Chúa bị ép - Thấy không hẳn là tin
CHÚA BỊ ÉP
Ở sao cho vừa lòng người
Ở rộng người cười, ở hẹp người chê
Cao chê ngỏng, thấp chê lùn
Béo chê béo trục béo tròn
Gầy chê xương sống xương sườn phơi ra
Đó là cách ca dao nói về thế thái nhân tình, kiểu nào cũng bị chê. Phàm nhân chúng ta bị chê đã đành, Chúa Giêsu nhân lành như vậy mà thiên hạ vẫn chê. Phàm nhân ích kỷ nên “cái tôi” lúc nào cũng là nhất, chỉ thích chê, không muốn khen người khác – nhưng rất muốn mình được khen. Quái đản!
Sự thật phũ phàng đó được đề cập trong trình thuật Mc 6:1-6 (≈ Mt 13:53-58; Lc 4:16-30). Đó là tình trạng tồi tệ mà Chúa Giêsu đã đúc kết: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.” (Mc 6:4 ≈ Mt 13:57; Lc 4:24) Và điều đó luôn ứng nghiệm trong mọi trường hợp.
Thánh Máccô kể: Chúa Giêsu trở về thăm cha mẹ và xóm làng, cũng có các môn đệ đi theo. Đến ngày sabát, Ngài bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ bàn tán với nhau: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì?” Lý do rất đơn giả và hiển nhiên: Đức Giêsu làm nghề mộc, là con của bác thợ mộc Giuse, con của Cô Maria, anh em họ với Giacôbê, Giôsết, Giuđa và Simôn, chị em của Ngài là bà con lối xóm với họ. Hoàn toàn bình thường, chẳng có gì nổi trội. Họ đã vấp ngã vì Ngài với lý do quá đỗi bình thường. Có lẽ người ta không đủ hiểu để phân biệt sự khác nhau giữa điều bình thường và điều tầm thường. Điều bình thường nhưng chưa chắc là điều tầm thường, thậm chí có khi lại là điều phi thường.
Và Thánh sử Máccô cho biết rằng, hôm đó Chúa Giêsu đã KHÔNG THỂ LÀM ĐƯỢC PHÉP LẠ NÀO TẠI ĐÓ, mà chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ, thậm chí chính Ngài cũng lấy làm lạ vì họ không tin. Đó là vấn đề, tin và yêu liên quan lẫn nhau. Mặc dù vậy, Chúa Giêsu vẫn thản nhiên, không hề nao núng. Cái đúng dù ÍT người công nhận thì nó vẫn đúng, cái sai dù NHIỀU người làm theo thì nó vẫn sai.
Những người có thái độ thản nhiên là phong cách độc đáo. Họ bình tĩnh, điềm đạm, tự chủ, và có thể làm chủ mọi tình huống. Họ chủ động chứ không thụ động. Phong cách “cứ là chính mình” không phải ai cũng làm được – tức là không xu nịnh, không tâng bốc bất cứ ai, nhưng không chèn ép hoặc lợi dụng ai, người xưa gọi đó là “cái dũng của thánh nhân.” Người thản nhiên không vui quá, không buồn quá. Nhưng người ta thường kết án họ là dửng dưng, lạnh như tiền, tự kiêu, khinh người,...
Một người bình thường, không có gì nổi trội, nhất là khi họ xuất thân từ một gia đình không danh giá, nghèo nàn, ít học,... thế mà bỗng nhiên làm được điều “khác người.” Nhưng dù họ làm được gì “hơn người” thì cũng chẳng ai tin. Xã hội xưa nay vẫn thế. Đó là một dạng thực-tế-buồn thường thấy, nhưng cho thấy một triết-lý-sống thú vị: Người giỏi mới thấy cái giỏi của người khác và công nhận cái giỏi của họ. Chính Chúa Giêsu muốn làm tốt mà vẫn bị người ta ghen ghét, Ngài cũng đành “bó tay” khi về quê hương Nadarét.
Con gà tức nhau tiếng gáy. Phàm nhân là thế! Những người ghét mình, chẳng ai đâu xa lạ, họ chính là những người thân quen nhất, thậm chí là bà con thân thuộc. Một sự thật quá phũ phàng và đáng buồn! Chúa Giêsu còn phải “lắc đầu” thì phàm nhân chẳng còn cách nào khác. Mà kể cũng lạ, không làm được thì thôi, người khác làm được thì bị ghét, bị kèn cựa đủ cách, gièm pha đủ điều, trù dập tới cùng. Nhóm Pharisêu, nhóm Sađốc, các kinh sư, các nhà thông luật, các tư tế,… là loại “siêu nhân” như vậy. Họ đã bị Chúa Giêsu nhiều lần thẳng thắn nguyền rủa là “đồ khốn,” vì loại người “mỏ nhọn” (nhỏ mọn) như vậy chỉ là những kẻ hèn hạ, ngu xuẩn mà thôi.
Những người “yếu bóng vía” sẽ sợ khi bị đối xử như vậy, rồi có thể “vào hùa” với họ để được “bình an.” Muốn giữ thản nhiên cần phải can đảm, có can đảm mới dám hành động. Ngôn sứ Êdêkien bộc bạch: “Một thần khí đã nhập vào tôi đúng như lời Người phán với tôi và làm cho chân tôi đứng. Người phán với tôi: Hỡi con người, chính Ta sai ngươi đến với con cái Israel, đến với dân phản nghịch đang nổi loạn chống lại Ta; chúng cũng như cha ông đã nổi lên chống lại Ta mãi cho đến ngày nay.” (Ed 2:2-3) Ngôn sứ Êdêkien phải can đảm lắm mới dám đến nói với dân ngang ngược như vậy.
Chắc chắn họ không dân dữ dằn chứ chẳng vừa, vì Kinh Thánh cho biết: “Những đứa con mặt dày mày dạn, lòng chai dạ đá, chính Ta sai ngươi đến với chúng: ‘Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này.’ Còn chúng, vốn là nòi phản loạn, chúng có thể nghe hoặc không nghe, nhưng chúng phải biết rằng có một ngôn sứ đang ở giữa chúng.” (Ed 2:4-5) Nhưng ngôn sứ Êdêkien vẫn thản nhiên, không sợ. Có lẽ họ buồn nên trải nỗi lòng với Thiên Chúa: “Con ngước mắt hướng nhìn lên Chúa, Đấng đang ngự trên trời. Quả thực như mắt của gia nhân hướng nhìn tay ông chủ, như mắt của nữ tỳ hướng nhìn tay bà chủ, mắt con cũng hướng nhìn lên Chúa là Thiên Chúa của con, tới khi Người xót thương chút phận.” (Tv 123:1-2)
Nỗi buồn trĩu nặng tâm can mà lời cầu xin như không được đáp lại. Chắc chắn không phải Thiên Chúa lãng tai hoặc làm ngơ, mà Ngài muốn chính họ xác nhận niềm tin tuyệt đối vào Ngài. Dù nhiều khi thất vọng nhưng họ không tuyệt vọng, họ vẫn một lòng tín nguyện: “Dủ lòng thương, lạy Chúa, xin dủ lòng thương, bởi con bị khinh miệt ê chề; hồn thật quá ê chề vì hứng chịu lời nhạo báng của phường tự mãn, giọng khinh người của bọn kiêu căng.” (Tv 123:3-4) Tất nhiên Thiên Chúa sẽ “ra tay” đúng thời, đúng lúc – không sớm cũng chẳng muộn. Ngài không thể lặng nhìn tôi tớ ngài sa cơ thất thế, gặp nguy hiểm, phải chịu oan uổng quá sức, đúng như Thánh Augustinô đã kinh nghiệm: “Ngài có đó khi ta tưởng cô đơn, Ngài nghe ta khi chẳng ai đáp lại, Ngài thương ta khi tất cả hững hờ.”
Càng hiểu biết càng thêm tự tin – đức tính cần thiết, nhưng TỰ TIN THÁI QUÁ CÓ THỂ HÓA KIÊU NGẠO. Thánh Phaolô tâm sự: “Để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Satan được sai đến VẢ MẶT tôi, để tôi KHỎI TỰ CAO TỰ ĐẠI.” (2 Cr 12:7-8a) Và ông xác định: “Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này.” (2 Cr 12:7-8) Ai cũng sợ đau khổ, cả thể lý lẫn tinh thần. Thánh Phaolô cũng “nổi da gà” khi đối mặt với đau khổ, ông năn nỉ Chúa cứu thoát, thế nhưng Chúa vẫn như “vô tâm,” và Ngài quả quyết: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.” (2 Cr 12:7-8b) Thánh Ý Chúa nhiệm mầu quá!
Ý thức sâu sắc về sự hèn mọn, Thánh Phaolô chia sẻ: “Tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi. Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô. Vì KHI TÔI YẾU, chính là LÚC TÔI MẠNH.” (2 Cr 12:9-10) Thế cờ đảo ngược. Nhược điểm (điểm yếu) trở thành yếu điểm (điểm mạnh), sở đoản trở nên sở trường. Kỳ diệu quá chừng!
Những cách thế đảo ngược luôn được Chúa Giêsu sử dụng. Thật vậy, Ngài chịu đau khổ để chúng ta được hạnh phúc, Ngài chịu nghèo khó để chúng ta được giàu có, Ngài chịu nhục nhã để chúng ta được rạng rỡ, Ngài chịu bẽ mặt để chúng ta được hãnh diện, Ngài chịu yếu đuối để chúng ta được mạnh mẽ, Ngài chịu chê bai để chúng ta được khen ngợi, Ngài chịu bị loại bỏ để chúng ta được đón nhận, Ngài chịu tan nát để chúng ta được nguyên vẹn, Ngài chịu thua cuộc để chúng ta được chiến thắng,... và Ngài chịu chết để chúng ta được sống – sống dồi dào và sống đời đời.
Nhìn vào Chúa Giêsu và nhìn lên Thánh Giá để có thể thanh thản chấp nhận mọi thứ và mỉm cười mà nói: “Đời là thế!” Nhờ đó mà chúng ta đủ bình tĩnh khi gặp bất trắc hoặc khi bị người ta ngoảnh mặt làm ngơ mình. Đừng nghĩ nhiều về người khác, hãy nghĩ nhiều về mình – không phải để đòi hỏi, tự tôn, hoặc mặc cảm, mà nghĩ mình nhỏ bé, hèn mọn và nhiều tội lỗi nhất, (x. 1 Tm 1:15) nhờ đó mà có thể đè “cái tôi” xuống và được bình an.
Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con đủ nghị lực sống như Đức Giêsu Kitô, Đấng chịu đóng đinh và chết để cứu chúng con. Xin ban ơn khôn ngoan và thông thạo những gì Ngài muốn để vinh danh Ngài và sinh ích cho các linh hồn. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
THẤY KHÔNG HẲN LÀ TIN
Nên nhớ rằng Thánh Tôma Tông Đồ đã làm nhiều điều hơn là chỉ nghi ngờ, mặc dù sự nghi ngờ của ông chắc chắn là điều mà ông được nhớ đến nhiều nhất. Nhưng Thánh Tôma nghi ngờ rằng lý do thuyết phục đã ẩn giấu – rằng điều thiết yếu thì mắt thường không nhìn thấy được. Nguyên lý và sự hiểu biết của Thánh Tôma là khoảnh mang sức mạnh cảm xúc không bao giờ nguôi ngoai, nhắc nhở mọi người về phúc lành đang chờ đợi những ai tin mà không cần chứng cớ bằng mắt và tay. Cùng với Thánh Tôma, đức tin dạy chúng ta rằng nhìn thấy không hẳn là tin tưởng.
Nghịch lý của đức tin là tin chính xác vào những điều không thể tin. Việc nhìn thấy chỉ cần thiết đối với những người không có đức tin. Đối với những người vững tin, không có lời giải thích nào cho những gì họ tin có thể xảy ra. Trong đó, và chỉ điều đó, là bình an và sự cứu rỗi. Hành động đức tin này là điều được nuôi dưỡng trong những câu chuyện khó tin về các thánh – những câu chuyện thuộc về vương quốc vàng son của truyền thuyết. Thật vậy, có một điều về chính Thánh Tôma thật khó tin đến nỗi mời gọi sự tín nhiệm mà mọi người Công Giáo phải chấp nhận nếu họ muốn được kể vào số những người không thấy mà vẫn tin.
Truyền thuyết kể rằng khi Chúa Giêsu truyền lệnh cho các tông đồ ra đi và rửa tội cho tất cả các quốc gia, ban Thánh Thần với quyền truyền giáo, một số tông đồ đó đã di chuyển một cách kỳ diệu qua các đại dương và vượt núi non tới các quốc gia ở những nơi xa xôi trên thế giới. Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể.
Sau khi cải đạo người Ấn Độ và du hành vượt ra ngoài sông Hằng, Thánh Tôma được gọi là “Song Sinh,” theo những truyền thuyết thần bí của Kitô giáo, được gửi đến những khu rừng ở Trung Mỹ bằng con đường kỳ diệu này. Ở đó, ngài tìm thấy một dân tộc ngập trong máu của việc hiến tế con người và lệch lạc với lỗi lầm của nghệ thuật vô nhân đạo. Thánh Tôma đã gây ngạc nhiên trong lòng mọi người bởi vẻ ngoài khó hiểu cùng với những lời lẽ táo bạo và đẹp đẽ của ngài. Ngài đã dũng cảm rao giảng sự thật cho người Aztec, rửa tội cho họ bằng đôi tay đã được chạm vào thân thể Chúa, và làm cho chúng từ bóng tối ra ánh sáng. Thánh Tôma đã bãi bỏ nghi lễ hiến tế con người, và được ca ngợi là một người đến từ Thiên Chúa – chính ngài có quyền tư tế và người thầy vĩ đại về các nghi lễ thờ phượng thanh khiết và sự hy sinh không đổ máu của Thập Giá Chúa Kitô.
Khi Thánh Tôma hăng say từ vùng đất đó, sau khi thực hiện việc truyền giáo, ngài được nhớ đến và bất tử trong thần thoại Aztec với cái tên Quetzalcoatl – Song Sinh, Con Rắn có cánh, có lông trên mặt, bay trên đôi cánh gió để đến làm cho họ khôn ngoan như rắn và hiền lành như chim bồ câu. Các nhà tiên tri nói rằng một ngày nào đó ngài sẽ trở lại với dân tộc của họ vào thời điểm đất và trời hợp nhất.
Nhưng hỏa ngục đã được định sẵn sẽ quay trở lại trước Quetzalcoatl. Theo thời gian, lũ quỷ lấy lại sự ảnh hưởng quanh co của chúng đối với các nền văn minh Nam Mỹ. Những người bản xứ dần dần quay trở lại sự ôm ấp của ngọn lửa, biến các nghi lễ truyền sự sống của Kitô giáo mà Thánh Tôma dạy cho họ thành cuộc tàn sát mang lại sự sống cho đoàn quân bóng tối. Máu lại nhuộm đỏ bàn thờ của người Aztec một lần nữa. Tôn giáo của họ bị suy đồi và mục nát, chỉ để lại những dấu vết mờ ám về sự trong sạch mà họ được Thiên Chúa ban cho qua Thánh Tôma. Cứ thế tiếp tục khi nhiều thế kỷ trôi qua và con người ngày càng chìm sâu vào những cách tăm tối. Khi nhớ lại với chút bối rối, có sự trở lại được báo trước của Quetzalcoatl, người mà họ đã phản bội.
Công việc của Thánh Tôma không thể bị bỏ dở mãi mãi. Vào Thứ Sáu Tuần Thánh năm 1519, Hernán Cortés cập bến tại Mexico. Những người bản xứ, dẫn đầu là Hoàng đế Moctezuma, đã vô cùng sợ hãi và tôn kính, tin rằng những lời bói toán đã hiện thực, người đàn ông có râu đã tiến vào bờ biển của họ không ai khác chính là Quetzalcoatl trở về từ bên kia đại dương – và cùng với ông ta là tinh thần của Thánh Tôma. Họ biết họ đã bỏ những nghi lễ cổ xưa được giao phó cho họ, và người Aztec đã phải run sợ trước Thánh Giá. Thánh Tôma thực sự đã trở lại. Khi sự tương tác giữa các bên diễn ra, các linh mục trong đoàn tùy tùng của Cortés nhận xét về tiếng vang bí ẩn của Kitô giáo trong các nghi lễ mà họ phát hiện ra trong tôn giáo Aztec – chẳng hạn như lễ ăn chay và lễ hiến tế, cũng như biểu tượng hình chữ thập – và nhớ lại những câu chuyện xưa về Thánh Tôma với sự sợ hãi. Trời cao đã thăm lại trái đất và Mexico sẽ lại được rửa sạch máu. Một lần nữa, Vương Quốc Thiên Chúa đã đến mở đường cho vinh quang của Đức Mẹ Guadalupe.
Truyền thuyết về Thánh Tôma và người Aztec là truyền thuyết hoang đường, do đó nó đưa ra thách thức rất lớn về Thánh Tôma đối với tất cả những ông Tôma nghi ngờ khi nói đến sự thật hoang đường được che giấu trong truyền thuyết hoang đường của Kitô giáo. Công Giáo thật tuyệt vời, do đó việc miêu tả nó theo kiểu giả tưởng là phù hợp. Theo nhiều cách, sự thật về sự thánh thiện dễ tiếp cận hơn thông qua những câu chuyện hoang dã và tuyệt vời vượt qua giới hạn của sự thật như người ta thường biết, vì sự thánh thiện là sự thật cao hơn. Những câu chuyện về các thánh phải đem lại yếu tố nâng cao cho cuộc đời của các thánh, giúp họ thể hiện rõ ràng như những công dân của hai thế giới – hai thế giới mà các ngài đã giúp nối kết với nhau trong Chúa Giêsu Kitô.
Hành động của truyền thuyết làm cho những khía cạnh vô hình của vị thánh trở nên hữu hình, rõ ràng và hấp dẫn hơn, đem lại cho các anh hùng của Giáo Hội một chiều kích vượt xa lịch sử đơn thuần và nhân loại đơn thuần. Bằng cách cường điệu những đặc điểm phi thường của tổ tiên thánh thiện, những truyền thuyết sùng đạo nhấn mạnh chính lý do họ là những vị thánh. Giống như Thánh Tôma, người Công Giáo được mời gọi nhìn xa hơn những bằng chứng trước mắt, tin vào phép lạ và lạc quan khi bi quan là kết luận hợp lý duy nhất. Đó là đức tin, đó là con đường thường bị che phủ trong sự khó hiểu và thử thách. Cuộc sống có thể là cuộc hành hương tăm tối, không có con đường rõ ràng hướng tới ánh sáng và sự sống. Vì vậy, chúng ta bước đi nhờ đức tin, không phải bởi mắt thấy. Bản Ballad huyền thoại của Chesterton hát: “Hỡi những người đàn ông làm Dấu Thánh Giá của Chúa Kitô, hãy vui vẻ đi trong bóng tối.” Người Công Giáo phải tự tin và tiếp tục dù họ tiến bước một cách mù quáng – chỉ nhìn qua tấm gương, mơ hồ – và luôn sẵn sàng kêu lên mỗi khi bất chợt vui mừng nhận ra rằng chúng ta đang ở trong vòng tay của Chúa Kitô Phục Sinh: “Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con!”
SEAN FITZPATRICK
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ)
Lễ Thánh Tôma Tông Đồ – 2024
- Tổng Hơp: