Số 134: Xin NHỚ Đến Tôi/Xin Đừng Quên Tôi/Forget-Me-Not!
Số 134: Thức Ăn Nhanh cho Tâm Hồn (The Fast Food for The Soul) by Fr. Quảng Trần, C.Ss.R., on Monday, Nov 1, 2018
Xin NHỚ Đến Tôi/Xin Đừng Quên Tôi/Forget-Me-Not!
(Tháng 11, đối với người Công Giáo là Tháng Nhớ Tới Những Người Quá Cố, nên bài suy niệm này, như một lời mời gọi hãy có những hành động cụ thể đối với những người quá cố bằng lối sống tốt lành thánh thiện ngay bây giờ.)
1. Dẫn Nhập: Sự Tích Loài Hoa Lưu Ly/ Forget-Me-Not
Tại sao con người thích sở hữu nhiều tiền, có nhiều quyền bính, và tham danh vọng? Nhiều lý do để trả lời cho những câu hỏi xưa như trái đất này. Tuy nhiên, ở đây chỉ xin được đưa ra một lý do: muốn được nhiều người biết đến, muốn được nhiều người công nhận, muốn hình ảnh và hành động của mình được nhiều người ghi NHỚ. Tắt một lời: muốn được ghi dấu ấn, ở lại trong cõi lòng của nhiều người khác.
Có lẽ vì lý do trên, nên nơi sâu thẳm của lòng mình, ai ai cũng muốn những người mình thương mến NHỚ tới mình dù khi còn sống hay khi đã chết. Thế nên, ta thấy ở các nghĩa trang, các đất thánh… những nơi chôn cất người quá cố hay trồng một loài hoa, tiếng Việt gọi là Hoa Lưu Lý (tiếng Anh là Forget-Me-Not = Xin Đừng Quên Tôi, hay Xin Hãy NHỚ Tôi) như thể muốn níu kéo, muốn nhắc nhở những người còn sống, xin đừng quên, hãy NHỚ đến chúng tôi đang nằm ở đây, nơi lòng đất mẹ này.
Hoa của cây Hoa Lưu Ly đa phần có sắc màu tím, nhưng thi thoảng ta cũng thấy có các gam màu khác nữa, nhất là với công nghệ khoa học kỹ thuật phát triển như ngày nay, họ có thể cấy ghép nhiều màu sắc khác nhau, nhưng không làm mất đi tính bình dị, nhỏ nhoi, mong manh của loài hoa này. Lý do tại sao người ta lại hay trồng hoa Lưu Ly xung quanh phần mộ những người quá cố?
Chuyện kể rằng: Thời trung cổ, ở nước Đức, có một chàng hiệp sỹ trẻ tuổi tài hoa, một hôm chàng và người yêu đang đi dạo dọc theo bờ sông Danube (sông Danube năm ở Trung và Đông của Âu Châu, là con sông dài thứ 2 sau sông Volga). Bỗng dưng, cô gái thấy một bụi hoa màu tím đang trôi xuôi theo dòng nước. Cô liền reo lên: “Ôi! Bụi hoa kia đẹp quá! Ước gì em có được những nhánh hoa đó cầm trên tay!”
Không chần chừ suy nghĩ, chàng hiệp sỹ dũng cảm của cô liền nhảy xuống dòng sông, và vội với cho kịp những nhánh hoa đang trôi theo dòng nước.
Nhưng, hỡi ôi, vừa với được những nhánh hoa thì người chàng dần chìm, do sức nặng của bộ quần áo hiệp sĩ chàng đang mang trên người. Chàng ta không thể trở lại bờ sống nơi chàng vừa can đảm, liều lĩnh nhảy xuống. Chàng cảm thấy mình đang bị chìm sâu xuống dòng nước đang chảy xiết, không thể ngoi lên được nữa. Biết vậy, chàng hiệp sĩ vội cố gắng ném những nhánh hoa vừa với được lên bờ cho người yêu. Khi đang dần bị cuốn chìm dưới dòng nước, chàng cố rướn lên trước khi chìm xuống mãi mãi, và nói vọng tới nàng như một lời trăn trối: Forget-Me-Not = Xin Đừng Quên Anh nhé! Xin NHỚ anh nhé!
Từ đó, lời trăn trối của chàng hiệp sỹ si tình kia đã trở thành tên riêng của loài hoà này: Forget-Me-Not = Lưu Ly. Và có lẽ, khi trồng những loài hoa này bên phần mộ của những người thân yêu, như một lời nhắc nhở đối với người còn sống: xin hãy NHỚ những người đã ra đi trước.
2. Bằng Chứng Muốn Người Khác Nhớ Tới Mình
Tại sao trong cõi lòng sâu thẳm của chúng ta ai cũng mong muốn những người khác NHỚ tới mình, đừng quên mình hay muốn mình mãi mãi được hiện diện trong lòng người khác?
Nhìn vào lịch sử, tử đông sang tây, từ cổ chí kím, và chắc chắn từ bây giờ cho đến mãi ngàn sau, đã là con người, ai cũng muốn mình được NHỚ, được lưu lại trong lòng những người khác, đặc biệt những người mình yêu thương. Điều này được thể hiện rất rõ trong đời sống của chúng ta.
Khi con cái chuẩn bị đi học xa, bố mẹ hay những người thân yêu thường căn dặn: NHỚ liên lạc, NHỚ gọi điện, NHỚ viết thư về, NHỚ viết email, và NHỚ facetime về thường xuyên… nhé (keep in touch).
Khi ta nghe tin nhà ai có đám hỷ: cưới xin, sinh nhật, ra trường, thôi nôi… chúng ta hay nói chơi: khi nào tổ chức NHỚ báo tôi nữa nghe (mặc dầu đi ăn những đám này phải mất tiền mừng, hay phải mua quà cáp… nhưng người được mời vẫn vui, nếu không mời thế nào cũng bị trách: tệ thật, nó không NHỚ tới mình…). Ngược lại những người đi xa, lại dặn những người ở lại: khi nào rảnh rang, sắp xếp thời gian đến chỗ tôi thăm tôi nhé. Muốn mọi người NHỚ mình đó!
Lúc vui mình muốn người khác NHỚ đến mình đã đành, nhưng khi gặp rủi ro, hoạn nạn… mình lại càng muốn người khác NHỚ tới mình. Chúng ta có kinh nghiệm khi nằm ở giường bệnh nếu ai đến thăm, chúng ta muốn họ lưu lại lâu hơn (trừ trường hợp đau nặng không muốn ai phiền mình, để yên tĩnh, để phục hồi).
Các cuộc thăm viếng những trại trẻ mồ côi, chúng ta kinh nghiệm các trẻ mồ côi quấn quýt với chúng ta thế nào…, và viện dưỡng lão cũng không kém phần: mỗi khi chúng ta chào ra về, các cụ tiễn ra đến cửa với những ánh mắt dõi theo từng bước của chúng ta đang xa dần… Trong ánh mắt ấy một câu hỏi vang lên: ước gì họ NHỚ tới thăm mình nữa.
Với kinh nghiệm mục vụ của một linh mục, mỗi lần đi thăm viếng ai, khi ra về tôi luôn nhận được lời dặn với theo: xin cha NHỚ đến con, gia đình con… trong những câu kinh, lời nguyện của cha nhé.
Mong người khác NHỚ tới mình và mình NHỚ tới người khác là điều gì đó rất thật, và rất người. Là người ai cũng thế! (Không biết các con vật có như vậy không nhỉ?) Chúa Giêsu là con người nên cũng không ngoại lệ. Chúa Giêsu có hai bản thể: con người và Thiên Chúa. Trước khi rời bỏ thế gian này, “về cùng với Chúa Cha. Chúa Giêsu vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Ngài yêu thương họ đến cùng” (Ga 13:1). Để biểu tỏ sự lưu luyến NHỚ nhung ấy, Chúa Giêsu đã thiết lập thiên chức linh mục và bí tích Thánh Thể với ước mong: “anh em hãy cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng NHỚ đến Thầy, và đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng NHỚ đến Thầy” (1 Cr 11: 24-5). Vì vậy, mỗi khi chúng ta cử hành, tham dự thánh lễ là chúng ta đang “NHỚ” Chúa Giêsu và để cho Chúa Giêsu NHỚ chúng ta.
3. Niềm Vui Được Người Khác NHỚ và NHỚ Tới Người Khác
Tham tiền bạc, thích danh vọng, ham chức quyền, lý do sâu thẳm, là để được ở lại trong cõi lòng của người khác, được người khác NHỚ đến. Và lẽ rất tự nhiên, khi chúng ta được ai đó NHỚ đến thì rất vui. Lâu ngày tự dưng nhận được một cuộc điện thoại từ xa (a long distance), một email, hay một món quà… của một ai đó mà ta nghĩ họ đã quên ta thì nay họ nói vẫn NHỚ đến ta nên gọi... (Chứ không phải gọi chào hỏi vài câu, để rồi nhờ vả??! Nhớ kiểu này thì không vui tí nào!) Ta thấy vui! Tại sao vui? Vui vì có người vẫn còn NHỚ đến mình. Có NHỚ mới gọi điện! Có NHỚ mới gửi email! Có NHỚ mới gửi quà chứ!
Forget-Me-Not (Xin hãy NHỚ đến tôi!) là cụm từ mà ai trong chúng ta cũng muốn nó sống mãi. Nếu nó không tồn tại nữa thì đời thật vô nghĩa, hết thi vị. Sống mà không được ai NHỚ đến mình thì coi như đã chết. Đó không còn là sống mà chỉ là tồn tại. Nói theo ngôn ngữ triết học: một hữu thể không còn khả năng mở ra, tạo dựng các tương quan với người khác (seft-revealing and self-communicative).
Muốn cuộc đời của ta sống mà không phải chỉ là tồn tại, muốn người khác NHỚ tới mình thì ta phải NHỚ đến người khác trước. Nói như nhà thơ Xuân Diệu trong bài thơ Bài Thơ Tuổi Nhỏ sống không thể “không NHỚ, không thương một kẻ nào?.”
Không NHỚ tới những người khác làm sao sống được? NHỚ tới người khác mới là sống! NHỚ tới người đang sống đã quan trọng, nhưng NHỚ tới những người quá cố cũng quan trong không kém.
Tại sao cần NHỚ tới những người quá cố? Những người quá cố, dĩ nhiên, họ rất cần lòng thương xót của Thiên Chúa, vì chỉ mình Thiên Chúa mới có thể “dãi ánh sáng ngàn thu chiếu soi các linh hồn ấy.” Chúng ta những người thường, chúng ta còn NHỚ, còn THƯƠNG những người quá cố, thì Chúa còn thương nhớ hơn chúng ta rất nhiều. Vì, “chúng ta được dựng nên để được hạnh phúc.” Tuy nhiên, bện cạnh việc cần lòng thương xót của Chúa, họ vẫn mong chúng ta NHỚ đến họ. Ngẫm nghĩ lại xem, chúng ta dường như it khi NHỚ đến những người quá cố. Lúc đầu nếu họ mới khuất bóng về chốn xa với, chúng ta còn thương thương NHỚ NHỚ … nhưng với thời gian “xa mặt cách lòng,” với những bận rộn của cuộc sống chúng ta rất mau chóng quên họ.
Có thể chúng ta đã quên lãng họ rồi chăng? Những người quá cố rất dễ bị chìm vào quên lãng, vì họ không sống động như những người còn sống. Một em bé muốn ăn, muốn đồ chơi, em chỉ cần gào thét, khóc nhè là những người lớn sẽ phải lo lắng, chăm sóc, hỏi han. Một người trưởng thành, thậm chí một người già cả nằm trên giường bệnh, muốn gì chỉ cần nói, hoặc ra dấu chỉ, bấm chuông… là người khác sẽ đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, người đã chết, đã mồ yên mả đẹp thì không lên tiếng nói, không khóc, không ra dấu chỉ. Họ không còn những nhu cầu vật chất nữa. Họ không cần gì khác ngoài việc mong chúng ta NHỚ đến họ. Họ rất muốn ta NHỚ đến họ, nhưng rất tiếc họ không thể khóc, không thể ra dấu chỉ, không thể ra bất cứ cử động nào để ta NHỚ đến họ.
Ta phải NHỚ đến những người đã chết vì chúng ta nợ họ. Rất buồn và tội nghiệp cho người đã chết, nếu ta không NHỚ họ. Vì họ và ta đã có một thời gắn kết, tương thân tương ái với nhau. Có thể chính họ đã trức tiếp mất mạng sống vì ta. Họ hy sinh cho ta. Họ là người cộng tác với Thiên Chúa trao ban mầm sống cho ta (bố mẹ). Ta mang ơn họ rất nhiều. Ta mắc nợ họ. NHỚ tới họ là bổn phận và trách nhiệm của ta. Nếu ta không NHỚ đến họ thì đó là một nỗi bất hạnh cho họ và cho ta nữa. Họ bị coi như chưa bao giờ hiện hữu trong dòng chảy của thời gian. Vì thế văn sĩ Jean Maurice Cocteau (1889 - 1963), người Pháp, đã nói câu thời danh sau: “đối với những người đã chết, nấm mộ thực sự của họ không phải ở nghĩa trang, mà là ở trong những con tim lãng quên của những con người còn đang sống.” Hay chúng ta vẫn đọc đâu đó trên các tấm bia mộ ở nghĩa trang dòng chữ sau: “Forgetting the dead is forcing them to die one more time” (Không NHỚ/Lãng Quên những người đã chết là bắt họ chết thêm một lần nữa).
Ta nhớ tới những người quá cố chính là ta đang làm cho người khác nhớ tới ta. Hãy nhớ rằng rồi ai cũng sẽ phải chết (Memento mori = remember you will die)! Chết là một quy luật hiển nhiên không bàn cãi. Tại một hầm mộ của dòng Phanxicô (Capuchin Crypt) nằm trong nguyện đường nhỏ, bên dưới đền thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội của Phanxicô, ở thành Rôma, bên Italia, nơi chứa 3.700 bộ xương khô của các tu sĩ dòng này đã qua đời, trên một tấm bảng có ghi dòng chữ như sau: “những gì bạn ĐANG LÀ, chúng tôi ĐÃ LÀ; những gì chúng tôi ĐANG LÀ, bạn SẼ LÀ” (what you ARE now, we once WERE; what we ARE now, you SHALL BE). Sự chết là một sự thật, không ai không phải đi qua. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ là ta muốn trên quan tài của ta, hay trên nấm mồ của ta được đặt, được trang trí những gì?
Thưa: vài chục bông hoa huệ? Vài chục vòng hoa? Hay xây cho mình một ngôi mộ “hoành tráng” hay thậm chí một lăng tẩm? Tuy nhiên, tất cả những thứ này rồi cũng bị quy luật khắc nghiệt của thời gian nghiền nát thành cát bụi. Tất cả những thứ này chẳng sinh ích gì cho sự sống đời đời của ta, của những người đã ra đi. Do vậy, ngay từ bây giờ chúng ta hãy TRANG TRÍ lên quan tài của những người thân quen ra đi trước chúng ta, và căn dặn những người thân của chính chúng ta những thứ mà chúng ta thích được TRANG TRÍ là:
Hãy rải trên thi hài bông hoa TƯỞNG NHỚ.
Hãy trải kín trên quan tài những bó hoa CẦU NGUYỆN,
Hãy CHĂM SÓC ngôi mộ bằng những những chùm hoa XIN LỄ.
Hãy TẶNG cho nhau những nhành hoa HY SINH và những việc BÁC ÁI.
Hãy khắc lên bia mộ của nhau dòng chữ: Forget-Me-Not – xin hãy NHỚ đến tôi!
Những thứ “hoa” nhân đức được liệt kê ra trên đây rất cần thiết và hữu ích cho đời sống hiện tại của ta. Chúng cần thiết cho đời sống của ta như trẻ thơ cần bầu sữa mẹ thế nào. Chúng cần cho ta hơn khu vườn cần ánh nắng ban mai. Để được trang trí bằng những đoá hoa nhân đức trên thì chúng ta phải sống như lời Chúa dạy: “tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì luật Mosen và lời các ngôn sứ là thế đó” (Mt 7:12). Nếu chúng ta muốn sau này có nhiều người NHỚ tới, cầu nguyện, xin lễ… cho chúng ta thì ngay từ bây giờ, hãy NHỚ đến người khác trước. Đức Thánh Cha Phaolô VI đã từng nói “thời đại này cần chứng nhân hơn thầy dạy.” Hành động NHỚ tới những người đi trước của chúng ta hôm này, vô tình hay hữu ý trở thành gương sáng, hình ảnh sống động cho con cháu ta nhìn vào để nói theo. Đến lân chúng, chúng sẽ làm cho ta y chang như thế trong tương lai.
Hơn nữa, khi ta TRANG TRÍ cho ta những thứ “hoa nhân đức”, đây là những việc cao thượng. Khi thực thi một hành vi cao thượng, sẽ làm cho tâm hồn ta phấn khởi, cảm thấy đời có hương vị, vì mình đã làm được một việc có ý nghĩa. Khi NHỚ tới những người đã qua đi, đòi buộc ta phải thực thi một sự hy sinh, vì những người đã chết dường như không mảy may tác động ngược lại trên ta (nhìn theo phương diện vật lý). Tuy nhiên, hy sinh bao giờ cũng có hương thơm trở lại.
Với niềm tin Công Giáo, Hội Thánh có tính hiệp thông giữa các thánh trên trời, các tín hữu tại thế, và các linh hồn trong luyện ngục. Các thánh trên trời hằng chiêm ngắm tôn nhan Thiên Chúa và chuyển cầu ơn Thiên Chúa cho người dưới thế, và các linh hồn trong luyện ngục. Người dưới thế cố gắng sống tốt và NHỚ cầu nguyện cho các linh hồn trong luyện ngục. Các linh hồn trong luyện tuy không tự làm gì cho mình được, nhưng vẫn có thể chiêm ngắm Thiên Chúa trong tình trạng thanh luyện, và cầu xin cho những người còn sống. Hoá ra khi ta NHỚ tới những người đã ra đi trước chúng ta, chúng ta không chỉ làm gương cho thế hệ sau mà còn hoà vào sức sống của mầu nhiệm hiệp thông trong Hội Thánh Chúa Kitô.
4. Kết: NHỚ Những Người Quá Cố, NHỚ Tới Sự Chết Giúp Ta Tránh Xa Sự Dữ
Tờ báo New York Time, ra ngày 20 tháng 10 năm 2018, có một bài nói về Mount Athos (Núi Athos)[1] bên Hy Lạp, nơi có rất nhiều tu viện. Đây là cái nôi và là trung tâm đời sống tâm linh của Giáo Hội Chính Thống Giáo Hy Lạp. Bài báo có đăng một bức ảnh (hình bên cạnh) của một vị tu sĩ già đứng cạnh những dãy đầu lâu (skulls) đã được đặt ngay ngắn trên những kệ gỗ theo dòng thời gian trở về quá khứ hằng trăm năm trước.
Mỗi đầu lâu như một lời nhắc nhở về sự chết và cũng chất chứa những chân lý triết học sâu xa: “Brother, Look at the glory of man = Này người anh em, hãy nhìn vinh quang của con người nè!” Mỗi đầu lâu nhắc nhở những người đến thăm viếng nơi đây rằng con người là hữu hạn, ai cũng chết nên hãy sống sao cho tốt:
Nhân sinh tư cổ thuỳ vô tử
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.
[Con người từ cổ ai không chết
Để lại lòng son rạng sử xanh.]
(Văn Thiên Trường)
Bài báo trích lại lời của một vị tu sĩ “Hôm nay bạn ở đây, ngày kế bạn không ở đây. Nếu bạn NHỚ đến sự chết mỗi ngày, nó giúp bạn tránh xa hành động xấu xa = Today you are here, the next day you are not. If you remember death every day, it keeps you from doing evil.” Khi NHỚ tới người quá cố, chiêm niệm về sự chết, nhắc nhở ta hãy sống sao để thiên hạ NHỚ ta vì những những việc lành phúc đức ta làm, chứ không phải NHỚ những hành vi gian ác ta gây ra cho họ. Nhớ tới sự chết giúp ta làm lành, tránh làm điều dữ.
5. Cùng Suy Nghĩ và Hành Động: Tôi có hay đi thăm viếng những người thân của tôi đã qua đời không? Tôi có dẫn con, cháu tôi đi thăm tổ tiên những người đã qua đời không? Tôi có làm việc hãm mình, sống phục vụ, bác ái, cầu nguyện cho người quá cố không? Đầu là “hoa” tôi muốn người khác rải lên quan tài, trông bên phần mộ của tôi?
[1] https://www.nytimes.com/2018/10/20/world/europe/mount-athos-greece-russia-eastern-orthodox-church.html
- Loại bài viết: