Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Hai hình ảnh Đức Giêsu phục sinh

Tác giả: 
Jorathe Nắng Tím

Hai hình ảnh Đức Giêsu phục sinh

 

Đức Giêsu sống lại từ cõi chết là Mầu Nhiệm  trọng đại và nền tảng của Kitô giáo. Là Mầu Nhiệm nền tảng vì  như thánh Phaolô viết: “Nếu Đức Kitô không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng”; là Mầu Nhiệm trọng đại, vì “nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của anh em” (1 Cr 15,14.17).

 

Như thế, Mầu Nhiệm Phục Sinh của Đức Kitô không chỉ cho chúng ta niềm hy vọng được sống lại với Ngài cho hạnh phúc Thiên Đàng, vì “mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô mà được Thiên Chúa cho sống” (1 Cr 15,22), mà còn được Ngài  bảo đảm quyền làm con cái Thiên Chúa (x 1 Ga 3,1), và được “nên giống như Ngài” (1 Ga 3,2).

 

Phụng vụ Lời Chúa của chúa nhật trước cho chúng ta thấy:  nhận ra  Đức Giêsu phục sinh không luôn dễ, bởi ngay cả các Tông Đồ là những người đã được ở cùng Đức Giêsu, được Ngài dạy dỗ,  nhất là được Ngài nói trước : “Ngày thứ ba, Thầy sẽ sống lại” cũng vẫn rơi vào hoảng hốt, sợ hãi, nghi nan, ngờ vực, lại còn tưởng Ngài là ma, khi Ngài hiện ra với các ông, sau khi sống lại.

 

Vì thế, hôm nay Giáo Hội mời gọi chúng ta nhìn vào hai hình ảnh “Tảng Đá Góc Tường” và “Người Chăn Chiên” để dễ nhận ra  Đức Giêsu phục sinh đang ở giữa chúng ta.

 

Như mọi người đều biết Tảng Đá Góc Tường là tảng đá quan trọng giữ cho tường nhà được đứng vững, nên  thợ xây rất thận trọng khi đặt tảng đá góc, vì nếu không thận trọng, tường nhà có thể đổ bất cứ lúc nào. Thánh Tông Đồ Trưởng  Phêrô  khi đứng  trước Thượng Hội Đồng Do Thái  là  tổ chức tối cao của người Do Thái và có quyền quyết định các việc hệ trọng đã dùng hình ảnh Tảng Đá Góc Tường để trình bày về Đức Giêsu, người mà họ đã ra quyết định  bằng mọi giá phải giết chết: ” Chuính nhờ danh Đức Giêsu Kitô, người Nadarét, Đấng mà quý vị đã đóng đinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết, chính nhờ Đấng ấy mà người này được lành mạnh ra đứng trước quý vị. Đấng ấy là tảng đá mà quý vị là thợ xây loại bỏ, chính tảng đá ấy lại trở nên tảng đá góc tường. Ngoài Người ra không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4, 10-12).

 

Tông đồ trưởng Phêrô đã tuyên tín: chỉ có Đức Giêsu Kitô, Tảng Đá Góc Tường của Đền Thờ Thiên Chúa, của Nhà Thiên Chúa là Giáo Hội  bị  loài người loại bỏ, mới là nguồn ơn cứu độ cho những ai kêu cầu Danh Ngài.

 

Hình ảnh thứ hai là Mục Tử nhân lành yêu thương đoàn chiên vô cùng, đến cùng, và sẵn sàng chết vì yêu. Đây là hình ảnh chính Đức Giêsu đã nhận cho mình khi nói với đám đông: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11). Hành động hy sinh mạng sống mình thì chỉ có ở người có tình yêu cao cả là “hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).

 

Đức Giêsu phục sinh là Mục Tử nhân lành, vì Ngài đã hiến mạng sống mình cho đoàn chiên, đã đổ máu cho “chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10), đã tự nguyện làm Chiên Thiên Chúa để gánh hết yếu đuối, bệnh tật,tội lỗi của đoàn chiên như ngôn sứ Isaia đã tuyên sấm về Ngài: “Chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta… Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành” (Is 53,4.5).

 

Ước gì miệng chúng ta không ngớt dâng lời ngợi khen, cảm tạ: “Lạy Chúa, con xin tạ ơn Ngài vì đã đáp lời con và thương cứu độ. Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta” (Tv 117,21-23).

 

Jorathe Nắng Tím