Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Hãy hết lòng trở về với Thiên Chúa - Dấu chỉ của nước

Tác giả: 
Jorathe Nắng Tím

“HÃY HẾT LÒNG TRỞ VỀ VỚI THIÊN CHÚA” | Suy Niệm Tin Mừng Thứ Tư Lễ Tro, Năm B

 

TMĐP- Để chúng ta “hết lòng trở về với Thiên Chúa” như ngôn sứ Giôen đã tuyên sấm, thánh Phaolô đã tha thiết kêu gọi : “Nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa, Đấng chẳng hề  biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2 Cr 5, 20).

 

Không một Thiên Chúa nào có thể kêu gọi con cái mình trở về với tâm tình và cung giọng van lơn, thống thiết như Thiên Chúa Giavê qua  miệng ngôn sứ Giôen: “Đây là sấm ngôn của Đức Chúa: “Nhưng ngay cả lúc này, các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta… Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, Người hối tiếc vì đã giáng họa” (Ge 2, 12-13).

 

“Ngay cả lúc này”, nghĩa là chưa muộn, đúng hơn là không bao giờ muộn đối với lòng thương xót của Thiên Chúa là cha nhân hậu, như người cha già hằng ngày ra đầu ngõ ngóng trông bước chân con trở về (x. Lc 15, 11-32); hoặc như người gian phi cùng chịu đóng đinh bên phải Đức Giêsu đã được hứa Nước Trời vào  giây phút cuối cùng của cuộc đời: “Tôi bảo thật anh, ngay hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,43).

 

“Hết lòng trở về với Ta”. Đó là cơn khát của Đức Giêsu trên Thánh Giá (x. Ga 19,28). Ngài khát các linh hồn, khát bước chân trở về của người tội lỗi, khát bóng dáng xiêu vẹo của người phụ nữ  ngoại tình được Ngài cứu khỏi án tử mà những người đã săn lùng, bắt quả tang, áp tải và lên án chị  trước Đức Giêsu đều nắm chắc phần thắng là cái chết  của chị dưới cơn mưa  đá chiếu theo luật Môsê (x. Ga 8, 2-11);  khát  đôi mắt kín đáo chiêm ngưỡng Ngài từ trên cây sung của người thu thuế tội lỗi tên Giakêu (x. Lc 19,1-10); khát dòng lệ của môn đệ Phêrô trở ra từ sân thượng tế Caipha trong hối tiếc, ân hận vì đã chối không biết Thầy mình là ai (x.Lc 22,54-62)

 

Đức Giêsu thực sự khát các linh hồn hết lòng trở về với Ngài như người phụ nữ ngoại tình trong yên lặng đã bày tỏ hết nỗi niềm và ước muốn trở về; như Giakêu hết lòng trở về trong niềm vui được đón tiếp Ngài, và đền bù cho những người ông đã làm thiệt hại, cùng những người nghèo khó, túng bấn khác, hoặc như Phêrô đã hết lòng trở về  với nước mắt mặn chát xót xa vì đã hèn nhát phản bội.

 

Nhưng ngài khát con người  tội lỗi  hết lòng trở về với Ngài, vì hạnh phúc của chính họ, bởi lòng từ bi nhân hậu của Ngài cho người tội lỗi được thoát khỏi án phạt đời đời, cơn giận được kìm hãm của Ngài cho tội nhân được hưởng ơn cứu sống, và trái tim giàu tình thương của Ngài xóa hết lỗi lầm của kẻ đáng chịu hình phạt.

 

Thực vậy, Thiên Chúa là Thiên Chúa  hay chạnh lòng trắc ẩn, thương xót, nên Ngài mong ước con người hết lòng trở về với Ngài, nghĩa là trở về với trái tim  tín thác, yêu mến Ngài; trở về với trái tim tràn đầy hy vọng vào tình thương của Ngài; trở về với niềm vui của phạm nhân trọng tội được Ngài  tha thứ, mà không trở về với một trái tim vô cảm, vô tình; trở về với con người vô tâm, vô hồn.

 

Đức Giêsu đã mặc khải cho chúng ta biết đâu là bước chân “hết lòng trở về với Thiên Chúa”, và đâu là những bước chân không được tấm lòng hướng dẫn, không được trái tim hối thúc, trợ lực.

 

Bước chân “hết lòng trở về” là bước chân đến với Thiên Chúa qua việc cầu nguyện với tâm tình khiêm tốn, và thái độ kín đáo : “Khi cầu nguyện, đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy”. Nhưng  “hãy vào phòng đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo” (Mt 6,5- 6), vì trái tim là chỗ  kín đáo, ẩn dật, và sâu lắng mới là bước chân trở về mà Thiên Chúa mong đợi ở chúng ta, những  tội nhân cần được Chúa xót thương.

 

Bước chân “hết lòng trở về” là bước chân đến với tha nhân, khi trái tim mở rộng cửa để  đón tiếp người cơ nhỡ, khổ sở, yếu đuối, lầm lạc và làm việc lành phúc đức cho họ  cũng  với tâm tình và thái độ khiêm tốn, yêu thương, phục vụ: “Vậy khi  bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen … Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo..” (Mt 6,2-3).

 

Bước chân “hết lòng trở về với Thiên Chúa” còn  là bước chân trở về với chính mình, khi khiêm tốn nhận ra mình là tội nhân, nhận mình đã phạm rất nhiều tội và  biết mình cần được Thiên Chúa và anh chị  em  thương xót , tha thứ.

 

Có nhận ra mình là tội nhân với trái tim xót xa; có nhận mình cần lòng thương xót với trái tim khiêm tốn; có biết mình  tiếc nuối, hối hận, nghĩa là “tự mình xé lòng mình ra”  trước Thiên Chúa là Cha từ bi nhân hậu, chúng ta mới thực sự “hết lòng trở về” như Thiên Chúa mong ước. Cũng như người con hoang đàng, anh đã xé lòng mình trên đường trở về, khi nhận mình “chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy” (Lc 15,18-19) , và suốt quãng đường trở về ấy, anh đã  thầm thĩ với tất cả tâm tình thống hối của trái tim tan vỡ: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với Cha, con chẳng còn đáng gọi là con cha nữa …” (Lc 15,21). Và như thế, chúng ta mới có thể trở nên tốt hơn khi ăn chay để sửa mình, ăn chay để hãm bớt những đam mê tội lỗi, giảm bớt những đòi hỏi vô độ của cái tôi, và  thắng bớt những khuynh hướng ích kỷ, kiêu căng, thống trị bằng  hãm mình, ăn chay  kín đáo “một mình  với Chúa”, vì Chúa thấu suốt mọi điều ta nghĩ, mọi việc ta làm : “Khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não để thiên hạ thấy là chúng ăn chay… Con anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay, ngoại trừ Cha của anh ..;” (Mt 6, 16-17).

 

Vì thế, để chúng ta “hết lòng trở về với Thiên Chúa” như ngôn sứ Giôen đã tuyên sấm, thánh Phaolô đã tha thiết kêu gọi : “Nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa, Đấng chẳng hề  biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2 Cr 5, 20).

 

Jorathe Nắng Tím

 

DẤU CHỈ CỦA NƯỚC | Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật I  Mùa Chay, Năm B

 

TMĐP- Nước là hình ảnh được nói đến nhiều trong phụng vụ lời Chúa của chúa nhật này.

Trước hết là nước của đại hồng thuỷ, khi Thiên Chúa dùng nước mà rửa sạch nhân loại: “Đức Chúa  thấy rằng trên mặt đất sự gian ác của con người quả là nhiều, và suốt ngày lòng nó chỉ toan tính những ý định xấu”, nên Người “quyết định tiêu diệt chúng cùng với đất” (St 6,5.13).

 

Nhưng cũng với nước, Thiên Chúa lập giao ước với Noê khi phán, sau khi cho nước rút đi, và ông cùng đoàn tuỳ tùng ra khỏi tàu: “Đây Ta lập giao ước của Ta với các ngươi, với dòng dõi các ngươi sau này, và tất cả sinh vật ở với các ngươi: chim chóc, gia súc, dã thú ở với các ngươi, nghĩa là mọi vật ở trong tàu đi ra, kể cả dã thú. Ta lập giao ước của Ta với các ngươi: mọi xác phàm sẽ không còn bị nước hồng thuỷ huỷ diệt, và cũng sẽ không còn có hồng thuỷ để tàn phá mặt đất nữa” (St 9,8-11), và cầu vồng là dấu chỉ của giao ước giữa Thiên Chúa và một nhân loại tội lỗi vừa được thanh tẩy bằng nước.

 

Nước trong giao ước với Nôê là hình ảnh của nước trong phép rửa của Giao Ước Mới, một Giao Ước được ký kết bằng máu của Con Thiên Chúa làm người, được thực hiện bằng cái chết của Đấng công chính, bởi chính Ngài đã chết thay cho kẻ bất lương, như thánh tông đồ trưởng  Phêrô đã khẳng định: “Trong con tàu ấy” tức con tàu Nôê, “một số ít, cả thảy là tám người được cứu thoát nhờ nước. Nước đó là hình bóng phép rửa nay cứu thoát anh em. Lãnh nhận phép rửa, không phải là được sạch vết nhơ thể  xác, mà là cam kết với Thiên Chúa sẽ giữ lương tâm trong trắng nhờ sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô, Đấng ngự bên hữu Thiên Chúa sau khi đã lên trời …” (1P3, 20-22).

 

Nếu trong Cựu Ước, giao ước với Nôê được biểu hiện qua cầu vồng như nhịp cầu nối Đất với Trời, liên kết con  người với Thiên Chúa, thì trong Tân Ước, khi Đức Giêsu chịu phép rửa ở sông Giođan, “vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng : “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1, 10-11). Và liền sau đó, nghĩa là ngay sau khi chịu phép rửa, sau khi xuất hiện những dấu chỉ của Giao Ước, “Thần Khí liền đưa Người vào hoang địa. Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xatan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên thần hầu hạ Ngài” (Mc 1, 12).

Sự kiện Đức Giêsu vào hoang địa sau khi chịu phép rửa nói lên sứ mệnh chuộc lại Thiên Đàng đã mất cho con người, tìm lại địa đàng mà ở đó con người đã vô cùng hạnh phúc trong tương quan cha con với Thiên Chúa.

 

Vì nghe lời Rắn Xatan, nguyên tổ đã làm mất hạnh phúc Thiên Đàng, khi bị Thiên Chúa đuổi khỏi địa đàng. Nhưng nay với Đức Giêsu, Thiên Đàng ấy được tìm lại, và địa đàng xưa được trao lại cho con người.

 

Hoang địa, nơi Đức Giêsu được Thần Khí đưa vào sau khi chịu phép rửa, là hình ảnh địa đàng đã mất, ở đó Xatan đã xuất hiện ngay từ phút đầu để cám dỗ Đức Giêsu, như đã cám dỗ Evà, nhưng Xatan đã ê chề thất bại, và hoang địa có Đức Giêsu là  nguồn nước vĩnh cửu để không ai đến với Ngài còn phải khát, đã biến thành địa đàng có đồng cỏ xanh tươi, có suối nước trong lành, ở đó các dã thú sung sướng quây quần bên Ngài. Cũng thế, vùng đất chết khô cằn một khi có Đức Giêsu là nguồn sống hiện diện sẽ lập tức  biến thành Thiên Đàng, ở đó  các thiên thần từ trời lên xuống  chầu chực phục vụ Ngài.

 

Như Đức Giêsu là Con yêu dấu của Chúa Cha, và Chúa Cha hài lòng về Ngài, người có Đức Giêsu cũng được làm con của Chúa Cha, và Chúa Cha cũng hài lòng về người ấy, với điều kiện người ấy  đi theo Đức Giêsu dưới sự hướng dẫn của Thần Khí vào hoang địa.

 

Vào hoang địa với Đức Giêsu để được Ngài chỉ bảo đường  ngay nẻo chính; để được Ngài nhắc lại “nghĩa nặng với ân sâu Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thưở muôn đời”; để được Ngài thương xót xoá “bao lầm lỗi của tuổi xuân trót dại”; để biết “Ngài là Đấng nhân từ chính trực, chỉ lối cho tội nhân, dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính”, bởi “tất cả đường lối Chúa đều là yêu thương và thành tín đối với những kẻ nào giữa Giao Ước và lề luật của Người” (x.Tv 24, 5-10).

 

Xin Chúa cho chúng ta ý thức giá trị cứu độ của phép rửa. Nhờ phép rửa, chúng ta được đi vào Giao Ước với Thiên Chúa, được tìm về Thiên Đàng tưởng đã vĩnh viễn mất, nhất là được sống lại hạnh phúc làm con Thiên Chúa trong cung lòng của Ngài.

 

Jorathe Nắng Tím