. Nếu một lúc nào đó tôi chán ngấy cái cuộc đời “buồn nôn”(theo Jean Paul Sartre) của tôi thì tôi cũng sẽ không yêu người khác nữa, tôi cũng chán ngấy người khác như thế. Tôi lấy tôi làm chuẩn, làm thước đo về tình yêu mà tôi giành cho tha nhân.
Còn giới luật MỚI, giới răn Mới đó là: “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” Giới răn MỚI về yêu thương, không phải tôi là điểm quý chiếu trong tình yêu của tôi với người khác, mà Chúa Giêsu trở thành điểm quy chiếu. Và tình yêu của Chúa Giêsu đó là “đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15: 13).
Tôi đang tuân giữ giới răn yêu thương nào: CŨ hay MỚI? Tôi có đang hy sinh mạng sống, lợi ích CỦA TÔI vì THA NHÂN; hay tôi đang hy sinh mạng sống, lợi ích CỦA THA NHÂN vì TÔI? Hy sinh cho người mình yêu không phải là cái gì đó cao siêu, mà mời gọi ta có những hy sinh rất thiết thực trong đời sống thường ngày cho những người mình thương yêu.
Chuyện kể rằng: Có một cô gái người Miền Nam lấy một anh người Huế. Khẩu vị của cô gái thích ăn bình thường, không cay. Trái lại, người chồng thích ăn cay, không có ớt thì anh không nuốt được thức ăn.
Vì ở gần nhà bố mẹ đẻ, vào những ngày anh chồng đi làm, cô gái thường tạt qua nhà bố mẹ đẻ để ăn trưa cùng bố mẹ.
Một hôm, BỐ cô gái nấu thức ăn hơi mặn và hình như khẩu vị của bố thường thích ăn mặn. Tuy nhiên, mẹ cô không kêu ca càm ràm gì cả, chỉ nhẹ nhàng mang đến một chén (bát) nước để trên bàn ăn, khi gắp thức ăn bà nhúng vào chén nước trước sau đó mới cho lên miệng. Qua hành động của mẹ, cô gái đã hiểu ra được điều không bình thường với các món ăn.
Cuối tuần sau đó, cô gái ở nhà nấu cơm, làm thức ăn mà chồng cô thích ăn. Dĩ nhiên mỗi loại thức ăn cô đều cho ớt. Bắt chước mẹ mình, cô để sẵn trên bàn ăn một chén/bát nước. Chồng cô nhìn cô ăn thức ăn đã nhúng qua chén nước, và rồi ăn vui vẻ như không có vấn đề gì. Điều đó khiến anh cảm động và rưng rưng nước mắt.
Sau đó, anh cũng tranh nấu cơm, nhưng trong thức ăn không còn nhìn thấy ớt nữa. Chỉ khác là trên bàn có thêm một đĩa ớt dằm.
Vì tình yêu, cũng vì bản thân mình, hai vợ chồng 1 người giữ một đĩa ớt, 1 người giữ một chén nước, nhưng quan trọng hơn, họ hiểu được thế nào để ôm giữ được một tình yêu vĩnh cửu.
Cùng Suy Nghĩ và Hành Động: Người ta bảo: Mọi thứ trên đời dường như đều có thể trả được bằng tiền, nhưng riêng tình yêu phải trả bằng tình yêu: “tình yêu đáp đền tình yêu, ân tình đền đáp ân tình”. Tình yêu không mua được bằng tiền, chỉ có thể mua được bằng sự hy sinh chính mình vì những người mình yêu thương. Chúa Giêsu bào “anh em hãy yêu thương nhau.” Ngài không bảo ta PHẢI yêu thương những người xa xôi, viển vông nào đó mà yêu thương những người ta đang sống cùng, sống với ta. Từ hôm nay, đâu là 1 quyết tâm sống giới răn MỚI về yêu thương của Chúa Giêsu nơi tôi?
Quyết tâm: Thay vì nghĩ: người A, người B đang đang gây đau khổ cho tôi thì tôi phải nghĩ người ấy đang là dịp cho tôi hy sinh, nên thánh, biểu lộ tình yêu, giới răn MỚI về tình yêu Chúa Giêsu nơi tôi?
- Loại bài viết: